ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Bác Hồ trong trái tim đồng bào thượng du Thanh Hóa

(TTV) - Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm sâu nặng cho mảnh đất và con người xứ Thanh, đặc biệt là đối với đồng bào thượng du. Dù mỗi lần về Thanh Hoá, Bác chưa thể đi hết các vùng miền, chưa thăm được dải đất miền biên viễn, nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng Người vẫn luôn hướng về nơi này với nhiều yêu thương, tin tưởng. Và, suốt bao năm qua, trong trái tim của đồng bào thượng du Thanh Hóa, hình ảnh Bác Hồ luôn thiêng liêng, cao quý, là động lực, là tấm gương để đồng bào noi theo, phấn đấu hết mình trong công cuộc bảo vệ xây dựng đất nước, quê hương.

21/05/2022 22:57

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần về thăm Thanh Hóa; lần đầu tiên là vào ngày  20/2/1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc vừa mới bắt đầu.

Trong lần về thăm đầu tiên ấy, Người đã căn dặn “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.  Người dự định lên thăm đồng bào vùng thượng du, nhưng chưa thể thực hiện được. Bởi vậy, Bác đã  viết một lá thư, gửi đồng bào thượng du Thanh Hóa, với những lời lẽ trìu mến, yêu thương: “Cùng đồng bào yêu quý! Tôi đến thăm Thanh Hóa, tôi định lên thăm đồng bào, nhưng có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Tôi lấy làm tiếc. Lần sau có dịp tôi sẽ lên thăm các đồng bào. Lúc này, toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc...”

Suốt 75 năm qua, lời nhắn gửi trong lá thư của Bác Hồ đã trở thành động lực to lớn, để đồng bào thượng du Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu, cùng dân tộc đi qua 2 cuộc kháng chiến trường chinh bảo vệ nền độc lập, và sau đó, bước vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa hôm nay.

Miền thượng du xứ Thanh gồm 11 huyện. Đây là nơi quần cư sinh tụ suốt bao đời của 7 dân tộc anh em: Kinh, Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Trong chiến tranh, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đồng bào thượng du đã hăng hái xung phong ra trận, tích cực trong lao động sản xuất, góp phần cùng quân dân cả nước đánh thắng giặc thù.  

Trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa có 2 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là người dân tộc thiểu số: Anh hùng  Lò Văn Bường và anh hùng Trương Công Man.

Anh Hùng Lò Văn Bường sinh năm 1924, quê  xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân. Khi đất nước có chiến tranh, vào tuổi 18 đôi mươi, chàng trai người dân tộc Thái đã tình nguyện xung phong lên đường chiến đấu. Rời rừng núi quê hương, ông tham gia kháng chiến, và được điều về Trung đội 3, sư đoàn 355.  Tháng 10/1949, ông được điều sang chiến đấu tại huyện Hủa Phăn, Nam Xiêng Khoảng, Sầm Tớ của nước bạn Lào.Trên đất bạn, dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, song bằng sự dũng cảm, mưu trí của mình, ông cùng các đồng đội đã làm tốt công tác dân vận. Sự kiện làm nên tên tuổi của chiến sĩ Lò Văn Bường, là  khi ông gặp toán thổ phỉ tại Mường Khun. Đối mặt với hàng chục tên địch, ông vẫn chiến đấu anh dũng, thà hy sinh chứ nhất định không chịu hàng. Lần ấy, dù bị bắn trọng thương, ông vẫn đả thương nhiều tên địch và trốn thoát vào rừng.

Những năm tháng hoạt động tại Lào, ông đã xây dựng được cơ sở vững chắc sau lưng địch, vận động người dân đi theo Cách mạng, phát triển phong trào du kích địa phương; lập nhiều chiến công, được đồng đội và quân dân nước bạn Lào ghi nhận.

Với những đóng góp to lớn trong kháng chiến chống Pháp, Lò Văn Bường, người con của núi rừng Thường Xuân đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào tháng 5 năm 1956. Sau khi kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, ông tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ tuyến đường huyết mạch từ cầu Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa  đến Phà Ghép ( nay thuộc thị xã Nghi Sơn). Chiến tranh qua đi, rời tay súng, về với cuộc sống đời thường, anh hùng Lò Văn Bường lại trở thành tấm gương sáng , mở hướng đi cho đồng bào dân tộc Thái Xuân Lẹ trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ngày hôm nay, trở lại đất Thường Xuân, căn nhà nhỏ đơn sơ vẫn còn, nhưng anh hùng Lò Văn Bường thì đã thành người thiên cổ. Một đời chiến chinh oanh liệt khép lại, ông ra đi lặng lẽ như bao người con sinh ra trên mảnh đất này. Thế nhưng, tình cảm thương kính mà bà con nơi đây dành cho vị anh hùng của quê hương thì vẫn vẹn nguyên. Ông là niềm tự hào của các thế hệ người dân trên vùng đất thơm quế ngọc châu Thường. Và những chiến công mà ông đóng góp cho 2 cuộc kháng chiến của toàn dân tộc vẫn được đất nước, quê hương mãi mãi khắc ghi.

Anh hùng Lò Văn Bường không còn nữa, nhưng căn nhà nơi bản nhỏ vẫn luôn ấm áp tiếng nói cười. Đoàn thanh niên, trường học, các tổ chức đoàn thể vẫn thường xuyên cử người đến  dọn dẹp, giúp đỡ cháu con ông những công việc hàng ngày. Đó là cách mà thế hệ trẻ thể hiện lòng biết ơn dành cho người anh hùng giản dị của bản làng, để rồi từ lòng biết ơn ấy, họ có thêm động lực, noi gương ông, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng no ấm.

Sau kháng chiến chống Pháp, đồng bào thượng du Thanh Hóa lại cùng nhân dân toàn tỉnh bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy cam go, thử thách. Biết bao liệt sĩ đã nằm xuống, để đổi lấy độc lập tự do cho đất nước, quê hương.

Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Thị Khói là người dân tộc Thái, có 2 người con trai đã hy sinh là Lliệt sỹ Hà Xuân Vượng, hy sinh năm 1969 tại chiến trường phía Nam, và liệt sỹ Hà Thanh Vững, hy sinh năm 1983 tại chiến trường Cam Pu Chia. Máu xương của các anh để lại  nơi chiến địa đã góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc cũng như thực hiện nghĩa vụ Quốc tế cao cả. Nhưng nỗi đau của mẹ thì không vinh quang nào có thể đắp bù.

Mẹ  Hà Thị Khói năm nay đã 101 tuổi. Sức khỏe suy yếu nhiều, trí nhớ cũng phai mờ theo năm tháng. Nhưng ký ức về những người con trai xả thân vì nước thì mẹ vẫn còn ghi nhớ. Ngày đó, cuộc sống  vùng cao quá đỗi khó nghèo, mẹ chẳng thể có nổi một tấm ảnh thờ con. Sau mấy chục năm, thứ các anh để lại cho mẹ là 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công và nỗi thương nhớ chẳng thể nguôi ngoai.

Bá Thước là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước đã có hàng ngàn người con của Bá Thước mãi mãi nằm lại trên các chiến trường. Toàn huyện có 1.003 liệt sĩ, 81 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 03 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân,  345 thương binh; 135 bệnh binh; gần 5.000 người tham gia kháng chiến được Nhà nước khen thưởng  và hàng vạn người là bộ đội, công nhân quốc phòng, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngày hôm nay, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bá Thước vẫn tiếp tục phấn đấu học và làm theo lời Bác dạy, xây dựng Bá Thước trở thành huyện khá của tỉnh Thanh.

Đi qua hai cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước, hòa bình lập lại, đồng bào thượng du Thanh Hóa lại tiếp tục nỗ lực học tập và làm theo lời Bác trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương phát triển về mọi mặt. Từ phong trào này, nhiều tấm gương điển hình tiên tiến xuất hiện.

Bệnh binh Nguyễn Đình Hải hiện sống tại xã Điền Trung, huyện Bá Thước. Tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông đã đi qua những trận đánh ác liệt trên chiến trường phía Nam. Thuở ấy, ông và đồng đội luôn lấy lời dạy của Bác Hồ làm động lực, để vượt qua gian khó, hiểm nguy, chiến đấu anh dũng và mưu trí, lập nhiều chiến công.

Gia đình ông Nguyễn Đình Hải hiện có 3 ha trang trại trồng luồng, cây ăn quả và cây dược liệu.
Gia đình ông Nguyễn Đình Hải hiện có 3 ha trang trại trồng luồng, cây ăn quả và cây dược liệu.

Năm 1990, sau gần 20 năm quân ngũ, trở về địa phương, phát huy tinh thần bộ đội Cụ Hồ, ông Nguyễn Đình Hải tiếp tục nỗ lực tìm hướng đi phát triển kinh tế. Vùng đất này trước kia là đồi hoang khô cằn,  giờ đã trở thành vườn cây xanh tốt, mỡ màng. Gia đình ông Nguyễn Đình Hải hiện có 3 ha trang trại trồng luồng, cây ăn quả và cây dược liệu. Mỗi năm, mô hình nông nghiệp này đem lại cho ông nguồn thu khoảng 200 triệu đồng.  Ngoài làm giàu cho gia đình, ông còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Anh Vi Thế Thiệp, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hang, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa
Anh Vi Thế Thiệp (áo trắng), Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hang, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa là một trong những tấm gương điển hình của phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Anh Vi Thế Thiệp, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Hang, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa cũng  là một trong những tấm gương điển hình của phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm nay mới hơn 40 tuổi, nhưng anh Thiệp đã có gần 20 năm làm cán bộ bản. Bản Hang là bản của đồng bào dân tộc Thái, trước đây, đời sống của người dân nghèo đói, vất vả. Từ khi đảm nhiệm vai trò trưởng bản, anh Thiệp đã nỗ lực vận động bà con làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo; đặc biệt chú trọng phát triển du lịch. Từ năm 2003, anh  tìm cách kết nối tour du lịch sinh thái cộng đồng đến bản Hang, vào từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà con cải tạo cơ sở vật chất, học hỏi kĩ năng làm dịch vụ du lịch. Sau gần 20 năm, giờ đây bản Hang đã trở thành bản du lịch cộng đồng nổi tiếng của huyện Quan Hóa. Các homestay mọc lên, người dân không chỉ biết làm nông nghiệp mà đã tiếp cận được loại hình phát triển kinh tế mới. Cảnh quan bản làng ngày càng được nâng cấp, thu hút du khách trong nước và Quốc tế. Có thời điểm, mỗi năm, bản đón 4.000 lượt khách Quốc tế và 2.000 lượt khách trong nước.

Có thể nói, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần tạo nên sự đổi thay ngoạn mục cho các huyện miền Tây Thanh Hóa. Trong thời gian qua, mà đặc biệt là hơn 5 năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa luôn nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện chính sách dân tộc. Nhờ đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển toàn diện về mọi mặt; góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân.

Để cụ thể hóa quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ, giúp cho kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất tại vùng dân tộc thiểu số của Thanh Hóa đã được cải thiện rõ rệt. Hệ thống  đường giao thông được cứng hóa đến từng thôn, bản. Lĩnh vực y tế cũng có những bước tiến  đáng kể về cơ sở vật chất và trình độ y bác sĩ. Chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân có chuyển biến tích cực.

Sự nghiệp giáo dục tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được quan tâm đầu tư, do đó,  đã có những phát triển  nhanh chóng cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Tại 11 huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn  660  trường học các cấp, trong đó có gần 60% trường đạt chuẩn quốc gia. Việc thực hiện các chính sách dân tộc, đồng thời lồng ghép với các chương trình, dự án, chính sách khác, đã giúp đồng bào đẩy mạnh sản xuất, tạo thêm việc làm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống.

Nhằm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 23-7-2021, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 624-QĐ/TU về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020. Đến năm 2025, hoàn thành công tác định canh, định cư; quy hoạch, di dời hơn 4.500  hộ dân đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến các điểm dân cư nông thôn, khu vực dân cư mới, khu vực an toàn.

Chương trình cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2,67%/năm trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3%/năm trở lên. Về với vùng thượng du Thanh Hóa hôm nay, cuộc sống đã đổi thay nhiều. Vùng đất khó nghèo đang khởi sắc, bắt kịp dần sự phát triển của miền xuôi. Năm tháng qua đi, bao đổi dời thế sự đã diễn ra, song trong trái tim của đồng bào vùng cao, hình ảnh Bác Hồ vẫn luôn tỏa rạng, tiếp sức cho đồng bào cùng Đảng bộ, chính quyền nơi đây nỗ lực vượt qua khó khăn, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

An Thư-Mạnh Tuấn- Minh Quang/Phim tài liệu ngày 19.5


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Ứng phó với không khí lạnh tăng cường, rét và gió mạnh trên biển

Ứng phó với không khí lạnh tăng cường, rét và gió mạnh trên biển

08:55 , 26/12/2024

Thực hiện Công văn số 9885/BNN-ĐĐ ngày 25/12/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố và các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Không còn đăng kiểm tạm 15 ngày với ô tô

Không còn đăng kiểm tạm 15 ngày với ô tô

08:31 , 26/12/2024

Để đồng nhất với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 47 quy định về kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy. Một trong những điểm mới của Thông tư này là, từ ngày 1/1/2025, các cơ sở đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận đăng kiểm tạm 15 ngày cho xe ô tô như hiện nay.

Quy định mới về quản lý xe hợp đồng

Quy định mới về quản lý xe hợp đồng

08:27 , 26/12/2024

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 158 quy định về hoạt động vận tải đường bộ, trong đó có nhiều quy định sửa đổi đối với quản lý xe hợp đồng.

Tăng cường biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi

Tăng cường biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi

07:51 , 26/12/2024

Những ngày này, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến Thanh Hóa. Tại các huyện miền núi, nhiệt độ giảm sâu vào ban đêm và sáng sớm gây ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của người dân. Để chủ động phòng chống đói, rét cho vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đang tăng cường chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi.

Đêm ngày 26/12, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Thanh Hóa

Đêm ngày 26/12, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến Thanh Hóa

07:03 , 26/12/2024

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, đêm 26 và ngày 27/12, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa; từ đêm 27/12, không khí lạnh được tăng cường mạnh hơn.

Trao hơn 1500 suất quà cho nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn

Trao hơn 1500 suất quà cho nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn

23:01 , 25/12/2024

Chiều ngày 25/12, Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa và Công đoàn khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp đã tổ chức trao quà của nhà tài trợ cho nữ đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và quá tải các bãi rác

Tập trung xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và quá tải các bãi rác

20:10 , 25/12/2024

Trong thời gian qua, tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tập trung và quá tải tại nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của Nhân dân và thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Khắc phục tình trạng này là vấn đề đang được cấp ủy, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng tập trung giải quyết.

Tập đoàn Bất động sản Đông Á hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

Tập đoàn Bất động sản Đông Á hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

20:09 , 25/12/2024

Chiều ngày 25/12, Tập đoàn Bất động sản Đông Á đã trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà cho 3 hộ nghèo, hộ có khó khăn về nhà ở trên địa bàn phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn với tinh thần hưởng ứng Chỉ thị số 22, ngày 30/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Tin cuối cùng về cơn bão số 10

Tin cuối cùng về cơn bão số 10

19:31 , 25/12/2024

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, chiều tối ngày 25/12, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 10) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển ngoài khơi từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu.

Rộn ràng không khí Giáng sinh tại thành phố Thanh Hoá

Rộn ràng không khí Giáng sinh tại thành phố Thanh Hoá

11:09 , 25/12/2024

Không khí rộn ràng của ngày lễ Giáng Sinh đã tràn ngập khắp mọi nẻo đường tại thành phố Thanh Hoá. Vui vẻ và hạnh phúc đó là những cảm xúc mà mỗi người dân dù tín ngưỡng là lương hay giáo đều đón nhận và tận hưởng trong ngày lễ lớn này.