Bản Suối Tôn - Nỗ lực ngày mới
Ở xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa có một bản nhỏ, cư dân 100% là đồng bào Mông, đa số theo đạo Công giáo; đó là bản Suối Tôn. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chủ động vươn lên của từng hộ dân, đến nay cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Câu chuyện về hành trình nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới của đồng bào Mông ở bản Suối Tôn thêm một lần nữa khẳng định: ở đâu có sự gắn kết, hòa nhịp giữa ý Đảng, lòng dân thì ở đó luôn có con đường dẫn lối cho Nhân dân hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Từ khu vực cầu treo Phú Sơn, vượt quãng đường hơn 10 km, qua 3 bản của người Thái, 1 bản người Mường thì đến bản Suối Tôn, bản người Mông duy nhất ở huyện Quan Hóa.
Bản Suối Tôn có 82 hộ đồng bào Mông, tổng số hơn 400 người, 90% theo Đạo Công giáo. Bà con di cư từ Sơn La, Lào Cai, Yên Bái sang đất Quan Hóa của Thanh Hóa từ đầu những năm 90, sống du canh du cư trên núi cao, trong rừng sâu, sau đó nhờ sự vận động của các cấp chính quyền địa phương, mới định canh định cư tại khu vực này.
Bà Sùng Thị Chia năm nay 83 tuổi. Năm 1999, gia đình bà di cư từ Sơn La về Thanh Hóa, rồi định cư tại bản Suối Tôn. Gần ¼ thế kỷ gắn bó với đất này, bà Chia không khỏi bùi ngùi xúc động khi chứng kiến nhiều sự đổi thay của đất và người nơi đây.
Bà Sùng Thị Chia, bản Suối Tôn, xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa chia sẻ: "Trước kia, nơi đây khó khăn lắm, không có đường, không điện và điện thoại, giờ thì cuộc sống bà con đã tốt hơn rồi, có đường, điện sáng và điện thoại, con cháu được chăm lo học hành".
Người Mông ở bản Suối Tôn có tập quán chọn nơi sinh sống ở ven suối. Vì vậy, cư dân ở đây chia thành 4 khu, nằm men theo 4 con suối nhỏ: Ca Ín, Sa Lém, Phung và Suối Bún.
Trong khoảng 10 năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, sự chủ động vào cuộc của huyện và xã, cùng tinh thần vươn lên, không trông chờ ỷ lại của đồng bào, bản Suối Tôn ngày càng "thay da đổi thịt". Hiện đường liên bản, nội bản đã được bê tông hóa. Cơ sở hạ tầng ngày càng được cấp. Điểm trường mầm non và tiểu học được xây dựng khang trang bằng ngân sách Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu giáo dục tại chỗ cho đồng bào.
Trước kia, bà con chỉ biết đi rừng, làm nương rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ. Hai năm qua, bản đã có hơn chục hộ tham gia mô hình trồng cây gai xanh, trồng thí điểm trên diện tích 5 ha, nhằm tạo sinh kế, tăng thu nhập.
Ông Mùa A Lo, người uy tín của bản, cũng là đảng viên đầu tiên của Chi bộ, đã gương mẫu đi đầu trồng cây gai xanh từ tháng 8 năm 2022. Trừ vụ đầu tiên chưa có thu nhập do thiếu kinh nghiệm, năm nay, nhà ông cũng đã có nguồn thu 4 đến 5 triệu đồng 1 vụ thu hoạch. Qua hai vụ, ông Lo thấy bước đầu cây gai xanh đã mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Mùa A Lo, Người uy tín Bản Suối Tôn, xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Là đảng viên phải gương mẫu đi đầu làm để dân tin; mong muốn được tập huấn thêm kiến thức về giống, phân bón và chăm sóc để cây gai to hơn và được giá".
Đến với sản Suối Tôn hôm nay, dễ dàng nhận ra có thêm nhiều ngôi nhà mới khang trang. Nhiều nhà hiện đang tập trung sửa chữa và xây mới. Hai năm qua, bản đã được hỗ trợ nguồn ngân sách, cùng sự chung tay của các tổ chức đoàn thể và các nhà hảo tâm, xây nhà cho đồng bào an cư, phát triển kinh tế. Năm 2022, bản Suối Tôn có 3 ngôi nhà mới từ Chương trình hỗ trợ nhà Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ Quốc tỉnh. Năm 2023, bản tiếp tục có thêm 16 nhà được sửa chữa và xây mới từ nguồn vốn dành cho người nghèo vùng đặc biệt khó khăn.
Gia đình chị Thao Thị Giai từng rời bản đi làm ăn xa ở các tỉnh phía Bắc. Năm ngoái, khi được hỗ trợ xây nhà, vợ chồng chị đã về lại bản sinh sống, lập nghiệp. Hiện chị làm nương rẫy, ở nhà chăm sóc con cái, chồng đi làm thêm ở thị trấn huyện.
Chị Thao Thị Giai, bản Suối Tôn, xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Năm ngoái nhà mình được xây nhà mới, vui lắm, mình mong rằng bản có thêm mô hình kinh tế, hỗ trợ cây, con để vợ chồng có thêm thu nhập, chồng không phải đi làm ăn xa nữa".
Bản Suối Tôn có 74/82 hộ theo đạo Công giáo. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, một nhà nguyện khang trang đã được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con giáo dân sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật. Nhằm vận động đồng bào theo đạo thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xã Phú Sơn đã có nhiều cách làm chủ động, sáng tạo. Các đồng chí cấp ủy của xã tăng cường tham dự các buổi sinh hoạt Đảng cùng chi bộ bản, thường xuyên giao ban với cán bộ chiến sỹ Đội liên ngành đóng chân tại bản để nắm bắt tình hình; phối hợp với các tổ chức đoàn thể kiểm tra tiến độ từng phần việc mà bản đang triển khai; chăm lo xây dựng Đảng, kết nạp Đảng viên mới; nhân rộng các mô hình kinh tế; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhờ vậy mà đồng bào Mông theo đạo ở đây một lòng tin Đảng, kính Chúa yêu nước, yên tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa cho biết: "Đối với bản Suối Tôn, xã đã tăng cường cán bộ công chức vào sinh hoạt với chi bộ thôn bản, phát huy sức mạnh của các tổ chức chính trị xã hội của xã, vận động từng hội viên, tham gia tích cực phong trào thi đua, xóa đói giảm nghèo cho bà con Nhân dân".
Dẫu bản Suối Tôn đã có nhiều đổi thay đáng mừng, song vẫn còn đó những khó khăn trên hành trình nỗ lực thoát nghèo bền vững. Cả bản vẫn còn trên 70 hộ nghèo. Tỷ lệ người Mông chưa biết tiếng Kinh vẫn còn nhiều, nên khó khăn trong việc tiếp nhận các thông tin, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Có khoảng 50 thanh niên thường xuyên đi làm ăn xa, khiến công tác quản lý nhân khẩu gặp nhiều bất cập, việc phát triển nguồn đảng viên và duy trì sinh hoạt cho đảng viên trẻ cũng gặp nhiều trở ngại.
Về kinh tế, ngoài bộ phận làm nương rẫy và lao động tự do, thì số hộ tham gia các mô hình phát triển sản xuất rất ít. Có khoảng 20 chị em phụ nữ tranh thủ làm thêm nghề thêu thùa, mức thu nhập vẫn còn quá ít ỏi. Do thói quen định cư ở ven suối, 82 hộ nằm rải rác trên 3 km, xen kẽ giữa các đồi rừng và khe suối, nên đất đai canh tác manh mún, lại ở những độ cao khác nhau, khó tiếp cận nguồn nước. Việc thiết kế hệ thống tưới tiêu tập trung rất khó khăn, tốn kém. Những yếu tố này đang làm cản trở phát triển sản xuất của đồng bào, không dễ gì giải quyết trong một sớm một chiều.
Chia khó với đồng bào bản Suối Tôn, thời gian qua có nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ. Mới đây, một đoàn thiện nguyện đã yêu mến vùng đất này mà đến với bà con. Những món quà ấm áp nghĩa tình đã được trao cho dân bản và các cô giáo điểm trường mầm non, tiểu học Suối Tôn.
Điểm trường mầm non Suối Tôn có gần 80 bé đang theo học. Đoàn thiện nguyện đã tặng thêm gạo, tiền mặt để hỗ trợ bữa ăn cho các bé. Hầu hết các gia đình đều nghèo khó, thiếu thốn, nên suất ăn ở trường là bữa chính của các bé. Theo chế độ Nhà nước, mỗi bé được hỗ trợ 160 ngàn đồng/ tháng, nhưng các con ăn không đủ. Vì vậy, cán bộ xã và các cô giáo luôn cố gắng tìm thêm nguồn hỗ trợ, hoặc tự mình đóng góp để bữa ăn của các con đầy đủ, tươm tất hơn.
Chị Nguyễn Thị Cúc, giáo viên Trường THCS Lê Lợi, Thành phố Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi rất xúc động và tự hào khi về thăm lại mảnh đất từng 20 năm gắn bó, mong muốn chia sẻ khó khăn và động viên đồng bào vươn lên trong cuộc sống".
Hành trình nỗ lực vươn lên tìm cuộc sống ấm no, hạnh phúc ở bản Suối Tôn chỉ đạt được mục tiêu đề ra khi phát huy được tinh thần tự lực, khát vọng vươn lên từ mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ. Vậy nên việc tìm ra những nhân tố tích cực để bồi dưỡng phát triển Đảng, phát triển nguồn cán bộ, gây dựng những hạt mầm tri thức để sau này đóng góp xây dựng bản làng, luôn là bài toán mà những người lãnh đạo ở xã Phú Sơn trăn trở.
Em Mù Thị Khua là học sinh duy nhất ở bản Suối Tôn tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023, mức điểm của em có thể đậu vào một số trường đại học. Có được người như em để gây dựng hạt nhân tri thức là rất hiếm trong phụ nữ đồng bào Mông. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, em không dám theo đuổi con đường học vấn. Không muốn ước mơ của em dang dở, lãnh đạo xã và những nhà hảo tâm đã đến tận nhà động viên, tìm cách tháo gỡ.
Làm sao để những người trẻ ở bản Suối Tôn thêm yêu con chữ, có khát vọng tìm đến với tri thức, tự tin trên con đường lập thân, lập nghiệp? Làm sao để bà con có cuộc sống tốt hơn tại quê hương, không còn vất vả bươn chải nơi đất khách quê người? Chỉ khi được tạo thêm nhiều sinh kế bền vững, đời sống ngày một ấm no, thì đồng bào mới có điều kiện chăm lo tốt hơn cho sự học của con trẻ. Khi ấy, niềm vui từ những ánh mắt trẻ thơ sẽ rạng ngời hơn. Chăm lo cho các em ngay từ bây giờ mỗi ngày, chính là gây dựng tương lai tươi sáng cho bản làng mai sau.
Dự báo thời tiết 21/11/2024: Thanh Hóa và nhiều tỉnh miền Trung mưa lớn
Dự báo thời tiết 21/11/2024, các tỉnh miền Trung hứng chịu mưa lớn diện rộng, khu vực Thanh Hóa cục bộ có nơi mưa to đến rất to.
Tiêu hủy thành công quả bom còn sót lại sau chiến tranh
Ban chỉ huy Quân sự huyện Thường Xuân, phối hợp với Ban Công binh Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa tổ chức tiêu hủy thành công quả bom còn sót lại sau chiến tranh tại xã Tân Thành.
Cảnh báo, dự báo sóng lớn trên vùng biển Thanh Hóa
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch Đông, vùng biển ven bờ Thanh Hoá có gió Đông Bắc cấp 4, ngoài khơi cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
Nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình
Triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình là giải pháp quan trọng để thực hiện Chính phủ điện tử, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ và các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hướng tới đạt được mục tiêu đề ra.
Kiểm soát tải trọng phương tiện ngay từ đầu mỏ khai thác
Để nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng phương tiện, Công an huyện Nông Cống đã tăng cường ngăn chặn, xử lý ngay tại các khu vực khai thác, bãi mỏ hay điểm tập kết hàng hoá.
Phấn đấu năm 2025 phủ sóng tất cả vùng lõm viễn thông
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ tháng 1 đến tháng 9/2024, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng 316 thôn chưa có sóng di động, nâng tổng số thôn đã phủ sóng từ năm 2021 đến tháng 9/2024 là 2.549/3.310 thôn. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 761 thôn chưa có sóng viễn thông, chủ yếu là các thôn bản đặc biệt khó khăn.
Phát huy vai trò người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa
Những năm qua, ở miền núi Thanh Hóa, lực lượng người uy tín có những đóng góp quan trọng nhằm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số một cách kịp thời. Họ là những tấm gương sáng trong mọi phong trào, là “điểm tựa” của đồng bào các dân tộc vùng cao.
Người dân gửi ngân hàng gần 7 triệu tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tính đến hết tháng 8 đạt gần 7 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. So với cuối tháng 7 năm nay, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân đến cuối tháng 8 tăng trên 86.000 tỷ đồng.
Áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 9 đã suy yếu thành một vùng áp thấp
Sáng sớm ngày 20/11, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 9) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa.
Vĩnh Lộc: Tập huấn nghiệp vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2024
Để chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 – 2030, sáng ngày 19/11, Huyện ủy Vĩnh Lộc đã tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2024.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.