Cải cách môi trường kinh doanh thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Đây được coi như kim chỉ nam định hướng phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước dịch bệnh.
Được ban hành trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm vì tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Nghị quyết 02/NQ-CP đã kế thừa nhiều nội dung và tinh thần của những năm trước, nhưng có bổ sung những điểm mới cần thiết nhằm tiếp lửa cải cách, hỗ trợ cần thiết cho Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.
Xử lý tận gốc
Nghị quyết đặt mục tiêu cải thiện mạnh mẽ, nâng cao vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập;
giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh. Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó có yêu cầu tiếp tục tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ, cơ quan được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần...
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chỉ ra hai điểm mới của Nghị quyết 02 mà ông tâm đắc. Đó là cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và dỡ bỏ sự chồng chéo, khác biệt và mâu thuẫn của các quy định trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các Nghị quyết trước đây chủ yếu yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh nên chỉ là cắt ngọn. Còn lần này nêu rõ yêu cầu cắt giảm danh mục, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tức là cắt tận gốc.
Đồng thời các nhóm giải pháp cũng được đặt ra một cách trọng tâm và chi tiết hơn. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, rà soát để cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; thu hẹp phạm vi một số ngành nghề, đưa một số ngành nghề ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện nếu có biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Việc thực hiện đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn, không có mục tiêu quản lý hoặc không có mục tiêu quản lý rõ ràng sẽ phải hoàn thành trong năm 2023. “Khi không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì điều kiện kinh doanh ngành nghề đó cũng tự mất đi. Đây là cách tiếp cận tốt nhưng sẽ khó làm”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), Nghị quyết 02 đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện những chỉ số Việt Nam đang có điểm số thấp, những yếu tố phù hợp cho giai đoạn đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0 nhằm tạo ra sự phát triển và sáng tạo cho nền kinh tế. Đồng thời đề ra những giải pháp về cải cách thủ tục hành chính gắn với phân cấp và trao quyền nhiều hơn cho địa phương thông qua cơ chế giám sát, thanh tra, kiểm tra và hậu kiểm. Hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành tiếp tục được đẩy cao hơn nhằm đạt được cùng mức với các quốc gia trong khu vực cũng như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Với việc dỡ bỏ những rào cản về đầu tư, kinh doanh và chú trọng vào những nhóm vấn đề, lĩnh vực giúp nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng…, môi trường kinh doanh của Việt Nam chắc chắn sẽ có những thay đổi cần thiết để tiệm cận với những chuẩn mực quốc tế.
Quan trọng là triển khai thực hiện
Cảm nhận về sự chững lại của cải thiện môi trường kinh doanh rất rõ nét trong đợt bùng phát đại dịch Covid-19 vừa qua. Những khó khăn chưa từng có mà nền kinh tế phải đối mặt, lẽ ra là cơ hội để đẩy mạnh cải cách, nhưng đáng tiếc các địa phương lại thiếu nhất quán trong công tác điều hành, thực hiện giãn cách kéo dài khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, đứt gãy. Kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều ghi nhận một điểm chung về mong muốn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp trong hơn một năm đương đầu với đại dịch. Đó là đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm minh bạch, rõ ràng trong các chính sách; công minh và thái độ thân thiện của cán bộ cấp thực thi. Các doanh nghiệp cho rằng, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính là giải pháp bền vững, dài hạn và cũng có tác dụng như một gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là về thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường.
Nhưng trong thực tế không dễ để đạt được sự hỗ trợ này. Đơn cử như trong thời gian góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường vừa qua, các hiệp hội doanh nghiệp đã năm lần gửi kiến nghị đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bày tỏ mong muốn được đối thoại vì một số nội dung góp ý chưa nhận được phản hồi của cơ quan soạn thảo hoặc chưa được tiếp thu, chỉnh sửa để có tính khả thi cao, phù hợp với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.
Với sự kiên trì của cộng đồng doanh nghiệp, nhiều vấn đề đã được tháo gỡ, tiếp thu, đặc biệt là việc bỏ quy định thành lập Văn phòng EPR (quy định trách nhiệm của nhà sản xuất) do không có cơ sở pháp lý. Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam Vũ Tiến Lộc chia sẻ, doanh nghiệp mong mỏi điều này từ phía các cơ quan chính quyền, còn hơn là các hỗ trợ bằng tiền.
Cải cách là một hành trình gian khó. Chính vì vậy, mối băn khoăn lớn của TS Nguyễn Đình Cung là Nghị quyết 02/NQ-CP đã được ban hành kịp thời với những mục tiêu, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể, nhưng điều quan trọng nhất là sẽ được triển khai thế nào để đạt được kết quả cao nhất, vì việc thực hiện Nghị quyết 02 lần này sẽ rất cam go khi đụng vào lĩnh vực là lãnh địa của cơ chế “xin-cho”. Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Qua tám năm nỗ lực cải cách, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được nâng lên. Chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện tích cực cũng được thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Song cải cách đang có dấu hiệu chững lại. Từ năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, việc cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng ngày càng khó khăn và đòi hỏi nỗ lực cao hơn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự chia sẻ và hợp tác từ phía cộng đồng doanh nghiệp, người dân.
“Trước đây, chúng ta đưa ra nhiều giải pháp nhưng chưa đạt hiệu quả tốt. Một là do giải pháp không trúng, hai là thiếu cụ thể, thiếu người chủ trì. Không có áp lực hành chính của Thủ tướng Chính phủ, không có áp lực từ dư luận xã hội và cộng đồng doanh nghiệp thì không bao giờ có cải cách trong bộ máy hành chính. Điều mong mỏi của giới chuyên gia và doanh nghiệp hiện nay để Nghị quyết 02 thực hiện được tốt là Chính phủ sớm tổ chức hội nghị, hội thảo khởi động việc thực hiện nghị quyết. Quan trọng nhất là cần có một người, có thượng phương bảo kiếm để triển khai Nghị quyết một cách rốt ráo. Nghị quyết chỉ sống được khi phát sinh các sự kiện, vấn đề, được theo dõi, giám sát và báo cáo liên tục”, TS Nguyễn Đình Cung nhận định.
TÔ HÀ/ BÁO NHÂN DÂN
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm
Agribank Lang Chánh cho vay hơn 720 tỷ đồng phát triển kinh tế
Thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng thực hiện công tác huy động vốn, chủ động tạo nguồn cho vay phát triển sản xuất, nhất là cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển nghề truyền thống, cho vay phát triển kinh tế lâm nghiệp.
168 tỷ đồng cho vay ứng dụng công nghệ cao
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo và đôn đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Cơ quan thuế tăng cường chống thất thu ngân sách
Tổng cục Thuế vừa yêu cầu cơ quan thuế các cấp tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thu, nhất là thu từ hoạt động thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài.
Xây dựng mô hình sản xuất rau - hoa theo hướng hàng hoá ở vùng biên
Sáng ngày 20/11, tại xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả kinh tế - xã hội của các mô hình thuộc dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau và hoa theo hướng sản xuất hàng hóa tại một số huyện biên giới Thanh Hóa – Hủa Phăn nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”.
PGBank khai trương Chi nhánh Thanh Hóa
Sáng ngày 20/11, Ngân hàng thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) đã khai trương Chi nhánh Thanh Hóa tại số 15 đường Trần Phú, phường Điện Biên, thành phố Thanh Hóa. Đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tới dự.
Huyện Thọ Xuân đẩy mạnh thu ngân sách nhà nước
Để tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, huyện Thọ Xuân đã tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước.
Xuất khẩu hàng hóa gia tăng tại các thị trường chủ lực
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2024. Đây là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu tăng tốc để hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm. Nhiều tín hiệu tích cực cho thấy, xuất khẩu của hầu hết các ngành hành, nhóm hàng chủ yếu của tỉnh Thanh Hóa đều tăng tại các thị trường chủ lực.
Đưa gạo Thanh Hoá ra thị trường thế giới
Mới đây, 300 tấn gạo đã được Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn xuất sang thị trường Singapore. Việc sản phẩm gạo “made in Thanh Hoá” được xuất khẩu chính ngạch ra thế giới với quy mô lớn đã mở ra hướng phát triển không chỉ cho doanh nghiệp mà còn nâng tầm giá trị hạt gạo xứ Thanh.
Năm 2024: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có thể đạt 62 tỷ USD
Xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản của Việt Nam 10 tháng qua tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo 2 tháng còn lại của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng có thể đạt khoảng 5,5 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt mức kỷ lục 62 tỷ USD.
Đảm bảo nguồn cung thịt lợn dịp cuối năm
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thịt lợn có vai trò rất quan trọng trong việc bình ổn giá thực phẩm, do đó cần đảm bảo nguồn cung thịt lợn tăng thêm từ 10% đến 15% dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, không để xảy ra dịch bệnh và biến động giá cả.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.