Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo
Đường đến vinh quang chỉ dành cho những người có chí "vượt nắng, thắng mưa", dám đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Còn ai đó mới thấy sóng cả đã ngã tay chèo, né tránh, đùn đẩy thì không bao giờ đi tới đích, nói gì chuyện vươn ra biển lớn. Cuộc sống càng phát triển càng nhiều khó khăn, thử thách. Có xem đó là cơ hội để "lửa thử vàng" thì mới làm nên mùa vàng bội thu. Công cuộc đổi mới đất nước đang cần những con người như thế.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 38 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm sáng. Nhưng khó khăn còn nhiều; một số chủ trương, chính sách chưa được thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thậm chí có lúc, có nơi tinh thần bị chùng xuống. Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021; sau đó Chính phủ có Nghị định số 73/2023/NĐ-CP, ngày 29/9/2023 là để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Trèo non, những ước non cao
Vươn lên cuộc sống ấm no, hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Chính khát vọng ấy hun đúc nên ý chí con người Việt Nam, luôn muốn đương đầu với thử thách để khẳng định sức mình: "Trèo non, những ước non cao/Anh đi đò dọc ước ao sông dài". Khát vọng của dân tộc lại hội tụ, kết tinh trong Khát vọng Hồ Chí Minh, đó là, làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Với nghị lực phi thường, Người đã cùng Đảng ta biến khát vọng ấy thành hiện thực bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đúng như Người nói: "Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên".
Những thắng lợi viết nên bao trang sử vàng của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng không có thắng lợi nào là dễ dàng, mà phải đổi bằng xương máu của cả dân tộc, sự hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, nhiều người dám đánh cược sinh mệnh chính trị của mình vì lợi ích chung của đất nước. Việc "khoán chui" giao ruộng cho từng hộ nông dân những năm 1966-1968 của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc, trái với chủ trương của Đảng lúc bấy giờ là một thí dụ. Ông bị kiểm điểm phê bình, nhưng sau đó chính từ sự đột phá trong tư duy, cách làm ấy, Bộ Chính trị đã nghiên cứu cho ra đời Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp, khơi dậy sức lao động sáng tạo của người dân. Đó còn là quyết định thực hiện cơ chế một giá theo thị trường, xóa bỏ tem phiếu của Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính sau những năm 1975. Điển hình là Tổng Bí thư của thời kỳ đầu đổi mới Nguyễn Văn Linh, đã mạnh dạn thí điểm thay đổi cơ chế quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn khi làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đã có loạt bài viết trên Báo Nhân Dân trong chuyên mục Những việc cần làm ngay, từ năm 1987-1990, phê phán quyết liệt tư tưởng bảo thủ trì trệ, tham nhũng, yếu kém của cán bộ thời bấy giờ; là người góp phần làm xoay chuyển tình thế, mở đường cho sự nghiệp đổi mới. Điển hình là Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt quyết định táo bạo làm đường dây 500kV Bắc-Nam, dù có rất nhiều ý kiến phản đối.
Ở bối cảnh cụ thể, các việc làm "xé rào", quyết định táo bạo nói trên như "sóng cả", "sóng thần" thời ấy. Chỉ cán bộ có dũng khí, ý chí tiến công, khát khao đổi mới vì cái chung, mới vững tay chèo, đưa con thuyền tiến lên. Những câu chuyện hôm qua vẫn nguyên giá trị, vẫn là bài học, làm gương cho chúng ta hôm nay, nhất là khi một bộ phận cán bộ đang có tâm lý sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng, cốt để an phận.
Có cứng mới đứng được đầu gió
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, muôn việc thành công, hoặc thất bại đều do cán bộ tốt, hoặc kém. Cán bộ chỉ dám nghĩ, dám làm hiệu quả khi có trình độ chuyên môn giỏi, có năng lực, kinh nghiệm công tác, khả năng dự báo và xử lý tốt các tình huống xấu xảy ra, nhất là những vấn đề chưa có tiền lệ. Ông cha ta từng nói "Có cứng mới đứng đầu gió"; nếu không, chỉ làm hỏng việc; làm đại, làm liều lại càng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến phá hoại.
Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 73/2023/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đã khích lệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá nhiều hơn, nhưng chưa theo kịp đòi hỏi của thực tế hiện nay. Yêu cầu đặt ra là việc tổ chức thực hiện phải đồng bộ, quyết liệt hơn; phải có cơ chế rõ ràng hơn.
Theo ý kiến của nhiều cán bộ, kể cả lãnh đạo, quản lý và người làm chuyên môn, việc làm đầu tiên là các cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải xây dựng và thực hiện thật tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, hoặc quy định đã có nhưng không còn phù hợp với thực tiễn…mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung. Mọi sáng tạo, tư duy đột phá vì lợi ích chung cần được ủng hộ với sự sát cánh, kề vai của cấp ủy, người đứng đầu, tạo nguồn lực cho quá trình tổ chức thực hiện. Việc thành công thì nên khen thưởng động viên kịp thời, tạo sự lan tỏa trong các chương trình công tác. Việc không thành, thậm chí thất bại, cần được xem xét, phân tích thấu đáo các nguyên nhân, nếu động cơ trong sáng, không vụ lợi, có thể không xử lý trách nhiệm, nhưng cần tổ chức rút kinh nghiệm làm bài học chung. Ai lợi dụng chủ trương này để tùy tiện, "vung tay quá trán", khuếch trương cá nhân, gây hậu quả xấu thì phải xử lý nghiêm minh.
Đi liền với đó là, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá cán bộ. Đánh giá để giao việc đúng năng lực, sở trường, không thể cho "thợ mộc đi rèn dao". Đánh giá cán bộ một cách khách quan, công tâm trong quá trình công tác để ai có phẩm chất, năng lực tốt sẽ có kế hoạch đào tạo, cất nhắc; ai yếu kém thì bố trí việc khác. Đó là cách tạo động lực cho cán bộ cống hiến, gặp việc khó cũng không ngại. Còn như nội bộ mất đoàn kết, người tâm huyết với công việc thì ít, nhưng lại không thiếu người làm ít chê bai nhiều, soi mói nhau, hay "chọc gậy bánh xe"; người đứng đầu lại thiên vị, cán bộ có năng lực, song không thuộc cánh hẩu thì không quan tâm, thậm chí trù dập. Như thế cán bộ có giỏi đến mấy cũng khó phát huy được tài năng của mình.
Có một thực tế là, trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng được nâng cao, giỏi ở nhiều lĩnh vực. Song tình trạng phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí phấn đấu ở một bộ phận cán bộ vẫn là vấn đề lo ngại. Cán bộ giỏi lý thuyết nhưng lại thiếu năng động, sáng tạo trong tổ chức hoạt động thực tiễn, không dám đột phá, non nớt khi xử lý các tình huống bất ngờ, phức tạp, nhạy cảm.
Do vậy, để có cán bộ dám nghĩ, dám làm, công tác cán bộ phải chú ý cả đức và tài, trong đó đức là gốc. Cán bộ có trình độ chuyên môn đồng thời phải có phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sáng, tâm huyết với công việc, cống hiến cho sự phát triển chung của đất nước, địa phương, đơn vị, không dao động trước mọi khó khăn, thử thách, kể cả các luận điệu xuyên tạc, thù địch, hoặc giọng điệu bất mãn.
Đặc biệt là không chỉ dám nghĩ, dám làm mà cán bộ còn phải có bản lĩnh, tỉnh táo, dám vượt qua chính mình trước mọi cám dỗ của đời thường. Thực tế ngày càng cho chúng ta những bài học đắt giá, không ít cán bộ có trình độ, năng lực, kinh qua nhiều cương vị công tác quan trọng, có những đóng góp nhất định, được Đảng tin, dân mến, nhưng một chút lơi lỏng, tự đánh mất mình hay để cho người thân "nhúng chàm", làm tiêu tan sự nghiệp.
"Một cây làm chẳng nên non", muốn lớn thì phải dựa vào rừng; một cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, nhưng một mình thôi cũng rất khó làm nên việc lớn, nhất là khi cơ quan "năm bè bảy cánh" lại càng khó. Do đó, đi liền với việc hoàn thiện cơ chế khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm là xây dựng một môi trường công tác lành mạnh; tổ chức đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh, dân chủ, đoàn kết. Mọi việc cùng cộng đồng trách nhiệm; việc chưa thống nhất thì dân chủ bàn bạc để thống nhất và tất cả cùng bắt tay vào cuộc, như "ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
Dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung luôn tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam. Khi biết khơi dậy đức tính ấy bằng các cơ chế chính sách cụ thể, thì đường có dài, có khó khăn đến mấy, chúng ta cũng sẽ đồng hành đến đích như hẹn ước.

Thời sự phát thanh 17h ngày 01/4/2025
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình thời sự phát thanh trực tiếp 17h thứ 3, ngày 1/4/2025 của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về chính sách ưu đãi thị thực và quay trở lại quốc tịch Việt Nam
Chiều 31/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về chính sách miễn thị thực đơn phương và chính sách ưu đãi thị thực với một số đối tượng; việc quay trở lại quốc tịch Việt Nam với người Việt Nam ở nước ngoài.

Huyện Như Xuân sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị
Chiều ngày 31/3, Huyện ủy Như Xuân đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện Hồ chứa nước Bản Mồng
Sáng ngày 31/3, đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV đã có buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện Hồ chứa nước Bản Mồng, trên địa bàn tỉnh tỉnh Thanh Hóa.

Họp Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia
Chiều ngày 31/3, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện và chuẩn bị tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Hàm Rồng - những năm tháng không quên
Cách đây 60 năm, những chàng trai cô gái xứ Thanh đã đem tuổi thanh xuân lên trận địa, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ngày hôm nay, dù thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng trong trái tim của họ, những năm tháng hào hùng và bi tráng ấy mãi là ký ức không thể nào quên.

Khánh thành Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã
Nhân dịp Kỷ niệm 60 Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2025), sáng ngày 31/3, UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã ngày 14/6/1972, thuộc phường Nam Ngạn.

Phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa
Chiều ngày 31/3, đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh đã chủ trì phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo để thảo luận, đánh giá về tình hình, kết quả hoạt động quý 1 năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác. Dự phiến họp có đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban, ngành là thường trực và thành viên Ban Chỉ đạo.

Khánh thành Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh tại đê sông Mã ngày 14/6/1972
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng, sáng ngày 31/3, UBND thành phố Thanh Hóa đã tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại công trường đê Nam Sông Mã ngày 14/6/1972.

Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Hàm Rồng và các giáo viên, học sinh hy sinh trên công trường đắp Đê sông Mã
Nhân kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (ngày 3,4/4/1965 - 3,4/4/2025), tối 29/3, tại Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp Đê sông Mã, thành phố Thanh Hóa đã tổ chức Lễ cầu siêu tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Hàm Rồng và 64 thầy giáo, cô giáo và học sinh hy sinh trên công trường đắp Đê sông Mã. Dự lễ về phía tỉnh có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Thị Thanh Thuỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía thành phố Thanh Hoá có đồng chí Lê Anh Xuân, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ. Cùng dự lễ có đại diện đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo thành phố Thanh Hoá các tăng ni, phật tử cùng Nhân dân thành phố Thanh Hoá.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.