
Tập 3: Chớp thời cơ thần tốc
Qua các đợt hoạt động của quân và dân ta trên chiến trường trong hai năm 1973 và 1974 đã đẩy ngụy quân Sài Gòn ngày càng bị lúng túng về tác chiến và xây dựng lực lượng. Từ giữa năm 1974 trở đi, viện trợ của Mỹ giảm, kéo theo phương tiện chiến tranh và sức chiến đấu của chủ lực ngụy giảm sút mạnh.
Trong khi đó, về phía ta, trong năm 1974, việc xây dựng lực lượng, chuẩn bị chiến trường tiếp tục được tiến hành với nhịp độ ngày càng khẩn trương. Ba quân đoàn chủ lực lần lượt ra đời, một khối lượng vật tư chiến tranh khoảng 50 vạn tấn được chuyển vào miền Nam, hệ thống đường chiến lược, chiến dịch phát triển nhanh và ngày càng hoàn thiện. Nắm vững thời cơ cách mạng đang đến, từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị họp quyết định về quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, trong đó Nam Tây Nguyên là hướng chiến lược chủ yếu trong cuộc tổng tiến công lớn trong năm 1975.
Ngày 9/1/1975, Thường trực Quân ủy Trung ương đã họp quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị về Chiến dịch Tây Nguyên, với mật danh "Chiến dịch 275". Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H63 cho biết: lúc bấy giờ, quân sự Mỹ cũng đánh giá ai chiếm Tây Nguyên là chiếm cả Đông Dương, họ cũng có kết luận Tây Nguyên là nóc nhà của Đông Dương.
Với vị trí chiến lược quan trọng, địch đã tăng cường nhiều lực lượng tinh nhuệ nhằm bảo vệ vững chắc căn cứ tại Tây Nguyên. Vì vậy, với Tây Nguyên, cách đánh được xác định là tiến công nghi binh vào Pleiku và Kon Tum, cắt Đường 14, thu hút và giam chân phần lớn quân chủ lực của địch ở bắc Tây Nguyên; cắt đứt hai trục Đường 19 và 21 để ngăn chặn, tiêu diệt lực lượng dự bị của địch từ đồng bằng lên Tây Nguyên và quân địch ở Tây Nguyên rút chạy, nhằm cô lập Buôn Ma Thuột.
14 giờ ngày 28/2/1975, quân ta đã nổ súng đánh nghi binh vào Pleiku và Kon Tum để lừa địch, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, ngày 10 và 11/3, quân ta tiến công bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Đây là trận then chốt quyết định của chiến dịch, một trận "điểm đúng huyệt", làm rối loạn sự chỉ đạo chiến lược và đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
![[e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 3. [e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 3.](https://truyenhinhthanhhoa.qltns.mediacdn.vn/458221966042468352/2025/4/29/xe-doc-truong-son-5-17459393048172110550520.jpg)
![[e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 4. [e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 4.](https://truyenhinhthanhhoa.qltns.mediacdn.vn/458221966042468352/2025/4/29/7fe8bfe7ede65fb806f717-1745941619116679197426.jpg)
Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. (Ảnh: TTXVN)
50 năm đã qua, ký ức về những ngày tháng lịch sử vẫn vẹn nguyên đối với ông Nguyễn Ngọc Xương, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 25. Ngày 5/3/1975, đơn vị của ông được lệnh đánh chiếm điểm cao 519, tại Quốc lộ 21 nhằm cắt đứt đường chi viện từ đồng bằng lên và địch tháo chạy ở Buôn Ma Thuột xuống. Sau một thời gian ngắn chiến đấu với địch, ông Xương và các đồng đội đã giành được điểm cao 519, tạo thế kiểm soát tại Quốc lộ 21.
Ông Nguyễn Ngọc Xương, cựu chiến binh Trung đoàn 25 cho biết, trận đánh Buôn Ma Thuột đã cảnh báo cho địch cuộc chiến chuẩn bị bùng nổ.
Cách đây 50 năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắc Lắc chính là Sở Chỉ huy của quân Ngụy tại Buôn Ma Thuột. Mặc dù những dấu tích của chiến tranh không còn, nhưng ông Nguyễn Đức Thịnh vẫn nhớ rất rõ về ngày giải phóng thị xã.
Ngày 10/3/1975, sau khi tiến công và giành được quyền kiểm soát Sở Chỉ huy của Ngụy, tại thị xã Buôn Ma Thuột, ông Thịnh là người đã treo lá cờ của quân giải phóng lên nóc Sở Chỉ huy.
Từ ngày 14 đến 18/3, quân ta đánh trận then chốt thứ hai, đập tan cuộc phản kích của Quân đoàn 2 Ngụy, tạo thế chia cắt địch về chiến lược, đẩy quân địch ở Tây Nguyên vào thế tan vỡ.
Từ ngày 17 đến 24/3, quân ta đánh trận then chốt thứ ba, truy kích tiêu diệt tập đoàn quân địch rút chạy trên Đường số 7; giải phóng Kom Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên.
Đến ngày 24/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên kết thúc thắng lợi. Quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 2 thuộc Quân khu 2 ngụy quân Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 28 nghìn quân địch, thu và phá hủy 154 máy bay, 1.096 xe quân sự, trên 17.100 súng pháo các loại, Chiến dịch Tây Nguyên đã làm thay đổi cơ bản so sánh lực lượng và thế chiến lược giữa ta và địch trên toàn miền Nam.
Thắng lợi của chiến dịch có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn, tạo bước ngoặt quyết định, đưa cuộc tiến công chiến lược của ta phát triển thành cuộc tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Đại tá Nguyễn Đức Hải, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắc Lắc cho biết: Nếu địch còn nguyên một sư đoàn ở đây và các lực lượng kịp thời phát hiện chiến dịch của ta thì ta rất khó chiếm được thị xã Buôn Ma Thuột, đó là thực tế mà ta và địch đều đánh giá. Nhưng mà ta cao hơn địch là ở chỗ là ta nghi binh lừa địch và ta điều được địch đi để ta đánh vào Buôn Ma Thuột. Cho nên địch bị bất ngờ, trở tay không kịp và lâm vào thế bị động. Lúc ấy ta đã phục kích sẵn và ta đón lọng sẵn chờ nó đổ bộ xuống là ta chiến thắng.
Sau khi mất Tây Nguyên, thế phòng thủ của địch bị rung chuyển nghiêm trọng. Chớp thời cơ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lấy tên là mặt trận 475.
Ngày 5/3/1975, tiếng súng tiến công của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên khắp chiến trường Thừa Thiên Huế, chính thức mở màn chiến dịch. Trải qua 2 đợt tiến công: Đợt 1 từ ngày 5/3 đến ngày 14/3/1975; đợt 2 từ ngày 21/3 đến ngày 26/3/1975, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch cùng hệ thống chính quyền, thu hồi toàn bộ vũ khí và phương tiện chiến tranh của chúng.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, nguyên Chính trị viên Biệt động thành Huế, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chia sẻ với phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa về kỷ niệm từng trận đánh mà đội Biệt động thành Huế tham gia trong Chiến dịch Mùa Xuân năm 1975.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, nguyên Chính trị viên Biệt động thành Huế, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế vẫn nhớ như in từng trận đánh mà đội biệt động thành tham gia. Trong chiến dịch mùa xuân năm 1975, khoảng thời gian từ đầu năm đến tháng 3 năm 1975, đơn vị ông có 5 trận đánh riêng và phối hợp với các đơn vị khác dánh 3 trận. Từng trận đánh đối với ông và các đồng đội, đó là sự mưu trí, dũng cảm, đã góp phần làm tổn thất lực lượng của địch, góp phần giải phóng Huế.
Sáng ngày 26/3/1975, lá cờ giải phóng chính thức tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Và ông Phạm Văn Giới, người con quê hương Thanh Hóa đã cùng với các đồng đội ở Trung đoàn 6, được vinh dự cắm lá cờ trong thời khắc lịch sử đó.
![[e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 11. [e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 11.](https://truyenhinhthanhhoa.qltns.mediacdn.vn/458221966042468352/2025/4/29/chop-thoi-co-9-1745946809615894465296.jpg)
![[e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 12. [e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 12.](https://truyenhinhthanhhoa.qltns.mediacdn.vn/458221966042468352/2025/4/29/chop-thoi-co-10-17459468096532082908656.jpg)
![[e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 13. [e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 13.](https://truyenhinhthanhhoa.qltns.mediacdn.vn/458221966042468352/2025/4/29/chop-thoi-co-11-17459468096742128476440.jpg)
Ông Phạm Văn Giới, người con quê hương Thanh Hóa đã cùng với các đồng đội ở Trung đoàn 6, được vinh dự cắm lá cờ trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.
Ông Phạm Văn Giới, Trung doàn 6, Quân Khu Trị Thiên cho biết: Sáng ngày 26, Trung đoàn lệnh cho đơn vị lên kéo cờ, công bố chính thức là Huế hoàn toàn giải phóng. Đơn vị là sau đó thành đội quân tiếp quản bảo vệ các phường và bảo vệ các cầu cống, các trọng điểm của Huế.
Thắng lợi to lớn của quân và dân Thừa Thiên Huế đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng cả nước. Với thắng lợi oanh liệt đó, quân và dân Thừa Thiên Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc quân khu I và vùng I chiến thuật; giáng một đòn mạnh vào âm mưu co cụm chiến lược của địch ở ven biển miền Trung, đẩy quân ngụy vào thế khốn đốn, suy sụp không thể cứu vãn; tạo thế cô lập giải phóng Đà Nẵng, tuyến phòng thủ cuối cùng của quân Ngụy ở miền Trung.
Sau khi Huế được giải phóng, đã tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Quân giải phóng tiến về phía nam. Quân đoàn 2 và các đơn vị phối hợp từ Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, cùng lực lượng vũ trang địa phương đã nhanh chóng áp sát Đà Nẵng từ nhiều hướng. Quân đội của địch dù được trang bị mạnh, nhưng tinh thần đã suy sụp nghiêm trọng sau những thất bại liên tiếp.
Trước sức ép của Quân giải phóng, hàng vạn lính của quân đội Sài Gòn tìm cách tháo chạy khỏi Đà Nẵng bằng đường biển. Trước tình hình đó, lực lượng Quân giải phóng đã tổ chức tiến công đồng loạt, bao vây các hướng, cắt đứt hoàn toàn đường thoát của đối phương.
Đến ngày 29/3/1975, toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch tại Đà Nẵng sụp đổ, lực lượng Quân giải phóng tiến vào trung tâm thành phố, giải phóng Đà Nẵng một cách nhanh chóng và gần như toàn vẹn.
Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng được xem là một trong những thắng lợi lớn nhất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, toàn bộ hệ thống quân sự của chính quyền Sài Gòn tại khu vực miền trung bị xóa sổ. Hơn 100.000 binh sĩ của quân đội Sài Gòn hoặc đầu hàng, hoặc tháo chạy, để lại hàng loạt vũ khí, đạn dược, phương tiện quân sự hiện đại.
Trong những ngày giải phóng Huế, Đà Nẵng, nhiều cán bộ, chiến sĩ quê Thanh Hóa đã không tiếc tuổi Thanh xuân, hăng hái lên đường vào mặt trận Quảng Đà làm nhiệm vụ. Sau ngày giải phóng, nhiều người đã ở lại công tác, cống hiến tại mảnh đất từng chiến đấu. Và những ký ức về một thời đạn bom, góp phần giải phóng miền Nam vẫn luôn in đậm trong ký ức của họ.
Những ký ức về một thời đạn bom, góp phần giải phóng miền Nam vẫn luôn in đậm trong ký ức của các chiến sĩ quê Thanh Hóa.
Ngay trong đêm 29/3, khi Đà Nẵng được giải phóng, các hãng tin phương Tây đã bình luận "Việc Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày, bằng giờ". Việc giải phóng Huế, Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng này đã giúp giải phóng hoàn toàn miền trung, mở đường cho quân ta tiến thẳng về phía nam, rút ngắn thời gian và giảm tổn thất trong quá trình tấn công các mục tiêu quan trọng.
Chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng đã khẳng định tinh thần chiến đấu kiên cường, sức mạnh chiến lược và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng của Quân giải phóng. Đó cũng là minh chứng rõ nét cho tinh thần đoàn kết toàn dân, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc.
![[e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 16. [e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 16.](https://truyenhinhthanhhoa.qltns.mediacdn.vn/458221966042468352/2025/4/29/chop-thoi-co-giai-phong-mien-nam-17459504110721968460582.jpg)
![[e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 17. [e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 17.](https://truyenhinhthanhhoa.qltns.mediacdn.vn/458221966042468352/2025/4/29/chop-thoi-co-4-17459504111372143578932.jpg)
![[e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 18. [e-Magazine] Chớp thời cơ thần tốc- Ảnh 18.](https://truyenhinhthanhhoa.qltns.mediacdn.vn/458221966042468352/2025/4/29/chop-thoi-co-tan-cong-17459492106061813232584.jpg)
Chiến thắng Huế - Đà Nẵng đã giúp giải phóng hoàn toàn miền trung, mở đường cho quân ta tiến thẳng về phía nam, rút ngắn thời gian và giảm tổn thất trong quá trình tấn công các mục tiêu quan trọng.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, cựu Chính trị viên Biệt động thành Huế, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết: Lực lượng ta tấn công trong nổi dậy đã tạo ra một bản hợp xướng rất đẹp, đã làm nên một bản hùng ca giữa tấn công và nổi dậy anh dũng kiên cường và toàn thắng. Cuộc tấn công nổi dậy của năm 1968 là tráng ca bởi hy sinh nhiều, nhưng mà bản anh hùng ca tấn công nổi dậy anh dũng kiên cường toàn thắng năm 1975 là bản anh hùng khải hoàn ca. Ông Nguyễn Đức Hiền, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 95, Quân đoàn 2 cũng cho rằng: điểm đặc biệt ở đây là sự kết hợp giữ tiến công và nổi dậy nổi dậy. Trong cả chiến dịch giải phóng miền Nam là chỉ có hai nơi là thể hiện rõ nét nhất sự kết hợp này, đó là thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nổi dậy và tiến công, tiến công và nổi dậy.
Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng năm 1975 đã góp phần quyết định vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thắng lợi này không chỉ đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống phòng thủ quân đội Sài Gòn tại miền trung, mà còn tạo ra bước ngoặt chiến lược, mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.