Longform
img

Tập 4: Ký ức ngày toàn thắng

Bước vào thời điểm nửa cuối tháng 3/1975, thắng lợi giòn dã, liên tiếp ở các chiến trường: Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng đã tạo thời cơ chiến lược để ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 với tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 1.

Bức điện lịch sử với nội dung: "Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh".

Ngày 14/4/1975, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương ký gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch Bức điện lịch sử với nội dung: "Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh". Thông tin chiến dịch được mang tên Bác đến với toàn dân, toàn quân đã tạo nên sức mạnh mới, thúc đẩy việc chuẩn bị, sẵn sàng cho chiến dịch.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Văn Tàu - tức Tư Cang, nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H63 cho biết: "Theo nhận định của điệp viên Phạm Xuân Ẩn và mấy điệp viên khác cũng nói là Mỹ không vô nữa, vì phong trào đấu tranh bên Mỹ dữ dội, họ đòi rút quân. Tiếp theo là có một tấm thơ của Tổng thống Ford gửi cho Văn Thiệu, mà tình báo của mình nắm được, thì mới thấy thời cơ giải phóng đã tới, giặc Mỹ không còn nữa, 27/1 nó ký đến 27/3 nó cuốn cờ nó rút rồi".

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 2.

Quyết tâm chiến lược và tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương được quán triệt đến toàn quân, toàn dân. Từ đầu tháng 4/1975, quân dân ta sống trong những ngày hào hùng và sôi động nhất của lịch sử dân tộc. Cả nước cùng ra trận trong một mùa xuân lịch sử với tinh thần đi nhanh đến, đánh nhanh thắng với khí thế thần tốc, tào bạo, bất ngờ, chắc thắng.

Hàng nghìn xe vận tải chở quân, chở hàng theo Đường 1, đường Đông và Tây Trường Sơn, ngày đêm hối hả tiến về phía Nam. Các nhà ga, bến cảng nhộn nhịp hoạt động, đưa gạo, đưa đạn lên các đoàn tàu hỏa, các tàu biển, chuyển xuống các đoàn canô kéo theo sà lan để theo các tuyến đường sắt, đường sông, đường vận tải ven biển tiến về Sài Gòn. Các quân đoàn binh chủng hợp thành cùng nhiều đơn vị công binh, pháo binh, phòng không, xe tăng, đặc công, ào ạt tiến quân về chiến trường trọng điểm, làm bàn đạp để thần tốc tiến về Sài Gòn.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 3.
[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 4.
[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 5.

Các quân đoàn binh chủng hợp thành cùng nhiều đơn vị công binh, pháo binh, phòng không, xe tăng, đặc công, ào ạt tiến quân về chiến trường trọng điểm, làm bàn đạp để thần tốc tiến về Sài Gòn.

Sau gần một tháng tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân khu - quân đoàn mạnh của địch, giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung và Tây Nguyên cùng nhiều vùng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, hình thành thế hợp vây Sài Gòn-Gia Định từ nhiều hướng. Ngày 9/4, ta tiến công vào thị trấn Xuân Lộc, một căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía Đông Bắc. Ngày 16/4, quân ta phá vỡ phòng thủ Phan Rang. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng Đông Bắc đã được mở để đón đại quân của ta vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

"Nam Bộ - Thành đồng của Tổ quốc", "Nam Bộ đi trước về sau", thời điểm này là nơi hội tụ của các cánh quân trong trận quyết chiến lịch sử, kết thúc 21 năm chiến tranh gian khổ và nhiều hi sinh. Với thế và lực mạnh mẽ, chín muồi, chớp thời cơ lịch sử đúng 17h30 phút ngày 26/4, quân ta được lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ 5 hướng Tây-Bắc, Đông-Bắc, Đông, Đông-Nam, Tây và Tây-Nam, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu, đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, tiếp cận cửa ngõ Sài Gòn.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 6.

Từ ngày 26 - 28/4 quân ta đã chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Địch bị rối loạn hoàn toàn phương hướng chiến lược. Tối ngày 28/4, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh tổng công kích trên toàn bộ mặt trận. Rạng sáng ngày 29/4, tất cả các cánh quân đồng loạt tấn công vào trung tâm thành phố Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 7.

Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng, các đoàn quân giải phóng chủ lực ào ạt tiến vào Sài Gòn. Cùng với sự hậu thuẫn của các lượng lượng nổi dậy của ta ở nội đô, quân giải phóng đã nhanh chóng chiếm được các cơ quan trọng yếu của chính quyền Sài Gòn như Bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh sư đoàn dù, nha cảnh sát, làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất...

Cựu chiến binh Lê Minh Phúc, Tiểu đoàn 368, Quân Khu 8 xúc động khi nhắc đến những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trước giờ đất nước được độc lập, non sông về một mối.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Văn Tàu - tức Tư Cang là một trong những huyền thoại của ngành tình báo Việt Nam. Mặc dù ở tuổi 98, nhưng vị tình báo huyền thoại vẫn rất minh mẫn. Ông vẫn nhớ rõ vào khoảng 9h sáng ngày 30/4/1975, khi quân giải phóng tiến vào nội đô Sài Gòn, tổng thống Dương Văn Minh đã đọc bản tuyên bố ngừng bắn trên đài phát thanh Sài Gòn với nội dung: "Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự tránh đổ máu vô ích của đồng bào".

Theo ông tại thời điểm này, quân giải phóng đang trên đà chiến thắng nhưng đề phòng kẻ thù thực hiện kế hoãn binh, Bộ Chính chị vẫn chỉ thị toàn quân, toàn dân tiếp tục tấn công với khí thế dũng mãnh nhất. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H63 nhớ lại: "Sau khi Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng, Bộ Chính trị điện vô liền, nói anh phải ghi để phổ biến cho cho các đơn vị, đó là tiếp tục tiến công với khí thế dũng mãnh nhất, chiếm được các vị trí quy định, bắt tù binh, thu vũ khí".

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 8.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Văn Tàu nhớ lại, ngày 30/4/1975, quân giải phóng đang trên đà chiến thắng nhưng đề phòng kẻ thù thực hiện kế hoãn binh, Bộ Chính chị vẫn chỉ thị toàn quân, toàn dân tiếp tục tấn công với khí thế dũng mãnh nhất.

Ngày 30/4/1975, khi quân giải phóng tiến vào nội đô Sài Gòn thì lực lượng cảnh sát, quân đội và bộ máy ngụy quyền Sài Gòn đã tan rã tại chỗ, các đô thị của miền Nam hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá. Góp công giữ cho thành phố Sài Gòn nguyên vẹn thì ngoài vai trò của 5 cánh quân chủ lực, còn có một cánh quân khác mang tên "trí vận, địch vận" hoạt động ngay trong lòng địch. Một kết thúc chiến tranh quân sự hiếm có trên thế giới, bởi sự độ lượng, bao dung của người chiến thắng khiến cho kẻ thất bại phải cúi đầu thám phục, thành phố được bảo vệ, Nhân dân được bảo vệ. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), nguyên Cụm trưởng Cụm tình báo H63 cũng cho biết: Binh vận đã đưa Dương Văn Nhật, là em của Dương Văn Minh từ Bắc vào Nam để tác động đến gia đình, vận động Dương Văn Minh ra đầu hàng.

Đã thành truyền thống, cứ vào dịp tháng 4 lịch sử, các cựu chiến binh Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tại Thanh Hóa lại gặp mặt để ôn lại những năm tháng đầy gian khó, hiểm nguy nhưng rất đỗi hào hùng trên mặt trận chống Mỹ. Ở tuổi thanh xuân đẹp nhất họ đã cùng chia ngọt sẻ bùi, sát cánh bên nhau trên những mặt trận ác liệt từ mùa hè đỏ lửa ở thành cổ Quảng Trị 1972 đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 9.

Các cựu chiến binh Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tại Thanh Hóa lại gặp mặt để ôn lại những năm tháng đầy gian khó, hiểm nguy nhưng rất đỗi hào hùng trên mặt trận chống Mỹ.

Đại tá Bùi Sáu, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 nhớ rất rõ, sau chiến thắng thần tốc tiêu diệt địch ở vòng ngoài, quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ thành lập binh đoàn thọc sâu bộ binh cơ giới gồm: Lữ đoàn Xe tăng 203, Trung đoàn Bộ binh 66 và một số binh chủng khác tiến vào chiếm lĩnh Dinh Độc Lập.

Rạng sáng ngày 30/4/1975, binh đoàn thọc sâu đến cầu Sài Gòn vấp phải sự chống trả rất quyết liệt của địch. Lực lượng địch ở đây rất mạnh với xe tăng, hỏa điểm chống tăng, ụ súng lô cốt, tàu hải quân ở dưới sông bắn vào đội hình quân giải phóng, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn, cách ngày toàn thắng chỉ vài giờ đồng hồ. Khoảng 8h sáng 30/4/1930, địch rút trận, đội hình thọc sâu của ta tiếp tục tiến công vào nội đô.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 10.

Lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.

Đúng 11h30 (giờ Hà Nội) và 12h30 (giờ Sài Gòn), lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên nóc Dinh Độc Lập.

Các cựu chiến binh Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 chia sẻ kỷ niệm trong thời khắc lịch sử 30/4/1975

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2 là nhân chứng lịch sử có mặt đầu tiên tại Dinh Độc Lập ở thời khắc lịch sử quan trọng ngày 30/4/1975. Tại đây, ông đã thay mặt đồng đội và nhân dân bắt nội các Ngụy quyền Sài Gòn, từ tổng thống Dương Văn Minh đến thủ tướng phải ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Quay trở lại dinh Độc Lập sau 50 năm, khoảng khắc lịch sử hào hùng năm xưa bỗng ùa về trong tâm trí Trung tướng Phạm Xuân Thệ... Như một phản xạ tự nhiên, ông bước đi rất nhanh vào Dinh Độc Lập, lên thẳng tầng 2. Tại phòng nội các của chính quyền Việt Nam cộng hòa, cái cảm giác hân hoan, vui sướng và tự hào đối với ông vẫn như mới diễn ra ngày hôm qua.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 11.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 2 là nhân chứng lịch sử có mặt đầu tiên tại Dinh Độc Lập trong thời khắc lịch sử quan trọng ngày 30/4/1975.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 12.

Chiếc xe Jeep biển số 15770 đã chở tổng ngụy quyền Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, chấm dứt chiến tranh nay là hiện vật lịch sử được trưng bày tại Dinh Độc Lập. Và vị tướng già Phạm Xuân Thệ luôn tâm niệm ông chỉ là người may mắn đã được thay mặt đồng đội, những người đang sống và kể cả những người đã ngã xuống làm nên thời khắc lịch sử này.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 13.

Chiếc xe Jeep biển số 15770 đã chở tổng ngụy quyền Dương Văn Minh ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng, chấm dứt chiến tranh nay là hiện vật lịch sử được trưng bày tại dinh Độc Lập.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên tư lệnh Quân đoàn 2 cũng cho biết: "Đi trên xe thì từ ở cổng ra thì lúc này tôi thấy Quân giải phóng của ta vào, xe tăng rồi Nhân dân ra rất là đông thì tôi hỏi ông Dương Văn Minh là ông thấy sức mạnh Quân giải phóng như thế nào? Ông nói tôi biết khi quân giải phóng tiến công nội đô chúng tôi sẽ thất bại. Tôi hỏi lại là biết là thất bại tại sao không tuyên bố đầu hàng từ trước mà để chúng tôi đánh vào sào huyệt các ông, bắt được các ông các ông mới tuyên bố đầu hàng, thì Dương Văn Minh nói là: khi Quân giải phóng chưa tiến công vào nội đô tôi đã tuyên bố đầu hàng thì những người còn bên dưới tôi không đồng tình họ khử tôi mất". 

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 14.

Nhà báo Trương Nghĩa Tiến là một trong những phóng viên Đài truyền hình Quốc gia theo đoàn quân giải phóng có mặt tại Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. Trở lại Dinh Độc Lập, ký ức ngày cùng đoàn quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn vẫn không phai mờ trong tâm trí ông. Vẫn con đường xa lộ chạy thẳng vào Dinh Độc Lập, vẫn hàng cây ấy, chỉ có dòng người hối hả qua lại là của hiện tại, nhưng ông vẫn thấy mình đang đi giữa những ngày vui toàn thắng năm xưa.

Nhà báo Trương Nghĩa Tiến, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh nhớ lại: "Khi chúng tôi đến Sài Gòn, đi dọc đường là bà con đổ ra đường vẫy cờ hoa chào mừng vui vẻ. Chúng tôi chạy thẳng về đến đài truyền hình, xem xét toàn bộ thiết bị máy móc toàn nguyên vẹn, rất mừng và kết luận là có thể tối mai phát sóng được, cho nên sáng hôm sau anh em chúng tôi xuống đường làm phóng sự "Sài Gòn ngày đầu giải phóng". Đến Dinh Độc Lập thì bà con đứng đầy, xe tăng đậu hai bên, trong Dinh Độc Lập nữa, còn đoàn người diễu hành nhiều người lắm, diễu hành từ các đường phố lớn tụ tập về đây. rất đông người rất vui".

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 15.

Nhà báo Trương Nghĩa Tiến, nguyên Trưởng ban Khoa giáo Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh chia sẻ với phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa về không khí đông vui, bà con và các đoàn diễu hành từ các đường phố lớn tụ tập về Dinh Độc Lập mừng chiến thắng 30/4.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 16.
[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 17.

Nửa thế kỷ trôi qua, nhiều thứ đã trôi theo dòng thời gian, nhưng ký ức về ngày toàn thắng ấy mãi đọng lại trong lòng nhà báo lão thành Trương Nghĩa Tiến. Ngay trong ngày đầu tiên ấy, ông cùng cố Nghệ sĩ nhân dân Phạm Khắc đã xuống đường và ghi lại những thước phim trung thực không bao giờ có thể lặp lại ngay sáng 1/5/1975 để phát trong buổi lên hình đầu tiên của Đài Vô tuyến Truyền hình Sài Gòn Giải phóng vào tối cùng ngày.

Phóng sự "Sài Gòn ngày đầu giải phóng" đã truyền đi thông điệp: Sài Gòn ngày giải phóng không đổ nát, không đẫm máu như kẻ thù đã xuyên tạc. Mà hôm đó, Sài Gòn rợp cờ hoa, niềm vui hiện hữu trên gương mặt của tất cả người dân.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 18.

Các cựu chiến binh Nguyễn Huy Trạm quê ở Nghệ An và Nguyễn Hữu Minh, Lê Minh Phúc quê ở Thanh Hóa vinh dự tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và có mặt ở Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Suốt 21 năm tiếng súng chưa bao giờ ngơi nghỉ ở cả 2 miền Nam- Bắc, trải qua biết bao đau thương dồn nén, niềm vui xen lẫn tự hào vỡ òa trong ngày toàn thắng của dân tộc. Với những người trực tiếp cầm súng chiế đấu để làm nên thời khắc lịch sử vinh quang ấy thì niềm vui, hạnh phúc ấy càng nhân lên gấp bội.

Sài Gòn hôm ấy cờ hoa rợp trời, người người, nhà nhà đổ ra đường để chào đón đoàn quân giải phóng như chào đón những người thân đi xa trở về. Sài Gòn sau đó đêm nối đêm thao thức mừng khúc khải hoàn ca chiến thắng.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 19.
[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 20.
[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 21.

Người dân đổ ra đường để chào đón đoàn quân giải phóng như chào đón những người thân đi xa trở về.

CCB Nguyễn Huy Trạm, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 266, Sư đoàn 341A cho biếti: lúc đó tâm trạng duy nhất là ai cũng sướng, quên hết tất cả cái chết và chiến thắng mình bây giờ đã ở trước mắt mình. Chiến thắng quá lớn rồi cho nên vào đó gặp nhau là chỉ có ôm nhau bảo mày ở đâu vậy thôi.

Những chiến sĩ giải phóng quân đi qua biết bao núi cao rừng sâu, vượt qua biết bao bom đạn hiểm nguy của kẻ thù sung sướng, hân hoan và tự hào khi được đón mừng chiến thắng giữa lòng Sài Gòn. Nhưng niềm vui ấy chưa trọn vẹn khi họ nghĩ về những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trong suốt chặng đường chiến đấu, trong đó có những đồng đội hy sinh ngay trước giờ toàn thắng.

Tâm trạng của cựu chiến binh Lê Hữu Minh, Tiểu đoàn 27, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 khi nhớ lại những đồng đội của mình đã ngã xuống chỉ cách vài tiếng đồng hồ trước khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước giành được độc lập - tự do.

Ý chí và khát vọng độc lập, thống nhất đất nước cũng như sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã làm nên đỉnh cao Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

50 năm sau thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, một đất nước Việt Nam kiên định mục tiêu độc lập, dân tộc, dân chủ gắn liền với chủ nghĩa xã hội đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Và những kí ức đẹp đẽ và linh thiêng của cả dân tộc trong ngày vui toàn thắng sẽ là tài sản vô giá, tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho các thế hệ hôm nay và mai sau trên hành trình xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

[e-Magazine] Ký ức ngày toàn thắng- Ảnh 22.

Tiến Dũng - Mai Ngọc
Xuân Quang - Văn Tráng
Đức Anh
Minh Hương

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận