Longform
img

Tập 2: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước

Bước sang năm 1959, phong trào cách mạng miền Nam có bước phát triển quan trọng, nhiều căn cứ hình thành ở vùng rừng núi đã tạo nên thế đứng mới của lực lượng cách mạng miền Nam. Lúc này, yêu cầu về vũ khí đạn dược của cách mạng miền Nam trở nên hết sức cấp thiết; đồng thời, để vai trò, tác dụng và sức mạnh của hậu phương miền Bắc và hậu phương tại chỗ ở miền Nam, rất cần một hệ thống giao thông thông suốt. Trước yêu cầu và tình hình đó, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định xây dựng tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn để chi viện lực lượng, vũ khí, đạn dược, thuốc men, quân trang, quân dụng... với số lượng lớn cho cách mạng miền Nam. Đây là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đó là: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 1.

Khi tuyến đường vận tải quân sự Trường Sơn ra đời, Đoàn 559 vinh dự được giao nhiệm vụ tổ chức tuyến chi viện chiến lược này. Điểm đầu tuyến đường là khu rừng Khe Hó, thuộc địa phận huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây là điểm khởi đầu cho một trận đồ bát quái giữa đại ngàn Trường Sơn.

Từ điểm khởi đầu Khe Hó, nhiều tuyến đường ngang liên tục được mở trên dải Trường Sơn hùng vĩ, nhằm nối Tây Trường Sơn với Đông Trường Sơn. Với những đội quân "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng", "Máu có thể đổ nhưng đường Trường Sơn không thể tắc", trong suốt 16 năm hoạt động (1959 - 1975), đường Trường Sơn đã được phát triển với tổng chiều dài đường vận tải bộ và hành quân cơ giới gần 17.000km, gồm nhiều trục dọc, trục ngang ở cả Đông và Tây Trường Sơn, qua các trọng điểm ác liệt.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 2.

Để làm nên con đường huyền thoại Trường Sơn, đã có hàng triệu bước chân hành quân, chi viện vào chiến trường. Biết rõ đường Trường Sơn là con đường chiến lược nối liền Nam - Bắc, cho nên đế quốc Mỹ quyết tâm đánh phá. Do đó, đường Trường Sơn đã trở thành chiến trường thử nghiệm chiến lược "chiến tranh ngăn chặn", "chiến tranh bóp nghẹt" bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt với các loại thiết bị, vũ khí tối tân nhất lúc đó của Mỹ. Tuy nhiên, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, lực lượng chiến đấu, công tác trên đường Trường Sơn suốt bao năm ròng không tiếc tuổi xuân, không tiếc máu xương, vì sự sống của con đường, bền bỉ và kiên cường, bám trụ trận địa, mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông. Nhờ đó, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn không ngừng phát triển, đáp ứng sự chi viện to lớn, toàn diện, liên tục, mạnh mẽ của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 3.

Bến phà Xuân Sơn thuộc địa phận huyện Bố Trạch là một trong những điểm di tích quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 4.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 5.

Trên bến sông này năm xưa, mặc cho không quân Mỹ đánh phá, những chuyến phà vẫn liên tục qua lại chở vũ khí đạn dược, nhu yếu phẩm vượt sông ra tiền tuyến.

Bến phà Xuân Sơn - điểm đầu của tuyến đường 20 Quyết Thắng. Trên bến sông này năm xưa, mặc cho không quân Mỹ đánh phá, những chuyến phà vẫn liên tục qua lại chở vũ khí đạn dược, nhu yếu phẩm vượt sông ra tiền tuyến.

Ông Phạm Đình Thường là một trong những người lính Trường Sơn đã có nhiều năm tháng gắn bó với bến phà này. Những ký ức về bến phà Xuân Sơn thời đạn bom vẫn in đậm trong tâm trí ông. Trong những giai đoạn khó khăn, ác liệt nhất của cuộc chiến, ông cùng đồng đội đã dũng cảm bám trụ, quyết tâm giữ vững điểm chốt giao thông để những đoàn xe nối nhau ra mặt trận.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 6.

Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Quảng Bình, Quảng Trị là cửa ngõ của các tuyến đường vượt Trường Sơn sang nước bạn Lào. Bởi thế, nơi đây cũng là trọng điểm bị giặc Mỹ đánh phá ác liệt nhất.

Trên các tuyến đường 9, đường 15, đường 10, đường 16, đường 20 Quyết Thắng, có những trận tập kích của giặc Mỹ, hàng trăm, hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã ngã xuống. Có lẽ không nơi đâu trên dải đất hình chữ S này, sự hy sinh lại lớn đến như vậy. Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn Thanh Hóa nhớ lại: "Nhiệm vụ của chúng tôi là phá đá mở đường và san lấp hố bom để cho xe chạy qua, những năm tháng đó anh chị em chúng tôi chỉ mười tám đôi mươi thôi, rất trẻ trung nhưng với khí thế được giải phóng đất nước, non sông trở thành một mối thì chúng tôi không nghĩ đến chuyện sống chết mà chỉ biết làm sao để hoàn thành nhiệm vụ, thông đường để cho xe ra tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ ".

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 7.

Lúc bấy giờ tuyến đường 12 vượt Cổng Trời, địch đánh phá rất ác liệt. Để phá thế độc đạo, tuyến đường 20 Quyết Thắng đã được mở. Ban đầu con đường còn bí mật, nhưng chỉ một thời gian, đế quốc Mỹ phát hiện và đánh phá điên cuồng, những địa danh như: Ngầm Trạ Ang, khe Tung Cà Ròong, A Ki, cua chữ A, đèo Phu La Nhích, ngầm Ta Lê… là những trọng điểm hứng mưa bom bão đạn của kẻ thù. Nhưng với khẩu hiệu: "Máu có thể đổ nhưng đường Trường Sơn không thể tắc", "Tất cả vì miền Nam thân yêu" đã trở thành những ký ức không bao giờ quên đối với những người đã gắn bó với tuyến đường 20 Quyết thắng.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 8.

Xe vượt Trường Sơn chi viện cho tiền tuyến miền Nam.

Ông Nguyễn Hữu Mỡn, ở phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa vẫn nhớ như in những năm tháng hào hùng, ác liệt trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Bức tranh về con đường Trường Sơn được ông lưu giữ như một kỷ niệm đẹp về những năm tháng công tác, chiến đấu tại tuyến đường 20 Quyết thắng. 

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 9.

Bức tranh về con đường Trường Sơn được ông Nguyễn Hữu Mỡn lưu giữ như một kỷ niệm đẹp về những năm tháng công tác, chiến đấu tại tuyến đường 20 Quyết thắng.

Năm 1971, ông Mỡn được điều vào làm Chính trị viên Đại đội 211, Ban xây dựng 67 Trường Sơn, tại trọng điểm dốc 3 thang, đường 20 Quyết thắng. Mặc dù phải đối diện với muôn vàn khó khăn, gian khổ, với mưa bom bão đạn nhưng Đại đội của ông vẫn ngày đêm mở đường, san lấp hố bom, đảm bảo cho những đoàn xe chi viện vào chiến trường miền Nam.

Ông Nguyễn Hữu Mỡn, Chính trị viên Đại đội 211, Ban xây dựng 67 Trường Sơn hồi tưởng lại nhiệm vụ chiến đấu mở cho đoàn xe tiến vào Nam.

Năm 1969, tỉnh Thanh Hóa có 1.250 thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi được điều động vào tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị, bổ sung vào Ban xây dựng 67 Trường Sơn.

Từ năm 1969 đến năm 1972, Đội thanh niên xung phong N237 của tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiệm vụ mở đường, bắc cầu, san lấp hố bom, đảm bảo giao thông phục vụ chiến đấu trên 84 km tuyến đường 16A ở miền Tây Quảng Bình, Bắc Quảng Trị. Đây là tuyến đường trọng điểm thuộc hệ thống đường ngang nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn. Đường 16A có nhiều trọng điểm ác liệt như: Bang, Chu Kê, dốc Khảo Sát, dốc Ả, dốc Em, Vít Thù Lù, làng Ho, dốc Khỉ, đèo 1001, ngã Ba Dân Chủ - nơi giao nhau với đường 10, Chà Lỳ, Sê Păng Hiêng.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 10.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 11.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 12.

Ngã tư Thạch Bàn là điểm đầu dẫn vào tuyến đường 16A ác liệt, nối sang Tây Trường Sơn và nước bạn Lào.

Địa danh Ngã tư Thạch Bàn rất quen thuộc với những cựu thanh niên xung phong này. Bởi đây là điểm đầu dẫn vào tuyến đường 16A ác liệt, nối sang Tây Trường Sơn và nước bạn Lào. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi mét đường 16A đều thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bộ đội và các chiến sĩ thanh niên xung phong. Bà Trương Thị Nga, Đội Thanh niên xung phong N237 tỉnh Thanh Hóa xúc động chia sẻ: "Trong những năm chiến tranh ác liệt như thế, ý chí của thanh niên xung phong tuổi trẻ lúc đó chỉ có muốn làm sao mình được vào chiến trường phục vụ cho tiền tuyến đánh thắng Mỹ xâm lược chứ không nghĩ đến những vấn đề khác, thậm chí chúng tôi đi làm hàng chục cây số, đi bộ đường rừng núi, rồi gùi hàng suốt cả đêm".

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 13.

Trên cung đường Trường Sơn còn có rất nhiều địa danh gắn liền với những chiến công, hy sinh, mất mát của Bộ đội, Thanh niên xung phong và Dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Mỹ.

Qua Cầu Khỉ, vượt Dốc Khỉ, lên đến Cổng Trời rồi chạm ngã ba Dân Chủ, điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây trên đất Quảng Bình. Tại trọng điểm ngã ba Dân Chủ, đã có 78 liệt sỹ là thanh niên xung phong N237, Ban 67 đã ngã xuống. Họ đều là những người con của quê hương Thanh Hóa. Ông Hoàng Mạnh Hùng đã gắn bó với Trường Sơn những năm tháng khói lửa ác liệt của chiến tranh. Đến ngã ba Dân Chủ thắp cho đồng đội nén nhang thơm, ông không giấu được niềm xúc động, và với ông, mảnh đất này như là quê hương thứ 2 của mình.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 14.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Liên lạc đơn vị TNXP N237, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 nhớ lại: "Tuyến đường 16A là một trong năm tuyến đường ngang của tuyến đường Trường Sơn. Tuyến đường này ngày xưa là một tuyến đường chỉ phục vụ thô sơ thôi, nhưng sau khi đơn vị vào, được Nhà nước nâng cấp lên đã mở rộng thành con đường cơ giới để vận chuyển hàng hóa vào chiến trường, đặc biệt là phục vụ cho chiến dịch Khe Xanh, Đường 9 – Nam Lào. Đơn vị đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo đảm giao thông thông suốt không để tắc đường một ngày nào, đoàn quân vào là đơn vị dù khó khăn gian khổ thế nào vẫn phải ra bảo đảm để thông suốt tuyến đường này".

Để việc chi viện cho cách mạng miền Nam không bị ngừng trệ, Đoàn 559 đã chủ động khảo sát, phối hợp với nước CHDCND Lào mở các tuyến đường Tây Trường Sơn đi qua nước bạn.Trong suốt 16 năm tồn tại của tuyến đường huyết mạch vận tải Trường Sơn, con đường Tây Trường Sơn đi qua 600 bản làng thuộc 18 huyện của 4 tỉnh Trung - Hạ Lào. Bà con các dân tộc Lào đã tự nguyện rời bỏ nương rẫy, nhà cửa để đảm bảo yêu cầu đường "gần nhất, dễ đi nhất" góp phần chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 15.

Ngày nay, tại bản La Long Cô, thuộc cụm bản Tâm Đuông huyện Mường Nòng, tỉnh Savẳnnakhẹt vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn 1.500m đường Hồ Chí Minh cũ như một minh chứng cho tinh thần đoàn kết của hai dân tộc Việt - Lào trong lửa đạn của chiến tranh.

Ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Liên lạc đơn vị TNXP N237, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559  cho biết: "Con đường Tây Trường Sơn, đất nước ta nhờ nước bạn Lào mở con đường này làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược để phục vụ cho chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Ngày nay, một con đường mới đã được xây dựng, nhưng đất nước Lào và bộ đội Trường Sơn vẫn giữ lại để xây dựng một di tích lịch sử Tây Trường Sơn để mọi người và các thế hệ sau này trở lại, biết được ngày xưa như thế nào trong chiến tranh".

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tuyến đường chi viện chiến lược Đông Trường Sơn tiếp tục được mở sâu vào các địa bàn Nam Tây Nguyên. Biết bao vất vả và hi sinh của những người chiến sĩ Sư đoàn 470 để gấp rút mở tuyến đường này cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 16.

Bến phà Sêrêpốk, nơi đây từng là trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù.

Trở lại bến phà Sêrêpốk, kí ức về những năm tháng đạn bom ác liệt như ùa về trong tâm trí Đại tá Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470. Đơn vị ông trực tiếp tham gia bảo đảm cầu phà, hậu cần kỹ thuật, cơ động lực lượng để các binh đoàn chủ lực hành quân thần tốc, tiến công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nơi đây đã thành trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù, nhưng bất chấp mọi hiểm nguy, các chiến sĩ Trung đoàn 4 công binh và Tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 470 đã ngày đêm bám trụ để kịp thời vận chuyển hàng hóa, đạn dược và xe tăng vào chiến trường miền Nam. Nơi bến phà lịch sử này, 57 chiến sĩ Sư đoàn 470 đã mãi mãi nằm lại dưới những cánh rừng. Đại tá Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 nhớ lại: "Tôi thấy là những thời điểm đó là nườm nượp xe pháo vượt qua ngầm, vượt qua phà để thẳng tiến vào phía Nam cho nên là anh em bộ đội, cũng như bản thân tôi luôn luôn thấy vui mừng, bởi vì thấy sức mạnh của ta, đường xá của ta thông suốt, xe pháo nườm nượp".

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 17.

Để chuẩn bị giải phóng Buôn Ma Thuột, Sư đoàn 470 còn được giao nhiệm vụ mở một con đường chiến dịch từ Ea Súp, Buôn Đôn, kéo dài tới Cư M'gar. Ngày 10/3/1975, theo yêu cầu tác chiến chiến dịch, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cho đội hình binh chủng hợp thành cơ động tiến công địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột… Với thành tích đặc biệt trong chiến đấu, ngày 3/6/1976, Sư đoàn 470 và Trung đoàn 4 công binh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 cho biết: "Để bí mật cho tuyến đường của ta thì Trung đoàn đã tránh các đường trên, đưa xuống các khe suối. Các cây cưa là 3/4 cây,  rồi các ụ mối nằm trên rìa đường thì ta đào lỗ và chuẩn bị thuốc nổ cho vào đó, rồi đến khi mà có lệnh phát là chỉ một ngày một đêm, toàn bộ hướng đó thông suốt, đồng thời những cái cây mà mình đã cưa rồi ấy, thì khi xe đụng vào đổ thì như mình có nhiệm vụ đưa ra bên ngoài, và các ụ mối đó là nổ mìn, san phẳng đường".

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 18.

Trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, số lượng bom đạn đổ xuống đường Trường Sơn còn lớn hơn số bom đạn đã dùng trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Địch dùng nhiều thủ đoạn, nhiều loại bom đạn khác nhau như: Bom khoan, bom phá, bom sát thương, bom từ trường, bom nổ chậm.

Nơi đây hầu như mọi sự sống đều bị hủy diệt. Thế nhưng, sức sống của đoàn quân đi cứu nước đã vượt qua mọi lý thuyết và toan tính của kẻ thù. Chính tình yêu quê hương, đất nước cháy bỏng đã giúp những cô gái chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi vượt qua sự dày xéo của bom đạn, làm nên những kỳ tích. Kẻ địch với bộ máy quân sự khổng lồ và tinh vi hiện đại bậc nhất thế giới, vẫn không thể ngăn được đoàn quân với sức mạnh thần kỳ "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước – mà lòng phơi phới dậy tương lai". Bà Phạm Thị Phương, Cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Khi mà giặc rải bom xong thì tất cả các lực lượng là thanh niên xung phong rồi bộ đội, những lực lượng mà mở đường là đổ xô ra lắp hố bom, rồi mở đường để cho những đoàn xe của ta tiếp tục hành quân vào sâu vào phía trong".

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 19.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 20.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 21.
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 22.

Trên con đường Trường Sơn, hầu như mọi sự sống đều bị hủy diệt. Thế nhưng, chính tình yêu quê hương, đất nước cháy bỏng đã giúp những cô gái chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi vượt qua sự dày xéo của bom đạn, làm nên những kỳ tích.

Quân và dân ta trên tuyến đường Trường Sơn, bao gồm Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc và Nhân dân nước bạn Lào, với tinh thần dũng cảm, mưu trí sáng tạo, đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.

Trong 16 năm, kể từ khi thành lập cho đến ngày toàn thắng, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã mở được 17.000 km đường xe cơ giới, 600 km đường sông, 1.400 km đường ống xăng dầu; chuyển được hơn một triệu tấn hàng hóa, vũ khí, đảm bảo chỉ huy hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào Nam ra Bắc; vận chuyển cơ động hơn 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn và hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào các chiến trường. Những con số này một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 23.

Thời gian trôi qua, nhưng kỳ tích về con đường huyền thoại Trường Sơn vẫn được lưu truyền, tô thắm thêm truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân Thanh Hóa. Ông Lê Đức Phán, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh: "Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đó thì lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của Thanh hóa được vinh dự có 6 đồng chí được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang và 1.700 đồng chí được tặng thưởng Huân chương, Huy chương các loại và hơn 3.000 được tặng dũng sĩ diệt Mỹ. Đảng và Nhà nước chúng ta khẳng định nếu không có con đường Trường Sơn huyền thoại anh hùng thì không có thể. Thắng để giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc vào ngày 30/4/1975 để non sông thu về một mối".

Đường Trường Sơn, con đường của ý chí quyết chiến quyết thắng và lòng dũng cảm, của khí phách Việt Nam; là một trong những huyền thoại của lịch sử chiến tranh vệ quốc của dân tộc. Đây không chỉ là tuyến chi viện chiến lược quy mô lớn cho kháng chiến, mà còn là một chiến trường thực sự, nơi đấu trí, đấu lực quyết liệt giữa một bên là toàn thể Nhân dân của dân tộc Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu, với một bên là đế quốc Mỹ giàu có hùng mạnh với bộ máy chiến tranh khổng lồ, tối tân nhất thời đại.

Đường Trường Sơn đã ghi vào lịch sử dân tộc ta như một "kỳ tích của thế kỷ XX". Đó chính là kết quả của đường lối đúng đắn, sáng tạo, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là hiện thân của lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm sắt đá, ý chí dời non, lấp biển của toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước- Ảnh 24.

Đường Trường Sơn hôm nay.

Tiến Dũng - Mai Ngọc
Xuân Quang - Văn Tráng
Đức Anh
Minh Hương

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận