
Tập 1: Thanh Hóa với bản hùng ca chống Mỹ
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Chắn quê ở xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nhà của Mẹ cách nghĩa trang liệt sỹ của huyện chưa đầy 20 cây số, nhưng vì tuổi cao sức yếu, đã nhiều năm, mẹ mới có dịp trở lại viếng hương hồn các liệt sỹ và thăm mộ hai con. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Chắn nhớ lại: "Nó bảo: "Mẹ ơi, con đi rồi con về, làm sao mẹ phải khóc"? Mẹ thương con vì con gầy còm. Các anh ấy đeo 30 cân cát, thì con đeo làm sao. Nó lại bảo: "Con đeo được. Các anh ấy làm được thì con cũng làm được". Vậy là nó xuống phà, họ chở đi. Hết nghĩa vụ họ về. Hai đứa con không về. Khổ lắm chứ, thương lắm chứ… mấy năm cũng không quên được"...
Trên khắp dải đất xứ Thanh, có biết bao người mẹ như Mẹ Nguyễn Thị Chắn, tiễn con ra đi, nhưng không có ngày đón con trở lại. Biết bao tử sĩ đã nằm lại nơi chiến trường khói lửa... Biết bao người trở về với cơ thể không lành lặn.... Và biết bao người phải gánh chịu những di chứng nặng nề của chiến tranh… Nhưng, như máu và hoa cùng trổ trên trận địa, mất mát đau thương luôn hòa quyện trong những chiến công oanh liệt, lẫy lừng.
Suốt bao tháng năm qua, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, hiên ngang của quân dân xứ Thanh vẫn dạt dào tuôn chảy trong trang sử tự hào của dân tộc, tô thắm thêm vẻ đẹp bi tráng của thiên anh hùng ca chống Mỹ trên dải đất núi Rồng sông Mã nhân kiệt địa linh….
Lần giở lại lịch sử… 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đã góp phần quan trọng vào việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Từ đây, Đất nước Việt Nam chia thành hai miền Nam-Bắc, lấy Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Miền Nam tạm thời do Pháp quản lý, tiếp tục đấu tranh thống nhất nước nhà.
Và Thanh Hóa, trong hành trình ngàn năm của dân tộc, luôn là điểm đến của những lựa chọn lịch sử. Ngay sau khi Hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết, Thanh Hóa vinh dự là nơi đầu tiên được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam. Ngày 25/9/1954, Cảng Hới, xã Quảng Tiến, nay là phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn là địa điểm đầu tiên trên toàn miền Bắc đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết.
Hơn 70 năm trôi qua, sóng biển Sầm Sơn đã cuốn trôi đi bao biến thiên, thăng trầm lịch sử. Nhưng câu chuyện về đoàn tàu ra Bắc thì còn mãi, khắc ghi vào lịch sử dân tộc một dấu son sáng ngời về tình cảm son sắt, thủy chung giữa hai miền Nam - Bắc. Từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, Thanh Hóa đã đón tiếp gần 1900 thương bệnh binh; hơn 47.000 cán bộ; gần 6.000 học sinh và trên 1.400 gia đình miền Nam tập kết ra Bắc. Với trách nhiệm cao trước Đảng và Bác Hồ; để đồng bào miền Nam nhanh chóng ổn định cuộc sống trên đất Bắc, chính quyền và Nhân dân các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương đóng góp, hàng chục vạn tấn lương thực, thực phẩm; hàng chục ngàn chăn màn, quần áo, chiếu cói; hàng vạn cây luồng, tre, gỗ; hàng ngàn tấn củi, xây dựng hơn 1.000 gian nhà, hàng trăm lớp học phục vụ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam....
Khi Hiệp định Giơ-ne-vơ còn chưa được thực hiện xong, ngày 28/4/1956, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi miền Nam, chấm dứt hoàn toàn sự có mặt của binh lính Pháp ở Việt Nam sau gần 100 năm xâm lược. Đó cũng là thời điểm người Mỹ chính thức thay thế người Pháp ở miền Nam. Cũng bắt đầu từ đây, kẻ thù tìm mọi cách khủng bố, đàn áp phong trào yêu nước của Nhân dân miền Nam; không thi hành điều khoản của Hiệp định Geneve về thống nhất nước Việt Nam, cự tuyệt mọi đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về hiệp thương tổng tuyển cử.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với quân dân cả nước, quân dân Thanh Hóa bước vào cuộc kháng chiến cam go, trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong kháng chiến chống Mỹ, lời kêu gọi “mỗi người làm việc bằng hai" vì miền Nam ruột thịt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy khí thế thi đua sôi nổi trong cả nước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác, quân và dân Thanh Hóa đã nỗ lực chiến đấu, lao động sản xuất với tinh thần quyết tâm cao nhất, sẵn sàng chi viện sức người, sức của, giúp đồng bào miền Nam vững tâm, chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược. Từ miền ngược cho đến miền xuôi, từ thành thị về nông thôn, hàng chục phong trào thi đua được phát động, như: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Hòn đá chống Mỹ”, “Ba giỏi”, “Tiếng hát át tiếng bom”, "cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ"... tạo nên bầu không khí sôi nổi và tinh thần yêu nước mãnh liệt trên địa bàn toàn tỉnh. Với sự nỗ lực của toàn quân, toàn dân, Thanh Hóa trở thành địa phương có nhiều mô hình, điển hình được biết đến trong cả nước và nhân rộng trên toàn miền Bắc, như Hợp tác xã Ðông Phương Hồng, cơ khí Thành Công, Yên Trường, Xuân Thành, Ðịnh Công ....
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Thanh Hóa đã vận chuyển 15 triệu tấn hàng hóa chi viện cho tiền tuyến; xây dựng và huấn luyện 78 tiểu đoàn bộ đội bổ sung cho các chiến trường. Toàn tỉnh có khoảng 250.000 thanh niên lên đường nhập ngũ trực tiếp chiến đấu hoặc tham gia lực lượng thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu.
Trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, với vị trí chiến lược quan trọng, Thanh Hóa trở thành mục tiêu bắn phá ác liệt của kẻ thù, nhằm làm tê liệt hoạt động giao thông, ngăn chặn việc chi viện của Bắc dành cho miền Nam. Trước sự tấn công của kẻ thù, quân dân Thanh Hóa vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ là hậu phương lớn, vừa đảm nhận vai trò là tiền tuyến lớn, cùng quân dân cả nước chiến đấu anh dũng, quả cảm, đánh tan các đợt leo lang chiến tranh của kẻ thù bằng đường không và đường biển. Những chiến công vang đội của Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường, Trung đội dân quân gái Hoa Lộc, các dũng sĩ làng Yên Vực. Những địa danh đi vào lịch sử như Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép. Những con người làm nên kỳ tích như Ngô Thị Tuyển, Ngô Thọ Sáu, Lê Thị Dung, đã tô thắm thêm truyền thống của quê hương Thanh Hóa anh hùng.
Đặc biệt, sự kiện Hàm Rồng chiến thắng năm 1965 đã trở thành một mốc son trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Dưới mưa bom bão đạn của đế quốc Mỹ, quân dân Thanh Hóa nói riêng, quân dân cả nước nói chung đã chiến đấu quật cường, anh dũng, làm nên chiến thắng Hàm Rồng lừng lẫy trong 2 ngày mùng 3, mùng 4 tháng 4 năm 1965. Trong cuộc đối đầu lịch sử ấy, quân và dân ta đã bắn rơi 47 máy bay địch, giữ vững trận địa Hàm Rồng, khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía; tạo động lực mạnh mẽ cổ vũ quân, dân cả nước tiếp tục tiến lên, làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất nước nhà.
60 năm qua đi… Hòa bình đã trở lại bên đôi bờ sông Mã. Nhiều ký ức theo dòng nước xuôi về biển đông. Nhưng, sự kiện Hàm Rồng chiến thắng vẫn vang mãi, đi vào lịch sử dân tộc như một khúc tráng ca bất tử về tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu dũng cảm quật cường của quân dân Thanh Hóa nói riêng, quân dân cả nước nói chung.
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển kể về trận đánh bảo vệ cây cầu Hàm Rồng của quân và dân Thanh Hóa.
Ngày ấy, cũng như bao chàng trai cô gái tuổi đôi mươi, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Ngô Thị Tuyển đã mang tuổi thanh xuân phơi phới lên trận địa, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ cầu Hàm Rồng. Bên cây cầu Hàm Rồng huyền thoại, bà đã tự mình tạo nên câu chuyện nổi tiếng. Với sức vóc nhỏ bé của một cô gái tuổi đôi mươi, bà vẫn có thể vác hai hòm đạn nặng 98 kg băng qua trận địa tiếp tế cho chiến sĩ, bộ đội. 60 năm qua đi, cô nữ dân quân trẻ trung, anh dũng ngày nào đã bước vào độ tuổi xấp xỉ 80. Ký ức đã phai mờ theo năm tháng, nhưng trong trái tim của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Ngô Thị Tuyển, kỷ niệm về những tháng năm hào hùng, căng tràn lý tưởng thì vẫn mãi vẹn nguyên.
Những đóng góp to lớn, những hy sinh mất mát và cả những chiến công oanh liệt của Thanh Hóa trong kháng chiến giống như một khúc ca hào hùng, bi tráng. Trải qua bao biến thiên thăng trầm và bể dâu thời cuộc, khúc tráng ca ấy vẫn luôn vang vọng, thắp sáng một giai đoạn lịch sử quật cường của dân tộc, làm bừng dậy lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh quả cảm và khát vọng hòa bình trên dải đất xứ Thanh.
Nhà sử học Dương Trung Quốc Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: "Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa là huyết mạch của giao thông. Chúng ta đã chứng kiến không những là những người con của Thanh Hóa tỏa đi khắp các chiến trường chiến đấu, mà ngay trên mảnh đất Thanh Hóa kiên cường ấy, chúng ta cũng chứng kiến những chiến công rất lớn, đặc biệt là chiến công trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với chiến thắng Hàm Rồng, mà chúng ta qua đây là niềm tự hào của Thanh Hóa". PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sử học Việt Nam cũng khẳng định: "Hàm Rồng, sông Mã đều ghi dấu của những người Thanh Hóa, nếu như ta đánh giá Thanh Hóa, tầm vóc, vị thế của Thanh Hóa trong cộng đồng dân tộc Việt Nam thì có thể nói rằng Thanh Hóa là vùng đất sản sinh ra rất nhiều những bậc anh tài mà góp công, góp sức và cống hiến cho sự phát triển, thậm chí còn tạo dựng nên những dấu mốc quan trọng của lịch sử đất nước".
21 năm trường kỳ kháng chiến chống Mỹ qua đi, Thanh Hóa có gần 57.000 người hy sinh, mãi mãi nằm lại nơi chiến trường khói lửa… Hơn 32.000 người đã mất đi một phần thân thể… Và, hàng chục nghìn người phải gánh chịu di chứng, hậu quả nặng nề của chiến tranh… Hơn 50 năm, hòa bình lập lại, nhưng nỗi đau thì vẫn chưa thể nguôi ngoai.
17 năm bà Đinh Thị Giáp thủy chung đợi chờ chồng đằng đẵng… Nhưng ngày trở về, ông mang theo cơ thể và tâm trí không còn lành lặn.
Bà Đinh Thị Giáp tâm sự: "Hai vợ chồng lấy nhau từ năm 72, lúc lấy nhau mới có 18 tuổi thôi, vợ chồng nhà tôi cũng hạnh phúc lắm... tháng 12 năm 1972 thì ông nhà tôi đi vào miền Nam. Giải phóng miền Nam xong thì lại tiếp tục sang Capuachia..". Gần 40 năm qua, bà Đinh Thị Giáp tần tảo chăm chồng là thương binh nặng. Chồng bà, ông Mai Hồng Thiệp nhập ngũ cuối năm 1972, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, rồi tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào và Campuachia. 17 năm bà Đinh Thị Giáp thủy chung đợi chờ chồng đằng đẵng… Nhưng ngày trở về, ông mang theo cơ thể và tâm trí không còn lành lặn.
Đi hết tuổi thanh xuân rồi tuổi trung niên gieo neo, vất vả, giờ đây, khi tuổi đã ngoài 70, người vợ thương binh ấy vẫn lặng lẽ bên chồng, lặng lẽ hy sinh, để hóa giải nỗi đau và di chứng đang hành hạ ông mỗi ngày… Giờ đây mong muốn lớn nhất của bà Đinh Thị Giáp là chồng ăn uống được, khỏe mạnh lên.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã trôi qua 50 năm. Ngày hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa vẫn đang tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân… Để sưởi ấm nỗi cô đơn của mẹ, của chị... Để xoa dịu nỗi đau của cha, của anh… Để thắp sáng niềm lạc quan cho những gia đình còn chịu nhiều đau khổ do chiến tranh gây ra... Và cũng là để bản hùng ca chống Mỹ tiếp tục được ngân lên da diết tự hào trên dải đất xứ Thanh, tiếp thêm sức mạnh tâm linh kỳ diệu cho hồn thiêng sông núi, tạo nguồn lực tinh thần vĩ đại để quê hương, đất nước kiêu hãnh vươn mình trong trong vận hội mới hôm nay.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.