Chủ động, sáng tạo thực hiện "mục tiêu kép"
Sau hai năm triển khai, đưa nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành. Nhiều địa phương đã và đang thể hiện cao sự chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp phát huy nội lực thực hiện "mục tiêu kép".
Nghị quyết của Đảng đã trở thành “kim chỉ nam” để từng địa phương vượt qua thách thức, vừa quyết liệt phòng, chống dịch vừa tập trung khôi phục, phát triển kinh tế, giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế-xã hội.
Sức bật từ những huyện nghèo miền núi
Nhiệm kỳ này, các giải pháp của huyện Mường Ảng (Điện Biên) đi thẳng vào việc phát huy tiềm năng lợi thế diện tích đất tự nhiên, đột phá vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao. Bí thư Huyện ủy Mường Ảng Nguyễn Tiến Đạt trao đổi, huyện phấn đấu hằng năm đạt sản lượng cây có hạt từ 17 nghìn tấn trở lên “Mở rộng diện tích cây ăn quả lên 1.000 ha và kiên quyết duy trì hơn 3.000 ha cà-phê” là mục tiêu có phần tham vọng nhưng thể hiện tầm nhìn, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân của các cấp ủy. Thực tế như một thách thức khi cà-phê hạt nhiều năm liền mất mùa, rớt giá. Hàng nghìn hộ trồng cà-phê thu nhập bấp bênh. Nhiều hộ có ý định phá vườn cà-phê, dù đã đầu tư không nhỏ, để thay bằng cây trồng khác. Cấp ủy, chính quyền huyện không chỉ vận động nhân dân mà bắt tay, tiên phong thu hút nhà đầu tư về thu mua, chế biến bao tiêu sản phẩm tại địa bàn. Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng hành của lãnh đạo huyện, doanh nghiệp về ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá thấp nhất là 10.000 đồng/kg tươi; khi thị trường giá cao hơn thì doanh nghiệp điều chỉnh theo giá thị trường.
Bà Tống Thị Yến, chủ vườn cà-phê trồng tại xã Ẳng Tơ chia sẻ, mùa cà-phê năm nay, người dân Mường Ảng phấn khởi vì cà-phê được mùa, được giá. Người trồng cà-phê có lãi, lao động tại chỗ không lo thiếu việc làm ngay cả khi dịch Covid-19. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hiệp trao đổi, mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025 của huyện về phát triển, chế biến nông sản có giá trị kinh tế đã được hoàn thành. Huyện đã hình thành vùng nông sản có giá trị kinh tế cao. Mường Ảng hiện là địa phương tiêu biểu của tỉnh Điện Biên đạt kết quả toàn diện về phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị.
Huyện vùng cao, biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong 56 huyện nghèo của cả nước. Nhiệm kỳ 2020- 2025, huyện đặt mục tiêu phấn đấu vượt qua diện nghèo, đến năm 2030 trở thành địa phương khá của tỉnh. Huyện ủy xác định bốn đề án lớn, có trọng tâm là xóa nghèo bền vững. Nhưng, với hơn 80% diện tích là đồi núi, chủ yếu đá vôi, quanh năm thiếu nước nên việc phát triển nông, lâm nghiệp ở huyện rất khó khăn. Với hướng phát triển từ nội lực, Bí thư Huyện ủy, Tiến sĩ Giàng Quốc Hưng trao đổi, Mường Khương đã quy tụ đội ngũ chuyên gia để nghiên cứu sâu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Từ đó, huyện mở hướng phát triển một số loại cây trồng đặc sản như dứa, quýt, chè, sa nhân, hồi... Tháng 1/2021, huyện triển khai Ðề án cơ cấu lại kinh tế nông, lâm nghiệp đến năm 2025. Các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn được cơ cấu lại theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Huyện khánh thành Nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu Mường Khương, thu mua ổn định hàng chục nghìn tấn nông sản gồm dứa, chuối, chè… Từ việc trồng phân tán, huyện đã trở thành vùng sản xuất dứa nguyên liệu với diện tích hơn 775 ha. Sản phẩm từ nông sản Mường Khương đã có mặt tại thị trường EU, Nga, Mỹ… và giải quyết việc làm, thu nhập cho hàng nghìn lao động tại chỗ. Hiện Mường Khương đang là huyện có tốc độ bứt phá trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững thuộc tốp đầu của tỉnh Lào Cai.
Đô thị sinh thái miền sông nước
Ngày nay, du khách có dịp đến TP Cần Thơ tham quan sẽ cảm nhận được sự phát triển nhanh chóng của thành phố bên bờ sông Hậu, của đô thị trung tâm Ninh Kiều. Trong điều kiện chưa có tiêu chí về xây dựng đô thị sinh thái; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn Viet GAP thiếu đồng bộ, chưa thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhiệm kỳ này, Thành ủy Cần Thơ đề ra mục tiêu phát huy lợi thế, tiềm năng của các quận, huyện trong phát triển kinh tế, xã hội, liên kết vùng đô thị. Với chủ trương của thành phố, Quận ủy Ninh Kiều ban hành các đề án, các giải pháp, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả việc phát triển đô thị sinh thái. Quận coi trọng cải cách hành chính, chuyển đổi số, tạo thế thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Từ đó các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, mới như cầu Quang Trung, cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ hình thành trục giao thông huyết mạch phát triển đô thị hiện đại, Ninh Kiều đang phát huy tiềm năng, lợi thế đón đầu cơ hội phát triển, tạo thế liên kết vùng.
Cận kề quận Ninh Kiều, hai năm qua huyện Phong Điền có bước đi sáng tạo, vững chắc trong xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đó là việc đầu tư cho giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng các tiêu chí về hạ tầng, phát huy thế mạnh trồng cây ăn trái đặc sản kết hợp với du lịch. Huyện huy động hơn 2.000 tỷ đồng vào phát triển hạ tầng nông thôn. Huyện đầu tư, khuyến khích chuyển mạnh diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại trái cây đặc sản như: vú sữa, sầu riêng, nhãn Ido, dâu Hạ Châu… Huyện quy hoạch, xây dựng hình thành bốn vùng sản xuất chuyên canh cây đặc sản giá trị kinh tế cao tại xã Tân Thới diện tích 612 ha, xã Giai Xuân diện tích 452 ha, xã Nhơn Ái diện tích 438 ha, nhãn Nhơn Nghĩa diện tích 330 ha. Hiện diện tích cây ăn trái giá trị kinh tế cao toàn huyện đạt hơn 8.500 ha, tăng hơn 2.000 ha so với 5 năm trước, đạt sản lượng hơn 100 nghìn tấn/năm. Phong Điền hiện có hơn 1.000 ha vườn cây ăn trái cho thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Tân, ở xã Tân Thới đã cải tạo năm công đất lúa sang trồng sầu riêng. Nhờ canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP nên vụ đầu cho trái đạt năng suất, chất lượng khá cao, ông bán được giá từ 60.000-65.000 đồng/kg đầu vụ, thu nhập gần 200 triệu đồng. Cho dù trong đại dịch Covid-19 nhưng thu nhập một công đất sầu riêng vẫn cao gấp 7 đến 10 lần so với trồng lúa. Hai năm qua, Phong Điền đẩy mạnh thành lập mới các tổ hợp tác, hợp tác xã, áp dụng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu chia sẻ, quận Ninh Kiều và huyện Phong Điền đã và đang liên kết hình thành vùng đô thị sinh thái, phát huy nội lực, bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển.
Phát huy thế mạnh, tiềm năng từ biển
Người dân Khánh Hòa không thể quên cơn bão số 12 năm 2017 đổ bộ vào địa phương, khiến hàng trăm lồng bè truyền thống ở Khánh Hòa bị thổi bay, thiệt hại kinh tế nặng nề, hậu quả kéo dài nhiều năm. Nhằm phát triển nghề nuôi trồng biển trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh hoành hành, được sự hỗ trợ của trên, từ năm 2020, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa triển khai mô hình nuôi cá biển công nghệ lồng tròn HDPE kiểu Na Uy, bảo đảm kháng được sóng bão đến cấp 12. Dự án được triển khai ở khu vực biển Bãi Tranh, xã Vạn Thạnh, độ sâu hơn 10 m. Lồng HDPE hình tròn, đường kính 10 m, thể tích lồng 500 m3, do Việt Nam sản xuất, chi phí 180 triệu đồng, giảm 50% so với lồng Na Uy nhập khẩu.
Ông Trần Ngọc Sỹ, chủ lồng bè ở đây cho biết, gia đình đang thả 1.000 cá giò bằng công nghệ lồng tròn HDPE, lồng này thông thoáng, cá phát triển tốt hơn hẳn so với lồng nuôi truyền thống. Năm 2021, một lồng nuôi của gia đình ông cho thu hoạch năm tấn cá, lãi gần 100 triệu đồng sau 10 tháng nuôi. Một chủ lồng HDPE khác là ông Nguyễn Xuân Hòa, hào hứng nói, đại dịch Covid-19 đến nay vẫn đứng ngoài vùng nuôi trồng hải sản của huyện Vạn Ninh. Ông đang nhân rộng vài lồng HDPE nữa để không chỉ nuôi cá mà còn nuôi tôm hùm de giá trị kinh tế cao. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, Huỳnh Kim Khánh khẳng định tính an toàn, hiệu quả nổi trội của mô hình, phòng ngừa được bão trên cấp 12, không phải sử dụng gỗ như bè truyền thống. Mô hình này mở triển vọng mới cho phát triển nuôi trồng hải sản ở các tỉnh duyên hải miền trung.
Vĩnh Châu, thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng, với bờ biển dài 43 km, từng là vùng quê nghèo khó. Nhiệm kỳ 2020- 2025, từ đổi mới tư duy, huy động trí tuệ cao, Đảng bộ thị xã Vĩnh Châu đề ra các chủ trương, giải pháp nhằm phát triển nhanh, bền vững. Huyện đề ra mục tiêu, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 12.700 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 265 triệu đồng; hằng năm giải quyết việc làm mới khoảng 3.000 lao động… Bí thư Thị ủy Vĩnh Châu Ngô Hùng trao đổi, vấn đề tiên quyết là Đảng bộ đoàn kết thống nhất, nâng cao bản lĩnh trí tuệ, tạo nên sức mạnh đưa nghị quyết vào cuộc sống. Thực tế cho thấy ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ, cơ cấu kinh tế của thị xã chuyển dịch đúng hướng; giữ vững nhịp độ phát triển. Thị xã “cán đích” xây dựng nông thôn mới sớm hơn bốn năm so với Nghị quyết.
Năm 2020, tổng giá trị sản xuất của toàn thị xã đạt 18.210 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ đồng so với 10 năm trước; giá trị sản phẩm thu hoạch trên một ha đất đạt gần 221 triệu đồng, tăng 2,8 lần so với năm 2011. Năm 2021, thị xã có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 150 triệu USD, tiếp tục là điểm sáng cấp huyện toàn quốc. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng, Hồ Thị Cẩm Đào cho biết, Vĩnh Châu đang góp phần quan trọng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa, là trung tâm kinh tế của tỉnh.
Từ nhiều đơn vị cấp huyện trên toàn quốc, những địa phương nêu trên là thí dụ cho thấy điểm chung là bám sát chủ trương, quan điểm, chỉ đạo của cấp trên, chủ động, sáng tạo trong vận dụng vào thực tế. Trước hết, từ tinh thần tự đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng tại chỗ bằng các chương trình, đề án khoa học, khả thi. Đồng thời huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy nội lực của nhân dân, bảo đảm đưa các chương trình, đề án của địa phương đi vào cuộc sống hiệu quả. Đây là quá trình “Chủ trương một, giải pháp mười, quyết tâm phải 20”. “Cái gốc” từ năng lực lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền; đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp. Thực tiễn cũng đặt ra yêu cầu các địa phương cần tiếp tục coi trọng ứng dụng khoa học-công nghệ mới, tăng cường liên kết vùng-chuỗi và tiêu thụ sản phẩm bảo đảm sự phát triển nhanh, khả năng ứng phó với các yếu tố bất lợi cao hơn…, nhằm khẳng định vai trò “pháo đài” cấp huyện trong phòng, chống dịch hiệu quả, vừa giữ vững được nhịp độ tăng trưởng, đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội.
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm
Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân
Tổng cục Thống kê cho biết, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã có tác động tích cực, hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi. Trong năm 2024, các doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cao hơn 20% so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Quyết liệt giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Chỉ thị số 02 ngày 17/1/2025 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Tạo động lực để xuất khẩu tôm đạt mục tiêu tăng trưởng
Năm 2024, xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỷ USD. Ngành tôm vẫn giữ được đà tăng trưởng, nhưng về mặt hiệu quả, người nuôi và doanh nghiệp chế biến đang gặp nhiều khó khăn do nguồn tôm nguyên liệu phục vụ chế biến thiếu hụt. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cần tiếp tục tạo động lực để tăng trưởng và phát triển trong năm 2025.
Thanh Hóa có thêm 1 sản phẩm OCOP 5 sao
Mới đây, Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương đã đánh giá và chấm điểm phân hạng sản phẩm OCOP. Thanh Hóa có thêm 1 sản phẩm "Nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40 N" của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm & Thương mại dịch vụ Lê Gia huyện Hoằng Hóa được công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao Quốc gia.
Từ ngày 1/7 nộp thuế bằng mã số định danh cá nhân thay cho mã số thuế
Mã số thuế do cơ quan thuế cấp cho cá nhân, hộ gia đình và hộ kinh doanh sẽ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025. Từ ngày 1/7/2025, mọi hoạt động liên quan đến thuế sẽ sử dụng số định danh cá nhân. Đây là quy định tại Thông tư số 86/2024 của Bộ Tài Chính được ban hành ngày 23/12/2024, có hiệu lực từ ngày 6/2/2025.
Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 235.000 tỷ đồng
Năm 2024, sản xuất công nghiệp tỉnh Thanh Hóa ghi nhận sự phục hồi tích cực, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao trong nhiều tháng liên tiếp. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã đạt 235 nghìn tỷ đồng.
Hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phi chính phủ
Thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực hợp tác, vận động viện trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm tăng cường, huy động mọi nguồn lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2024 Thanh Hóa thu hút được 105 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài
Trong năm 2024, toàn tỉnh đã thu hút được 105 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 19 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký trên 12.960 tỉ đồng và 477,9 triệu USD, gấp 1,43 lần về số dự án và tăng 25,1% về vốn đăng ký so với năm 2023; có 9 dự án điều chỉnh tăng với số vốn 63,2 triệu USD; 01 dự án điều chỉnh giảm với số vốn 21,5 triệu USD.
Xác lập kỷ lục mới, xuất khẩu vượt mốc 400 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 sơ bộ đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so năm trước, vượt hơn gấp đôi chỉ tiêu phấn đấu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 (+6%). Mặc dù nhập khẩu cũng tăng mạnh, nhưng xuất khẩu đã giúp cán cân thương mại duy trì mức thặng dư lớn 24,77 tỷ USD. Đây là năm thứ 9 liên tiếp cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt xuất siêu.
Tập trung gieo cấy, bảo vệ sản xuất vụ xuân 2025
Cùng với thu hoạch các cây màu vụ đông, hiện nay bà con nông dân tỉnh Thanh Hóa đang tập trung sản xuất vụ Chiêm xuân 2025. Hiện các địa phương đã gieo cấy trên 20% diện tích lúa xuân.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.