ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, thời gian qua, các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân đã và đang phát triển nhanh về số lượng, mạnh về chất lượng, đa dạng các loại hình hoạt động, phủ rộng khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm tải cho y tế công lập và đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân. Tuy nhiên, quản lý hành nghề y, dược tư nhân cũng đang phát sinh nhiều bất cập, tồn tại, cần phải được nâng cao hơn nữa để hoạt động này thực sự có nền nếp, đúng các quy định của pháp luật, tạo sự công bằng giữa các cơ sở y tế với nhau và đảm bảo quyền lợi của người dân.

Minh Tuyết - Sỹ Thảo - Thanh Văn - Xuân Sơn

03/06/2024 22:00

Đa dạng các loại hình cơ sở hành nghề y, dược tư nhân

Hiện tỉnh Thanh Hoá có 1.553 cơ sở hành nghề y tư nhân gồm: 20 bệnh viện, 64 phòng khám đa khoa, 1.381 phòng khám chuyên khoa và 88 cơ sở dịch vụ y tế khác. Các bệnh viện tư nhân hiện có 3.991 giường bệnh nội trú, chiếm 25,2% tổng số giường bệnh toàn tỉnh, thuộc nhóm cao nhất cả nước, vượt 2,5 lần so với mục tiêu của Ban chấp hành Trung ương đề ra đến năm 2025. Các bệnh viện tập trung tại một số huyện đồng bằng, thị xã, thành phố và hiện còn 18 địa phương chưa có bệnh viện tư nhân.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 1.

Trong tổng số 1.553 cơ sở hành nghề y tư nhân, có 1.533 phòng khám và cơ sở dịch vụ y tế khác chủ yếu tập trung tại các đô thị và huyện đồng bằng, chủ yếu là các phòng khám chuyên khoa, ít phòng khám đa khoa.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 2.

Số cơ sở y tư nhân tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và tổng số lượt người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế tư nhân ngày càng tăng: Cụ thể năm 2021 là 44 cơ sở với 1.276.272 lượt, năm 2022 là 47 cơ sở với 1.576.834 lượt; năm 2023 là 51 cơ sở với 1.818.454 lượt.

Về hành nghề dược tư nhân: Hiện tỉnh Thanh Hoá có 3.950 cơ sở, gồm: 4 công ty sản xuất thuốc, 104 cơ sở bán buôn thuốc, 742 nhà thuốc, 3.016 quầy thuốc, 84 cơ sở bán lẻ dược liệu.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 3.

Hệ thống y tế tư nhân đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật cao, triển khai kỹ thuật mũi nhọn, kỹ thuật chuyên sâu trong khám chữa bệnh. Cùng với đó, đội ngũ y bác sĩ có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, một số là các bác sỹ giỏi tại các bệnh viện công lập làm ngoài giờ hành chính, hoặc đã nghỉ hưu đã góp phần giảm tải cho các bệnh viện công lập, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Thêm vào đó là tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế tại các cơ sở y tư nhân thân thiện, nhiệt tình, chu đáo, làm hài lòng người bệnh.

Còn nhiều lỗ hổng cần được lấp

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 4.

Theo quy định: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động phải đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành; Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn; Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật phải là người hành nghề toàn thời gian của cơ sở và có phạm vi hành nghề phù hợp phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, có thời gian hành nghề ở phạm vi đó tối thiểu 36 tháng, trừ trường hợp người hành nghề có chức danh là lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Vậy nhưng hiện nay, ngoài các cơ sở được cấp phép, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cơ sở hành nghề y không phép ngang nhiên hoạt động.

Cụ thể: Theo báo cáo của Sở Y tế: Năm 2023 toàn tỉnh có 310 cơ sở hành nghề y, dược không phép hoặc chưa được cấp phép. Trong số 178 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không phép có 123 cơ sở răng hàm mặt, chiếm tỷ lệ cao nhất và 132 cơ sở kinh doanh dược hoạt động khi chưa được cấp phép, chủ yếu là quầy thuốc đã được cấp phép các năm trước tại địa bàn các xã lên phường, theo quy định quầy thuốc phải chuyển đổi thành nhà thuốc, nhưng các cơ sở này chưa đủ điều kiện chuyển đổi.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 5.

Tại một cơ sở khám và điều trị răng trên địa bàn huyện Nông Cống. Khi đoàn khảo sát của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đến thì máy móc thiết bị vẫn còn còn nguyên, nhưng nơi làm việc thì bụi bặm, bẩn thỉu. Điều đáng nói là trong thùng rác bẫn còn bông gạc lẫn máu tươi. Vậy nhưng, chủ nhà lại bảo rằng: phòng khám đã dừng hoạt động lâu rồi. Và đương nhiên, chủ cơ sở không thấy mặt.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 6.

Cách đó không xa là một vài phòng khám không phép trông bên ngoài cũng nhếch nhác, tạm bợ. Dù vẫn treo biển hoạt động, nhưng khi đoàn khảo sát đến thì cửa đã được khoá.

Mặc dù số cơ sở hành nghề y nhiều, nhưng đa số quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có nhiều các dịch vụ chất lượng cao và chuyên khoa sâu. Một số cơ sở hành nghề y tư nhân chưa thực hiện đúng quy định về công khai niêm yết giá dịch vụ khám chữa bệnh. Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, xử lý rác, nước thải y tế, mẫu bệnh phẩm còn nhiều bất cập. Có phòng khám chủ cơ sở ốm yếu, không còn khả năng khám bệnh vẫn đứng tên. Phòng khám đăng ký ngoài giờ nhưng trong giờ hành chính vẫn hoạt động.

Một số cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép; không tuân thủ thời gian hoạt động; người chịu trách nhiệm chuyên môn không có mặt tại cơ sở trong thời gian cơ sở hoạt động mà không ủy quyền cho người khác. Hoạt động quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh không đúng trên các nền tảng mạng xã hội gây nhiễu loạn thông tin, khó khăn cho người dân trong việc lựa chọn sử dụng các dịch vụ y tế…

Đặc biệt, thời gian gần đây, nở rộ các cơ sở hoạt động thẩm mỹ không phép hoặc núp bóng dưới các cơ sở chăm sóc sắc đẹp để thực hiện các dịch vụ xâm lấn.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 7.

Minh chứng năm 2023, cơ sở Mayo Clinic tại phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hoá buộc phải đóng cửa do thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong khi chờ Sở Y tế ra quyết định xử phạt, thì cơ sở này vẫn hoạt động bình thường và hàng trăm vị khách tin vào quảng cáo, vẫn tiếp tục tìm đến cơ sở này đăng ký các dịch vụ làm đẹp.

Đáng nói, một khách hàng đã từng sử dụng dịch vụ nâng ngực tại Thẩm mỹ Mayo Clinic Thanh Hoá. Nhưng ngực thì không tăng kích cỡ mà nách lại xuất hiện u. Khách hàng nữ tại huyện Nga Sơn cho biết: "Em có vay mượn bạn để đóng đủ số tiền 30 triệu. Một chị nói sẽ hiệu quả ngay sau khi làm. Làm xong em không thấy hiệu quả gì hết. Họ hẹn em 1 tháng sau lên kiểm tra, nhưng 1 tuần sau em thấy ngực em tức, phát u ở nách. Em có đi khám ở phòng khám Thành Đạt, họ chuyển em lên tuyến trên để kiểm tra vì họ không biết tiêm chất gì vào ngực nên họ không dám khẳng định, họ không làm được".

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 8.

Hầu hết các khách hàng cho biết họ đều tìm đến cơ sở thẩm mỹ Mayo Clinic thông qua quảng cáo trên facebook. Cơ sở này có nhiều trang quảng cáo với nội dung tạo cảm giác uy tín cho khách hàng như đảm bảo sẽ thấy rõ kết quả sau 1 lần điều trị, hoặc cam kết hoàn lại tiền nếu không như mong đợi… Tuy nhiên, trên thực tế, việc đòi lại tiền của khách hàng gần như là không thể. 

Cách đây không lâu, sau khi nhận được đề nghị kiểm tra xác minh thông tin của Sở Y tế, các cơ quan chức năng của huyện Hoằng Hoá đã vào cuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc một phụ nữ 42 tuổi nhập viện vì hoại tử vùng rốn và thắt lưng trái khi khi người này khai là đã hút mỡ, cắt sẹo tại Trung tâm chăm sóc sắc đẹp Thu Hiền, có địa chỉ tại xã Hoằng Sơn, đây là cơ sở cắt tóc, làm móng tay.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 9.

Được biết, cơ sở hoạt động không phép này từng xuất hiện tràn lan những hình ảnh, lời quảng cáo có "cánh" về dịch vụ hút mỡ bụng; tiêm filler; cắt mí; bơm, phun xăm môi... và những hứa hẹn thay đổi về cơ thể "eo thon, dáng đẹp" đồng thời nhận đào tạo các học viên trên mạng xã hội.

Trên lĩnh vực hành nghề dược, theo quy định, Nhà thuốc thì phải là dược sỹ đại học phụ trách chuyên môn và phải có mặt khi cơ sở hoạt động. Tuy nhiên, nhiều cơ sở vẫn mở cửa khi người phụ trách chuyên môn vắng mặt mà không ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 10.

Ngoài ra, nhiều cơ sở kinh doanh dược còn chưa thường xuyên cập nhật dữ liệu vào phần mềm liên thông dữ liệu dược quốc gia; hóa đơn, chứng từ chưa đảm bảo quy định; không niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược tại cơ sở; niêm yết giá bán lẻ thuốc không đầy đủ, không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng tại nơi giao dịch hoặc nơi bán thuốc của cơ sở kinh doanh dược; không có khu vực riêng cho các sản phẩm không phải là thuốc hoặc không có biển hiệu tại khu vực riêng ghi rõ "sản phẩm này không phải là thuốc" hoặc để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc; một số dược liệu, vị thuốc tại các phòng chẩn trị y học cổ truyền chưa rõ nguồn gốc đầu vào; còn bán thuốc không đạt chất lượng.

Đáng nói là việc bán thuốc vẫn còn diễn ra tại chợ như bán mớ rau, lạng thịt. Và điều tưởng chừng chỉ có thể ở vùng sâu vùng xa, nhưng thực tế lại diễn ra ngay ở một chợ vùng đồng bằng.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 11.

Ông Lê Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường

Ông Lê Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: "Hoạt động kinh doanh thuốc tân dược đã ngày càng tốt hơn, tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn như: điều kiện kinh doanh, thuốc quá hạn sử dụng, thuốc đã thu hồi lưu hành nhưng vẫn lưu hành. Cục Quản lý thị trường sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện và sẽ kiên quyết xử lý nghiêm để đảm bảo cho người tiêu dùng".

Quản lý nhà nước và những vấn đề đặt ra

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 12.

Giai đoạn 2021 - 2023, Sở Y tế đã tổ chức 30 cuộc kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Trong số 197 cơ sở thanh tra có 108 cơ sở vi phạm với số tiền xử phạt hơn 1, 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Cục quản lý thi trường, Bảo hiểm xã hội tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hàng nghìn cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn, tuy nhiên vẫn có nhiều cơ sở tái phạm.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 13.

Điển hình là trường hợp phòng khám răng Valis 198 Lê Hoàn, trong thời gian 3 tháng đầu năm 2024 đã bị UBND thành phố kiểm tra xử phạt hành chính 02 lần với tổng số tiền 180 triệu đồng do đơn vị này hoạt động chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động không đủ điều kiện phải đình chỉ nhưng vẫn lén lút hoạt động.

Việc tồn tại các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không đảm bảo chất lượng và không tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ gây nên nhiều hệ luỵ, trong đó có việc không đảm bảo sự công bằng giữa các cơ sở khám chữa bệnh và kinh doanh dược, vừa không đảm bảo được quyền lợi cho người bệnh.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 14.

Ông Tống Văn Hùng, Chủ tịch Hội Y tế tư nhân tỉnh Thanh Hoá

Ông Tống Văn Hùng, Chủ tịch Hội Y tế tư nhân tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Đã là ngành y tế thì phải được cấp phép mới được hành nghề, đã là người y tế thừa hành nhiệm vụ thì phải có chứng chỉ hành nghề. Đã là hoạt động không phép là vi phạm pháp luật, gây nên hệ luỵ cho người bệnh, gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh của Nhân dân".

Hiện nay, bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh còn mỏng: Sở Y tế có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về y tế thì Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân có 5 công chức, trong đó có 4 người có chuyên môn phù hợp. 9/27 huyện không có cán bộ có trình độ chuyên môn y tế phụ trách quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 15.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa ngành y tế với UBND các cấp, các ngành chức năng trong công tác tuyên truyền, quản lý, thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề y, dược tư nhân từ tỉnh đến huyện, xã còn thiếu đồng bộ, chưa thường xuyên, chưa kịp thời.

Cần có giải pháp để nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước

Từ đầu năm đến nay, Sở Y tế Thanh Hoá đã ban hành hàng loạt văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố về việc rà soát, kiểm tra, xử lý các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động không phép trên địa bàn quản lý. Theo kết quả rà soát và báo cáo của nhiều địa phương thì trên địa bàn mình quản lý không có cơ sở hành nghề y, dược tư nhân không phép hoạt động. Tuy nhiên, khi qua thực tế kiểm tra thì tình trạng này vẫn còn khá nhức nhối.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 16.

Sở Y tế cũng đã tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản số 6278 về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân và hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động hành nghề y, dược tư nhân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này, đồng thời đang xây dựng phần mềm quản lý hành nghề y dược tư nhân để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo hướng công khai minh bạch thông tin để các cơ quan quản lý nhà nước và người dân biết và cùng giám sát.

Công tác quản lý hành nghề y, dược tư nhân - Thực trạng và các vấn đề đặt ra- Ảnh 17.

Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá

Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: "Sở Y tế sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý hành nghề y dược tư nhân. Trong đó, thứ nhất là nâng cao chất lượng cấp giấy phép hoạt động, thứ hai là đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân. Tăng cường phối hợp liên ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố trong việc, thanh tra, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm, xử lý các đơn vị không phép hoặc hoạt động vật quá chuyên môn cho phép".

Không thể phủ nhận vai trò của y dược tư nhân đối với sự phát triển của ngành y tế và với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân, song, làm thế nào để quản lý tốt hơn nữa hoạt động này lại đang là vấn đề đặt ra cần phải được tháo gỡ. Từ đó tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa y tế công và y tế tư, thúc đẩy phát triển cả hệ thống y tế của tỉnh và góp phần chăm sóc tốt nhất sức khoẻ cho Nhân dân.

Nguồn: Phóng sự phát sóng ngày 03/6/2024

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư, nâng cao hiệu quả điều trị

Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư, nâng cao hiệu quả điều trị

08:09 , 30/04/2025

Ung thư là một trong những bệnh gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, số ca mắc mới và tử vong do ung thư không ngừng gia tăng, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Song, một điểm sáng trong cuộc chiến chống ung thư chính là việc sàng lọc và phát hiện sớm có nhiều khả năng điều trị thành công cao hơn, giảm tỉ lệ tử vong, bảo vệ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ người bệnh.

Tổ chức tốt cấp cứu, khám chữa bệnh dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Tổ chức tốt cấp cứu, khám chữa bệnh dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

08:00 , 30/04/2025

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Y tế các bộ, ngành về việc bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Nguy hại từ trào lưu uống nước chanh liều cao

Nguy hại từ trào lưu uống nước chanh liều cao

21:00 , 29/04/2025

Thời gian gần đây, trào lưu uống nước cốt chanh liều cao vào buổi sáng khi bụng đói để thanh lọc cơ thể, thải độc và chữa bệnh đang lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội và nhiều người làm theo. Nhiều video, hình ảnh, bình luận chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, hướng dẫn mọi người cách uống nước cốt chanh, uống thật nhiều, uống liều cao với niềm tin có thể "tiêu tan" mọi loại bệnh. Liệu trào lưu này có thực sự tốt cho sức khỏe? Và để làm rõ vấn đề này, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hoá đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Quang Trung, Phó Trưởng Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá.

Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý vấn đề thuốc chữa bệnh giả

Phó Thủ tướng chỉ đạo xử lý vấn đề thuốc chữa bệnh giả

09:44 , 29/04/2025

Văn phòng Chính phủ có văn bản số 3700/VPCP-KGVX ngày 28/4/2025 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long về xử lý vấn đề thuốc chữa bệnh giả.

Tiêm chủng cho tất cả mọi người là điều có thể thực hiện được

Tiêm chủng cho tất cả mọi người là điều có thể thực hiện được

08:39 , 28/04/2025

Tuần lễ Tiêm chủng thế giới năm nay diễn ra từ ngày 24/4 đến 30/4/2025 với khẩu hiệu "Tiêm chủng cho tất cả mọi người là điều có thể thực hiện được". Mục tiêu hướng đến việc ngày càng nhiều trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn và cộng đồng được bảo vệ khỏi các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Yêu cầu rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc tại các bệnh viện

Yêu cầu rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc tại các bệnh viện

09:10 , 27/04/2025

Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các bệnh viện rà soát, kiểm tra việc kê đơn thuốc có các sản phẩm không phải là thuốc để kịp thời chấn chỉnh, có biện pháp xử lý theo quy định.

Đảm bảo điều kiện tổ chức bán trú cho học sinh mùa nắng nóng

Đảm bảo điều kiện tổ chức bán trú cho học sinh mùa nắng nóng

18:41 , 26/04/2025

Tình hình nóng gay gắt với nền nhiệt cao khiến cho các loại thực phẩm rất dễ bị hư hỏng, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn cho học sinh. Vì vậy, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chủ động rà soát, cải tạo cơ sở vật chất, điều chỉnh lịch bán trú để phù hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng.

Các trường mầm non chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè cho trẻ

Các trường mầm non chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè cho trẻ

18:16 , 26/04/2025

Hiện đang là thời gian cao điểm của một số bệnh truyền nhiễm như: sởi, thuỷ đậu, tay chân miệng và các bệnh về tiêu hoá… Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố Thanh Hoá đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh mùa hè, không để lây lan, bùng phát trong nhà trường.

Bộ Y tế ban hành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3

Bộ Y tế ban hành chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3

16:15 , 26/04/2025

Để tiếp tục triển khai tổ chức tiêm chủng chiến dịch phòng, chống bệnh sởi cho các đối tượng, nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, trên cơ sở đề xuất nhu cầu vaccine, phạm vi triển khai chiến dịch vaccine phòng, chống dịch sởi của các tỉnh, thành phố, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 đợt 3. Theo đó, tiếp tục mở rộng đối tượng, tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng.

Xây dựng mạng lưới nội dung y tế chính thống, đa dạng và thiết thực

Xây dựng mạng lưới nội dung y tế chính thống, đa dạng và thiết thực

08:19 , 24/04/2025

Tổng hội Y học Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư, Ngày mai tươi sáng (Bộ Y tế), nền tảng TikTok cùng Hệ sinh thái Bệnh viện đa khoa Tâm Anh và Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm cùng nhau xây dựng mạng lưới thông tin y tế chuẩn khoa học, đáng tin cậy và dễ tiếp cận vì sức khỏe cộng đồng.