Xanh lơ – màu của hội chứng tự kỷ
Trẻ tự kỷ thường có thế giới quan khác biệt so với chuẩn thông thường, nhưng điều đó không có nghĩa các em không thể phát triển. Màu sắc là một công cụ giao tiếp hiệu quả với trẻ tự kỷ, đóng vai trò đáng kể trong việc giúp tăng cường nhận thức. Sinh hoạt trong những không gian tĩnh với màu sắc trung tính sẽ tạo cảm giác an toàn, giúp trẻ cải thiện hành vi và nhận thức trực quan hơn về thế giới xung quanh.
Cuộc thi “Thế giới xanh lơ” không gian để các em nhỏ tự kỷ thể hiện thế giới riêng của mình. |
Trẻ tự kỷ thường gặp vấn đề rối loạn xử lý thông tin về cảm giác, vì thế dễ trở nên kích động và phản ứng thái quá. Sử dụng các gam màu nhẹ như xanh lá, xanh dương hoặc tím phớt sẽ khiến não bộ của trẻ tự kỷ có thể tiếp nhận tích cực, giúp cải thiện hành vi. Chính vì lý do này, “Thế giới xanh lơ” đã được chọn làm tên của cuộc thi. Việc có thể thoải mái với những màu sắc nhẹ nhàng sẽ giúp trẻ tự kỷ bình tĩnh và giữ cảm xúc tốt hơn trong việc thể hiện thế giới riêng của mình.
Kể câu chuyện thông qua ngôn ngữ nghệ thuật
Ngôn ngữ lời nói là công cụ giao tiếp quan trọng nhất, đồng thời với khả năng bộc lộ cảm xúc thông qua giao tiếp phi ngôn ngữ bằng ánh mắt, nét mặt và các dấu hiệu của cơ thể. Tuy nhiên, đối với trẻ tự kỷ thì bánh xe ngôn ngữ dường như bị chệch ra khỏi đường ray phát triển hoặc đi chậm lại. Các em có những câu nói vô nghĩa, nhại lại lời người khác rất chính xác nhưng dường như bản thân trẻ cũng không hiểu những lời nói mà mình phát âm ra, thậm chí nhiều trẻ tự kỷ còn không có ngôn ngữ lời nói.
Nắm bắt được rào cản mà trẻ tự kỷ đang phải đối mặt, đại diện ban tổ chức cuộc thi vẽ tranh “Thế giới xanh lơ” bà Phan Thanh Vân – Giám đốc điều hành Tò He chia sẻ: “Đồng hành với các “nghệ sĩ bé” đặc biệt từ 14 năm nay, chúng tôi tin rằng trong mỗi bạn nhỏ đều là một tài năng có thể đang ẩn giấu, chờ được khám phá. Thế giới xanh lơ không chỉ đơn thuần là một cuộc thi, đó là cơ hội để các bạn trải nghiệm và kể câu chuyện của mình thông qua ngôn ngữ nghệ thuật. Và hơn thế, đó cũng là cơ hội để công chúng bước vào thế giới thuần khiết của các bạn, để có thể hiểu hơn, quan tâm và chiasẻ với các bạn. Tôi tin rằng chỉ cần nhẫn nại và yêu thương một chút, bất cứ ai cũng sẽ có thể học hỏi rất nhiều điều từ những nghệ sỹ đặc biệt này’’.
Mỗi một bức tranh là một câu chuyện, thế giới muôn màu, muôn sắc riêng của trẻ tự kỷ. Những hình ảnh, nét vẽ trong các bức tranh đều có đặc trưng riêng, không bị cứng nhắc hay dập khuôn theo một hình nào có sẵn. Một thế giới tràn ngập màu sắc, với những con vật ngộ nghĩnh, và cả sự hồn nhiên được các em nhỏ tự kỷ mang vào trong từng bức tranh.
Trẻ tự kỷ thích thú thể hiện thế giới riêng thông qua hội hoạ. |
Cả một vũ trụ bao la rộng lớn được thu nhỏ trong trí tưởng tượng của những bạn nhỏ, một ông mặt trời tươi tắn không hề gắt gỏng chói chang. Màu xanh lam của những đám mây, cùng các hành tinh nhiều màu sắc đủ toát lên một thế giới tâm hồn tươi đẹp, hồn nhiên của những bạn nhỏ đặc biệt này.
Bức tranh hệ mặt trời của một em nhỏ tự kỷ tham gia cuộc thi. |
Những nét vẽ dù có nguệch ngoạc, nhưng với trẻ tự kỷ thì đó là cách tốt nhất để thể hiện bản thân, theo một cách cảm nhận thế giới riêng biệt của chính các em.
Đồng hành cùng con trong hành trình lớn khôn, chị Mai Quyên – mẹ của bé Hùng (7 tuổi, có dấu hiệu tự kỷ từ năm lên 3) cũng nhận thấy: Hội họa là cách giúp con bộc lộ thế giới riêng của mình: “Nuôi con tự kỷ là buộc những người đồng hành cùng con không được nóng vội, kiên nhẫn để hiểu những điều con muốn nói lên từ bức tranh của mình, có những lúc con vẽ chẳng ra hình gì thì mình hiểu là trong con đang rất lộn xộn, nhưng có khi con lại vẽ những thứ rực rỡ như: căn nhà, động vật, cây cối, mây trời thì mình cũng biết là con đã bình tĩnh và muốn khám phá điều gì.”
Bức tranh về thế giới động vật. |
Cuộc thi “Thế giới xanh lơ” tiếp tục nhận các bài dự thi cho đến hết ngày 30/6 và “hồn nhiên” chính là tiêu chí được ưu tiên hàng đầu. Thông qua các bức tranh của mình, các em có thể chia sẻ về cuộc sống hàng ngày và bày tỏ ước mơ của mình. Qua đây, mọi người có thể hiểu hơn về thế giới đặc biệt của những em nhỏ này./.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.