Nhiều bệnh nhân đến hỏi tôi: con em được chỉ định làm OTK, em lo quá, mà OTK là gì thưa bác sĩ?
OTK chính là từ mà mọi người gọi tắt cho danh từ ống thông khí. Đây là một loại vật liệu sử dụng để làm cân bằng áp lực giữa tai giữa và môi trường bên ngoài.
Vậy chỉ định thực hiện đặt OTK trong những trường hợp nào?
|
Theo khuyến cáo của nhiều nghiên cứu, các bác sĩ tai mũi họng cho rằng ống thông khí được đặt sẽ có hiệu quả trong các trường hợp sau:
- Viêm tai giữa được điều trị nội khoa đúng phác đồ mà không đáp ứng (bệnh không thuyên giảm) đã từ 6-12 tuần.
- Viêm tai giữa tái phát ít nhất 3 lần trong 6 tháng hoặc 4 lần trong 12 tháng.
- Viêm tai giữa gây biến chứng viêm màng não, áp xe não, liệt mặt…
- Xẹp nhĩ do rối loạn chức năng thông khí của vòi nhĩ (đường nối thông từ mũi sang tai).
Ống thông khí có tác dụng duy trì thông khí bình thường của tai giữa cho đến khi đứa trẻ lớn lên và chức năng vòi nhĩ ổn định.
Bác sĩ thực hiện đặt ống như thế nào?
Bác sĩ sẽ phải rạch màng nhĩ ở góc trước dưới, để tạo một lỗ, và luồn ống qua lỗ đó.
|
Thủ thuật này có tai biến gì không?
Giống như khi thực hiện các thủ thuật y tế khác, tai biến là không thể tránh khỏi tuyệt đối, tuy nhiên đều là những tai biến có thể kiểm soát được.
Những tai biến này là gì?
1. Tắc ống thông khí
Thường được phát hiện do người bệnh không thấy cải thiện triệu chứng nên đi khám lại và bác sĩ tai mũi họng phát hiện được.
Với trường hợp này, bác sĩ sẽ cho nhỏ thuốc vào tai theo chỉ định. Bệnh nhân được hút và làm thuốc tai bởi bác sĩ tai mũi họng trong 7- 10 ngày, nếu không cải thiện có thể sẽ phải rút ra và đặt lại ống thông khí.
2. Ống bị lưu quá lâu
Thông thường sau 3-6 tháng, ống tự đào thải ra ngoài và theo ráy tai rơi ra. Trong trường hợp không tự đào thải, bác sĩ cân nhắc có thể duy trì thêm thời gian bao nhiêu lâu và bao giờ phải can thiệp rút ống.
3. Viêm nhiễm và kích thích tạo tổ chức hạt xung quanh ống
Ống thông khí được hệ thống miễn dịch của cơ thể coi là vật lạ nên ống không tự đào thải sau thời gian 6 tháng, tổ chức xung quanh ống có thể bị kích thích, tạo tổ chức hạt viêm. Lúc đó, bác sĩ phải lấy bỏ ống và điều trị chống viêm màng nhĩ bằng các thuốc uống toàn thân và tại chỗ.
4. Thủng màng nhĩ
Khi đặt ống, bác sĩ phải tạo thàng một lỗ thủng trên màng nhĩ, sau khi ống đào thải, màng nhĩ sẽ tự liền, tuy nhiên trong 3-5% các trường hợp, lỗ thủng này không liền. Bác sĩ sẽ là người đánh giá và can thiệp vá lại lỗ thủng khi đủ điều kiện.
5. Dị vật tai giữa
Ống thông khí có thể chui qua lỗ thủng màng nhĩ được rạch vào trong tai giữa gây dị vật. Trường hợp này phải lấy bỏ ống thông khí ra khỏi tai giữa.
6. Sẹo màng nhĩ
Một số trường hợp sau khi đặt ống, vị trí mà ống đặt màng nhĩ bị mỏng lại, thường mất lớp xơ, và để lại sẹo hoặc vôi hoá.
7. Hình thành Cholessteatoma
Đây là một biến chứng nặng nề nhất do lớp biểu bì bò qua lỗ thủng nơi đặt ống tạo thành cholesstetoma. Trường hợp này bắt buộc phải lấy ống và phẫu thuật lấy bỏ tổ chức Cholessteatoma và tạo hình màng nhĩ (nếu có thể).
Cuối cùng, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cần nhớ một điều rằng, việc chỉ định đặt ống thông khí phải do bác sĩ có ý kiến sau khi cân nhắc liệu việc đặt ống thông khí có mang lại lợi ích cho người bệnh hay không./.
Theo VOV
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.