Đẩy mạnh giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
![]() |
Chỉ thị nêu rõ: Giáo dục quyền con người có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền con người. Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 1309/QĐ -TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (sau đây gọi là Đề án), Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cùng với các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai một số nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao như: Tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về nội dung và phương pháp giáo dục quyền con người; biên soạn tài liệu, giáo trình; tập huấn đội ngũ giảng viên, giáo viên để thực hiện lồng ghép nội dung quyền con người vào các chương trình giáo dục, đào tạo. Kết quả bước đầu triển khai Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội về tầm quan trọng của giáo dục quyền con người, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, quản lý, cũng như các nhà giáo, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tổ chức triển khai Đề án còn có hạn chế như: Việc biên soạn tài liệu, giáo trình về quyền con người còn chậm; công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên, giảng viên chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra; chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục quyền con người chưa cao; việc hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, giáo dục quyền con người còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, một số mục tiêu đặt ra của Đề án chưa đạt được, chưa phát huy hết tác động tích cực của việc triển khai Đề án.
Nguyên nhân của những hạn chế trên chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan tham gia Ban điều hành Đề án và cơ quan quản lý giáo dục các cấp nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của việc giáo dục quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân chưa thật sự sâu sắc, chưa làm hết trách nhiệm, chưa kịp thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên; việc bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án chưa được đầy đủ; một số cơ quan tham gia Ban Điều hành Đề án chưa chủ động phân bổ dự toán chi thường xuyên hằng năm để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Để tiếp tục đẩy mạnh giáo dục quyền con người phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và chỉ đạo thực hiện nghiêm Đề án; quan tâm bố trí đủ nguồn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả nội dung giáo dục quyền con người, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong nước và quốc tế về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quyền con người.
Đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ biên soạn và phát hành các tài liệu truyền thông, tài liệu chuyên khảo, tham khảo về giáo dục quyền con người; hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong toàn quốc củng cố hoàn thiện hệ thống tư liệu, tài liệu giáo dục; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nội dung quyền con người cho cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và các tổ chức có liên quan triển khai việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân một cách có hiệu quả; chủ động, tích cực hợp tác, tranh thủ nguồn lực, kinh nghiệm quốc tế về giáo dục quyền con người; chú trọng công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về quyền con người để nâng cao hiệu quả giáo dục quyền con người ở nước ta.
Xây dựng trang thông tin phổ biến, giáo dục quyền con người
Chỉ thị yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức rà soát chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy dùng ở các cấp học thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ để tiếp tục đề xuất triển khai các nội dung phù hợp với nhiệm vụ Đề án; tổ chức xây dựng và phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy dùng cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; chỉ đạo, hướng dẫn lồng ghép, tích hợp nội dung quyền con người vào chương trình hiện hành và trong kế hoạch đổi mới chương trình, tài liệu, học liệu, sách giáo khoa phù hợp với từng cấp học, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các nội dung giáo dục quyền con người được quy định trong chương trình giáo dục, đào tạo.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức chỉ đạo rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các nội dung giáo dục quyền con người trong kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục, đào tạo, nhất là các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối các trường luật, hành chính, nội chính; các trường đào tạo giáo viên, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các nội dung giáo dục quyền con người được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, tiếp tục rà soát, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy các nội dung giáo dục quyền con người trong kế hoạch giáo dục môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường.
Hằng năm, chủ trì xây dựng kế hoạch, phối hợp với các bên liên quan tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên, giảng viên giảng dạy về quyền con người trong các cơ sở giáo dục, đào tạo, trừ các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trang thông tin phổ biến, giáo dục quyền con người trên cổng thông tin điện tử của Bộ và hướng dẫn sử dụng trong toàn ngành.
Cùng với đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đẩy nhanh tiến độ xây dựng chương trình, tài liệu về quyền con người lồng ghép vào chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quyền con người cho cán bộ quản lý, nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức phổ biến nội dung về giáo dục quyền con người; thực hiện lồng ghép nội dung quyền con người trong chương trình đào tạo các cấp, nhất là các cơ sở đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng thuộc khối các trường luật, hành chính, nội chính; xây dựng trang Thông tin điện tử về quyền con người trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Rà soát, hoàn thiện chương trình giảng dạy
Bộ Quốc phòng rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện và tổ chức phê duyệt chương trình, tài liệu giảng dạy về quyền con người trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Quốc phòng.
Hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quyền con người cho giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.
Đồng thời, Bộ Công an rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện hệ thống chương trình giáo dục, trong đó nghiên cứu lồng ghép đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục các cấp trong Công an nhân dân cho phù hợp.
Hằng năm xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức về nội dung quyền con người cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các học viện, trường Công an nhân dân và cán bộ Công an các đơn vị, địa phương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Bộ Ngoại giao tích cực tuyên truyền, quảng bá cho cộng đồng quốc tế về kết quả triển khai thực hiện Đề án; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tăng cường nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về mô hình giáo dục quyền con người trong chương trình giáo dục quốc dân ở một số nước đã thành công và có hiệu quả.
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các khóa đào tạo kiến thức về quyền con người cho các tổng biên tập, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trong toàn quốc; chỉ đạo các cơ quan báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Điều hành Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong và ngoài nước về giáo dục quyền con người; chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn, đặc biệt là việc bồi dưỡng kiến thức về quyền con người cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục để bảo đảm đạt được mục tiêu của Đề án, bố trí kinh phí thực hiện Đề án theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm

Lễ công bố chuyển đổi mô hình Đại học Phenikaa
Chiều ngày 22/7, Tập đoàn Phenikaa, Đại học Phenikaa tổ chức “Lễ Công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ chuyển Trường Đại học Phenikaa thành Đại học Phenikaa và công bố Chiến lược đột phá phát triển”.

Thanh Hóa tạm dừng tổ chức các hoạt động giáo dục để ứng phó với bão số 3
Ngày 21/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hoá đã có Công văn số 2434/SGDĐT- VP về việc tạm dừng tổ chức các hoạt động giáo dục để chủ động ứng phó với bão số 3.

Chạm tới ước mơ
Từ một học sinh vùng nông thôn, Trịnh Văn Hiếu - học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lê Lợi đã ghi tên mình vào bảng vàng thành tích của giáo dục xứ Thanh với 29,75 điểm khối A00 – trở thành đồng thủ khoa toàn tỉnh Thanh Hóa và Á khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Thành tích ấy không chỉ là niềm tự hào của gia đình, thầy cô và bạn bè, mà còn là minh chứng cho hành trình vượt khó vươn lên bằng ý chí và nghị lực.

Việt Nam trở lại top 10 Olympic Toán quốc tế
Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế năm 2025, cả 6 thành viên đội tuyển Việt Nam đều giành được huy chương, trong đó có 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Với thành tích này, Việt Nam đứng thứ 9 trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Olympic Toán quốc tế 2025, sau khi xếp hạng thấp kỷ lục vào năm ngoái.

Việt Nam đạt thành tích xuất sắc tại Olympic STEM quốc tế năm 2025
Thông tin từ Hội Vật lý Việt Nam cho biết, đoàn học sinh Việt Nam vừa đạt thành tích xuất sắc tại Olympic STEM quốc tế năm 2025 được tổ chức tại thành phố Barcelona, Tây Ban Nha với 4 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng.

Ngôi trường có nhiều điểm 10 nhất Thanh Hóa tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 6 trong top 10 tỉnh có nhiều điểm 10 nhất. Trong đó, trường THPT Lê Lợi tự hào xếp thứ nhất toàn tỉnh với 37 điểm 10.

Điểm chuẩn đại học 2025 có thể giảm từ 1 đến 3 điểm
Dù có nhiều yếu tố mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2025, đa số chuyên gia giáo dục đều đồng tình rằng điểm chuẩn vào đại học sẽ giảm từ 1–3 điểm, tùy theo ngành và tổ hợp xét tuyển. Thí sinh cần bám sát phổ điểm và thông tin xét tuyển của từng trường để đưa ra chiến lược lựa chọn nguyện vọng hiệu quả.

Gấp rút hoàn thiện trường lớp cho năm học mới
Chỉ còn hơn một tháng nữa, năm học 2025 - 2026 sẽ chính thức bắt đầu. Thời điểm này, nhiều địa phương của Thanh Hoá đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục xây dựng, sửa chữa trường lớp và cải tạo cảnh quan nhằm bảo đảm điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh. Việc hoàn thiện cơ sở vật chất là yêu cầu cấp thiết, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Các trường đại học, cao đẳng tập trung cho công tác tuyển sinh
Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, các thí sinh đang tìm hiểu thông tin tuyển sinh và bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tại Thanh Hóa, các trường đại học, cao đẳng cũng đang tập trung cao cho công tác tuyển sinh.

Tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 6 cả nước về số điểm 10 trong kỳ thi một số môn thi tốt nghiệp THPT 2025
Sáng ngày 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025. Tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 6 cả nước về số điểm 10. Cả nước có 9 thủ khoa đạt điểm 30/30.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.