Đề nghị gỡ khó về thuế, cơ chế tài chính cho cơ quan báo chí
Nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí cho biết, hoạt động của cơ quan báo chí đã khó khăn nay càng khó khăn hơn khi kinh phí sản xuất ngày càng tăng, nhưng cơ chế về thuế, định mức tối đa... chưa bắt kịp với tình hình thực tế.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) sửa đổi với đề xuất bổ sung hoạt động báo chí khác (ngoài báo in) vào đối tượng được ưu đãi thuế thu nhập DN.
Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất ưu đãi 15% cho hoạt động báo chí khác (ngoài báo in), giảm 5% so với hiện hành. Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị tất cả đưa về thuế suất ưu đãi 10%.
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn về thuế và cơ chế tài chính do nguồn thu quảng cáo sụt giảm và thủ tục hành chính phức tạp.
Chưa bao giờ nguồn thu báo chí bị đe dọa mạnh mẽ như hiện nay
Trước thực trạng trên, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với nhà báo Trần Lan Anh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận.
Theo bà Lan Anh, kinh tế báo chí nói chung, thuế và cơ chế tài chính nói riêng là mối quan tâm, trăn trở lớn nhất của các tòa soạn hiện nay, trong đó có Báo Nhà báo và Công luận.
Năm 2022, và nhất là năm 2023 doanh thu của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng.
Tại hội thảo "Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số" vừa được tổ chức ngày 14/6, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các đài phát thanh truyền hình giảm hơn 20% so với năm 2022.
Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày/kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (tức 10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
"Theo thống kê từ Bộ Thông tin và Truyền thông, nguồn thu của các cơ quan báo chí hiện trải rộng từ 200 đến 300 triệu đồng cho tới mức 4.000-5.000 tỷ đồng.
Song thực tế hiện nay, số cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ đồng chỉ còn khoảng một vài đơn vị", bà Lan Anh nêu và cho biết, tổng doanh thu khối báo năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 và tổng doanh thu khối tạp chí năm 2021 giảm 44,6%.
Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận nhấn mạnh: "Chưa bao giờ nguồn thu của báo chí bị đe dọa mạnh mẽ như hiện nay".
Làm thế nào để kiến tạo được nguồn thu, để đảm bảo được kinh tế cho tòa soạn là nỗi trăn trở thường trực, lớn nhất và là bài toán hóc búa cấp thiết cần lời giải nhất hiện nay của tất cả lãnh đạo các cơ quan báo chí, đặc biệt là những đơn vị đang tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Theo nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), hiện có 5 nguồn thu chính của báo chí Việt Nam gồm: quảng cáo trên báo in; ngân sách từ Nhà nước, cơ quan chủ quản; doanh thu từ phát hành báo in; hợp đồng truyền thông, nội dung được tài trợ, tiếp thị liên kết; quảng cáo điện tử.
Trong đó, dù có xu hướng sụt giảm nhưng tới thời điểm hiện tại, phần lớn các tòa soạn tại Việt Nam, trong đó có Báo Nhà báo và Công luận, hiện vẫn phụ thuộc vào hai nguồn thu chủ yếu là quảng cáo và phát hành. Trong đó doanh thu từ quảng cáo chiếm đến 90%.
Chỉ có một số ít tòa soạn báo đã từng bước tạo thương hiệu, thu tiền của độc giả từ việc thu phí trực tuyến, bán nội dung số, tăng thêm nguồn thu từ việc tổ chức các sự kiện nhưng tỷ lệ từ nguồn thu này là không đáng kể.
Vật lộn với sự sống còn...
Với kinh phí sản xuất ngày càng tăng trong tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nguồn nhân lực, tổ chức sản xuất, chi phí in ấn, xuất bản, thậm chí là chi phí bản quyền,... đã, đang khiến nguồn thu của các cơ quan báo chí bị đe dọa nghiêm trọng.
"Nhiều năm qua, nguồn thu của chúng tôi đến từ các hợp đồng truyền thông, hợp tác đăng tải thông tin trên báo giấy và báo điện tử, từ việc tổ chức sự kiện,… Doanh thu từ quảng cáo của doanh nghiệp vẫn là chủ yếu nhưng những năm gần đây nền kinh tế gặp khó khăn, việc doanh nghiệp vận lộn với sự sống còn cũng đã khiến mảng doanh thu từ quảng cáo của báo chúng tôi sụt giảm lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu chung", bà Lan Anh nói.
Theo Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận, để vận hành được một tòa soạn, duy trì được một ấn phẩm báo chí, không chỉ cần một bộ máy, bộ phận nội dung - trị sự hiệu quả, giàu năng lực và tâm huyết mà còn cần một nguồn lực tài chính đủ mạnh.
Nói cách khác, nguồn lực tài chính là điều kiện đủ để bộ máy các cơ quan báo chí được hoạt động khỏe mạnh.
"Cũng giống như trong một gia đình, khi nguồn thu ngày càng hẹp lại, giải pháp nguồn thu mới chưa có hoặc chưa hiệu quả, thì phương án khả dĩ nhất để có thể duy trì hoạt động của một tòa soạn không gì khác là "thắt lưng buộc bụng".
Chúng tôi gọi đó là "liệu cơm gắp mắm", có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, chi tiêu trong phạm vi ngân sách tòa soạn; việc đầu tư cũng trong phạm vi ngân sách ít ỏi hiện có. Trong khi đó, vẫn phải đảm bảo giữ vững và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị", bà Lan Anh nói.
Tháo gỡ khó khăn về thuế, cơ chế tài chính để báo chí phát triển
Trăn trở với tình hình chung, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nhận định việc áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với báo chí là một trong rất nhiều giải pháp để tháo gỡ cho khó khăn sống còn lúc này của báo chí.
Theo ông Lê Quốc Minh, việc áp dụng thuế suất ưu đãi 15% cho hoạt động báo chí khác (ngoài báo in) là một nỗ lực của Bộ Tài chính. Mong muốn của Bộ Thông tin Truyền thông và các cơ quan báo chí là áp dụng thuế suất ưu đãi thấp hơn nữa cũng là một nguyện vọng chính đáng nhưng cần phải cân nhắc mang tính tổng thể để không quá chênh lệch với lĩnh vực khác.
Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đồng tình với kiến nghị của Bộ Thông tin Truyền thông về việc tất cả đưa về thuế suất ưu đãi 10% cho hoạt động báo chí khác (ngoài báo in), thậm chí mức thuế suất ưu đãi hạ thấp hơn nữa nhằm tạo nguồn tài chính cho cơ quan báo chí, để nâng cao chất lượng nội dung thông tin.
Trước thực trạng kinh tế báo chí thời gian qua gặp nhiều khó khăn, ông Duẩn cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế đặt hàng cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là trong truyền thông chính sách.
Ngoài ra, các đơn vị chủ quản cần có hỗ trợ đối với các cơ quan báo chí hoặc có cơ chế nhằm tạo điều kiện để tòa soạn tiếp cận được các nguồn kinh tế.
Bên cạnh đó, các tòa soạn cũng cần đa dạng hóa nguồn thu, bằng việc tổ chức sự kiện, tiếp thị liên kết; kinh doanh dữ liệu, tạo nguồn thu trên các nền tảng mạng xã hội hay thu phí độc giả...
Còn theo nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, thời gian qua Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo quyết liệt, quan tâm tháo gỡ khó khăn góp phần nâng hiệu quả hoạt động của các lĩnh vực báo chí, truyền thông, thông tin truyền thông...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các quy định liên quan đến định mức kinh tế, kỹ thuật làm cơ sở xây dựng đơn giá để thực hiện đặt hàng đấu thầu trong lĩnh vực báo chí vẫn còn nhiều vướng mắc.
Nhiều cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu nhưng sản phẩm tạo ra lại rất đặc thù, có tác động sâu rộng đến với xã hội. Vì là dạng đặc thù nên bà Trang cho rằng cần đưa các sản phẩm của báo chí vào dạng sản phẩm đặc biệt để được hưởng mức thuế riêng.
"Nếu bây giờ Nhà nước cứ đổ thuế đối với các cơ quan báo chí như doanh nghiệp là hoàn toàn không thỏa đáng, trong khi họ đang gặp quá nhiều khó khăn. Cần khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính đối với báo chí hiện nay", bà Lê Quỳnh Trang nhấn mạnh.
Theo Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, truyền thông xã hội trên các nền tảng số xuyên quốc gia đã đặt ra nhiều thách thức và khiến cho doanh thu của các cơ quan báo chí ngày càng sụt giảm.
Trong khi đó, kinh phí sản xuất thì ngày càng tăng trên tất cả các lĩnh vực, từ thù lao chi trả cho nhân lực, tổ chức sản xuất đến chi phí bản quyền nhưng định mức tối đa chưa bắt kịp với tình hình thực tế, khiến cho hoạt động của các cơ quan báo chí đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.
"Hiện nay quảng cáo trên báo chí áp mức thuế giá trị gia tăng là 8%, cơ quan hữu quan có thể nghiên cứu ở mức nào đó phù hợp hơn để khuyến khích các cơ quan báo chí sản xuất sản phẩm chất lượng", bà Trang nói và cho biết, các khó khăn mà báo chí phải đối mặt hiện nay ngoài về thuế còn là cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý.
Để các đơn vị báo chí thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đi chệch đường mà vẫn được tạo điều kiện, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách như đặt hàng phục vụ nhiệm vụ chính trị hay truyền thông chính sách.
Cũng theo bà Lê Quỳnh Trang, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra nhiều hướng giải pháp cho báo chí như cơ chế đặt hàng hoặc đấu thầu, trong đó có việc đưa các đơn vị báo chí vào diện thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Khi báo chí là cơ quan tuyên truyền, ngôn luận của Nhà nước, của Đảng thì Chính phủ cần có những cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho họ thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Để báo chí "sống" được...
Trao đổi với Dân trí, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, các cơ quan báo chí đang từng ngày, từng giờ mong mỏi việc hoàn thiện các quy chế về cơ chế tài chính để tạo điều kiện cho báo chí Việt Nam ngày càng phát triển, phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị và là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội.
Ông Trần Ngọc Vinh, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng khóa XIII, đánh giá báo chí là nguồn tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa thông tin về kinh tế, xã hội để phục vụ người dân, là món ăn tinh thần đối với người dân.
Do đó, ông Vinh cho rằng Đảng, Nhà nước cần có chính sách về nguồn tài chính đối với hoạt động của báo chí.
Bên cạnh đó, cần phải nghiên cứu, xem xét đánh thuế thu nhập doanh nghiệp một cách thấp nhất đối với các cơ quan báo chí, để họ có thể "sống" được.
"Tôi có đề nghị Bộ Tài chính cần xem xét áp thuế ở mức thấp nhất để các cơ quan báo chí có thể hoạt động và phát triển", ông Vinh nói.
Ông Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, cho rằng các cơ quan báo chí ngoài đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, còn có những đơn vị không hưởng ngân sách nhưng vẫn tuyên truyền rất tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.
Do đó, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt thuế để tất cả các cơ quan báo chí hoạt động tốt, phát triển, vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.
Theo Báo cáo tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2023, tính đến hết năm 2023, đối với báo, tạp chí, tỷ lệ tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 36%, ngân sách Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên chiếm 25%.
Đối với phát thanh, truyền hình (PTTH), tỷ lệ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư chiếm 6,94%, tự đảm bảo chi thường xuyên chiếm 26,39%, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên chiếm 66,67%.
Doanh thu của các báo, tạp chí 9 tháng đầu năm 2023 đã giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tổng nguồn thu năm 2023 của các Đài Phát thanh - Truyền hình giảm 23% so với năm 2022.
Hầu hết các đài đều không khai thác được hết thời lượng quảng cáo/ngày trên kênh chương trình theo quy định cho phép của Luật Quảng cáo (10% tổng thời lượng phát sóng/ngày; 5% tổng thời lượng phát sóng đối với kênh truyền hình trả tiền). Có đài, thời lượng quảng cáo trên kênh chỉ đạt vài phút/ngày.
Nguồn: https://hoinhabao.vn/De-nghi-go-kho-ve-thue-co-che-tai-chinh-cho-co-quan-bao-chi_bv-63393
Dự báo thời tiết 23/12/2024: Thanh Hóa trời rét với nền nhiệt độ thấp nhất 13-15 độ
Dự báo thời tiết 23/12/2024, các tỉnh miền Trung, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, tiếp tục hứng chịu mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão đang hoạt động trên Biển Đông.
Lang Chánh: Tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy chữa cháy ở các trường học
Công an huyện Lang Chánh vừa tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho 130 cán bộ, giáo viên là lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở của các trường học trên địa bàn huyện.
Havina tổ chức chương trình Enhancing English skills
Sáng ngày 22/12, tại trường Liên cấp Newton Thanh Hoá, Trung tâm Anh ngữ & Tư vấn Du học Havina tổ chức chương trình Enhancing English skills dành cho các bạn học viên nhân dịp Giáng sinh.
Chương trình trải nghiệm "Hành trình ký ức - Truyền lửa thế hệ"
Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, trường Tiểu học, THCS & THPT Vinschool Star City đã phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức chương trình học tập trải nghiệm "Hành trình ký ức – truyền lửa thế hệ" cho học sinh khối 4,5.
Đại hội Hội Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa lần thứ II, nhiệm kỳ 2024 - 2029
Sáng ngày 22/12, Hội Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Khởi quay Âm Vang Xứ Thanh lần thứ XIX
Ngày 22/12, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa chính thức khởi quay gameshow truyền hình Âm vang xứ Thanh lần thứ 19. Là sân chơi truyền hình quen thuộc dành cho học sinh THPT trên địa bàn tỉnh, Âm vang Xứ Thanh năm nay đã có nhiều đổi mới so với những mùa trước.
Chung kết Hội thi Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giỏi năm 2024
Tại thị xã Nghi Sơn, Hội Người cao tuổi tỉnh Thanh Hóa phối hợp với UBND thị xã Nghi Sơn và Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn tổ chức vòng chung kết hội thi Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giỏi năm 2024.
Nghi Sơn: Chấn chỉnh hoạt động xe hợp đồng chở công nhân
Nhằm chấn chỉnh hoạt động xe hợp đồng đưa đón công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp trên địa bàn, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thị xã Nghi Sơn đã mở đợt cao điểm kiểm tra, tăng cường xử lý đối với phương tiện vi phạm quy định về trật tự giao thông.
Cuộc thi sáng tác nhạc phòng chống tác hại của thuốc lá
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) phối hợp Hội Nhạc sĩ Việt Nam phát động cuộc thi sáng tác bài hát về phòng, chống tác hại của thuốc lá, nhằm kêu gọi mọi người không hút thuốc, bỏ thuốc để cùng nhau xây dựng môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.
Hoằng Hóa làm thủy lợi mùa khô, sẵn sàng sản xuất vụ chiêm xuân
Để chủ động công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất vụ xuân năm 2025, huyện Hoằng Hoá đã chỉ đạo các xã, thị trấn và Chi nhánh thuỷ lợi huyện tập trung huy động nhân lực, phương tiện, ra quân làm thuỷ lợi mùa khô. Đến nay, khối lượng làm thuỷ lợi mùa khô của huyện Hoằng Hoá đã đạt trên 120% kế hoạch tỉnh giao.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.