Đột phá trong công tác bồi dưỡng giáo viên
Trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc thiết lập đội ngũ giáo viên cốt cán hỗ trợ giáo viên đại trà tự bồi dưỡng được xem là điểm mới, mang tính đột phá trong công tác bồi dưỡng giáo viên.
![]() |
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chính thức được triển khai trên cả nước đối với học sinh lớp 1 từ năm học 2020-2021 và sẽ tiến hành với lớp 2 và lớp 6 vào năm học 2021-2022. Chương trình GDPT 2018 được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Ngành giáo dục đang nỗ lực xây dựng đội ngũ giáo viên không chỉ đạt chuẩn về trình độ đào tạo mà còn có tư duy đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy học, đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Điểm mới trong công tác bồi dưỡng hiện nay vận hành mô hình bồi dưỡng mới, biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng. Cụ thể là bồi dưỡng đội ngũ cốt cán theo hình thức vừa trực tiếp vừa trực tuyến bởi giảng viên sư phạm chủ chốt. Đội ngũ này hỗ trợ giáo viên đại trà ngay tại chỗ, trong công việc, giáo viên tự học qua mạng, trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS).
Sẽ có khoảng 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được tập huấn, bồi dưỡng. Đội ngũ cốt cán này cùng với các chuyên gia của 8 trường sư phạm chủ chốt sẽ hỗ trợ việc tự bồi dưỡng của khoảng 800.000 giáo viên phổ thông và 70.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.
Thời gian qua, nhiều Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn, các trường học chú trọng lựa chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các cấp (tỉnh, huyện, cụm trường, trường) có trình độ chuyên môn tốt, tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT, bám sát thực tiễn.
Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) đã phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT phát triển Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông các cấp học phổ thông theo hướng tiếp cận với chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên, đồng thời lựa chọn và bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Chương trình ETEP cho biết, mục tiêu cốt lõi của chương trình là bồi dưỡng thường xuyên, phát triển năng lực cho đội ngũ giáo viên và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông bằng một mạng lưới hỗ trợ giáo viên và cán bộ cơ sở giáo dục phổ thông tự bồi dưỡng là đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.
Hình thức bồi dưỡng được đổi mới bằng ứng dụng công nghệ thông tin, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ, thông qua Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) và Hệ thống thông tin quản lý đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (TEMIS).
TS. Lê Quang Vượng, Trường Đại học Vinh cho biết, Trường Đại học Vinh có thuận lợi là đào tạo giáo viên cốt cán ngay tại trường và phụ trách 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh. “Kinh nghiệm của chúng tôi là bố trí giảng viên nhiều kinh nghiệm tập huấn kỹ cho giảng viên sư phạm trước khi đào tạo cho giáo viên cốt cán, phân các lớp theo đúng chuyên môn, đúng cấp học nên có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, phải có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin để cho giáo viên phổ thông cốt cán thực hiện được các buổi tập huấn theo phương pháp mới”, ông Vượng chia sẻ.
Một trong những lợi ích mang lại của mô hình bồi dưỡng mới, đó chính là kết nối được cộng đồng giáo viên. Theo TS. Lê Quang Vượng, Chương trình ETEP là chương trình đặc biệt, tạo ra được sự kết nối chặt chẽ giữa các trường sư phạm, đội ngũ giảng viên cốt cán với trường phổ thông và đội ngũ giáo viên phổ thông. Trước những sự đổi mới trong giáo dục phổ thông, giáo viên phổ thông sẽ được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất với các chuyên gia, các giảng viên sư phạm. Ngược lại, các giảng viên sư phạm có cơ hội tiếp cận với sự thay đổi của thực tiễn; Biến cơ sở lý thuyết của mình vào ứng dụng trong thực tiễn và mang lại hiệu quả tốt hơn cho công việc đổi mới giáo dục phổ thông.
PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội nhấn mạnh: Đối tượng đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là những giáo viên phổ thông và những người sau này sẽ trở thành giáo viên. Chính vì vậy, để Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có bức tranh tổng thể về nhu cầu đào tạo cũng như có căn cứ để phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của nhà trường và xã hội, sự gắn kết giữa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và các trường phổ thông và giáo viên phổ thông là tất yếu và hết sức cần thiết. Thông qua Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có nhiều cơ hội hơn để có được sự gắn kết này. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng hiểu thêm được nhu cầu của giáo viên trong việc đào tạo, bồi dưỡng để làm thế nào thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới.
Trong hoạt động bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị cho chương trình GDPT mới, việc thiết lập đội ngũ giáo viên cốt cán được xem là điểm mới, mang tính đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mà Bộ GD&ĐT đang triển khai thông qua Chương trình ETEP.
Đội ngũ giáo viên cốt cán là những giáo viên có chuyên môn, phẩm chất tốt, có nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp trong trường, cụm trường, hỗ trợ đồng nghiệp, trong quá trình tự học qua mạng với sự hỗ trợ của giảng viên sư phạm chủ chốt.
Trong quá trình hỗ trợ giáo viên đại trà, giáo viên cốt cán cùng chia sẻ kiến thức, học hỏi từ chính đồng nghiệp của mình, thu nạp kiến thức, phát triển nghề nghiệp.
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Nội dung bồi dưỡng giáo viên, tập trung vào phát triển chuyên môn nghiệp vụ như sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; tư vấn hỗ trợ học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, giảng dạy. Nội dung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tập trung vào tăng cường năng lực quản trị nhà trường, như quản trị nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất, quản trị chất lượng giáo dục.
Nhật Nam/Báo điện tử Chính phủ
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm

Các mốc thời gian quan trọng trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2025
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết thúc thời gian đăng ký, cả nước có hơn 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2025. Trong đó, có hơn 1 triệu 120 nghìn học sinh thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, và gần 43 nghìn thí sinh tự do. Một số mốc thời gian quan trọng mà thí sinh và các nhà trường cần lưu ý.

Thành phố Sầm Sơn tuyên dương 162 giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi
Chiều ngày 29/4, Ủy ban Nhân dân thành phố Sầm Sơn đã tổ chức lễ tuyên dương và trao thưởng cho 162 giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, cấp tỉnh năm học 2024 – 2025.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Còn nhiều việc phải làm, tuyệt đối không chủ quan
(Chinhphu.vn) - Sáng nay (29/4), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã có cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025.

Ngọc Lặc: Nộp tổng số tiền 4,2 tỉ đồng để khắc phục tuyển sinh sai
Trong giai đoạn từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 - 2021, huyện Ngọc Lặc có tổng số 81 học sinh tuyển sai đối tượng vào trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Ngọc Lặc, với tổng kinh phí chi trả chế độ là hơn 4,7 tỉ đồng.

Thanh Hoá ban hành quy định về dạy thêm, học thêm
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành Quyết định số 40 Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực từ ngày 6/5/2025 và thay thế Quyết định số 2381 ngày 27/7/2012 của UBND tỉnh ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Đảm bảo điều kiện tổ chức bán trú cho học sinh mùa nắng nóng
Tình hình nóng gay gắt với nền nhiệt cao khiến cho các loại thực phẩm rất dễ bị hư hỏng, tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn cho học sinh. Cùng với đó, việc tổ chức bán trú trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cũng tăng nguy cơ khiến học sinh mắc các bệnh mùa hè. Do đó, ngay từ đầu mùa, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chủ động rà soát, cải tạo cơ sở vật chất, điều chỉnh lịch bán trú để phù hợp với điều kiện thời tiết nắng nóng.

Lan toả phong trào nhảy dân vũ trong trường học
Sôi động, trẻ trung, tràn đầy năng lượng... những điệu nhảy dân vũ đã và đang trở thành điểm nhấn đầy ấn tượng tại các trường học ở thành phố Thanh Hóa. Đây không chỉ là hoạt động ngoại khóa, mà còn là nhịp cầu kết nối thầy trò, bạn bè – và là cách các em học sinh lan tỏa năng lượng tích cực sau giờ học căng thẳng."

Sôi nổi các hoạt động hướng đến ngày 30/4 tại các trường học
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc để tri ân những hy sinh của các thế hệ cha ông, tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc và phát huy giá trị lịch sử trong giai đoạn mới. Từ các buổi sinh hoạt dưới cờ đến các hội thi, hoạt động văn nghệ, các em học sinh đều tham gia một cách nhiệt tình, mang lại không khí sôi động và đầy ý nghĩa.

vnEdu Connect: Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo
Là một trong những giải pháp tiêu biểu góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam, ứng dụng kết nối nhà trường và phụ huynh – vnEdu Connect của Tập đoàn VNPT đang ngày càng được nhiều trường học và phụ huynh trên cả nước tin tưởng lựa chọn.

Việt Nam giành 6 huy chương Vàng thi Olympic Giao lưu Toán học Turkmenistan
Thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đoàn Việt Nam tham dự sân chơi toán học quốc tế tại Turkmenistan giành kết quả xuất sắc với 6/6 học sinh đạt huy chương vàng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.