Thực tế có nhiều loại sơn nhưng do muốn có lợi nhuận cao, nhiều nhà sản xuất chọn loại sơn phủ nhanh hay một số chất bột tạo màu với giá thành rẻ. Khi sử dụng làm đũa ăn hằng ngày, liệu những đôi đũa này có an toàn?
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa HN phân tích: Đũa được làm từ nhiều chất liệu khác nhau, có thể từ tre, gỗ, có cả loại đũa làm bằng tre “ăn một lần”. Tuy nhiên, những loại đũa có tính chất bền lâu thường làm bằng gỗ, như gỗ trắc.
Nhưng để làm cho đũa có chất lượng cao hơn, không bị ngấm nước, thông thường nhà sản xuất phải đánh bóng, sau đó nhuộm màu làm bóng bằng cách sơn phủ lên đũa một lớp bóng.
Họ có thể dùng bằng nhiều chất liệu khác nhau như véc-ni hoặc dầu bóng, thực chất là loại polime. Khi sơn trên bề mặt thì sẽ liên kết lại thành màng và chúng ngấm rất tốt và như vậy đũa sẽ bền lâu và đẹp hơn rất nhiều.
Trên thực tế, sơn được nhà máy sơn sản xuất để sơn gỗ, sơn chống gỉ… Trong trường hợp sử dụng loại sơn này để sơn đũa thì có thể gây độc hại, vì chất sơn trong đó có thể phôi pha ra ngoài, hoặc nhiễm vào thực phẩm.
Người đóng đồ gỗ ở nông thôn, họ thường dùng loại gỗ rẻ tiền và sử dụng sơn thông thường, thậm chí phẩm màu. Một thời gian sau, màu vàng trên gỗ có thể ra tay người nếu tì vào.
Về vấn đề đã có quy định sử dụng loại sơn nào để sơn đũa hay chưa? PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: Lĩnh vực này chưa có quy định cụ thể. Cho nên người tiêu dùng phải tự lựa chọn, nhận biết đâu là loại đũa tốt.
“Cần chọn đũa làm từ gỗ già, gỗ tốt, khi cầm sẽ nặng tay; trông thớ gỗ, thớ tre rất thẳng và rất mịn. Những loại đũa làm bằng gỗ non, tre non thậm chí bị cong, mốc, do đó họ mới sơn màu mè để bán. Nếu đũa sơn mà rửa bị đổ màu thì không nên dùng” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh tư vấn./.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.