Gắn kết văn hóa truyền thống với du lịch cộng đồng
Tây Nguyên là nơi sinh sống của 49 dân tộc anh em, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng hơn 30%. Sự đa dạng về thành phần cư dân giúp Tây Nguyên có một kho tàng văn hóa sắc tộc phong phú, đa dạng, độc đáo, đậm đà bản sắc.
Những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên đã chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống đồng bào.
Những buôn, làng nhộn nhịp du khách
Sau thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19, những ngày cuối tháng 5 này, buôn Akô Dhông ở phường Tân Lợi (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã nhộn nhịp du khách trở lại. Mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến tham quan, khám phá, trải nghiệm không gian buôn làng, nét văn hóa, kiến trúc cổ xưa và thưởng thức các đặc sản ẩm thực của đồng bào.
Dẫn chúng tôi đi thăm các nhà dài truyền thống trong buôn, anh Y Puăn Niê, buôn trưởng buôn Akô Dhông tự hào: Dù nằm ngay trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột sầm uất, nhưng đến nay buôn Akô Dhông vẫn bảo tồn được không gian của một buôn làng Ê Đê cổ xưa, huyền bí như kiến trúc nhà dài, bến nước, rừng thiêng và các giá trị văn hóa truyền thống như: cồng chiêng, các lễ hội, nghề dệt thổ cẩm, ẩm thực… Sự độc đáo, đặc sắc của văn hóa truyền thống Ê Đê đã thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với buôn Akô Dhông.
“Nhờ bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống gắn phát triển du lịch cộng đồng đã giúp Akô Dhông trở thành một trong những buôn sầm uất và giàu có bậc nhất Tây Nguyên”, anh Y Puăn Niê chia sẻ.
Ở Gia Lai, làng đồng bào Ba Na Kgiang ở xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang cũng luôn tấp nập du khách đến tìm hiểu, khám phá nét văn hóa truyền thống đặc sắc còn lưu giữ được cũng như cách làm du lịch độc đáo nơi đây. Anh Đinh A Ngưi là một nhân viên ngành văn hóa. Nhờ có kinh nghiệm từ việc kết nối, dẫn dắt các đoàn khách tham quan ghềnh thác, di tích lịch sử trên địa bàn, nên anh mạnh dạn mở du lịch homestay và nhận người dân trong làng, có cả nghệ nhân dân gian tham gia làm du lịch.
A Ngưi nói: “Hiện tại, mình đã hình thành nên các gói sản phẩm du lịch để bán cho du khách từ tham quan, trải nghiệm đến ăn uống, ngủ nghỉ; trong đó có sản phẩm tua “Câu chuyện của Dăm Hrít” dành cho đối tượng từ 7 đến 35 tuổi tham gia trải nghiệm làm nương rẫy như trồng lúa, trồng bông; học cách dệt vải, nhuộm màu truyền thống; đi lấy mật ong, xúc cá suối, hái rau rừng…”.
Homestay của A Ngưi mới đi vào hoạt động được gần một năm, tạo việc làm cho khoảng 30 người dân trong làng với mức thu nhập trung bình 200 nghìn đồng/người/ngày. Bà con Ba Na ở đây vui vì văn hóa truyền thống được bảo tồn, thu hút được nhiều du khách, lại có thêm thu nhập.
Còn ở Kon Tum, làng du lịch cộng đồng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) là một ngôi làng cổ mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân tộc Ba Na còn được lưu giữ đến ngày nay. Bên cạnh duy trì thường xuyên các nghi lễ, tín ngưỡng, những đội cồng chiêng, xoang theo lứa tuổi… trong làng Kon Ktu còn phát triển mạnh nghề dệt thổ cẩm, đan lát với sản phẩm phong phú. Chính việc bảo tồn văn hóa truyền thống đã thu hút được đông đảo du khách và cũng từ đó hoạt động du lịch cộng đồng tại làng Kon Ktu nói riêng và nhiều buôn làng khác trên địa bàn tỉnh phát triển, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Bình, cho biết: Việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân mà còn là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch cộng đồng, góp phần thay đổi diện mạo nhiều thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu, cho biết thêm: Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án về sưu tầm, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số tại chỗ; đồng thời đầu tư kinh phí bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các buôn cổ và di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Gắn bảo tồn với phát triển
Với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, khu vực Tây Nguyên có một kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng, độc đáo, đậm đà bản sắc. Đây cũng là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, độc đáo và nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa... là những yếu tố cộng hưởng để phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, do tác động của đời sống hiện đại, nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên bị mai một dần, hoặc bị mất đi vĩnh viễn, thể hiện rõ nhất là không gian buôn làng, kiến trúc nhà ở, trang phục, các ngành nghề, lễ hội truyền thống...
Mặc dù trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh Tây Nguyên đã có sự quan tâm, đầu tư cho công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, nhưng đến nay kết quả còn hạn chế. Các buôn làng “sống được” từ bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với du lịch cộng đồng chỉ là số ít, chủ yếu tự phát.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Trần Thanh Hoài, thời gian qua, Lâm Đồng đã triển khai có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa tiêu biểu, thông qua các đề án sưu tầm, bảo quản, phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tuy nhiên, cần phải giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong đời sống đương đại.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết: Tháng 8/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Trên cơ sở này, Sở đã phối hợp với các ngành liên quan khảo sát, chọn được 18 buôn đáp ứng các điều kiện để hỗ trợ; trong đó có ba buôn được đầu tư du lịch cộng đồng từ nguồn vốn dự án “Hỗ trợ phát triển khu vực biên giới” vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với kinh phí 10,63 tỷ đồng; 15 buôn còn lại được hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh, khoảng 1 tỷ đồng mỗi buôn.
Chính sách này ra đời giúp công tác bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn sẽ hiệu quả hơn. Khi du lịch phát triển, đời sống được nâng lên, bà con lại có điều kiện đầu tư cho bảo tồn văn hóa truyền thống. Đây là hướng đi đúng cần được nhân rộng.
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh Đắk Nông và Kon Tum cho rằng: Không gian buôn làng và văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ là hình ảnh trực quan để giới thiệu địa phương đến với du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế-xã hội.
Do đó, để bảo tồn cần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Các địa phương cần phân tích cụ thể những tác động của quá trình đô thị hóa, tái định cư, tiếp biến văn hóa… đến với đồng bào các dân tộc thiểu số; xác định rõ những giá trị văn hóa truyền thống, xử lý các mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát triển, văn hóa và kinh tế, từ đó có thể đề ra phương án thực hiện hiệu quả.
Theo Báo Nhân dân
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm
Khai mạc "Tết xưa Làng cổ" Xuân Ất Tỵ 2025
Sáng 18/1, tại Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng), Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã khai mạc chương trình "Tết xưa Làng cổ" Xuân Ất Tỵ năm 2025 với nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa.
Năm 2024, loại hình khách du lịch MICE đến Thanh Hoá tăng
MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) – là loại hình du lịch không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ đã góp phần mang tới nguồn doanh thu và lượng khách cao cho ngành Du lịch. Theo đánh giá của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, lượng khách từ du lịch MICE đã đạt tới khoảng 30% tổng lượng khách trong năm 2024.
Làng hương vào Tết
Ở huyện miền núi Như Xuân có một ngôi làng 4 mùa ngập trong sắc đỏ, nơi gói ghém lòng thành kính, dâng lên gia tiên mỗi dịp lễ, Tết.
Năm 2024, Thanh Hoá khai thác mạnh loại hình khách MiCe
MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) – là loại hình du lịch không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ đã góp phần mang tới nguồn doanh thu và lượng khách cao cho ngành du lịch. Theo đánh giá Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, lượng khách từ du lịch MICE đã đạt tới khoảng 30% tổng lượng khách trong năm 2024.
Trưng bày Bảo vật quốc gia “Đường kách mệnh”
Bản gốc “Đường kách mệnh” - Bảo vật quốc gia đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu tới công chúng tại trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử” tại 216 Trần Quang Khải, Hà Nội. Cuốn "Đường kách mệnh" tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925 - 1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là một trong những tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn cách mạng.
Hiệp hội Du lịch tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
Chiều ngày 15/1, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Bình yên chùa Cảnh Yên
Chùa Cảnh Yên nằm trên dãy đồi Sóc thuộc vùng giáp ranh giữa thị trấn Kim Tân và xã Thành Tân, huyện Thạch Thành, được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ngôi chùa nằm ở một vị trí tuyệt đẹp, “sơn thủy hữu tình”, mặt tiền hướng ra sông Bưởi. Dù vậy, trong những năm cuối thế kỷ 20 do sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn.
Nét đẹp tục gội đầu cuối năm ở bản Thái
Là cộng đồng dân cư có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở khu vực miền núi xứ Thanh, đồng bào Thái đã và đang gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình như các lễ nghi, phong tục, trang phục truyền thống, ẩm thực hay các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi, trò diễn dân gian... Và một trong những nét đẹp văn hóa không thể thiếu, đó là tục gội đầu ngày cuối năm để cầu may mắn cho năm mới.
Việt Nam được vinh danh điểm đến du lịch lý tưởng
Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hút trên bản đồ du lịch toàn cầu khi được hai tạp chí danh tiếng, National Geographic và Travel + Leisure, đưa vào danh sách những điểm đến lý tưởng cho các chuyến du lịch gia đình và tuần trăng mật năm 2025.
Nem của Việt Nam lọt danh sách đồ chiên rán ngon nhất thế giới
Chuyên trang ẩm thực thế giới - Taste Atlas vừa công bố 100 món ăn chiên rán ngon nhất thế giới. Món nem là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.