Giỗ Tổ Hùng Vương và khát vọng hóa rồng
Từ huyền thoại con Rồng, cháu Tiên đến khát vọng vươn mình hùng cường, thịnh vượng - dân tộc Việt Nam chưa bao giờ thôi khao khát khẳng định chính mình ở tầm vóc lớn hơn.

Biểu diễn Lân sư rồng trong lễ hội Đền Hùng
Trong sâu thẳm tâm thức người Việt, mùng 10 tháng 3 âm lịch không chỉ là một dấu mốc lịch sử, mà còn là một biểu tượng thiêng liêng, nhắc nhở mỗi người con đất Việt về cội nguồn và khơi dậy tình cảm gắn bó giữa đồng bào. Hàng nghìn năm trôi qua, biết bao cuộc bể dâu chìm nổi, dân tộc ta vẫn một lòng thờ phụng các Vua Hùng – những bậc tiền nhân đã khởi dựng nên quốc gia – như một cách nhắc nhở rằng: chúng ta là một dân tộc có chung huyết thống, có chung vận mệnh.
Chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên – truyền thuyết đẹp đẽ ấy không chỉ nói về một bản sắc văn hóa, mà còn về một triết lý đoàn kết sâu sắc. Từ một bào thai trăm trứng, trăm anh em cùng sinh ra – dân tộc Việt Nam hình thành với một tình cảm ruột rà, máu mủ không gì chia cắt được. Bởi vậy, chỉ ở Việt Nam, người dân mới gọi nhau là "đồng bào" – hai tiếng giản dị mà linh thiêng, hàm chứa biết bao yêu thương và trách nhiệm. "Đồng bào" không chỉ là cách xưng hô, mà là lý tưởng sống, là sợi dây thiêng liêng gắn kết mọi người Việt lại với nhau.
Trong bối cảnh hiện nay, khi đất nước đang từng ngày đổi thay, khi thế giới đối mặt với nhiều biến động khó lường, nghĩa đồng bào càng phải trở thành sức mạnh nội sinh để giúp chúng ta vượt lên. Những thách thức mới đang gõ cửa. Các rào cản thương mại toàn cầu đang siết lại, và cũng là lời cảnh báo rằng chúng ta không thể chủ quan. Cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, áp lực chuyển dịch chuỗi cung ứng và những cuộc khủng hoảng về khí hậu, địa chính trị, kinh tế… đang đặt ra yêu cầu rất cao về khả năng thích ứng và gắn bó dân tộc, phải đoàn kết để vươn lên.

Rước kiệu về Đền Hùng.
Trong cơn sóng lớn đó, càng thêm quý biết bao khi tinh thần đồng bào vẫn được nuôi dưỡng và hiện hữu trong những việc rất cụ thể. Một trong những minh chứng cảm động nhất chính là chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát mà Chính phủ đang dồn lực thực hiện. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hàng trăm nghìn hộ dân đã có một mái nhà vững chãi – một cuộc sống ấm cúng, đầy đủ hơn. Không ai bị bỏ lại phía sau – không chỉ là khẩu hiệu, mà đang trở thành hiện thực sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người dân thấy được sự chở che, thấy mình được quan tâm, được yêu thương. Và có lẽ, đó là hình ảnh giản dị mà rõ ràng nhất của nghĩa đồng bào trong thời hiện đại.
Là con cháu Rồng Tiên, chúng ta không chỉ tự hào về nguồn gốc – mà cũng nuôi trong mình một khát vọng: làm sao để đất nước mình có thể vươn cao, vươn xa, hóa rồng trong một thế giới đầy biến động. Hóa rồng – không còn là một hình ảnh viễn vông – mà là điều đang dần thành hình qua từng bước đi vững chắc: cải cách thể chế, tinh giản bộ máy, chống tham nhũng, lãng phí, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đột phá phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số... Những cải cách to lớn mà Đảng ta và Tổng Bí thư Tô Lâm đang kiên định thực hiện sẽ mở đường cho giấc mơ ấy – và dù vẫn còn nhiều khó khăn, thì niềm tin về một tương lai đất nước hùng cường đã mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Tôi tin rằng, hành trình ấy không chỉ là của Nhà nước, mà là của tất cả chúng ta – những công dân bình thường, sống trên mảnh đất hình chữ S thân thương này. Chúng ta mỗi người một phần việc, một hoàn cảnh, một đóng góp nhỏ bé, nhưng nếu ai cũng làm tốt phần mình, thì đất nước chắc chắn sẽ mạnh lên từ đó. Hãy sống tử tế hơn, học tập chăm chỉ hơn, làm việc có trách nhiệm hơn và rộng lòng hơn với nhau – bởi trong từng việc làm ấy, chúng ta đang tiếp thêm sức cho giấc mơ hóa rồng.
Trong ngày Giỗ Tổ thiêng liêng này, khi trăm triệu người dân cùng hướng về Đất Tổ, tưởng nhớ các Vua Hùng, tôi chỉ muốn nói một điều giản dị: cảm ơn Tổ tiên đã sinh ra chúng con trong một dân tộc biết yêu thương nhau và cho chúng con cơ hội được góp phần nhỏ bé của mình vào hành trình đi tới tương lai của đất nước.
Chừng nào nghĩa đồng bào còn sống trong tim người Việt, chừng đó niềm tin, hy vọng về một đất nước hóa rồng vẫn còn mãnh liệt và nhất định sẽ thành hiện thực, không gì ngăn cản được!
TS. Nguyễn Sĩ Dũng
https://baochinhphu.vn/gio-to-hung-vuong-va-khat-vong-hoa-rong-10225040623380253.htm

Khuyến cáo du khách khi tắm biển
Trên địa bàn phường Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vừa xảy ra vụ đuối nước trên biển khiến 2 cháu nhỏ gặp nạn. Một lần nữa, cơ quan chức năng đã phát đi một số khuyến cáo người dân và du khách khi tắm biển.

Sầm Sơn duy trì bãi biển sạch đẹp
Khu vực biển Sầm Sơn những ngày gần đây cũng bị tình trạng bèo tây dạt vào các bãi tắm. Song chính quyền địa phương, người dân và các đơn vị kinh doanh du lịch đã nhanh chóng phối hợp xử lý kịp thời, khôi phục các bãi tắm sạch đẹp trong mùa du lịch cao điểm.

Khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng "Câu hò nối những dòng sông"
Tối 08/7, tại Nhà hát nghệ thuật Lam Sơn Thanh Hóa đã diễn ra lễ khai mạc Hội diễn nghệ thuật quần chúng "Câu hò nối những dòng sông" khu vực Bắc Trung Bộ năm 2025. Các đồng chí: Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện; lãnh đạo Sở Văn hóa thể thao và du lịch các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị cùng đông đảo nghệ nhân, diễn viên và khán giả yêu nghệ thuật đã tới dự.

Du lịch Thanh Hóa và bài toán thu hút khách quốc tế
6 tháng đầu năm 2025, Thanh Hóa đón trên 307.000 lượt khách quốc tế, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm hơn 2,9% tổng lượt khách - một tỷ lệ còn quá khiêm tốn so với tiềm năng và những nỗ lực mà ngành Du lịch đã và đang triển khai.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước
Chiều ngày 7/7, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá tổ chức hội nghị tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, giai đoạn 2020-2025; triển khai phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2025-2030.

Thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu
Ngày 7/7, tại xã Tân Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu.

Mùa sen thành cổ
Những ngày này, du khách đến tham quan Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (xã Tây Đô, tỉnh Thanh Hóa) sẽ được chiêm ngưỡng sắc sen bung nở trong khu vực nội thành, tạo nên khung cảnh bình yên, thơ mộng trên vùng đất Tây Đô.

Du lịch Thanh Hoá nỗ lực để thu hút khách quốc tế
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Thanh Hoá đón hơn 10,5 triệu lượt khách, trong đó 307.000 lượt là khách quốc tế – tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy Thanh Hóa đang dần là điểm đến có chiều sâu di sản và văn hoá. Nắm bắt xu hướng này, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực để thu hút cũng như đáp ứng yêu cầu đón khách quốc tế.

Bản tin Văn hóa 4/7/2025
Bản tin Văn hóa 4/7/2025 có những nội dung chính sau: - Nghệ sĩ Việt duy nhất hát tại 3 lễ hội nhạc châu Âu - Lộ diện 2 đội thi xuất sắc nhất vào chung kết DIFF 2025 - 60 năm chặng đường âm nhạc

Thanh Hoá hướng tới xây dựng các sản phẩm: “Một điểm chạm - đa trải nghiệm”
Để du lịch không chỉ là cuộc hành trình của tham quan, nghỉ dưỡng, nhiều điểm đến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang hướng du khách tới “Một điểm chạm - đa trải nghiệm”. Những “điểm chạm” kết nối câu chuyện văn hóa - thiên nhiên - con người, hình thành nên chuỗi trải nghiệm liên kết phong phú, mang đậm dấu ấn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.