Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp
Vừa qua, Hội làm vườn và trang trại Thanh Hóa tổ chức đợt tập huấn truyền thông về nông nghiệp, nông thôn năm 2024. Đợt tập huấn này không chỉ thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham dự, mà còn góp phần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, để các hội viên áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Đợt tập huấn Truyền thông về nông nghiệp, nông thôn năm 2024 diễn ra trong thời gian 2 ngày, thu hút gần 100 cán bộ, hội viên của Hội Làm vườn và Trang trại trên địa bàn toàn tỉnh tham dự.
Trong ngày đầu tiên của đợt tập huấn, Hội đã tổ chức cho các đại biểu tham quan trang trại cây ăn quả tổng hợp trên địa bàn phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn. Đây là hoạt động thường xuyên được Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa lồng ghép trong các hội nghị tập huấn hàng năm, nhằm giúp hội viên có điều kiện giao lưu, gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau trong phát triển kinh tế.
Các đại biểu được tham quan Nhà máy Dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông; tìm hiểu vai trò của dinh dưỡng đối với các loại cây trồng cũng như việc nâng cao quy trình sản xuất nông nghiệp. Tại đây, Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa phối hợp với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức Hội nghị Tập huấn hướng dẫn điều kiện cấp chứng nhận quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp. Các chuyên gia đã giới thiệu quy trình, tiêu chuẩn Vietgap trong trồng trọt, chăn nuôi; chia sẻ những lợi ích mang lại, mục tiêu hướng tới; đồng thời giới thiệu thủ tục, những khó khăn và giải pháp tháo gỡ trong quá trình xin chứng nhận VietGAP… Ông Nguyễn Ngọc Doãn, Hội viên Hội Làm vườn và trang trại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Qua những buổi tập huấn, tôi thấy rất bổ ích. Mong rằng thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục được học thêm, để có thể làm các sản phẩm VietGAP đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng".
Ông Hà Anh Duy, Phó Giám đốc Nhà máy Dinh dưỡng cây trồng Tiến Nông cho biết: "Công ty đã tích cực phối hợp tổ chức triển khai đợt tập huấn cho hội viên để hội viên tiếp thu và triển khai được các chương trình về với nông trại, các hộ kinh doanh".
Tại Hội nghị Tập huấn Truyền thông về nông nghiệp, nông thôn năm 2024, tổ chức tại thành phố Thanh Hóa, các đại biểu được nghe hai chuyên đề: Báo cáo viên đến từ Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông giới thiệu quy trình thực hành nông nghiệp trong trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP. Báo cáo viên của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hoá giới thiệu về quy định cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo tiêu chuẩn TCCS 774:2020/BVTV; Quy trình thiết lập và giám sát vùng trồng; Quy trình thiết lập và giám sát cơ sở đóng gói; các quy định chung về Kiểm dịch thực vật và kiểm soát an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu...
Thông qua hội nghị tập huấn, các đại biểu được tiếp cận với những thông tin, kiến thức, quy định chung về VietGAP, Mã số vùng trồng từ đó có thể ứng dụng vào thực tiễn tại đơn vị mình nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tạo điều kiện để các đại biểu chia sẻ ý kiến, trao đổi kinh nghiệm về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, từ đó, cùng tìm ra hướng phát triển sản xuất ổn định, bền vững.
Sau đợt tập huấn, Hội Làm vườn và Trang trại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh đã tích cực triển khai vào hoạt động thực tế tại địa phương, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm để các hội viên áp dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Tại huyện Quảng Xương, nhiều hội viên trực tiếp được tham gia hội nghị tập huấn, đã áp dụng kiến thức để nâng cao chất lượng mô hình sản xuất nông nghiệp của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hoan, chủ trang trại Thảo Hiền, là hội viên của xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương trực tiếp tham gia đợt tập huấn truyền thông về nông nghiệp, nông thôn năm 2024. Sau đợt tập huấn, chị về áp dụng vào trang trại của gia đình, trong đó, tập trung sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không rác thải. Trang trại của gia đình chị gần như không dùng phân hóa học.
Để tự túc nguồn phân bón cho cây trồng, gia đình chị Hoan xây dựng hệ thống chuồng trại để nuôi gà, lợn và đào ao thả cá. Chất thải của vật nuôi được đẩy xuống hệ thống bể kiên cố, trộn thêm các loại men vi sinh. Phân hoai mục trở thành nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho cây trồng trong trang trại. Với mô hình sản xuất hữu cơ tuần hoàn không rác thải, các sản phẩm của trang trại đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, do đó, ngày càng được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Hội Làm vườn và Trang trại huyện Quảng Xương còn áp dụng kinh nghiệm tập huấn cho các mô hình nuôi ốc nhồi trên địa bàn huyện. Anh Bùi Xuân Bình ở thị trấn Tân Phong, là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ốc nhồi thương phẩm. Hiện nay, ngoài trang trại hơn 6 ha của gia đình, anh còn liên kết, bao tiêu sản phẩm cho hơn 30 trang trại nuôi ốc trong tỉnh. Những kiến thức thu được từ đợt tập huấn truyền thông về nông nghiệp, nông thôn tạo động lực để anh tiếp tục phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm từ ốc nhồi; nâng cao chất lượng bao bì, nguồn gốc xuất xứ, tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, việc được tập huấn về quy trình VietGAP giúp anh có thêm kinh nghiệm, chuẩn bị thủ tục xin cấp chứng nhận VietGAP lần 2 cho quy trình sản xuất ốc nhồi. Anh Bùi Xuân Bình, Thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Nhiều chương trình tập huấn chúng tôi cảm thấy rất phù hợp với doanh nghiệp của mình. Qua đó, chúng tôi rút kinh nghiệm và áp dụng tại công ty, đưa sản phẩm của mình theo một số tiêu chuẩn như VietGAP hoặc là các tiêu chí để xây dựng sản phẩm OCOP".
Tại huyện Yên Định, Hội làm vườn và Trang trại cũng tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin từ những đợt tập huấn truyền thông về nông nghiệp, nông thôn cho các hội viên, trong đó có gia đình ông Trịnh Bá Đan, xã Yên Trường.
Những kiến thức đó đã được ông Đan triển khai áp dụng vào mô hình sản xuất rượu và mô hình trang trại tổng hợp, từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.
Ông Trịnh Bá Đan, Xã Yên Trung, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Qua tập huấn và truyền thông, gia đình đã nắm bắt được nhiều kiến thức bổ ích về khoa học kỹ thuật để áp dụng cho việc sản xuất của gia đình mình".
Có thể nói, đợt tập huấn truyền thông về nông nghiệp, nông thôn năm 2024 đã tạo ra những dấu ấn, sự lan tỏa trong các hội viên Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa; có tác động tích cực, thúc đẩy các hội viên đổi mới quy trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, chinh phục được thị trường trong và ngoài tỉnh.
Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại Thanh Hóa cho biết: "Trong thời gian tới, Hội Làm vườn và trang trại tỉnh sẽ chỉ đạo hội ở cấp huyện, xã tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ cho hội viên nông dân để áp dụng quy trình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP và được cấp mã số vùng trồng. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là Sở Nông nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn cho nông dân được cấp chứng nhận VieGAP và cấp mã số vùng trồng".
Dự kiến, sau đợt tập huấn nông nghiệp, nông thôn, Hội Làm vườn và trang trại Thanh Hóa sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng cho các hội viên, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Thanh Hóa phát triển an toàn, bền vững.
Xuất khẩu 2025 đặt mục tiêu tăng trưởng 10 - 12%, xuất siêu trên 20 tỷ USD
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024 ước đạt 783,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023; trong đó xuất khẩu ước đạt 403,7 tỷ USD, tăng 13,8%. Với kết quả này, Bộ Công Thương đặt mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng trên 10 - 12% so với năm 2024, cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
Lần đầu tiên thu ngân sách Nhà nước vượt mốc 2 triệu tỷ đồng
Ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, bằng 119,1% so với dự toán, tăng 15,5% so với thực hiện năm 2023; tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước đạt 17,8% GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2% GDP.
Bộ Tài chính bãi bỏ hàng loạt thông tư về tài chính đất đai
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 89 bãi bỏ toàn bộ 12 Thông tư và bãi bỏ một phần của 1 thông tư khác trong lĩnh vực tài chính đất đai do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành trước ngày Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực thi hành.
Nông sản Việt chinh phục nhiều thị trường
Năm 2024, nông sản Việt Nam đã có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, nhiều nông sản Việt tiếp tục chinh phục thành công những thị trường mới, nhiều mặt hàng nông sản mới được "cấp visa" xuất khẩu chính ngạch.
Xuất nhập khẩu sang khu vực châu Á, châu Phi đạt 520 tỷ USD
Bộ Công thương cho biết, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới 520 tỷ USD, khu vực thị trường châu Á, châu Phi tiếp tục giữ vị trí chiến lược trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 và nhiều năm tới.
Quảng Xương phấn đấu DDCI nằm trong top đầu của tỉnh trong năm 2025
Chiều ngày 2/1, huyện Quảng Xương đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh năm 2025.
Tăng giá trị sản xuất ngành mía đường Thanh Hóa
Niên vụ 2024 - 2025 diện tích, năng suất mía các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều tăng. Cùng với đẩy mạnh đầu tư thiết bị công nghệ dây chuyển chế biến, các doanh nghiệp sản xuất mía đường đã thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật, tăng năng suất, sản lượng, nâng cao giá trị sản xuất ngành mía đường.
Bước đột phá trong thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa
Trên 56 nghìn 400 tỷ đồng là tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2024. Đây là số thu cao nhất của tỉnh từ trước đến nay. Với kết quả này, Thanh Hóa tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, con số trên là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát, linh hoạt của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các địa phương thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn tỉnh.
Thanh Hoá tập trung chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi
Thanh Hóa đang kiểm soát tốt dịch bệnh tả lợn châu Phi. Tuy nhiên với tổng đàn lợn trên 1,3 triệu con, trong đó có trên 88 nghìn hộ chăn nuôi; nguy cơ dịch bệnh tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan tại Thanh Hóa là rất cao nếu không triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa.
Giá vé máy bay tăng cao trong dịp Tết
Khảo sát trên các trang bán vé của các hãng hàng không nội địa cho thấy, giá vé máy nhiều chặng từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang ở mức cao, thậm chí "cháy vé" ở hạng phổ thông.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.