ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Sáng 27/2 tại Trụ sở Chính phủ, diễn ra Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) với chủ đề "Nhiệm vụ, giải pháp góp phần tăng trưởng kinh tế hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững".

27/02/2025 09:45
Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- Ảnh 1.

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước diễn ra sáng 27/2 - Ảnh: VGP/Đình Hải

Các Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, Mai Văn Chính đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các bộ trưởng, thành viên Chính phủ; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Hải Phòng, cùng đại diện các tập đoàn, tổng công ty, DNNN và ngân hàng thương mại nhà nước.

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: VGP/Đình Hải

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị làm việc với các doanh nghiệp nhà nước nhằm thảo luận về nhiệm vụ và giải pháp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Mục tiêu đặt ra trong năm nay là đạt mức tăng trưởng tối thiểu 8% GDP.

Ngày 15/6/2024, Thường trực Chính phủ đã tổ chức Hội nghị với các doanh nghiệp nhà nước nhằm thảo luận về trách nhiệm và đóng góp của khu vực này trong việc thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Hội nghị đã khẳng định vai trò tiên phong, dẫn dắt và bứt phá của doanh nghiệp nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, đồng thời là thời điểm quan trọng để triển khai mạnh mẽ cuộc cải cách tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tiến hành Đại hội Đảng các cấp và chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XV. Đây cũng là giai đoạn then chốt để củng cố những nền tảng quan trọng, tạo tiền đề vững chắc giúp đất nước tự tin bước vào một giai đoạn phát triển mới, bền vững và thịnh vượng.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần thực hiện những đột phá mạnh mẽ và toàn diện về thể chế, nâng cao hiệu lực bộ máy, cắt giảm thủ tục hành chính, khơi thông mọi nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8% trong năm 2025. Trong điều kiện thuận lợi hơn, chúng ta có thể hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số, tạo động lực vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn tới.

Trong tháng này, Thường trực Chính phủ đã tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp tư nhân lớn của đất nước, hội nghị với các ngân hàng thương mại, và hôm nay, chúng ta có một hội nghị hết sức quan trọng.

Tại hội nghị này, Thường trực Chính phủ sẽ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước để lắng nghe, trao đổi, thảo luận về cơ chế, chính sách và các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu là khai thác tối đa các nguồn lực, đổi mới động lực tăng trưởng và thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới, góp phần đưa nền kinh tế tăng tốc, bứt phá trong năm 2025, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Với vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt trong việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty có mặt tại hội nghị hôm nay chính là lực lượng kinh tế nòng cốt, đóng vai trò tiên phong trong việc cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nỗ lực đưa đất nước phát triển bứt phá.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm. Đồng thời, Chính phủ muốn lắng nghe ý kiến đóng góp về các giải pháp cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu và nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, cần thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc cũng như những vấn đề cần sự hỗ trợ từ Chính phủ để tạo thêm động lực cho doanh nghiệp nhà nước trong việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Trước hết, chúng ta cần đánh giá toàn diện về việc thực hiện Nghị quyết số 15 liên quan đến tiếp tục cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, cần phân tích, đánh giá vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong việc đảm nhận các nhiệm vụ lớn, các lĩnh vực đột phá nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025. Với tiềm lực và vị thế của mình, doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào đầu tư, khai thác các dự án lớn, dự án trọng điểm, cũng như giải quyết những bài toán chiến lược của quốc gia trong lĩnh vực hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn.

Thứ hai, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm khơi thông nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp cần tập trung thảo luận về các giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tạo ra những đột phá mới, đồng thời phát huy vai trò tiên phong của doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực đổi mới như: đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật hiện đại, sử dụng tiết kiệm năng lượng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, chuyển đổi số, v.v…

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- Ảnh 3.

Lãnh đạo các bộ, ngành tham dự Hội nghị - Ảnh: VGP/Đình Hải

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp nhà nước mạnh dạn đề xuất những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại để Chính phủ có thể tập trung tháo gỡ. Với những vấn đề thuộc thẩm quyền, Chính phủ sẽ trực tiếp giải quyết; đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời.

Mục tiêu đặt ra là: Ít nhất 30% thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa hoặc cắt giảm; chi phí sản xuất, kinh doanh giảm khoảng 3%; các chi phí khác như chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức cũng cần được giảm thiểu; ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết sẽ bị bãi bỏ.

Chúng ta cần phấn đấu để trong vòng hai đến ba năm tới, môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN.

Thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư tại Hội nghị với Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương ngày 24/2 vừa qua, Hội nghị cần đề xuất những giải pháp cụ thể, hiệu quả để hiện thực hóa mục tiêu này, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.

Thứ ba, các doanh nghiệp nhà nước cần đưa ra giải pháp để phát huy vai trò tiên phong, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tập đoàn, tổng công ty tư nhân lớn trong các lĩnh vực mà đất nước đang cần. Những lĩnh vực trọng yếu này bao gồm năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, cũng như các ngành kinh tế đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy mô hình tăng trưởng mới. Đặc biệt, cần tập trung vào việc khai thác và phát huy những động lực tăng trưởng mới, tạo đột phá về công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ tư, các doanh nghiệp nhà nước cần thể hiện trách nhiệm xã hội thông qua các chương trình hỗ trợ cộng đồng như xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát, phát triển nhà ở xã hội, đồng hành cùng người dân trong phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Cuối cùng, Phó Thủ tướng mong muốn Hội nghị tập trung đưa ra những đề xuất, kiến nghị và cam kết cụ thể từ phía doanh nghiệp nhà nước. Trong các cuộc gặp trước đây với Thường trực Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng và đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Vì vậy, Chính phủ mong muốn lắng nghe những hiến kế cụ thể để Chính phủ có thể triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025.

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã phân công các thành viên phụ trách và kiểm tra việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các địa phương. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đã phân công lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiểm tra việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng, triển khai các nghị quyết quan trọng như Nghị quyết 35, Nghị quyết 18 và các vấn đề liên quan. Chính phủ cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng, sẵn sàng hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung vào trọng tâm thảo luận, nêu rõ các giải pháp, kiến nghị và đề xuất cụ thể.

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- Ảnh 4.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đình Hải

Trình bày báo cáo đề dẫn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nêu ra các quan điểm, địn hướng phát triển DNNN để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 tạo tiền đề cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030 và phát triển đất nước nhanh và bền vững thời gian tới:

Thứ nhất, DNNN cần tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng quan trọng, nòng cốt trong phát triển kinh tế-xã hội, phát huy tối đa lợi thế và năng lực cạnh tranh từ đó mở đường trong các ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước. Tập trung huy động nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế (với nhu cầu vốn cho cả nền kinh tế khoảng 4 triệu tỉ đồng trong năm 2025), DNNN là lực lượng dẫn dắt cùng với khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân trong nước là ba trụ cột để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đi lên từ nội lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD, năng lực quản trị doanh nghiệp theo các thông lệ quốc tế để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng đầu tư phát triển của DNNN; Tăng cường đầu tư phát triển, xác định rõ và đầu tư vào các ngành, lĩnh vực "mũi nhọn" của nền kinh tế dựa trên cơ sở nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết đủ sức cạnh tranh ngang tầm với doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế.

Thứ ba, quyết liệt thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, xanh hóa nền kinh tế, DNNN cũng cần xác định nắm giữ vị trí tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải tại COP26, COP28 chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch và giảm thải khí carbon; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thứ tư, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần khẳng định mạnh mẽ hơn, thể hiện bằng hành động cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế, hành lang pháp lý với những giải pháp đột phá, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích phát triển mạnh mẽ DNNN. Đổi mới tư duy quản lý đối với DNNN, thực hiện triệt để nguyên tắc phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra giám sát, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động quản lý điều hành của doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc của DNNN.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề xuất các giải pháp để tiếp tục phát huy vai trò và hiệu quả đầu tư của các DNNN góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH trong năm 2025, thúc đẩy tăng trưởng hai con số, phát triển đất nước nhanh và bền vững:

- Tập trung xây dựng ngay kịch bản phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 của cả nước và từng địa phương ở mức hai con số; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

- Tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu)

- Tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

- Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực; nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển, khai thác hiệu quả nguồn lực từ DNNN.

Trên cơ sở các định hướng giải pháp nêu trên, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp cần thực hiện một số nội dung sau:

- Cần quán triệt và quyết liệt thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, trong đó trọng tâm và trước mắt là trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (thay thế Luật số 69/2014/QH13) tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV để tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho DNNN hoạt động và phát triển, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn, nút thắt hạn chế hoạt động của DNNN trong thời gian vừa qua. Các chính sách của Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà được xây dựng với cách thức tiếp cận mới, rõ ràng và trao quyền nhiều hơn cho DNNN; phân công rõ, phân cấp mạnh, cụ thể trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tăng tính chủ động trong các quyết định sử dụng vốn đầu tư và mua sắm tài sản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tách bạch, phân định chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp; giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu; tăng cường phân công, phân cấp gắn với kiểm tra giám sát nhằm nâng cao tính tự chủ tự, chịu trách nhiệm và hạn chế thất thoát, lãng phí, tham ô, tham nhũng.

- Linh hoạt trong điều hành kinh tế vĩ mô.

- Về phía DNNN, cần khẩn trương triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm, Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp trong đó ưu tiên tập trung đổi mới quản trị doanh nghiệp, đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các dự án trọng tâm, trọng điểm quốc gia để tạo lực cho tăng trưởng và giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy các doanh nghiệp cùng phát triển theo chuỗi giá trị.

Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với DNNN thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- Ảnh 5.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel): Viettel xác định những sản phẩm làm ra sẽ tạo ra hệ sinh thái để các DN khác đồng hành cùng phát triển - Ảnh: VGP/Đình Hải

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel): Mục tiêu chúng ta đặt ra là tăng trưởng 8% năm nay và các năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số. Nhìn vào cách làm cũ, nếu tăng trưởng như vậy rất thách thức, nhất là với các DN truyền thống. Còn nếu đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ, chúng ta phải đổi mới cái cũ để tăng trưởng 2 con số mà vẫn duy trì không gian mới.

Viettel vẫn tập trung vào các lĩnh vực truyền thống như: viễn thông, chuyển phát, công nghệ số, công nghệ công nghiệp.

Đối với viễn thông, phải tiếp tục duy trì tăng trưởng, phải để hàm lượng sản phẩm mới hơn, tốt hơn như là bên cạnh thuê bao số, cần có thêm hộ gia đình số. Bên cạnh đó, phải tiếp tục phát triển chiều ngang, mở rộng thị trường nước ngoài… Chúng tôi phấn đấu giai đoạn 2025-2030 tăng trưởng 8-10% lĩnh vực này.

Về công nghệ số, Nghị quyết 57 ra đời là động lực rất lớn cho chúng tôi. Hiện nay chúng tôi nhận được rất nhiều đề nghị từ địa phương, DN lớn muốn Viettel tư vấn, đề xuất giải pháp về chuyển đổi số. Đây là động lực tăng trưởng cho các địa phương mà cũng chính là động lực tăng trưởng của Viettel. Mục tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực này chúng tôi đặt ra là 25-30%.

Đối với công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực này không thể làm ngay được mà phải có quá trình nghiên cứu. Có những công trình chúng tôi đã nghiên cứu hàng chục năm nay và đang đạt thành quả trong lĩnh vực quân sự, dân sự. Lĩnh vực này Viettel cũng đặt mục tiêu tăng trưởng 30%.

Lĩnh vực chuyển phát, bưu chính, logistic là lĩnh vực tiềm năng nhưng rất phân mảng, các DN nhỏ làm chuyển phát rất nhiều, cần có DN đi đầu trong lĩnh vực này. Chúng tôi cũng đang được Chính phủ, Bộ Quốc phòng hỗ trợ thành lập các trung tâm chuyển phát lớn tại các cửa khẩu biên giới, các cửa khẩu thông minh… Việc này không chỉ giúp Viettel tăng trưởng trong lĩnh vực này mà còn góp phần tăng năng suất sản xuất, lưu thông hàng hoá.

Với những động lực như vậy, với mục tiêu tăng trưởng 8% đã đặt ra và tăng trưởng 2 con số, chúng tôi tin là khó nhưng sẽ làm được. Chúng tôi cũng xác định những sản phẩm làm ra sẽ tạo ra hệ sinh thái để các DN khác đồng hành cùng phát triển.

Viettel đặt mục tiêu năm nay phát triển 5G phủ khắp từ thành thị đến các khu công nghiệp, đảm bảo các nơi này 50% phải có 5G và bà con nhân dân hoặc DN vừa và nhỏ cũng đều có cơ hội kết nối để tăng trưởng. Về mặt công nghiệp cũng vậy, những nghiên cứu của Viettel đều góp phần phục vụ cho các sản phẩm trong hệ sinh thái.

Về kiến nghị, đầu tiên với NQ57 và NQ03 của Chính phủ, chúng tôi rất mong được tham gia triển khai và mong những chính sách ban hành ra phải đi vào cuộc sống.

Thứ hai, chúng tôi cho rằng, muốn tăng trưởng 8% và tăng trưởng 2 con số trong các năm tiếp theo, cần có những cái mới và phải được đầu tư ngay từ bây giờ. Các công trình nghiên cứu có thể thành công hay không thì ngay từ bây giờ, cần có thử nghiệm, đánh giá, cần có những DN mạnh dạn áp dụng cái mới.

Cuối cùng, Viettel cho rằng chắc chắn phải vươn ra nước ngoài và điều này không hề dễ, chúng tôi và các DN khách đều cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ.

https://baochinhphu.vn/tong-thuat-hoi-nghi-thuong-truc-chinh-phu-lam-viec-voi-dnnn-thuc-day-tang-truong-kinh-te-10225022707412603.htm

Nguồn: baochinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Thời sự phát thanh 17h ngày 01/4/2025

Thời sự phát thanh 17h ngày 01/4/2025

18:01 , 01/04/2025

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình thời sự phát thanh trực tiếp 17h thứ 3, ngày 1/4/2025 của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về chính sách ưu đãi thị thực và quay trở lại quốc tịch Việt Nam

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về chính sách ưu đãi thị thực và quay trở lại quốc tịch Việt Nam

09:28 , 01/04/2025

Chiều 31/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về chính sách miễn thị thực đơn phương và chính sách ưu đãi thị thực với một số đối tượng; việc quay trở lại quốc tịch Việt Nam với người Việt Nam ở nước ngoài.

Huyện Như Xuân sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị

Huyện Như Xuân sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị

09:05 , 01/04/2025

Chiều ngày 31/3, Huyện ủy Như Xuân đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện Hồ chứa nước Bản Mồng

Giám sát việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện Hồ chứa nước Bản Mồng

20:13 , 31/03/2025

Sáng ngày 31/3, đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV đã có buổi giám sát việc thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện Hồ chứa nước Bản Mồng, trên địa bàn tỉnh tỉnh Thanh Hóa.

Họp Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia

Họp Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia

20:06 , 31/03/2025

Chiều ngày 31/3, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình thực hiện và chuẩn bị tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng.

Hàm Rồng - những năm tháng không quên

Hàm Rồng - những năm tháng không quên

19:54 , 31/03/2025

Cách đây 60 năm, những chàng trai cô gái xứ Thanh đã đem tuổi thanh xuân lên trận địa, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ cầu Hàm Rồng. Ngày hôm nay, dù thời gian đã trôi qua hơn nửa thế kỷ, nhưng trong trái tim của họ, những năm tháng hào hùng và bi tráng ấy mãi là ký ức không thể nào quên.

Khánh thành Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã

Khánh thành Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã

19:50 , 31/03/2025

Nhân dịp Kỷ niệm 60 Hàm Rồng chiến thắng (3,4/4/1965 - 3,4/4/2025), sáng ngày 31/3, UBND thành phố Thanh Hóa tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại công trường đê Nam sông Mã ngày 14/6/1972, thuộc phường Nam Ngạn.

Phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa

Phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa

19:48 , 31/03/2025

Chiều ngày 31/3, đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh đã chủ trì phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo để thảo luận, đánh giá về tình hình, kết quả hoạt động quý 1 năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác. Dự phiến họp có đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các ban, ngành là thường trực và thành viên Ban Chỉ đạo.

Khánh thành Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh tại đê sông Mã ngày 14/6/1972

Khánh thành Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh tại đê sông Mã ngày 14/6/1972

14:04 , 31/03/2025

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng, sáng ngày 31/3, UBND thành phố Thanh Hóa đã tổ chức Lễ khánh thành Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh đã hy sinh tại công trường đê Nam Sông Mã ngày 14/6/1972.

Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Hàm Rồng và các giáo viên, học sinh hy sinh trên công trường đắp Đê sông Mã

Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Hàm Rồng và các giáo viên, học sinh hy sinh trên công trường đắp Đê sông Mã

11:00 , 30/03/2025

Nhân kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng (ngày 3,4/4/1965 - 3,4/4/2025), tối 29/3, tại Khu tưởng niệm các giáo viên và học sinh hy sinh trên công trường đắp Đê sông Mã, thành phố Thanh Hóa đã tổ chức Lễ cầu siêu tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Hàm Rồng và 64 thầy giáo, cô giáo và học sinh hy sinh trên công trường đắp Đê sông Mã. Dự lễ về phía tỉnh có các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Phạm Thị Thanh Thuỷ, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Về phía thành phố Thanh Hoá có đồng chí Lê Anh Xuân, Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ. Cùng dự lễ có đại diện đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo thành phố Thanh Hoá các tăng ni, phật tử cùng Nhân dân thành phố Thanh Hoá.