Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương
Văn phòng Trung ương Đảng công bố Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương ngày 24/2/2025.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc
Nội dung Kết luận như sau:
Chiều ngày 24/2/2025, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về mục tiêu tăng trưởng đặt ra cho năm 2025 ở mức 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo và định hướng quản lý tài sản, tiền số ở Việt Nam.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, các ý kiến phát biểu đóng góp của các đại biểu dự họp, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm kết luận như sau:
1. Ghi nhận, đánh giá cao Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đã có nghiên cứu, báo cáo đánh giá và đề xuất được một số nguyên tắc, yêu cầu, định hướng và giải pháp lớn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức từ 8% trở lên trong năm 2025 và ở mức "2 con số" trong giai đoạn tiếp theo; cơ bản nhất trí với 10 giải pháp chiến lược được đề xuất trong Báo cáo.
2. Trong thời gian tới, cả trước mắt và trong dài hạn, yêu cầu trước tiên, xuyên suốt là phải huy động được mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, cùng tích cực lao động sản xuất, tạo ra của cải vật chất để đóng góp vào tăng trưởng và phát triển của đất nước. Mọi thể chế, cơ chế, chính sách phải hướng tới và đạt được yêu cầu này.
3. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, phải tập trung cải cách, thúc đẩy cả về phía cung và phía cầu một cách phù hợp với thực tiễn và tính chất, trình độ của nền kinh tế Việt Nam. Trong đó, thúc đẩy các yếu tố về phía cung sẽ bảo đảm yêu cầu tăng trưởng cho dài hạn, ít hệ luỵ nhưng sẽ có độ trễ cao hơn; thúc đẩy các yếu tố về phía cầu sẽ có thể nhanh hơn nhưng kèm theo nhiều rủi ro hơn.
- Về phía cung, cần tiếp tục tập trung cải cách mạnh mẽ thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức... Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết. Phấn đấu trong vòng 2 - 3 năm tới môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu trong ASEAN.
Nghiên cứu, áp dụng khung pháp lý chuyên biệt góp phần đưa hệ thống pháp luật Việt Nam bắt kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI), kinh tế nền tảng, thương mại điện tử và đặc khu kinh tế; đề xuất khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát đối với các ngành công nghệ mới; đề xuất khung pháp lý riêng cho đặc khu kinh tế và đặc khu công nghệ (như các cơ chế thuế đặc biệt ưu đãi, cơ chế đặc thù trong giải quyết các tranh chấp thương mại trong đặc khu...).
Đối với chính sách đất đai và thị trường bất động sản, phải khơi thông, thúc đẩy các giao dịch và thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường; thúc đẩy đô thị trở thành động lực tăng trưởng của quốc gia trên cơ sở hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao và đồng bộ; xây dựng hệ thống bản đồ số quốc gia về quy hoạch và giá đất; nghiên cứu thành lập "Quỹ nhà ở quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Áp dụng chính sách tài chính mở cho các mô hình trung tâm tài chính quốc tế; tranh thủ hiệu quả đầu tư gián tiếp của nước ngoài; nghiên cứu hình thành mô hình "Cảng miễn thuế" để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn, phát triển "Cổng một cửa đầu tư quốc gia" nhằm tăng cường thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam; thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; xử lý triệt để ô nhiễm không khí ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn.
Thực hiện chính sách thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và chính sách đặc biệt đối với cán bộ, công chức đạt thành tích tốt trong công việc; đồng thời, có cơ chế đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ năng lực, phẩm chất. Cụ thể hoá hơn nữa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, có cơ chế và tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Bên cạnh đó, cần quan tâm hoàn thiện chính sách ứng phó với già hoá dân số.
- Về phía cầu, tập trung theo hướng đẩy mạnh đầu tư của Chính phủ cho hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược và nền tảng của quốc gia, cả về phương diện số lượng, chất lượng và tính đồng bộ; thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua việc kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch, an toàn, chi phí thấp, dễ tiếp cận vốn tín dụng. Thúc đẩy tiêu dùng nội địa, chỉ khi thúc đẩy được tiêu dùng nội địa mới giúp tăng trưởng GDP bền vững; gia tăng xuất khẩu ròng. Đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản chế biến trên cơ sở phát triển kinh tế nông nghiệp thay vì sản xuất nông nghiệp thuần tuý; công nghiệp hoá nông nghiệp; điều chỉnh chính sách hạn điền để tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất; khuyến khích thí điểm các hình thức hợp tác mới trong nông nghiệp. Thực hiện chính sách tài khoá mở rộng; chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng tiền tệ một cách thận trọng...
4. Về vấn đề quản lý đồng tiền kỹ thuật số: Nhất trí với đề xuất của Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về việc cần sớm quản lý đồng tiền này dưới dạng một loại tài sản ảo để tránh các tác động tiêu cực đến nền kinh tế và các vấn đề xã hội, đồng thời giúp đóng góp giá trị cho kinh tế đất nước. Quốc hội và các cơ quan của Chính phủ cần sớm thể chế hoá và cụ thể hoá để quản lý lĩnh vực này. Nghiên cứu áp dụng cơ chế thí điểm có kiểm soát (sandbox) để thành lập "Sàn giao dịch" cho hoạt động này.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá thảo luận tại tổ về các dự án luật
Chiều ngày 8/5, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá thảo luận tại tổ về các dự án luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân và Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho ý kiến vào Dự thảo Luật Hoá chất (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 8/5, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi). Trong đó, tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển, quản lý hoá chất là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số
Sáng ngày 8/5, Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ phát động phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn toàn tỉnh, với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số”.

Quan Sơn công bố đặt tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Sơn Lư
Sáng ngày 07/5, Uỷ ban nhân dân huyện Quan Sơn tổ chức công bố Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá về đặt tên đường, phố trên địa bàn thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn.

Mường Lát tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác dân vận
Ngày 07/5, tại huyện Mường Lát, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Huyện ủy Mường Lát tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ cơ sở và người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2025.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách và các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, tổ trưởng Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công tại hội nghị trực tuyến vừa được tổ chức chiều ngày 07/5. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang tham gia hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.

Tăng cường phối hợp giữa Mặt trận 2 tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn
Chiều ngày 07/5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Thanh Hóa và Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Hủa Phăn đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện bản ghi nhớ giai đoạn 2023 - 2025 và ký kết bản ghi nhớ giai đoạn 2025 - 2027. Đồng chí Vi Tếnh Chư May Tềnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Hủa Phăn và đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa chủ trì hội nghị.

Đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy tiếp xã giao Đoàn đại biểu Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Hủa Phăn
Sáng ngày 07/5, đồng chí Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã tiếp xã giao đồng chí Vi Tếnh Chư May Tềnh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Hủa Phăn và đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Hủa Phăn. Dự buổi tiếp có đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo Sở Ngoại vụ, Văn phòng Tỉnh ủy.

Phân định rõ thẩm quyền các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15, chiều ngày 07/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Lại Thế Nguyên – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, các đại biểu tổ 18 gồm 3 tỉnh: Thanh Hóa, Lâm Đồng và Tiền Giang đã thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ duyệt binh Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít tại Kazakhstan
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, vào 11h ngày 7/5 theo theo giờ địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng phát xít được tổ chức tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Astana.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.