Kết nối không gian văn hóa Thành phố Thanh Hóa – Thành phố Hội An
(TTV) - Trong những năm tháng mưa bom bão đạn ác liệt của chiến tranh, Đảng bộ,chính quyền, quân và dân 2 quê hương anh hùng Thanh Hóa – Quảng Nam đã nguyện sát cánh cùng nhau "chia cơm", "chia lửa" quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược, góp phần giành độc lập dân tộc, thu giang sơn về một mối. Tình cảm thủy chung son sắt giữa hai Tỉnh Thanh Hóa – Quảng Nam, hai Thành phố Thanh Hóa – Hội An đang được các thế hệ hôm nay trân trọng gìn giữ, tiếp nối và phát huy trong cuộc sống hôm nay. Tình cảm ấy ẩn sâu trong tâm tưởng mỗi người dân, và được khắc họa đậm nét trên những công trình văn hóa mang đậm bản sắc hai quê hương kết nghĩa.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã giải phóng hoàn toàn miền Bắc Việt Nam. Nhưng, nơi “miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” vẫn đau thương chìm trong khói lửa bom đạn của quân thù. Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, thực hiện chủ trương lớn của Trung ương, các địa phương 2 miền đã tổ chức kết nghĩa, để giúp nhau thực hiện nhiệm vụ chính trị lớn của Đất nước là: Xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thống nhất nước nhà. Lễ kết nghĩa Thanh Hóa - Quảng Nam được tổ chức trang trọng, thiêng liêng tại Nhà hát Nhân dân, thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) vào ngày 12-3-1960.
Sau lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh, lần lượt các địa phương cũng kết nghĩa với niềm tin sắt son, nguyện “đi bên nhau” trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và giải phóng toàn vẹn nước nhà. Cùng với nhiều địa phương khác trong tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị xã Thanh Hóa đã kết nghĩa với thị xã Hội An. Ngay sau lễ kết nghĩa, Tỉnh ủy Thanh Hóa và Đảng bộ Thị xã Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát động nhiều chiến dịch, nhiều phong trào thi đua yêu nước, động viên, cổ vũ Nhân dân trong toàn tỉnh tham gia sôi nổi với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt, vì Quảng Nam kết nghĩa”…..
Tiếp nối tình nghĩa thủy chung, son sắt trong quá khứ, ở thời điểm hiện tại, hai tỉnh và hai Thành phố: Thanh Hóa- Quảng Nam lại tiếp tục kề vai, sát cánh trong công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương phát triển giàu đẹp và hướng tới hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng.
Hơn sáu mươi năm qua, Quảng Nam - Thanh Hóa đã xây dựng cho nhau nhiều công trình thấm đẫm nghĩa tình. Ngay trong những năm chiến tranh, thị xã Thanh Hóa đã khắc ghi tình cảm kết nghĩa sâu đậm với những công trình như Công viên Thanh Quảng ( nay là công viên Hội An), Thư viện thanh thiếu niên thị xã Thanh Hoá - Hội An; rạp chiếu bóng Hội An... Bước sang thời kỳ đổi mới và đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trên đất Thanh Hóa có thêm hàng trăm công trình do Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam xây tặng như : Cầu, đường, nhà tình nghĩa... Và ngược lại, Thanh Hóa cũng dành tặng Quảng Nam nhiều công trình ý nghĩa.
Nằm giữa Trung tâm thành phố Thanh Hóa, Công viên Hội An thuộc địa phận phường Lam Sơn là địa điểm hiện hữu những công trình văn hóa mang biểu tượng thiêng liêng của TP Hội An – Thành Phố Thanh Hóa.
Đúng dịp kỷ niệm 55 năm kết nghĩa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã xây dựng một phiên bản Chùa Cầu cùng với 2 trụ điêu khắc độc đáo để tặng Đảng bộ, Nhân dân TP Thanh Hóa. Công trình Chùa cầu được chính người dân TP Hội An thiết kế, phần mộc, điêu khắc được làm từ Quảng Nam chuyển ra, trụ móng bê tông do TP Thanh Hóa xây dựng. Còn 2 trụ nghệ thuật được làm từ gốm Thanh Hà, một làng gốm nức tiếng ở xứ Quảng, mỗi trụ gốm được các nghệ nhân tài hoa trạm khắc những hình ảnh đặc trưng về lịch sử, văn hóa của hai vùng đất. Với công trình quà tặng này, người dân TP Hội An nói riêng và người dân Xứ Quảng nói chung muốn gửi gắm đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa tình cảm bền chặt, son sắt thủy chung giữa 2 vùng đất, xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, tương lai.
Đặc biệt, năm 2021, nhân kỷ niệm 60 năm ngày kết nghĩa Thành phố Thanh Hóa – Thành phố Hội An, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hội An đã xây tặng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Thanh Hóa phiên bản dãy phố cổ Hội An ngay trong công viên Hội An – TP Thanh Hóa.
Công trình này được xây dựng đúng theo nguyên mẫu gốc tại Hội An và có tỉ lệ nhỏ hơn; công trình được xây với diện tích 980m2, bao gồm 15 căn nhà gỗ, trong đó có 9 căn nhà 1 tầng và 6 căn nhà 2 tầng, được lựa chọn từ các kiểu kiến trúc nhà cổ tiêu biểu của tuyến phố Trần Phú và tuyến phố Nguyễn Thị Minh Khai – là vùng lõi đặc trưng của khu phố cổ Hội An, Di sản văn hóa thế giới - với tổng mức đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Nhưng giá trị và ý nghĩa lớn nhất không nằm ở kinh phí đầu tư, mà thông qua những công trình văn hóa này, tiếp tục khẳng định mối tình kết nghĩa son sắt, thủy chung giữa hai tỉnh và hai Thành phố không ngừng được vun đắp, vững bền với thời gian.
Giờ đây, công viên Hội An đã trở thành một không gian văn hóa đẹp, địa chỉ du lịch ngay trong lòng thành phố Thanh Hóa, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách gần xa đến tham quan, chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc Văn hóa Xứ Thanh – Xứ Quảng. Đặc biệt, nhiều trường học thường xuyên tổ chức đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm, sinh hoạt ngoại khóa. Nhiều bạn trẻ đến đây để được check-in những khoảnh khắc bên Chùa Cầu, bên những ngôi nhà cổ mà ngỡ mình đang lạc vào không gian Phố cổ Hội An – Quảng Nam.
Ngay tại Trung tâm hành chính Thành phố Thanh Hóa, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã giành một không gian trang trọng để xây dựng một “Phòng truyền thống TP Thanh Hóa - TP Hội An”. Đây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật lịch sử văn hóa có giá trị, thể hiện tình cảm giữa Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai thành phố trong chặng đường 60 năm qua. Tư liệu, hiện vật quý về hai thành phố được trưng bày, giới thiệu với 3 chủ đề, gồm: “TP Thanh Hóa - TP Hội An son sắt thủy chung”, “TP Thanh Hóa - TP Hội An vùng đất và con người”, “TP Thanh Hóa - TP Hội An đổi mới, hội nhập và phát triển”. Những tư liệu và hiện vật được trưng bày đã khẳng định vùng đất Thanh Hóa và Hội An có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời.
Nhằm nâng tầm và thắt chặt hơn nữa tình kết nghĩa Thành phố Thanh Hóa – Thành phố Hội An trên tất cả các lĩnh vực, những năm qua, chính quyền 2 Thành phố thường xuyên duy trì, tổ chức các hoạt động giao lưu Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Một trong những hoạt động để lại ấn tượng sâu sắc nhất giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương đó là: Tuần lễ văn hóa TP Thanh Hóa – thành phố Hội An tại Công viên Hội An - Thành phố Thanh Hóa cũng như tại Phố cổ Hội An – TP Quảng Nam. Tuần văn hóa là nơi diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Tái hiện khung cảnh đặc trưng của Hội An và thành phố Thanh Hóa; chiếu phim tư liệu quảng bá du lịch thành phố Thanh Hóa – thành phố Hội An; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, không gian ẩm thực của hai thành phố.
Trong chương trình hoạt động hưởng ứng Năm du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022, từ ngày 25 đến ngày 27/4, TP.Thanh Hóa và TP.Hội An sẽ tổ chức sự kiện “Tuần văn hóa Thanh Hóa – Hội An” với chủ đề “Đêm phố Hội giữa lòng xứ Thanh” tại Công viên Hội An (phường Lam Sơn, TP.Thanh Hóa). Nội dung hoạt động tập trung là chương trình nghệ thuật khai mạc và lễ cắt băng khánh thành phiên bản dãy Phố cổ Hội An; triển lãm, trưng bày ảnh và hiện vật với chủ đề “Truyền thống lịch sử, văn hóa của người dân xứ Thanh, TP.Thanh Hóa – TP.Hội An. Bên cạnh đó còn có các hoạt động thường xuyên như: biểu diễn, giao lưu văn hóa nghệ thuật (dân ca, hò khoan đối đáp, trò chơi bài chòi…), trò chơi dân gian, cờ tướng, thư pháp, thả hoa đăng; trình diễn thời trang “Hội An – sắc màu hội tụ” và hoạt động dịch vụ ẩm thực Hội An, đặc sản bánh Hội An…Nhân dịp này, 2 thành phố cũng tổ chức đoàn Farmtrip khảo sát, giới thiệu và kết nối du lịch TP.Thanh Hóa – TP.Hội An
Hơn 60 năm gắn bó, nghĩa tình Thanh Hóa- Quảng Nam là một chặng đường dài, một dấu mốc không thể nào quên của tinh thần đại đoàn kết - một di sản quý báu của dân tộc Việt Nam, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh hai Thành phố . Đây sẽ là nền tảng vững chắc, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, đặc biệt là phát triển văn hóa- du lịch của hai Tỉnh, hai Thành phố, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ những thành quả cách mạng, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp tục đưa Thanh Hóa – Quảng Nam; Thành phố Thanh Hóa – Thành phố Hội An gặt hái được những thành quả to lớn hơn trong chặng đường tiếp theo.
“ Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm, rượu hồng đào chưa nhấm đã say”. Mối lương duyên son sắt thủy chung Xứ Thanh – Xứ Quảng sẽ là chất men nồng nàn, thi vị, thấm đẫm trong đời sống tinh thần của các thế hệ, và sẽ trường tồn mãi với thời gian./.
Thu Trang - Quang Tùng - Lê Quang/Phóng sự chuyên đề ngày 25.4
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm
Khai mạc "Tết xưa Làng cổ" Xuân Ất Tỵ 2025
Sáng 18/1, tại Làng cổ Đông Sơn (phường Hàm Rồng), Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã khai mạc chương trình "Tết xưa Làng cổ" Xuân Ất Tỵ năm 2025 với nhiều hoạt động đặc sắc và ý nghĩa.
Năm 2024, loại hình khách du lịch MICE đến Thanh Hoá tăng
MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) – là loại hình du lịch không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ đã góp phần mang tới nguồn doanh thu và lượng khách cao cho ngành Du lịch. Theo đánh giá của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, lượng khách từ du lịch MICE đã đạt tới khoảng 30% tổng lượng khách trong năm 2024.
Làng hương vào Tết
Ở huyện miền núi Như Xuân có một ngôi làng 4 mùa ngập trong sắc đỏ, nơi gói ghém lòng thành kính, dâng lên gia tiên mỗi dịp lễ, Tết.
Năm 2024, Thanh Hoá khai thác mạnh loại hình khách MiCe
MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) – là loại hình du lịch không bị chi phối bởi yếu tố mùa vụ đã góp phần mang tới nguồn doanh thu và lượng khách cao cho ngành du lịch. Theo đánh giá Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá, lượng khách từ du lịch MICE đã đạt tới khoảng 30% tổng lượng khách trong năm 2024.
Trưng bày Bảo vật quốc gia “Đường kách mệnh”
Bản gốc “Đường kách mệnh” - Bảo vật quốc gia đã được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia giới thiệu tới công chúng tại trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử” tại 216 Trần Quang Khải, Hà Nội. Cuốn "Đường kách mệnh" tập hợp các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dùng đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng Việt Nam những năm 1925 - 1927 ở Quảng Châu (Trung Quốc). Đây là một trong những tác phẩm có giá trị to lớn trên phương diện lý luận và thực tiễn cách mạng.
Hiệp hội Du lịch tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2025
Chiều ngày 15/1, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Bình yên chùa Cảnh Yên
Chùa Cảnh Yên nằm trên dãy đồi Sóc thuộc vùng giáp ranh giữa thị trấn Kim Tân và xã Thành Tân, huyện Thạch Thành, được xây dựng dưới triều vua Lê Thánh Tông. Ngôi chùa nằm ở một vị trí tuyệt đẹp, “sơn thủy hữu tình”, mặt tiền hướng ra sông Bưởi. Dù vậy, trong những năm cuối thế kỷ 20 do sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi chùa đã bị phá hủy hoàn toàn.
Nét đẹp tục gội đầu cuối năm ở bản Thái
Là cộng đồng dân cư có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở khu vực miền núi xứ Thanh, đồng bào Thái đã và đang gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình như các lễ nghi, phong tục, trang phục truyền thống, ẩm thực hay các làn điệu dân ca, dân vũ, các trò chơi, trò diễn dân gian... Và một trong những nét đẹp văn hóa không thể thiếu, đó là tục gội đầu ngày cuối năm để cầu may mắn cho năm mới.
Việt Nam được vinh danh điểm đến du lịch lý tưởng
Việt Nam tiếp tục khẳng định sức hút trên bản đồ du lịch toàn cầu khi được hai tạp chí danh tiếng, National Geographic và Travel + Leisure, đưa vào danh sách những điểm đến lý tưởng cho các chuyến du lịch gia đình và tuần trăng mật năm 2025.
Nem của Việt Nam lọt danh sách đồ chiên rán ngon nhất thế giới
Chuyên trang ẩm thực thế giới - Taste Atlas vừa công bố 100 món ăn chiên rán ngon nhất thế giới. Món nem là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.