Khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão Yagi
Sáng ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) về tình hình hậu quả, thiệt hại do cơn bão và hoàn lưu bão gây ra; các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão.
Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Thanh Hoá.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Chính phủ và các địa phương đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn. Đến nay, bão số 3 đã khiến 353 người chết, mất tích; khoảng 1.900 người bị thương và gây tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương. Ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gãy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ.
Đối với tỉnh Thanh Hoá, theo tính toán sơ bộ, thiệt hại do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra ước tính khoảng 305 tỷ đồng. Trong đó, có 299 nhà ở bị thiệt hại với các mức độ khác nhau; gần 2.730 ha lúa, hơn 607ha hoa màu và nhiều diện tích cây trồng khác bị ảnh hưởng; gần 392 m kênh mương vị sạt lở, hư hỏng; 3 đập, 4 cống bị hư hỏng; gần 3.000 m bờ sông, bờ suối bị sạt lở; 13 điểm trường bị ảnh hưởng, một số tuyến và công trình giao thông bị sạt lở, hư hỏng… Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có 1 người bị lũ cuốn trôi khi đi qua tràn, 2 người bị thương do cây đổ vào người.
Đại diện các bộ, ngành và các địa phương đã thảo luận và đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình, thể hiện nỗ lực, quyết tâm cao để khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão Yagi gây ra, nhanh chóng ổn định tình hình, đời sống của Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Đây là cơn bão lịch sử trong vòng 70 năm qua, có sức tàn phá lớn, phạm vi rộng, đối tượng tác động nhiều, kéo dài nhiều giờ khi đổ bộ vào đất liền, gây mưa lớn dài ngày trên diện rộng, hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn về người và tài sản và ảnh hưởng đến tâm lý Nhân dân.
Ghi nhận sự nỗ lực của các các cấp, các ngành, các lực lượng và các địa phương trong việc phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau "siêu bão" Yagi. Trong đó, trước mắt là phải tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương. Bố trí chỗ ở tạm thời cho người bị mất nhà, có nhà hư hỏng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân; cứu chữa người ốm đau. Bằng mọi cách tiếp cận những nơi bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ, tiếp tế người dân; huy động các lực lượng dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu. Sửa chữa ngay các cơ sở y tế, giáo dục để các cháu được tới trường, người bệnh được chữa bệnh.
Tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại của Nhân dân và Nhà nước, hỗ trợ ngay cho người dân bị thiệt hại, bố trí chỗ ở cho người dân bị mất hoặc hư hỏng nhà cửa tại nhà văn hóa thôn, bản, cơ sở của công an, quân đội trên địa bàn. Thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ, giải quyết hậu sự cho những người xấu số; giải quyết chính sách theo quy định. Rà soát các thôn bản bị vùi lấp, các gia đình mất nhà, tổ chức tái định cư tại nơi an toàn, chậm nhất tới 31/12/2024 phải hoàn thành, yêu cầu là nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ, nhà ở có nền cứng, vách cứng, mái cứng.
Rà soát, thống kê, sửa chữa các trường lớp, thiết bị để trong tháng 9 này tất cả các cháu học sinh được trở lại trường. Kết nối giao thông thông suốt, làm tốt công tác an sinh xã hội. Các địa phương thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ cho các gia đình; nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng.
Đối với nhóm giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; yêu cầu hệ thống Ngân hàng, Bộ Tài chính, nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng; giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí và có phương án cho vay các hộ gia đình.
Đối với nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát: Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thu ngân sách, cung ứng xăng dầu, điện nước; sử dụng hiệu quả tiền hỗ trợ khắc phục hậu quả, chống tham nhũng, lãng phí, trục lợi; cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan xây dựng, triển khai chương trình khắc phục hậu quả bão lũ, khôi phục sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định để thực hiện.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; phát huy tinh thần tự lực, tự cường; tiếp tục kêu gọi tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn, phát huy tinh thần "tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"; "ai có gì giúp nấy, ai có của giúp của, ai có công giúp công, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều, tất cả vì Nhân dân, vì đất nước".
Thông báo Kỳ họp thứ 22 Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa
Sau đây là thông báo của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh về kỳ họp thứ 22 HĐND tỉnh khóa XVIII. Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định triệu tập kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định một số nội dung theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
Gặp mặt nữ lãnh đạo chủ chốt tỉnh nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Sáng 12/10, tại Làng du lịch Yên Trung, huyện Yên Định, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã tổ chức gặp mặt nữ lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể và khối doanh nghiệp tỉnh, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024). Đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tới dự và phát biểu chúc mừng.
Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả
Sáng ngày 12/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì chương trình chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024. Chương trình được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ với đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa.
Thông báo thay đổi thời gian tiếp công dân định kỳ tháng 10 năm 2024
Sau đây là Thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thay đổi thời gian tiếp công dân định kỳ tháng 10/2024.
Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chúc mừng Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực nhân ngày doanh nhân Việt Nam
Nhân kỷ niệm 20 năm ngày doanh nhân Việt Nam 13/10, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đến thăm, chúc mừng Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang dự lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Cẩm Thủy
Tại huyện Cẩm Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã dự lễ khởi công và trao biển tượng trưng số tiền hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2 gia đình hộ nghèo, nhiều năm phải sống trong những căn nhà chật chội, xuống cấp ở xã Cẩm Giang và xã Cẩm Thành.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh dự Lễ khởi công xây dựng nhà ở tại 2 huyện Mường Lát và Quan Hóa
Sáng ngày 12/10, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đã đến dự và trao biển hỗ trợ làm nhà cho 10 hộ nghèo tại huyện Mường Lát và 2 hộ nghèo ở huyện Quan Hóa.
Khởi công xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách huyện Thạch Thành
Tại huyện Thạch Thành, đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã dự lễ khởi công và trao biển hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho 2 hộ gia đình khó khăn ở xã Thành Tiến; trao biển tượng trưng số tiền 1 tỷ 550 triệu đồng cho huyện Thạch Thành để hỗ trợ các hộ gia đình còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn dự lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại huyện Đông Sơn
Tại huyện Đông Sơn, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dự lễ khởi công xây dựng nhà ở cho một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn, được hỗ trợ xây nhà theo Chỉ thị 22 của Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi dự lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo huyện Quan Sơn
Tại huyện Quan Sơn, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trao biển tượng trưng số tiền trên 9 tỷ đồng từ nguồn huy động của Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 22 cấp tỉnh cho huyện Quan Sơn; dự lễ khởi công và trao biển hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 2 gia đình khó khăn ở thị trấn Sơn Lư.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.