Lạch Trường - 60 năm âm vang chiến thắng trận đầu
Cách đây 60 năm, tại cửa biển Lạch Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa đã diễn ra một trận đối đầu lịch sử giữa Hải quân nhân dân Việt Nam non trẻ cùng quân dân Thanh Hóa anh hùng với quân xâm lược Mỹ được trang bị phương tiện, vũ khí tối tân, hiện đại. Trong “cuộc chiến tranh sắp đặt” của đế quốc Mỹ, nhiều cán bộ chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt nam đã ngã xuống, góp phần làm nên chiến thắng vang dội, viết nên trang sử hào hùng về ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược.
Sa lầy vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam, đầu năm 1964, đế quốc Mỹ đã xây dựng kịch bản chi tiết cho một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm phá hoại, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến miền Nam.
Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã thông qua một kế hoạch dùng không quân và hải quân đánh phá 94 mục tiêu trên miền Bắc Việt Nam.
Để thực hiện mục tiêu đó, đêm 30, rạng sáng ngày 31/7/1964, cùng với thời điểm các tàu biệt kích của Việt Nam Cộng hòa bắn phá các đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An), tàu khu trục Maddox (Ma – đốc), mang số hiệu 731 tiến vào khu vực đã định ở vùng biển vịnh Bắc Bộ thực hiện việc do thám.
Đêm 31/7, rạng sáng 1/8, tàu khu trục Maddox đã tiến sâu vào vùng biển Quảng Bình, vi phạm trắng trợn lãnh hải Bắc Việt Nam. Sau đó, chúng tiến lên phía Bắc, điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường. Tất cả các hành tung của tàu Maddox đều bị các đơn vị ra đa của ta quan sát chặt chẽ.
Ngày 2/8/1964, tàu Maddox xâm nhập vào khu vực Hòn Mê - Lạch Trường của Thanh Hóa. Biên đội tàu tuần tiễu của Khu tuần phòng 1 cùng 3 tàu phóng lôi của phân đội 3, Tiểu đoàn 135 - Hải quân được lệnh xuất kích, đánh đuổi tàu Maddox ra khỏi vùng biển miền Bắc.
Đại tá Nguyễn Xuân Bột, nguyên là Phân đội trưởng Phân đội 3, kiêm Thuyền trưởng tàu 333, người đã trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu quyết liệt để chống trả hành động ngang ngược của kẻ thù tại Lạch Trường. Ngày đó, Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột đã chỉ huy Tàu 333 vừa bắn pháo quét lên mặt boong tàu Maddox, vừa cơ động rút ngắn khoảng cách để phóng ngư lôi.
Đại tá Nguyễn Xuân Bột, Nguyên Phân đội trưởng Phân đội 3, Thuyền trưởng Tàu 333, Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết: "Ngày 02/8 Phân đội của tôi được giao nhiệm vụ đánh tàu Maddox trên vùng biển Thanh Hóa. Đơn vị chúng tôi đã bắn bị thương tàu Maddox, bắn bị thương 1 máy bay và bắn rơi 1 máy bay ở vùng biển cách Hòn Nẹ khoảng 30 hải lý".
Thời điểm đó, nhiều lính thực tập ra đa của hải quân cũng được huy động để tăng cường cho tiền tuyến. Đại tá Lê Văn Lãm, năm nay đã 85 tuổi, ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa, ngày đó là thực tập sinh ra đa lớp 53, thuộc Hải đội 2 cùng đồng đội di chuyển từ Quảng Ninh vào hỗ trợ cho các đơn vị tàu phóng lôi ở khu vực Lạch Trường (Thanh Hóa).
Đại tá Lê Văn Lãm, Nguyên lính thực tập Ra đa K53, Hải đội 2, Hải quân nhân dân Việt Nam kể lại: "Ngày 02/8/1964, đơn vị của chúng tôi là Hải đội 2, thuộc đội tàu tuần tiễu hộ tống, từ Quảng Ninh đi vào Lạch Trường (Thanh Hóa), có nhiệm vụ bảo vệ tàu phóng lôi của bác Bột (tàu 333).
Những năm 1960, tàu Maddox là tuần dương hạm hiện đại bậc nhất của Mỹ, được trang bị vũ khí tối tân vừa bắn đối không, vừa bắn đối hải, có khả năng uy hiếp được cả tàu ngầm lẫn tàu phóng lôi. Ngoài ra, chúng còn có các biên đội tàu sân bay yểm trợ. Trong khi đó, lực lượng Hải quân Việt Nam vẫn còn non trẻ, mới chỉ có 9 năm tuổi quân. Rõ ràng, đây là một cuộc chiến đấu không cân sức, thế nhưng hải quân ta đã không nao núng trước kẻ thù.
Thiếu tá Đinh Xuân Tòng, Nguyên Trưởng Tàu 393, Phân đội 3, Tiểu đoàn 135, Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết: "Đêm ngày 01/8, sáng 2/8, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân vào Thanh Hóa. Chúng tôi ở Hòn Mê đợi thời cơ để tác chiến. Vào lúc 01 giờ 30 được lệnh của tiền phương, đơn vị tàu đã xuất kích đuổi tàu địch. Địch thấy 03 tàu của ta, nó tăng tốc độ để tháo chạy, và hai bên đánh nhau quyết liệt. Đơn vị chúng tôi đánh tàu địch ra khỏi hải phận ta. Tàu chúng tôi bị hỏng máy".
Ngay sau hành động ngang ngược ở Lạch Trường, Mỹ lớn tiếng vu cáo "Tàu phóng lôi của Việt Nam vô cớ công kích tàu Maddox của Mỹ đang đi trên vùng biển quốc tế ". Để những lời vu cáo đủ sức đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế, đêm mùng 4/8/1964, Mỹ đã dựng lên cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", cho tàu Turner Joy và tàu Maddox vừa hành trình ở vùng biển quốc tế vừa bắn pháo ra xung quanh, rồi phát đi tín hiệu bị tấn công, tạo chứng cứ giả để nhà cầm quyền Mỹ lu loa lên rằng: "Một cuộc tấn công cố ý thứ 2 trong đêm tối của các tàu tuần tra Bắc Việt Nam đã đánh vào tàu Turner Joy và tàu Maddox, khi 2 tàu khu trục này đang thực hiện tuần tra thường lệ ở Vịnh Bắc Bộ trong hải phận quốc tế".
"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" chính là cái cớ để Mỹ tiến hành cuộc tiến công chiến lược gọi là "Mũi Tên Xuyên", nhằm "trả đũa", mà thực chất là thực hiện âm mưu mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc Việt Nam.
Ngày 5/8/1964, Tổng thống Mỹ Johnson (Giôn – xơn) trực tiếp ra lệnh cho 2 biên đội tàu sân bay, huy động 64 lượt máy bay, ồ ạt ném bom, đánh phá vào các mục tiêu kinh tế và các căn cứ của hải quân ta từ sông Gianh (Quảng Bình), Cửa Hội, Vinh, Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh), mở đầu kế hoạch gây chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta. Trưa ngày 5/8/1964, 8 máy bay địch từ biển lao vào phía Đèo Ngang, qua Cửa Ròn và Cảng Gianh.
Những hình ảnh về ông Lê Văn Bốn, nguyên là lái tàu của tàu 123, thuộc Phân đội 5, Khu tuần phòng 2, quê ở thành phố Thanh Hóa được ghi lại cách đây 10 năm. Ông là nhân chứng có mặt chiến đấu tại tâm điểm ở Cảng Gianh khi không quân Mỹ tập kích ngày 5/8.
Ông Lê Văn Bốn, Nguyên Lái tàu 123, Phân đội 5, Khu tuần phòng 2, Hải quân Nhân dân Việt Nam kể lại: "Vừa nằm nghỉ được chút thì máy bay kéo đến ào ào. Rocket và đạn 20 ly của địch cứ thế mà bắn xuống. Anh em chiến sĩ hi sinh cũng nhiều, đạn bắn lên cũng nhiều nhưng máy bay lúc thì 4 chiếc, lúc thì 8 chiếc cứ bổ nhào xuống".
Tại vùng biển Quảng Ninh, trưa 5/8/1964, ngay sau khi có điện cấp báo địch tập kích vào sông Gianh, các phân đội đã nhanh chóng triển khai lệnh tác chiến. Các tàu vừa chiến đấu, vừa cơ động tiến ra vịnh Hạ Long để tận dụng hình thế có các núi đá che chắn, đồng thời phối hợp với lực lượng phòng không bờ biển bắn rơi 2 máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái Trung uý Anvaret.
Hình ảnh tư liệu về ông Lê Văn Tiếu được ghi lại vào năm 2014. Ông Tiếu quê xã Xuân Tân, huyện Thọ Xuân, nguyên là Thuyền trưởng tàu 187, Phân đội 7, có mặt tại khu vực Hòn Mát (Nghệ An) trong trận chiến 5/8/1964. Ông kể lại: Khi máy bay địch bổ nhào bắn phá lần thứ 3, ông bị thương vào cánh tay trái. Lúc ấy thuyền phó và chính trị viên phó của phân đội đã hi sinh, không còn người thay thế, ông đã lệnh cho anh em cắt bỏ cánh tay beng leng trên cơ thể để khỏi vướng, ga rô cầm máu rồi tiếp tục chỉ huy chiến đấu cho đến lúc ngất đi.
Tại vùng biển Lạch Trường (Thanh Hóa), 2 tàu phóng lôi 333, 336 cùng các tàu tuần tiễu T130, T132, T146 ở khu trú đậu được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Mỹ cho 12 chiếc máy bay chia làm 2 tốp bắn phá các tàu. Với chiến thuật vừa đánh, vừa tránh, các tàu đã cơ động phối hợp bắn rơi 2 chiếc máy bay, bắn bị thương 2 chiếc khác.
Nhiều cựu chiến binh hải quân còn nhớ câu chuyện cảm động về một người con của xứ Thanh trong trận đầu đánh Mỹ ngày ấy. Tại khu vực Lạch Trường, pháo thủ Đặng Đình Lống lái Tàu 146 bị thương vào cả hai chân, nhưng kiên quyết không rời vị trí chiến đấu. Anh dùng thắt lưng cột chặt thân mình vào giá súng để tiếp tục bắn và quan sát máy bay, kịp thời truyền thông tin cho chỉ huy. Anh đã cùng đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, góp phần bắn rơi 1 máy bay Mỹ.
Đại tá Lê Văn Lãm, Nguyên lính thực tập Ra đa K53, Hải đội 2, Hải quân Nhân dân Việt Nam kể lại: "Trong trận chiến đấu ở Lạch Trường, ngày 5/8/1964, tàu 146 có anh Đặng Đình Lống, bị trúng đạn ngay từ loạt đạn đầu. Lúc đó, Đặng Đình Lống coi như toàn bộ phần dưới cơ thể đã bị mất nhưng vẫn treo mình trên một đai giá súng và bắn cho đến lúc không còn gượng được nữa, gục xuống. Đó là một hành động anh hùng, một biểu tượng anh hùng của Hải quân Việt Nam trong trận đầu tiên".
Hiện nay, hai kỷ vật thiêng liêng là khẩu súng 14 ly 5 cùng chiếc thắt lưng của liệt sỹ Đặng Đình Lống được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân ở thành phố Hải Phòng. Mỗi khi đến thăm những kỷ vật này, những cựu chiến binh lại bồi hồi thương nhớ người động đội đã chiến đấu ngoan cường, hi sinh anh dũng, góp phần viết nên bản hùng ca trận đầu chiến thắng của Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Trên biển, các chiến sĩ hải quân anh dũng đối đầu trực diện với quân giặc, còn ven bờ biển, các lực lượng phòng không và dân quân các huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc (Thanh Hóa) tích cực hỗ trợ.
Các đơn vị dân quân ở các xã: Ngư Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hòa Lộc thuộc huyện Hậu Lộc; xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa; tự vệ đánh cá Lạch Trường; Đại đội 19 Phòng không bảo vệ trạm ra - đa; đồn Công an vũ trang 74... nhanh chóng vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Bằng những khẩu súng bộ binh của dân quân các xã Ngư Lộc, Đa Lộc, Minh Lộc, Hoà Lộc, Hoằng Trường; súng máy 14,5mm của đại đội 19 bộ đội phòng không; súng trường của đồn công an vũ trang trên bờ phối hợp với súng máy, cao xạ trên tàu hải quân ngoài khơi bắn trả quyết liệt máy bay Mỹ. Những tay súng của tự vệ Xí nghiệp đánh cá Lạch Trường, cùng các chiến sĩ trên tàu hải quân quần nhau với giặc giữa biển khơi…
Ông Trần Văn Lự ngày ấy là Bí thư đoàn, Chính trị viên Xã đội Hoằng Trường. Khi máy bay địch bay vào bắn phá, ông Lự đã trực tiếp dùng súng bộ binh bắn trả, sau đó cùng Nhân dân trong xã đưa tàu ra tìm kiếm, cứu hộ tàu Hải quân ta bị đắm.
Ông Trần Văn Lự, Nguyên Bí thư Đoàn, Chính trị viên Xã đội Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi tổ chức các tàu từ 7 đến 10 anh em, đều là đảng viên ra. Tàu lớn của ta chìm ngay trước mặt, chúng tôi nhìn thấy cột nổi lên, các đồng chí thì bị thương, ôm nhau, người còn sống thì giữ người đã chết. Chúng tôi nhanh chóng cứu được 16 đồng chí".
Cách đây 60 năm về trước, với những nữ dân quân, nữ cứu thương khi ấy mới mười tám, đôi mươi, kí ức về thời đạn bom vẫn còn in đậm trong trí nhớ, khi cả làng, cả xã, dòng họ, thanh niên đến người già cùng nhau hỗ trợ cấp cứu thương binh, huy động hòm ván, vải vóc để khâm liệm, chôn cất chiến sĩ, sĩ quan hải quân.
Sau 60 năm, những người làm công tác cứu thương ngày ấy người còn, người mất. Bà Tô Thị Đạo, hiện đã ngoài 80 tuổi, đang sống tại phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa. Tuổi già, sức yếu, chân đã chậm, mắt đã mờ, nhưng ký ức về những ngày hiến máu cứu thương binh vẫn còn in sâu trong trí nhớ của bà. Khi đó bà là Bí thư chi đoàn, Tiểu đội trưởng dân quân xóm Hòa Ngư, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc.
Bà Tô Thị Đạo, nguyên Bí thư Chi đoàn, Tiểu đội trưởng dân quân xóm Hòa Ngư, xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa kể lại: "Chúng tôi được phân công là một bộ phận giúp dân sơ tán, một bộ phận tham gia cứu thương. Thời điểm đó nam thanh niên thì không còn ai, chỉ còn người già, phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi huy động người dân lấy vạc giường, chiếu để làm cáng cứu thương. Khi có thương binh, chúng tôi khiêng đưa về địa điểm gọi là trạm muối để tập hợp, chờ quân y về để cứu chữa thương binh. Bà sức vóc thì bé nhưng vẫn sẵn sàng hiến máu cứu thương binh ngay tại trận địa. Lúc đó không biết ai đâu, cứ cho máu vậy thôi".
Những nữ dân quân, nữ cứu thương như bà: Trương Thị Lợi, Lê Thị Thoa, Nguyễn Thị Vi, Hoàng Thị Khuyên… và hàng trăm thanh niên, dân quân địa phương đã liều mình lao xuống biển, tham gia hiến máu, vận chuyển thương binh, bộ đội hải quân trong hoàn cảnh "mưa bom, bão đạn".
Những người là nhân chứng trong thời điểm diễn ra trận huyết chiến ấy kể lại, lúc ấy, có hơn 40 thi hài liệt sỹ đã được đưa về tập kết ở Hoằng Trường, làm thủ tục mai táng và chôn cất tại nghĩa trang dưới chân núi Đá Rùa. Và còn rất nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân, giữa Nhân dân huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc với Hải quân Nhân dân Việt Nam trong những ngày ấy.
Bà Hoàng Thị Khuyên, một nữ dân quân của xã Hòa Lộc, trong tình thế nguy cấp, chiến sĩ hải quân Trần Đình Huyến bị thương vào bụng, vết thương quá nặng mà không có gì băng bó, đã cởi phăng chiếc áo đang mặc trên mình để buộc cho anh. Ông Hoàng Văn Mão, nguyên Xã đội trưởng dân quân Hòa Lộc, là một người bơi rất giỏi, đã bơi bộ ra tận khu vực tàu hải quân bị đắm, lặn xuống biển để tìm vớt thi hài liệt sĩ và sau đó lại trực tiếp hiến máu cứu thương binh. Tiếc rằng, bà Khuyên và ông Mão đã mất từ nhiều năm nay.
Con đường nối từ xã Hòa Lộc lên huyện lỵ Hậu Lộc dài 6 cây số khi ấy còn nhỏ bé và rất lầy lội. Để xe ô tô có thể về đón thương binh kịp thời, huyện Hậu Lộc đã huy động tới 1500 người đốt đuốc đắp đường suốt đêm. Ông Nguyễn Xuân Na, Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc (năm 1964) cho biết: "Chúng tôi xác định là Tư lệnh Hải quân thì ở tận Hải Phòng, trên tỉnh xuống cũng không kịp nên mình phải hoàn toàn chịu trách nhiệm vận chuyển thương binh vào để cứu giúp thương binh".
Trong trận chiến đấu ngày 5/8/1964, quân dân toàn miền Bắc bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống 1 giặc lái. Cùng với chiến công ngày 2/8 đánh đuổi tàu khu trục Mỹ, chiến thắng ngày 5/8 đã mở đầu trang sử oanh liệt, hào hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam, được Chính phủ khẳng định "là một trong những ngày lịch sử đáng ghi nhớ nhất của sự nghiệp xây dựng quân chủng hải quân và là một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân đội ta". Riêng tại Thanh Hóa, trong cả 2 đợt chiến đấu ngày 2 và 5/8, có 2 máy bay cùng giặc lái đã bỏ xác ở Lạch Trường, 3 chiếc khác bị thương. Những mảnh xác chiếc máy bay rơi tại Lạch Trường ngày ấy, nay vẫn được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Hải quân. Ngày 5/8/1964 trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc, tại Thanh Hóa đó là ngày kỷ niệm Chiến thắng Lạch Trường.
60 năm đã đi qua, sự kiện 2/8 và 5/8/1964, Chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và Chiến thắng Lạch Trường (Thanh Hóa) đã được khắc ghi vào lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong những ngày này, rất nhiều hoạt động kỷ niệm chiến thắng trận đầu đã được Quân chủng Hải quân và các tỉnh thành trong cả nước tổ chức.
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), Chuẩn đô đốc Đỗ Văn Yên, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân cùng cán bộ, sĩ quan cấp cao của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã đến thắp hương, thăm hỏi và tặng quà tri ân gia đình liệt sỹ - Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Đình Lống ở phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn; thăm và tặng quà bà Tô Thị Đạo hiện đang sống ở phường Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa.
Ông Đặng Đình Quang, con trai của liệt sĩ Đặng Đình Lống, 60 năm trước khi cha mất, vẫn chưa tròn 2 tuổi. Được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, có cha là liệt sĩ, ông đã nuôi dạy các con tiếp nối sự nghiệp vẻ vang của thế hệ đi trước. Hai người con trai của ông, một là cán bộ Công an Nhân dân và một là sỹ quan hải quân. Và, người con là chiến sĩ hải quân cũng đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Ông Đặng Đình Quang, con trai Anh hùng Đặng Đình Lống, xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi sinh được hai cháu. Các cháu đều trưởng thành và có gia đình. Riêng cháu lớn cũng là chiến sĩ hải quân nhưng đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ ở Đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Ngay khi các cháu đang học trên ghế nhà trường, tôi đã thường xuyên răn dạy các cháu về truyền thống, lý tưởng cách mạng, cống hiến cho đất nước".
Ngày 31/7/2024, Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng trận đầu tại Lạch Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 đã trở thành một mốc son quan trọng, là niềm tự hào trong lịch sử Quân chủng Hải quân và quân dân miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. "Chiến thắng trận đầu" của Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng là "Chiến thắng trận đầu" của quân và dân miền Bắc, trong đó có quân dân Thanh Hóa.
Chiến thắng ấy đã cổ vũ quân và dân toàn miền Bắc tiếp tục kiên cường chiến đấu, đáp trả kẻ thù những đòn thích đáng, làm nên những chiến công to lớn hơn nữa trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, góp phần cùng toàn dân tộc đi đến mùa xuân toàn thắng 1975, thống nhất non sông.
Mỗi cựu chiến binh hải quân khi ôn lại những chiến công, những trang sử hào hùng của quân chủng, đều ghi nhớ sâu sắc lời thề thiêng liêng, nhắc bao thế hệ mai sau về bản hùng ca giữ biển, bởi biển cả chưa bao giờ thôi dậy sóng. Và, lời răn dạy của Bác Hồ vẫn còn đó, khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam: "Trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay, ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".
Lạch Trường năm xưa, nay đã trở thành một vùng cửa biển đông vui, với những đoàn tàu đánh cá hàng ngày nhộn nhịp ra khơi vào lộng. Và những nữ dân quân làng biển ngày ấy có người mới chỉ ở độ tuổi trăng tròn, nay đều đã trở thành những lão ông, lão bà, và có người đã về nơi thiên cổ. Cuộc chiến đấu tại Lạch Trường 60 năm trước đã trở thành dấu mốc vinh quang trong truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Những người sinh ra trong thời bình chỉ có thể biết đến chiến tranh qua sách vở và những lời kể của ông bà, cha mẹ mình. Nhưng chắc chắn rằng, những thế hệ hôm nay và mai sau sẽ luôn ghi nhớ công ơn của lớp cha anh, những con người đã góp phần tô thắm trang sử vàng của quê hương, đất nước bằng chính những hành động dũng cảm trong chiến đấu, bằng nghĩa tình quân dân thắm đượm nơi cửa biển này.
Biển Lạch Trường vẫn dâng tràn sóng vỗ. Biển vẫn kết tinh, lắng đọng những hạt "phù sa trắng" dâng đời, để tuổi trẻ hôm nay ngân mãi lời ca thấm đẫm vị "gừng cay muối mặn" của quê hương. Biển sẽ không bao giờ quên quá khứ đau thương mà hào hùng của cha ông ta. Biển không bao giờ quên những giọt máu hồng đã tan hòa trong sóng biếc, không bao giờ quên những con người tuổi thanh xuân của "mùng 5 tháng 8" lịch sử đã mãi mãi nằm lại giữa lòng đại dương bao la.
Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất trên khu vực tỉnh Thanh Hoá
Theo Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Thanh Hoá, ngày 11/9, khu vực tỉnh Thanh Hóa khả năng có mưa, mưa vừa và dông, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất.
9 giờ ngày 11/9, đóng một cửa xả đáy còn lại hồ thủy điện Hòa Bình
Ngày 11/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện số 6738/CĐ-BNN-ĐĐ về việc đóng một cửa xả đáy còn lại hồ thủy điện Hòa Bình vào hồi 9 giờ ngày 11/9.
Thanh Hóa dẫn đầu cả nước về dịch vụ công trực tuyến
Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng. Trong đó, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thông báo tăng lưu lượng xả lũ hồ chứa thủy điện Bá Thước 2
Công ty Cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa thông báo tăng lưu lượng xả lũ hồ chứa thủy điện Bá Thước 2 như sau:
Thông báo tăng lưu lượng xả lũ hồ chứa thủy điện Bá Thước 1
Công ty Cổ phần thủy điện Hoàng Anh Thanh Hóa thông báo tăng lưu lượng xả lũ hồ chứa thủy điện Bá Thước 1 như sau:
Ngày 11/9, Thanh Hoá tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to
Theo Đài khí tượng thuỷ văn khu vực tỉnh Thanh Hoá, ngày 11/9, khu vực tỉnh Thanh Hoá tiếp tục có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.
Thanh Hóa: Di dời hàng chục hộ dân ở xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa trước nguy cơ sạt lở đất
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tại Km20+829.32 trên tuyến QL15 đoạn qua địa phận xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa xuất hiện vết nứt taluy dương có nguy cơ sạt lở với chiều dài khoảng 200m. Nếu xảy ra tình trạng sạt lở sẽ gây chia cắt, ách tắc tuyến QL15 và nguy cơ gây mất an toàn cho 10 hộ dân sinh sống ở khu vực này.
Trao kinh phí đỡ đầu cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn
Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Hiệp Hội doanh nghiệp nữ và Công ty lưới thép Minh Quang vừa đi thăm, tặng quà và trao kinh phí "đỡ đầu" cho em Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ở Phường Long Anh, Thành phố Thanh Hóa nhân dịp đầu năm học mới.
Mưa lớn gây thiệt hại tại huyện Thường Xuân
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, những ngày qua, trên địa bàn huyện Thường Xuân liên tục có mưa. Từ đêm 09/9 đến trưa ngày 10/9, lượng mưa phổ biến từ 80- 140mm, mực nước dâng cao tại các sông suối.
Cảnh báo lũ trên sông Bưởi và các sông khu vực tỉnh Thanh Hóa
Mực nước lũ trên sông Mã, sông Bưởi, sông Lèn, sông Cầu chày dao động ở mức cao. Lúc 07h/11/9, mực nước trên thượng nguồn sông Mã, sông Lèn trên mức báo động 1 (BĐ1), sông Bưởi trên mức BĐ2, hạ lưu sông Mã, sông Cầu chày và các sông khác dưới mức BĐ1.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.