ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Làng nghề và hướng phát triển bền vững

(TTV) - Thanh Hóa là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, theo đó, nhiều làng quê có nghề truyền thống từ xa xưa, nay vẫn tồn tại, phát triển, nhiều làng nghề qua thời gian bị mai một, đã dần được khôi phục, phát huy giá trị trong đời sống hiện đại. Theo tinh thần Nghị định số 52 ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn. Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 19 nêu mục tiêu: "Tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp, chú trọng sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch, xuất khẩu"; điều đó đã góp phần định hướng cho các làng nghề tiếp tục duy trì, phát triển đảm bảo tính bền vững.

12/03/2022 00:45

 

Một thời gian dài trước kia, nhiều làng nghề truyền thống ở Thanh Hóa hoạt động chật vật, hoặc đứng trước nguy cơ mai một, bởi các sản phẩm không còn đất sống trước sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm công nghiệp hiện đại khác trên thị trường. Tuy nhiên những năm gần đây, nhờ có các cơ chế chính sách, cùng sự nỗ lực khôi phục, gìn giữ, phát triển nghề của nhân dân các địa phương, nhiều làng nghề đã hồi sinh, bắt nhịp với đời sống mới, phát huy được giá trị.

Một trong những hướng đi để phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống là gắn với hoạt động phục vụ du lịch. Làng nghề truyền thống hiện đang được đánh giá là loại hình tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn của Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Một số làng nghề truyền thống xứ Thanh đã trở thành điểm đến được ưu tiên trong hành trình khám phá của du khách trong và ngoài nước. Lợi ích to lớn của việc đưa làng nghề truyền thống vào chuỗi hoạt động du lịch Thanh Hóa không chỉ thể hiện ở tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà đây cũng chính là một trong những giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.

Thời gian qua, làng nghề đúc đồng Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa đang dần trở thành một địa chỉ “du lịch làng nghề”, được các đơn vị làm dịch vụ lữ hành lựa chọn để đưa vào các tour du lịch nội địa. Trên thực tế, làng nghề Trà Đông đã đón nhiều đoàn khách tham quan, là học sinh, sinh viên tổ chức hoạt động ngoại khóa, hay các du khách từ tỉnh ngoài, nước ngoài, các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa... Có những khách đi theo tour, hoặc theo khuôn khổ hoạt động của một chương trình sự kiện nào đó, nhưng cũng có những đoàn tự tìm đến theo nhu cầu, sở thích.

Đến đây, du khách được khám phá quy trình đúc đồng theo phương pháp thủ công truyền thống, được chứng kiến những sản phẩm đồng hình thành dưới bàn tay và óc sáng tạo tài hoa của các nghệ nhân. Du khách có thể mua ngay được những sản phẩm hữu dụng như đồ thờ, đồ mỹ nghệ trang trí, và đặt hàng tại xưởng những sản phẩm có kích thước lớn, giá trị cao như trống đồng, tượng đồng, chuông đồng, chiêng đồng, các đồ minh khí, linh vật thờ tự…Dù thời gian qua dịch covid 19 diễn biến phức tạp, nhưng trong phạm vi cho phép, khi đảm bảo các yếu tố phòng chống dịch, các cơ sở đúc đồng ở làng nghề Trà Đông vẫn đón được một lượng khách nhất định. Điều đó cho thấy, du lịch làng nghề đang là nhu cầu của không ít khách tham quan, là xu hướng của du lịch thời nay.

Ông Lê Minh Đạo, cơ sở đúc đồng Đạo Thúy, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa:  Trước đây vì mùa dịch nên lượng khách không nhiều, nhưng hiện nay lượng khách đã tăng lên đáng kể, mọi người khi đến đây đều có ý thức trong việc thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch, nên cảm thấy rất yên tâm khi đến với các cơ sở đúc đồng của làng nghề.

Ông Lê Minh Đạo, cơ sở đúc đồng Đạo Thúy, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa: Trước đây vì mùa dịch nên lượng khách không nhiều, nhưng hiện nay lượng khách đã tăng lên đáng kể, mọi người khi đến đây đều có ý thức trong việc thực hiện các nguyên tắc phòng chống dịch, nên mọi người đều cảm thấy rất yên tâm khi đến với các cơ sở đúc đồng của làng nghề.

Một số làng nghề gắn với các di tích lịch sử văn hóa, nên càng có cơ hội phát triển thành “làng nghề du lịch”. Như làng nghề làm bánh lá răng bừa xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Lê Hoàn. Món bánh “tiến vua” này liên quan đến sự tích vua cày ruộng trong lễ tịch điền đầu xuân, qua thời gian trở thành món ẩm thực nổi tiếng của địa phương. Ngày nay Xuân Lập đã hình thành nên làng nghề bánh lá răng bừa, cung cấp sản phẩm đi khắp mọi miền đất nước. Khi du khách đến thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, trên hành trình có thể ghé thăm các cơ sở sản xuất của làng nghề bánh gai Tứ Trụ. Đến đây, du khách vừa được tìm hiểu phương thức chế biến sản phẩm ẩm thực này, vừa có thể mua về làm quà cho người thân.

Sản phẩm chè lam Phủ Quảng ở thị trấn Vĩnh Lộc, ngày nay cũng trở thành quà tặng du lịch, cùng với đó, làng nghề chè lam cũng dần trở thành điểm tham quan của nhiều du khách. Vĩnh Lộc là vùng đất lập nghiệp của Nhà Hồ, đất quý hương của Nhà Trịnh. Người dân nơi đây luôn tự hào về món chè lam Phủ Quảng, đó không chỉ là thức quà quê thơm ngon, mà còn ghi nhiều dấu ấn lịch sử. Tương truyền, chè lam từng được nghĩa quân Lam Sơn dùng làm “lương khô” của trong những ngày ở rừng sâu núi thẳm; chè lam cũng đã từng theo chân những đoàn quân đi vào mặt trận, phục vụ kháng chiến. Chè Lam Phủ Quảng là một trong năm mươi thứ đặc sản nổi tiếng của Việt Nam do sách Guinnes bầu chọn, là thức quà thết đãi du khách khi đến thăm Thành Nhà Hồ.

Khách du lịch đến các địa phương không chỉ tham quan các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, mà còn mong muốn được khám phá những tinh hoa văn hóa của nhân dân. Sự kết hợp giữa du lịch và làng nghề chính là tiềm năng, lợi thế của nhiều địa phương ở Thanh Hóa, vì trên toàn tỉnh có hàng trăm làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, thời gian qua Thanh Hóa chưa phát huy được nhiều mô hình “du lịch làng nghề”, trong khi ở nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức được mô hình này khá thành công. Điều đó cho thấy chúng ta cần phải “nhìn ra tỉnh bạn” để học tập.

 

Tỉnh Quảng Bình có đặc sản “sâm Bố Chính”, một dược liệu quý được biết đến từ cách đây hơn 300 năm. Quảng Bình đã rất thành công trong việc khôi phục cây sâm, xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến sâm gắn với phát triển du lịch. Công ty TNHH nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm đã triển khai trồng hơn 25 ha sâm tại huyện Bố Trạch và tp Đồng Hới. Nông trại trồng sâm của Tuệ Lâm không chỉ tạo việc làm, thu nhập cao cho nông dân mà còn là điểm tham quan của nhiều đoàn khách du lịch đến Quảng Bình.

Du khách đến Quảng Bình, ngoài tham quan thắng cảnh đẹp, còn được tìm hiểu, trải nghiệm quy trình trồng, thu hoạch sâm; và có thể chọn mua nhiều sản phẩm chế biến từ sâm qua hệ thống cửa hàng phân phối, giới thiệu sản phẩm của nhà cung cấp. Sâm Bố Chính đã tạo nên một thương hiệu đặc trưng của mảnh đất Quảng Bình, phục vụ người dân địa phương và khách du lịch.

Ông Lê Đức Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Tuệ Lâm, tỉnh Quảng Bình: Thanh Hóa nên chọn một sản phẩm về cây nông nghiệp   để làm thêm phần đặc trưng của vùng, từ đó mà khi du khách đến sẽ được trải nghiệm thêm nhiều dịch vụ.

Ông Lê Đức Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Tuệ Lâm, tỉnh Quảng Bình: Thanh Hóa nên chọn một sản phẩm về cây nông nghiệp để làm thêm phần đặc trưng của vùng, từ đó mà khi du khách đến sẽ được trải nghiệm thêm nhiều dịch vụ.

Tại Thanh Hóa cũng có Sâm Báo, là loại sâm mọc tự nhiên ở núi Báo, thuộc xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc. Đây đặc sản “tiến vua” nổi tiếng, từng được người xưa đánh giá là “Đại Việt đệ nhất danh sâm”. Thế nhưng, qua nhiều thế kỷ, loại dược liệu quý này dần cạn kiệt, do chỉ khai thác mà không được quan tâm bảo tồn. Rất may, một số người dân địa phương hiểu được giá trị của Sâm Báo, đã tìm giống cây còn sót lại trong tự nhiên, ươm trồng để giữ gìn nguồn gen dược liệu quý. Công ty Cổ phần Dược liệu Triệu Sơn  (trực thuộc Tập đoàn Triso) được UBND tỉnh Thanh Hóa giao thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây Sâm Báo gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc’’. Công ty đã phối hợp  với huyện Vĩnh Lộc gây dựng vùng nguyên liệu Sâm Báo, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các chế phẩm từ Sâm Báo, xây dựng kênh phân phối sản phẩm.

Tuy nhiên, để biến vùng trồng sâm thành điểm đến du lịch, cần có ý tưởng, lộ trình tổ chức thực hiện, tạo nên sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa đơn vị chủ trì và các đối tác. Vĩnh Lộc có Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Quần thể di tích Phủ Trịnh, cùng các thắng tích nổi tiếng như Chùa Du Anh – Động Hồ Công, Kim Sơn… đang ngày càng thu hút nhiều du khách. Các tour du lịch về vùng đất “cung vua phủ chúa” này nên thiết kế thêm điểm đến là những làng quê trồng Sâm Báo. Đây sẽ là “làng nghề nông nghiệp” đầu tiên của Vĩnh Lộc đón khách đến tham quan.

Làng nghề truyền thống cũng là một loại hình di sản văn hóa. Muốn làng nghề phát triển bền vững, ngoài việc làm tốt khâu tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy thị trường tiêu thụ, thì một trong những hướng đi hữu hiệu là gắn làng nghề với du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động du lịch làng nghề ở Thanh Hóa chưa tương xứng với tiềm năng, chưa được phát huy một cách đồng bộ và hiệu quả.Việc nhận diện, đánh giá tiềm năng, nắm bắt thực trạng hoạt động du lịch làng nghề, trên cơ sở đó đưa ra những định hướng phát triển cho loại hình du lịch nhân văn này trong thời gian tới là một trong những trọng tâm của du lịch tỉnh Thanh Hóa. Hy vọng, trong tương lai, du lịch làng nghề ở Thanh Hóa sẽ được đầu tư đúng tầm./.

An Thư- Xuân Sơn-Lê Quang-Văn Tráng/Chuyên mục Đưa nghị quyết vào cuộc sống ngày 10.3-TTV

Trình bày: Minh Hương


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Hộ kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử

Hộ kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử

08:19 , 28/04/2025

Nghị định 70/2025 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/6/2025 quy định việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả hộ và cá nhân kinh doanh.

Doanh nghiệp xuất khẩu Thanh Hóa ứng phó với cuộc chiến thương mại

Doanh nghiệp xuất khẩu Thanh Hóa ứng phó với cuộc chiến thương mại

08:18 , 28/04/2025

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng căng thẳng, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ mới đây, các doanh nghiệp xuất khẩu Thanh Hóa đang khẩn trương triển khai các biện pháp thích ứng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực.

Doanh nghiệp FDI tin tưởng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Doanh nghiệp FDI tin tưởng môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

08:15 , 28/04/2025

Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động, các doanh nghiệp FDI đã quyết định đầu tư tại Việt Nam hiện vẫn kiên định với kế hoạch đầu tư của mình.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa

Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa

23:00 , 27/04/2025

Với sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, những năm qua, Thanh Hóa đã xây dựng được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tạo ra các chuỗi liên kết, cung ứng nông sản hiệu quả. Đây là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp.

Đẩy nhanh tiến  độ các dự án giao thông trọng điểm

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

20:30 , 27/04/2025

Dự án đường bộ ven biển, đường 512 nối cao tốc Bắc Nam với Quốc lộ 1A; dự án đường W5 thuộc dự án đô thị động lực Nghi Sơn là ba trong số các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai tại Thanh Hóa. Hiện nhà thầu đang tập trung phương tiện, nhân lực đẩy nhanh tiến độ các dự án này.

Tập trung cấp nước phục vụ sản xuất

Tập trung cấp nước phục vụ sản xuất

11:50 , 27/04/2025

Do thời tiết nắng nóng, xâm nhập mặn diễn ra tại nhiều địa phương, nên để đảm bảo cấp đủ nước cho hơn 112.000 ha lúa chiêm xuân trổ bông đúng khung lịch thời vụ, các đơn vị thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chủ động đắp đập, dự trữ nước trên kênh và vận hành tối đa các trạm bơm tưới khi điều kiện cho phép.

4 tháng đầu năm, Thanh Hoá thu ngân sách ước đạt 16.307 tỷ đồng

4 tháng đầu năm, Thanh Hoá thu ngân sách ước đạt 16.307 tỷ đồng

08:53 , 27/04/2025

4 tháng đầu năm 2025 tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Thanh Hoá ước đạt 16.307 tỷ đồng, bằng 35,8% dự toán.

Tỉnh Thanh Hóa thu 8.390 tỷ đồng từ hoạt động du lịch

Tỉnh Thanh Hóa thu 8.390 tỷ đồng từ hoạt động du lịch

08:51 , 27/04/2025

Lũy kế 4 tháng đầu năm, tỉnh Thanh Hoá đã đón hơn 5,2 triệu lượt khách du lịch với tổng doanh thu ước đạt 8.390 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ.

Doanh thu bán lẻ hàng hoá dịch vụ tháng 4/2025 đạt hơn 17.000 tỷ đồng

Doanh thu bán lẻ hàng hoá dịch vụ tháng 4/2025 đạt hơn 17.000 tỷ đồng

08:48 , 27/04/2025

Tháng 4/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá ước đạt 17.198 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ.

Hiệu quả kinh tế từ trồng cây dong riềng

Hiệu quả kinh tế từ trồng cây dong riềng

08:37 , 27/04/2025

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 230 ha cây dong riềng. Đây là cây trồng được đánh giá thích hợp với thổ nhưỡng ở một số huyện miền núi do chịu hạn tốt, phù hợp với đất đồi dốc và cho năng xuất, hiệu quả kinh tế cao.