ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Lê Văn Hưu – người khai dựng nền Quốc sử

(TTV) - Công lao lớn nhất của Lê Văn Hưu là soạn thảo Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Việc biên soạn cuốn sách được đích thân vua Trần Thái Tông lệnh cho Lê Văn Hưu. Bộ sách bao gồm 30 quyển, được hoàn thành vào tháng 1 năm 1272. Sau khi sách được dâng lên, vua Trần Thánh Tông hết lời khen ngợi.

21/04/2022 22:45

 

 Kẻ Rỵ xưa  (nay  thuộc xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa) là quê hương của nhà sử học Lê Văn Hưu - ông tổ của ngành sử học Việt Nam. Vùng đất  này ngàn năm nổi danh văn vật. Từ thuở xa xưa, người Kẹ Rỵ, Kẻ Chè đã có câu ca "Muốn uống nước chè cặm tăm/Mời về Trà Đúc mà làm đất khuôn/ Muốn ăn cơm trắng với tôm/ Thổi bễ thúc dồn chớ có nghỉ tay".

Ở khu vực trung tâm xã Thiệu Trung có một ngôi đền cổ, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, thờ cụ tổ nghề đúc đồng Khổng Minh Không. Theo những câu chuyện dân gian địa phương truyền lại, một hôm Lý Quốc sư đi qua vùng đất Kẻ Rỵ, Kẻ Chè, thấy người dân trong vùng thuần phác, chăm chỉ, cụ đã dạy cho nghề đúc đồng. Nghề đúc đồng bén duyên với mảnh đất này từ buổi ấy.

Sau này, nghề đúc đồng truyền thống còn gắn liền với những  giai thoại về nhà sử học Lê Văn Hưu - một bậc tài nhân kiệt xuất của Kẻ Rỵ. Lê Văn Hưu sinh năm 1230, là cháu 7 đời của Lê Lương, một hào trưởng Ái Châu, sống dưới thời Đinh Tiên Hoàng. Truyền thuyết  dân gian ở  địa phương kể  lại, khi người mẹ hoài thai Lê Văn Hưu được 4 tháng, người cha đã qua đời. Lúc cậu bé Hưu được sinh ra, mùi hoa lan sực nức khắp nhà, báo hiệu điềm lành về một con người  xuất chúng. Sớm mồ côi cha, Lê Văn Hưu được người mẹ tảo tần nuôi ăn học. Ngay từ lúc thiếu thời, ông đã nổi tiếng thông minh, mẫn tiệp, yêu thích việc học hành. Giai thoại kể lại rằng: Một hôm, cậu bé Hưu đi ngang qua lò rèn, thấy người thợ đang làm dùi sắt, bèn muốn xin một cái để làm dùi đóng sách. Người thợ rèn thấy vậy, ra một vế đối: “Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò đúc nên dùi vở”. Gần như ngay lập tức, cậu trò nhỏ Lê Văn Hưu liền đối lại: “Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi mà đậu khôi nguyên”. Sau này, thêm nhiều giai thoại mang màu sắc liêu trai  xuất hiện, đưa hình ảnh Lê Văn Hưu trở nên linh thiêng hơn trong lòng người dân xứ Kẻ Rỵ, Kẻ Chè.

Năm 1247, dưới triều vua Trần Thái Tông, Lê Văn Hưu đi thi và đỗ Bảng nhãn khi mới 17 tuổi.  Đây là kỳ thi đầu tiên trong lịch sử dân tộc đặt ra danh hiệu tam khôi. Và 3 vị tam khôi khi ấy đều rất trẻ: Trạng nguyên Nguyễn Hiền 12 tuổi, Bảng nhãn Lê Văn Hưu 17 tuổi và Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi. Với sự kiện này,  Lê Văn Hưu được xem là tiến sĩ khai khoa của Thanh Hóa, Bảng nhãn đầu tiên của cả nước.

Sau khi thi đỗ, Lê Văn Hưu được giữ chức Kiểm pháp quan, Binh bộ Thượng thư, được phong chức Hàn lâm học sĩ, kiêm Giám tu quốc sử. Công lao lớn nhất của Lê Văn Hưu là soạn thảo Đại Việt sử ký - bộ quốc sử đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Việc biên soạn cuốn sách được đích thân vua Trần Thái Tông  lệnh cho Lê Văn Hưu. Bộ sách bao gồm 30 quyển, được hoàn thành vào tháng 1 năm 1272. Sau khi sách được dâng lên, vua Trần Thánh Tông hết lời khen ngợi. Nội dung của cuốn sách bắt đầu từ thời điểm thành lập vương quốc Nam Việt của Triệu Đà vào năm 207 TCN, kết thúc vào thời Lý Chiêu Hoàng (1224–1225).

PGS - TS Nguyễn Đức Nhuệ, Phó Viện trưởng viện Sử học Việt Nam cho biết, tuy bộ sử ký đã thất truyền, nhưng qua 30 lời bình của sử gia Lê Văn Hưu trong bộ Đại việt sử ký toàn thư, chúng ta thấy được tinh thần của dân tộc, tinh thần độc lập tự do và tính nhân văn chứa đựng rất đầy đủ, toàn vẹn. Có phê phán, có khen ngợi nhưng với một cái nhìn rất khách quan, rất khoa học của người làm sử. Nói về bộ sử này, Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch hội khoa học lịch sử Việt Nam cho biết thêm, Bộ Quốc sử này được biên soạn trong một bối cảnh rất là cả nước đang dồn tâm dốc sức để chuẩn bị cho cuộc chiến chống xâm lược của đế chế đại Nguyên, để có thể huy động cao độ được sức mạnh toàn dân, chống lại một đế chế quyết tâm tiêu diệt nước ta, càng cho thấy bộ sử này đặc biệt có giá trị.

Dưới thời thuộc Minh, nhiều cuốn sách có giá trị của Đại Việt đã bị nhà Minh tịch thu mang về Trung Quốc, và nhiều khả năng Đại Việt sử ký  cũng nằm trong số đó. Năm 1455, sử gia Phan Phu Tiên đã dựa vào  lời bình luận của Lê Văn Hưu về các sự kiện lịch sử, dùng làm tư liệu biên soạn bộ chính sử đầu tiên của nhà Lê dưới triều vua Lê Nhân Tông vào năm 1455. Sau đó, nhà sử học Ngô Sĩ Liên dựa trên các tác phẩm của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên để biên soạn bộ Đại Việt sử ký toàn thư bao gồm 15 quyển, được hoàn thành năm 1479.

Sử gia Phan Phu Tiên và nhà sử học Ngô Sĩ Liên dựa vào lời bình luận của sử gia Lê Văn Hưu về các sự kiện lịch sử, dùng làm tư liệu biên soạn bộ Đại việt sử ký tục biên và Đại Việt sử ký toàn thư.

Đánh giá công lao to lớn của Lê Văn Hưu, sử gia Ngô Sĩ Liên khẳng định: “Sách Đại Việt sử ký chép chính sự của đế vương đời trước. Trước sau truyền nối, từ khi mới mở nước Nam; địa vị ngang nhau, chẳng chịu kém thua triều Bắc. Dòng mối ức muôn năm truyền mãi, sánh trời không cùng; vua giỏi sáu bảy vị sinh ra, từ xưa rạng tỏ. Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, mà hào kiệt đời nào cũng có. Thử xem thời trước, có thể xét tra.

Sau một đời cống hiến cho sự nghiệp của nhà Trần, với những công lao to lớn, Lê Văn Hưu cáo quan về sinh sống  tại quê nhà, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu  Hóa. Ông mất năm 1322, thọ 93 tuổi.

Mộ của Lê Văn Hưu táng tại cánh đồng Mả Giòm, trong không gian thoáng đãng. Lăng mộ làm bằng đá, vững chãi, vuông vắn và bề thế. 700 năm đã trôi qua, bao sự kiện lùi dần vào quá vãng, bao lớp người đã ra đi, nhưng ở nơi này, thời gian dường như lắng lại. Đất trời, cỏ cây vẫn ngày ngày nhắc nhớ về vị bảng nhãn đầu tiên, nhà sử học đầu tiên trong lịch sử quê hương, đất nước. Và, mỗi khi có dịp, người dân địa phương vẫn đến nơi đây để tỏ bày lòng thành kính đối với bậc danh sỹ kiệt xuất, suốt một đời tận lòng với sự nghiệp gây dựng nền Quốc sử, góp phần khẳng định vị thế, nền độc lập của giang sơn đất Việt.

Trong quần thể di tích thờ tự Lê Văn Hưu, có chùa Hương Nghiêm. Ngôi cổ tự được xây dựng từ thế kỷ thứ 10, bởi Bộc xạ tướng công Lê Lương - tổ 6 đời của Lê Văn Hưu. Chùa có tên chữ Hán đầy đủ là Càn Ni Sơn Hương Nghiêm tự, bởi trước đây tọa lạc trên núi Càn Ni. Hương Nghiêm từng là ngôi chùa lớn và đẹp: “Trên vách đá chênh vênh, tượng Phật uy nghiêm, mái hiên cong như cánh trĩ, ngói lợp lớp lớp như vẩy rồng, lan can thoáng mát, cửa ngõ thênh thang”. Vào đời nhà Nguyễn, do binh đao loạn lạc, đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu bị hư hỏng  nặng. Người dân làng Kẻ Rỵ bèn đã rước bát hương ông vào thờ phụng trong chùa Hương Nghiêm. Rồi sau này, khi đền thờ mới được dựng nên, việc thờ phụng Lê Văn Hưu mới được tách khỏi chùa.

Năm 1990, đền thờ Lê Văn Hưu đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng  di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Năm 2019, để tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với nhà sử học Lê Văn Hưu, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt chủ trương tu bổ, tôn tạo đền thờ. Và đến nay, đền thờ đã được hoàn thiện ngay trước thềm Lễ tưởng  niệm 700 năm ngày mất của Nhà sử học Lê Văn Hưu.

Những ngày tháng tư, về với Thiệu Trung, Thiệu Hóa, không khí chuẩn bị cho Lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của nhà sử học Lê Văn Hưu được tiến hành khẩn trương.  Hàng loạt hoạt động được tổ chức quy mô, bài bản. Triển lãm  giới thiệu hình ảnh tư liệu lịch sử, các ấn phẩm, sách báo về nhà sử học Lê Văn Hưu được tổ chức dọc tuyến đường chính của làng nghề đúc đồng Trà Đông, với 40 gian  trưng bày. Đến với triển lãm, du khách và người dân địa phương được tìm hiểu rõ hơn về nhà sử học Lê Văn Hưu, các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của xã Thiệu Trung và huyện Thiệu Hóa thông qua nhiều tư liệu quý. Trước đó, ngay từ đầu năm 2022,  huyện Thiệu Hoá  tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp Nhà sử học Lê Văn Hưu”  nhằm giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn hiểu thêm về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp Nhà sử học Lê Văn Hưu; tôn vinh những cống hiến to lớn của ông đối với nền sử học Việt Nam. Đồng thời, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về tấm gương của nhà sử học Lê Văn Hưu; khơi dậy niềm tự hào quê hương đất nước, củng cố niềm tin, ý thức, trách nhiệm của đảng viên và Nhân dân nhằm lan toả ý nghĩa sâu sắc, sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với nhà sử học Lê Văn Hưu.

 

Tại huyện Thiệu Hóa có một ngôi trường mang tên nhà sử học nổi tiếng của quê hương: Trường THPT Lê Văn Hưu. Trường ra đời  năm 1963. Suốt mấy chục năm qua, để xứng đáng với niềm vinh dự được mang tên danh nhân  kiệt xuất của quê hương, thầy và trò nhà trường luôn nỗ lực phấn đấu hết mình  trong  giảng dạy và học tập. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường liên tục được nâng cao.  Suốt gần 6 thập niên qua,  tiếp bước tiền nhân, với tinh thần say mê học tập, rèn luyện, trường THPT Lê Văn Hưu  đã đào tạo cho quê hương, đất nước hàng chục ngàn học sinh. Nhiều người bước ra từ mái trường này, đã có sự nghiệp thành công, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước. Trong các kỳ thi đại học,  Trung học phổ thông quốc gia gần đây,  trường có nhiều thủ khoa, á khoa. Thành tích này góp phần làm dày thêm truyền thống hiếu học của quê hương Thiệu Hóa nói riêng, tỉnh  Thanh Hóa nói chung.

Ngày hôm nay, dù lịch sử đã lùi xa, song, những câu chuyện về nhà sử học Lê Văn Hưu vẫn được giáo dục cho các thế hệ học sinh; để hình thành trong các em học sinh lòng biết ơn tiền nhân, tiên tổ, đồng thời nỗ lực trong học hành, khoa cử,  góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương.

700 năm đã trôi qua, kể từ ngày nhà sử học Lê Văn Hưu tạ thế. Đại Việt sử ký tuy đã thất truyền, nhưng những giá trị bền lâu của bộ sử này vẫn được khẳng định cho đến ngày hôm nay. Và Lê Văn Hưu, một danh nhân  kiệt xuất “vừa có tài, vừa có hạnh”  sẽ  luôn tỏa rạng hương danh trong lịch sử dân tộc, trong quá khứ, ở hiện tại, và mãi mãi về sau./.

An Thư- Văn Tráng/Phim tài liệu “Lê Văn Hưu – người khai dựng nền Quốc sử” phát sóng 20.4

 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Công viên nước Sun World Sầm Sơn khai trương vào ngày 30/6

Công viên nước Sun World Sầm Sơn khai trương vào ngày 30/6

12:08 , 29/06/2024

Sau một thời gian khẩn trương hoàn thiện, Sun World Sầm Sơn đã đảm bảo đủ các điều kiện để chính thức đưa vào vận hành các tổ hợp trò chơi tại Công viên nước vào ngày 30/6, kịp thời đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và du khách trong mùa du lịch hè 2024.

Khai trương phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn

Khai trương phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn

11:36 , 29/06/2024

Tối 28/6, Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã tổ chức lễ khai trương phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn.

Lượng khách đến Thành Nhà Hồ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024

Lượng khách đến Thành Nhà Hồ tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024

08:46 , 29/06/2024

6 tháng đầu năm 2024, Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc đã đón và phục vụ trên 132.000 lượt khách tham quan, đạt 82,7% kế hoạch năm.

Hồ trên núi

Hồ trên núi

16:34 , 28/06/2024

Hồ Sông Mực còn được gọi là hồ Bến Mẩy, nằm tại khu vực giáp ranh giữa hai huyện Như Thanh và Như Xuân. Sở dĩ có tên gọi này là vì đập Bến Mẩy đắp ngăn sông Mực vào năm 1977 để nước dâng thành hồ thuỷ lợi. Hồ Sông Mực phục vụ nước tưới cho gần một nghìn héc ta đất nông nghiệp. Hiện nay Hồ Sông Mực thuộc Vườn Quốc gia Bến En. Với sự bảo tồn và khai thác hợp lí, nơi đây đã hình thành nên một vùng sinh thái đa dạng, in đậm nét nguyên sơ trong trẻo của thiên nhiên ban tặng cùng với bàn tay gìn giữ kiến tạo từ con người.

Hơn 400 nghìn lượt khách du lịch đến Hải Tiến trong 6 tháng đầu năm

Hơn 400 nghìn lượt khách du lịch đến Hải Tiến trong 6 tháng đầu năm

08:31 , 28/06/2024

Theo thống kê từ UBND huyện Hoằng Hóa, 6 tháng đầu năm 2024, du lịch huyện Hoằng Hóa đón được hơn 400 nghìn lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, đạt 138% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ ước đạt trên 500 tỷ đồng.

[Livestream] Lễ khai mạc Liên hoan Văn hóa Ẩm thực xứ Thanh năm 2024

[Livestream] Lễ khai mạc Liên hoan Văn hóa Ẩm thực xứ Thanh năm 2024

20:02 , 27/06/2024

Tối 27/6, tại Quảng trường Sầm Sơn, thành phố Sầm Sơn, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp với UBND thành phố Sầm Sơn tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan Văn hóa Ẩm thực xứ Thanh năm 2024 với chủ đề “Đậm bản sắc - Bừng tinh hoa”

Xúc tiến thương mại và du lịch Thanh Hoá – Quảng Ninh

Xúc tiến thương mại và du lịch Thanh Hoá – Quảng Ninh

14:53 , 27/06/2024

Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Thanh Hoá vừa tổ chức chương trình xúc tiến thương mại và du lịch tại tỉnh Quảng Ninh. Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp hội viên Hiệp hội doanh nghiệp thành phố Thanh Hoá và các doanh nghiệp, doanh nhân trẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

4 món ăn Việt Nam trong danh sách những món thịt ngon nhất thế giới

4 món ăn Việt Nam trong danh sách những món thịt ngon nhất thế giới

08:46 , 27/06/2024

4 món ăn quen thuộc của người Việt Nam là: Bún chả, cơm tấm sườn, nem lụi, thịt kho tàu vừa được chuyên trang ẩm thực TasteAtlas đề xuất trong top 100 món ăn từ thịt ngon nhất thế giới.

Gần 150 cổ vật Triều Nguyễn hội tụ tại Huế

Gần 150 cổ vật Triều Nguyễn hội tụ tại Huế

08:43 , 27/06/2024

Từ nay đến hết ngày 21/7, tại điện Kiến Trung, Đại Nội Huế diễn ra triển lãm “Cổ vật hội tụ” quy tụ gần 150 cổ vật quý hiếm được chế tác dưới Triều Nguyễn.

Văn học nghệ thuật xứ Thanh – nửa thế kỷ phấn đấu và cống hiến

Văn học nghệ thuật xứ Thanh – nửa thế kỷ phấn đấu và cống hiến

20:01 , 26/06/2024

Trải qua 50 năm xây dựng và trưởng thành (27/6/1974 - 27/6/2024), Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa đã làm tốt chức năng tập hợp, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ xứ Thanh vững vàng về chính trị, thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ. Dưới mái nhà chung Hội VHNT Thanh Hóa, các thế hệ văn nghệ sĩ xứ Thanh đã nỗ lực lao động sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước.