Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế) với chủ đề “Dòng chảy tinh hoa” dự kiến diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/11 tại tỉnh Quảng Nam.
Tại diễn đàn, lễ ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa lãnh đạo 7 tỉnh, thành phố sẽ được tổ chức; cùng với thỏa thuận hợp tác giữa các hãng hàng không Việt Nam và hiệp hội du lịch 7 tỉnh, thành phố, cũng như các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đánh giá, chương trình liên kết phát triển du lịch lần này đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch của các vùng.
"Trong bối cảnh ngành du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, việc liên kết hợp tác phát triển du lịch là điều càng cấp thiết, vì chỉ có thông qua liên kết mới có thể tận dụng được những lợi thế về tài nguyên du lịch và các nét độc đáo, khác biệt riêng của mỗi địa phương để phát triển các tiềm năng du lịch trở thành các sản phẩm du lịch mang thương hiệu riêng của địa phương mình; tạo sự đa đạng, hấp dẫn để thu hút khách du lịch" – ông Trần Trung Hiếu cho biết.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa – Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM kỳ vọng liên kết Bắc – Trung – Nam lần này sẽ tạo hệ sinh thái để các bên liên kết, trao đổi sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp du lịch có nhiều cơ hội để làm mới sản phẩm, nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng. Từ đó, khách du lịch từ các tỉnh miền Trung không chỉ đến TP.HCM nhiều hơn mà còn đến các vùng liên kết khác, như Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Theo Ban Tổ chức, chương trình liên kết phát triển du lịch này tập trung vào 04 nội dung chính: Công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và quảng bá xúc tiến du lịch.
Qua đó, các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch và phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế và cơ sở hạ tầng du lịch. Chương trình hướng tới mục tiêu tăng số lượng, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách, góp phần phục hồi ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả vùng nói riêng, cả nước nói chung.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.