ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối đại đoàn kết

Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người con đất Việt, Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, được vun đắp qua nhiều thế hệ; trở thành điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết cộng đồng dân tộc.

02/04/2020 08:31

Từ bao đời nay, người Việt vẫn thường truyền nhau câu “Cây có cội, nước có nguồn” để nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn Quốc Tổ Hùng Vương dựng nước và những bậc tiền nhân đã khẩn hoang, mở mang bờ cõi, dựng xây và giữ gìn. Những câu ca về cội nguồn dân tộc đã ăn sâu, ngấm vào máu thịt các thế hệ, đời nọ nối đời kia, giúp chúng ta hiểu tình cảm sâu đậm, gắn kết của hai chữ “đồng bào” và ý nghĩa biểu tượng thiêng liêng của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, của những người con cùng chung dòng máu Lạc Hồng, lấy đoàn kết, yêu thương, đùm bọc làm nên sức mạnh. Tinh thần và tình cảm cộng đồng như hòa trong một gia đình Tổ quốc lớn lao hơn, thể hiện ở việc thờ cúng Quốc Tổ. Đây có lẽ là sự độc đáo ít có ở các dân tộc trên thế giới và thế giới cũng ghi nhận điều ấy khi UNESCO đã vinh danh, công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6-12-2012. 

Theo đánh giá của UNESCO, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên. Bên cạnh đó, sức sống trường tồn và mạnh mẽ của tín ngưỡng này cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng cũng là một trong những ưu điểm góp phần nâng cao giá trị của di sản. Điều này càng khẳng định vị trí, tầm quan trọng của tục thờ cúng Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối đại đoàn kết
Đại diện con Lạc cháu Hồng thực hiện nghi lễ tưởng niệm Vua Hùng trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2018. Ảnh: CHÂU XUYÊN.

Cũng theo UNESCO, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tồn tại và phát triển trong cuộc sống cộng đồng người Việt hàng nghìn năm nay. Tín ngưỡng không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa tâm linh và đức tin của người Việt vào các vị thánh thần bảo hộ, mà còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn những bậc tiền nhân có công dựng nước. Từ đó góp phần hun đúc lòng tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi của người Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử, từ hàng nghìn năm nay, vào dịp mồng 10 tháng 3 hằng năm, con dân đất Việt từ mọi miền Tổ quốc đã cùng hướng về vùng đất cổ Phong Châu, về đỉnh thiêng Nghĩa Lĩnh cùng thực hành nghi thức cúng tế trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngay sau sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng của thực dân, đế quốc. Chín năm sau, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954) đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 19-9-1954, Đền Hùng là nơi ghi dấu ấn lịch sử đặc biệt khi Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn đặc biệt này không chỉ thể hiện lòng biết ơn, thành kính tổ tiên, mà còn là lời thề quyết tâm bảo vệ Tổ quốc với tổ tiên tại ngôi đền thiêng của dân tộc.

Lòng biết ơn, thành kính tổ tiên cũng đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát biểu trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1969: “Từ lòng biết ơn đến sự tôn kính các thế hệ tiền nhân và tổ tiên gia đình, dòng họ, dân tộc ta đã phát triển hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần ấy thành một đạo lý và tín ngưỡng dân tộc độc đáo, là tín ngưỡng và phụng thờ một tổ tiên chung của toàn dân tộc-các Vua Hùng”.

Chung một gốc gác tổ tiên và ngày Giỗ Tổ là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn. Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương là thời khắc đặc biệt để mỗi người mang trong mình dòng máu Việt cùng hướng về Đền Hùng linh thiêng, nơi phụng thờ công đức tổ tiên, biểu tượng tinh thần dân tộc, cùng nhau thành kính hướng về nguồn cội. Những năm qua, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng, quy củ theo một nền nếp chuẩn mực, đầy đủ các nghi thức truyền thống, đúng tầm vóc Quốc lễ. Vùng đất Tổ Phú Thọ có đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh là nơi diễn ra những hoạt động chính của ngày lễ trọng; khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhân dân và các cấp chính quyền cũng thành kính tổ chức dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng, rộng hơn là những nghi lễ giỗ Tổ của cộng đồng Việt kiều ở các nước trên khắp thế giới bái vọng về nguồn cội. 

Ý thức được trọng trách của vùng đất khởi nguồn dựng nước, nơi có đền thờ và mộ Tổ Hùng Vương, nhiều năm qua, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các địa phương trong cả nước tổ chức tốt Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng, đón tiếp và bảo đảm an toàn cho hàng triệu lượt du khách, người hành hương trẩy hội. Tỉnh Phú Thọ đã tu bổ, xây dựng nhiều hạng mục công trình tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng và triển khai đề án về phục dựng các lễ hội truyền thống trên địa bàn với trọng tâm là Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hằng năm, quy tụ trong phần hội các sinh hoạt văn hóa dân gian tiêu biểu của vùng đất cổ Phong Châu và các vùng, miền trong cả nước. Trong đó chú trọng yếu tố đổi mới với những điểm nhấn sự kiện hằng năm, vừa mang ý nghĩa giáo dục, vừa tạo điều kiện sinh hoạt vui chơi, thưởng thức văn hóa nghệ thuật cho nhân dân và du khách.

Năm 2020, Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức quy mô cấp quốc gia, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức. Nhằm thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, chương trình năm nay dù phải điều chỉnh nhiều nội dung, song vẫn bảo đảm tổ chức nghi lễ Quốc giỗ trang nghiêm, thành kính, an toàn, tiết kiệm. Theo kế hoạch, Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 chỉ tổ chức 3 hoạt động lễ chính gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ đã được tổ chức vào ngày 29-3-2020 (mồng 6 tháng 3 âm lịch); Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 2-4-2020 (mồng 10 tháng 3 âm lịch). Ban tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương năm Canh Tý 2020 kêu gọi đồng bào cả nước tiếp tục thực hiện “mâm cơm tri ân” do gia đình tự chuẩn bị, bảo đảm trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung vào mồng 10 tháng 3 âm lịch.

“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”. Câu ca này đã in sâu trong tâm thức của mỗi người con đất Việt từ nhiều đời nay. Thông điệp từ Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ dừng lại ở việc thờ cúng, biết ơn người sáng lập ra đất nước mà còn mở rộng quy mô, nâng tầm thành một loại hình tín ngưỡng của người dân Việt Nam, là điểm tựa tinh thần bền vững, cố kết cộng đồng dân tộc. 

Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân

 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Gia tăng lượng khách du lịch tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh

Gia tăng lượng khách du lịch tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh

20:16 , 30/04/2024

Kỳ nghỉ lễ 5 ngày, tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, lượng khách du lịch tăng cao đột biến. Tuy nhiên, do có sự chuẩn bị trước về cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện cần thiết khác nên hoạt động dịch vụ đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Chiếu cói Quảng Xương

Chiếu cói Quảng Xương

10:28 , 30/04/2024

Thanh Hoá là vùng đất có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, trong đó đặc biệt có nghề dệt chiếu cói. Và nhắc đến chiếu cói, bên cạnh những địa phương như Nông Cống, Nga Sơn thì Quảng Xương cũng là một miền quê có sản lượng lớn chiếu cói lớn được xuất khẩu. Từ lâu, những đôi chiếu Quảng Xương đã đi muôn nơi và trở thành vật biểu trưng cho niềm hạnh phúc lứa đôi.

Truyền hình trực tiếp Khai mạc Lễ hội du lịch biển 2024 "Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca"

Truyền hình trực tiếp Khai mạc Lễ hội du lịch biển 2024 "Hải Tiến - Biển hát khúc tình ca"

20:14 , 29/04/2024

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh TTV và Livestream trên Fanpage và kênh Youtube của Đài PTTH Thanh Hóa

Các huyện miền núi hấp dẫn du khách trong dịp lễ 30/4, 1/5

Các huyện miền núi hấp dẫn du khách trong dịp lễ 30/4, 1/5

19:39 , 29/04/2024

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, ngoài những bãi tắm đẹp, những khu nghỉ dưỡng cao cấp hay những khu vui chơi sôi động, nhiều du khách đã lựa chọn các khu, điểm du lịch cộng đồng tại các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá cho kỳ nghỉ của mình. Đây là cơ hội để loại hình du lịch này được du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.

Khai trương Chợ du lịch - Chợ đêm Hải Tiến

Khai trương Chợ du lịch - Chợ đêm Hải Tiến

16:01 , 29/04/2024

Tối 28/4, tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá, Công ty Đầu tư và Du lịch Hải Tiến đã tổ chức lễ khai trương Chợ du lịch - chợ đêm Hải Tiến, đánh dấu mốc chợ chính thức đi hoạt động từ đầu mùa hè 2024.

Thanh Hoá hút khách du lịch trong 2 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ

Thanh Hoá hút khách du lịch trong 2 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ

16:00 , 29/04/2024

Trong hai ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ, thời tiết khá thuận lợi nên hầu hết các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là các khu du lịch biển đã thu hút rất đông du khách đến tham quan, vui chơi và nghỉ dưỡng.

Tổng duyệt chương trình khai mạc Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024

Tổng duyệt chương trình khai mạc Lễ hội du lịch biển Hải Tiến năm 2024

11:26 , 29/04/2024

Tối ngày 28/4, tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa đã tổ chức tổng duyệt chương trình khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024. Dự buổi tổng duyệt có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài PT&TH Thanh Hóa.

Nức thơm bánh đa làng Chòm, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa

Nức thơm bánh đa làng Chòm, xã Tân Châu, huyện Thiệu Hóa

09:44 , 29/04/2024

Ở Việt Nam có rất nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, và một trong số đó chính là nghề làm bánh đa. Nếu ở Bắc Giang nổi tiếng với bánh đa Kế; Thái Bình nổi tiếng với bánh đa làng Dụ Đại thì Thanh Hóa nổi tiếng với bánh đa Chòm ở xã Tân Châu, huyện Thiệu Hoá - vùng đất nức tiếng xa gần với nghề làm bánh đa có lịch sử hàng trăm năm tuổi.

Mang phở Việt đến thành phố Rovaniemi, Phần Lan

Mang phở Việt đến thành phố Rovaniemi, Phần Lan

09:32 , 29/04/2024

Đam mê món ăn truyền thống Việt, 3 nữ du học sinh Việt Nam đã quyết tâm mở nhà hàng phở Việt đầu tiên ở thành phố Rovaniemi, Phần Lan và đem đến trải nghiệm không thể nào quên cho du khách thưởng thức Phở trong thời tiết giá lạnh của Cực Bắc.

Điện Biên phát huy giá trị di tích lịch sử để phát triển du lịch

Điện Biên phát huy giá trị di tích lịch sử để phát triển du lịch

09:24 , 29/04/2024

Điện Biên là tỉnh có tiềm năng về phát triển du lịch, nhất là du lịch về nguồn với 45 điểm di tích lịch sử được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là một trong những tài nguyên vô giá, không chỉ của tỉnh Điện Biên mà còn của cả nước. Các điểm di tích lịch sử này đã và đang được quan tâm giữ gìn và bảo vệ, phát huy giá trị lịch sử để phát triển du lịch.