Mạng xã hội – “nguồn tin” cho báo chí hiện đại
Không thể phủ nhận, sự ra đời và phát triển của mạng xã hội (MXH) đã giúp báo chí truyền thông phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng đặt ra thách thức chưa từng có đối với các cơ quan báo chí và nhà báo. Trong kỷ nguyên số, không ít thông tin trên MXH thiếu chính xác, sai sự thật, vô bổ…được nhà báo khai thác, sử dụng trong bài viết gây ra những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng đến uy
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo phát biểu tại hội thảo
“Thế lực” mang tên mạng xã hội
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 400 MXH được phép hoạt động. Tính đến tháng 9/2015, Việt Nam có hơn 40 triệu người sử dụng Internet và mỗi người đều có ít nhất một tài khoản MXH nhờ chi phí truy cập Internet và thiết bị đầu cuối giá thấp.
PGS.TS. Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, trong kỷ nguyên số hiện nay, sẽ là sai lầm nếu chúng ta coi nhẹ tầm quan trọng, cũng như sự tác động của MXH đến từng người dân và xã hội. Mặc dù các nguồn tin được lấy từ MXH khi đăng tải trên các báo đã dấy lên các cuộc tranh luận lớn trong xã hội, nhưng nhiều nhà báo cho rằng, MXH đã và đang là một nguồn tin tốt cho báo chí hiện nay. Ví dụ gần nhất về tính thực tiễn và tác động của đến đời sống được thể hiện rất rõ trong vụ tỉnh An Giang kỷ luật người chê chủ tịch tỉnh trên facebook, hay xa hơn, là vụ việc chặt cây xanh ở thủ đô Hà Nội,… Điều đó cho thấy, ý kiến cá nhân trên mạng đã trở thành “vấn đề lớn” khi được báo chí đăng tải, được xã hội quan tâm và qua đó, có thể tác động đến việc thay đổi chính sách, quyết định của cơ quan lãnh đạo, quản lý.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà báo, nhà khoa học và các diễn giả tại Hội thảo “Báo chí và Mạng xã hội” đều cho rằng, bên cạnh những lợi thế mang lại, rõ ràng báo chí phải đối mặt với sức ép cạnh tranh thông tin từ các trang MXH đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp thế giới. Chỉ cần một vài thiết bị cá nhân phổ biến như điện thoại thông minh hay máy tính bảng, thông tin và hình ảnh về một sự kiện hay nhân vật nào đó sẽ dễ dàng được đưa lên Internet và nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt, đến khắp nơi trên thế giới chỉ trong vài phần nghìn giây. Minh chứng cụ thể cho thấy, để có được 50 triệu độc giả, thính giả, khán giả, báo in cần quãng đường 100 năm; radio cần 38 năm; tivi cần 14 năm, Internet cần 4 năm và facebook chỉ mất 2 năm. Rõ ràng, lượng thông tin được cập nhật như vũ bão trên các MXH, đặc biệt là facebook đã thực sự trở thành thách thức với báo chí.
Ngoài việc tạo ra sức ép cạnh tranh về tốc độ lan tỏa thông tin, MXH còn làm thay đổi cách thức làm báo truyền thống khi một số phóng viên, đặc biệt là phóng viên trẻ đã từ bỏ cách thu thập, tiếp cận và thẩm định thông tin truyền thống trên thực tế, chuyển qua đi “săn” tin trên MXH. Thậm chí một số tờ báo cũng chấp nhận cách thức khai thác thông tin này.
Tuy nhiên, do đặc điểm thông tin mở khiến MXH đang dần trở thành “một loại thuốc gây nghiện”, góp phần tiếp tay cho nhiều loại hình tội phạm mới. PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo lo ngại, nếu nhà báo sử dụng thông tin trên MXH bừa bãi, không kiểm chứng nguồn tin sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Nhà báo Nguyễn Thành Lợi cũng nêu một thực tế, đang có hiện tượng báo chí cung cấp “giáo trình tội phạm” cho dư luận bằng việc miêu tả chi tiết, tỉ mỉ các hành vi phạm tội.
Cùng quan điểm trên, nhà báo Vũ Văn Tiến, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Điện tử Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, MXH đang dần trở thành một “thế lực” thách thức báo chí hiện đại. Một trong những thách thức là việc một số cơ quan báo chí bị đẩy vào tình thế luôn phải đuổi theo MXH, ăn theo và lệ thuộc MXH, đặc biệt là những tờ báo thiên về giải trí. Tuy nhiên, ông Tiến cũng khẳng định việc cấm hoặc hạn chế nhân viên, học sinh tham gia vào facebook khó có thể đem lại kết quả.
“Thế giới ảo”, hiểm họa thật
Dù vẫn còn nhiều đánh giá khác nhau về vai trò của MXH trong môi trường thông tin hiện nay, tuy nhiên đa số các ý kiến đều thống nhất MXH là một xu hướng tiến bộ. Việc nhà báo khai thác, nắm bắt thông tin từ MXH là cần thiết. Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá, MXH thực sự sẽ là nơi mỗi người cầm bút có thể thu thập, phát hiện vấn đề, tìm hiểu nhu cầu thông tin của công chúng một cách nhanh nhất. Trên thực tế, từ thông tin trên mạng, nhiều nhà báo đã phát hiện ra những đề tài nóng được dư luận quan tâm, từ đó khai thác, chọn lọc và triển khai đề tài thích hợp, đáp ứng nhu cầu độc giả.
Ở một góc tiếp cận mới, nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, chúng ta không nên quá bận tâm vào việc thông tin trên MXH có lấn át báo chí chuyên nghiệp hay không. “Báo chí luôn có vị trí đích thực trong đời sống xã hội. Để mất hình ảnh và uy tín, mất công chúng là lỗi của cơ quan báo chí chứ không phụ thuộc vào các hoạt động mang tính báo chí khác. Trong thời điểm hiện nay, chính quyền và nhà chức trách cần nhanh chóng tiếp cận với cách hành xử khách quan, trung thực, định hướng dư luận rõ ràng, mạch lạc và khôn ngoan, tránh hành xử theo kiểu hạn chế bưng bít hoặc điều hành việc thông tin theo hướng áp đặt, ông Phan Hữu Minh chia sẻ.
Song, không phải nhà báo, tờ báo nào cũng làm được điều đó. Áp lực cạnh tranh thông tin, sự dễ dãi về nghiệp vụ, thậm chí cố tình phớt lờ những nguyên tắc dạo đức nghề nghiệp để câu khách, dẫn đến tình trạng lạm dụng MXH, đăng tải nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật. Nhà báo Vũ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Thanh Hóa chia sẻ, khoảng 1 năm trước, từ một status xuất hiện trên facebook nói về tục lệ “ngủ mái” độc đáo của người dân tộc Thổ ở xã Yên Lễ, huyện Như Xuân, Thanh Hóa, phóng viên đã tận dụng tối đa và “bù đắp da thịt”, trở thành một bài báo “đình đám” trong dư luận khiến người dân địa phương phản ứng, coi đó là sự vu khống nhằm hạ giá phẩm hạnh của họ, bài báo ở chừng mực nào đó đã động chạm vào chính sách đại đoàn kết dân tộc. “Người đứng đầu tòa soạn lúc đó phải một phen lao đao với 9 bản tường trình, công văn giải đáp tới nhiều cơ quan, phải đăng bài cáo lỗi, tác giả của bài báo bị tòa soạn cấm cửa vĩnh viễn”. MXH nếu không cẩn trọng “sẽ trở thành gió độc”, gây nguy hại đối với cộng đồng và cả xã hội. Những bài báo kiểu này có thể thu hút một số độc giả nào đó, song rõ ràng sẽ làm dài thêm danh sách những sản phẩm báo chí kém chất lượng, làm giảm sút lòng tin của bạn đọc, tự đánh mất vai trò định hướng dư luận của báo chí trước công luận, ông Vũ Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ứng xử của nhà báo trước thông tin trên mạng xã hội
Trong cuộc chạy đua thông tin gay gắt giữa báo chí và MXH, báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả không còn con đường nào khác là phải xây dựng được niềm tin với công chúng. Công chúng luôn cần tới những tác phẩm báo chí có chất lượng, chứ không phải những bài báo chỉ để thỏa mãn sự tò mò, thói hiếu kỳ kiểu giật gân, câu khách. Nếu chúng ta nỗ lực hơn đem lại thông tin hữu ích nhiều chiều thì không lo ngại quyền năng báo chí bị lấn lướt. Công chúng chắc chắn không quay lưng với những thông tin chuẩn xác mà báo chí đem lại.
Để làm được điều đó, chúng ta phải tìm cách thích ứng với sự biến đổi của công nghệ, nhu cầu của công chúng trong tương lai nhưng vẫn phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản của báo chí là tính chân thực, độ tin cậy của thông tin. Các tòa soạn buộc phải “làm mới” bằng cách thay đổi quy trình sản xuất tin bài, nhất là tin bài “nóng”, xây dựng bộ quy tắc ứng xử và tác nghiệp cho phóng viên, cộng tác viên đang tham gia MXH.
Phó Tổng Biên tập Báo Giao thông Nguyễn Thị Hồng Nga cho rằng, trước mắt cần có bộ “Quy tắc ứng xử và tác nghiệp” cho nhóm cộng tác viên báo chí và nhà báo. Trong bộ quy tắc này nên đề cao tính pháp lý, đạo đức của người tham gia mạng xã hội, góp phần hạn chế tình trạng xâm phạm đời tư cá nhân.
Xét cho cùng, dù nội dung đó nằm trên trang báo của chúng ta hay được chuyển tải qua các MXH thì vẫn phải đặt chất lượng, tính chuẩn xác lên hàng đầu trong một thế giới ảo đầy rẫy sự phức tạp, thật giả lẫn lộn.
Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin – thời đại mà truyền thông xã hội đóng vai trò chủ chốt. Truyền thông mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”, vừa làm chúng ta yêu, vừa khiến chúng ta hận. Đặc biệt là văn hóa bạo lực mà những tờ báo lá cải cực lực tuyên truyền đã tạo ra sự ảnh hưởng đặc biệt tiêu cực cho sự hình thành nhận thức tự ngã, xây dựng nhân cách của vị thành niên – những con người chưa có nhiều kinh nghiệm sống và kỹ năng sống, rất dễ bị ảnh hưởng, sa ngã bởi sự cám dỗ, lôi kéo từ bên ngoài. Chính vì lẽ đó, để giúp giới trẻ có thể phát triển lành mạnh, nhà báo cần cẩn trọng trong việc xử lý thông tin trên mạng xã hội, xây dựng xã hội thông tin lành mạnh để đề phòng và ngăn ngừa tội phạm, duy trì trật tự xã hội. Ngoài việc tăng cường giáo dục thanh thiếu niên trong gia đình, nhà trường, chúng ta còn phải ngăn chặn một cách có hiệu quả các tờ báo đưa tin dạng “lá cải”, cơ quan báo chí cần tiên phong đi tìm nguyên nhân, bản chất và đưa ra cách giải quyết vấn đề này một cách nhân văn để giúp xã hội hướng thiện, giúp thanh thiếu niên có môi trường phát triển lành mạnh hơn.
Điều quan trọng hơn, các nhà báo viết trên mạng xã hội cần thận trọng khi đề cập những nội dung liên quan đến các thông tin khai thác được khi tác nghiệp. Đặc biệt, nhà báo cũng không nên đăng tải các thông tin thu thập được nhưng không được cơ quan báo chí sử dụng trên các mạng xã hội cá nhân của mình. Hãy nhớ rằng, uy tín của cơ quan mình đang công tác có thể bị giảm, khi các quan điểm cá nhân của nhà báo được đưa lên các mạng xã hội.
Nhà báo Mai Phan Lợi, Phó Tổng thư ký tòa soạn Báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh:
Báo chí và cả người dùng mạng xã hội đang ngày càng dễ dàng xâm phạm đến hình ảnh, thông tin cá nhân, doanh nghiệp hơn bao giờ hết. Hành vi này đã gây ra hậu quả trong một số trường hợp cụ thể. Do phải đưa nhanh, “nóng” nên báo chí dễ dàng vớ phải tin giả, tin sai sự thật, tin cũ. Trong nhiều trường hợp do phải tác nghiệp nhanh bỏ qua nhiều quy trình kiểm soát, báo cáo thông thường nên một số nhà báo đã lợi dụng tin tố giác từ bạn đọc hoặc phát hiện của mình để trục lợi, và hiện tượng này cũng đã xuất hiện ngày một nhiều.
Nhà báo Nguyễn Xuân Hồng, Trưởng phòng Thư ký tòa soạn, Báo Điện tử Chính phủ:Thực tế, bất kỳ xã hội nào, cộng đồng nào cũng đều cần đến luật pháp, quy định, quy ước mà mọi thành viên cần tuân thủ thì mới ổn định và phát triển bền vững.Nhà báo luôn cần ý thức rằng mình thuộc về một cơ quan báo chí, uy tín cá nhân của mình luôn gắn liền với uy tín, danh dự của cơ quan báo chí nơi mình công tác nên mọi hành động, phát ngôn, quan điểm phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích của cơ quan.
Nhà báo Vũ Văn Tiến, Phó Tổng Biên tập (Phụ trách Báo Điện tử Xây dựng) – Bộ Xây dựng:Những người làm báo phải có ứng xử văn hóa trên mạng xã hội
Mạng xã hội đang dần trở thành một “thế lực” thách thức báo chí hiện đại…Chính các nhà báo cũng là những người tham gia vào cộng đồng mạng xã hội để vừa tiếp cận, chắt lọc thông tin, vừa cung cấp thông tin đến đông đảo công chúng. Bối cảnh đó đòi hỏi những người làm báo phải có ứng xử văn hóa trên mạng xã hội. Nếu làm được điều đó thì báo mạng điện tử, thậm chí là các trang mạng xã hội sẽ trở thành cánh tay nối dài cho báo chí nói chung, làm cho thông tin chính trị xã hội được phổ biến sâu rộng hơn trong đời sống.
PV/nguoilambao.vn
Đọc thêm
Hội thảo tham vấn đề xuất sửa đổi Nghị định 55/2019 của Chính phủ
Chiều 1/11, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo tham vấn các nội dung đề xuất sửa đổi Nghị định 55/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân
Sáng 1/11, Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tiếp cận pháp luật và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân.
Thông báo lịch tiếp xúc cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh
Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa có thông báo về lịch tiếp xúc cử tri của các Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh trước trước kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa 18, ngày 2/11:
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024
Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá phát động chiến dịch 60 ngày đêm tăng tốc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2024; với mục tiêu đến ngày 31/12/2024 sẽ giải ngân 100% nguồn vốn được giao. Bám sát chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành và các chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tái diễn tình trạng xe chở đất làm rơi vãi xuống đường tỉnh 510B
Đài PT&TH Thanh Hoá đã phản ánh về tình trạng xe chở đất rơi vãi trên tuyến đường tỉnh 510B, đoạn dẫn xuống khu du lịch biển Hải Tiến, huyện Hoằng Hoá, gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Những ngày gần đây, tình trạng này lại tái diễn, gây bức xúc trong Nhân dân địa phương.
Nâng cao hiệu quả kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện
Nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các cơ sở khám, chữa bệnh. Tại Thanh Hóa, những năm gần đây, các bệnh viện đã chú trọng triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả kiểm soát nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.
Thanh Hóa ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai
Thực hiện Công điện số 109 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc tăng cường tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các văn bản quy định theo thẩm quyền được giao. Các văn bản đều được xây dựng đủ căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền, nội dung phù hợp với quy định của pháp luật, ban hành đúng trình tự, thủ tục, thể thức và kỹ thuật trình bày theo quy định của pháp luật.
Tầm soát phát hiện sớm ung thư
Tại Thanh Hoá, mỗi năm có gần 8.000 bệnh nhân mắc ung thư mới được phát hiện. Thế nhưng, điều đáng tiếc là có tới hơn 60% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, khi bệnh đã diễn biến nặng, di căn.
Ngày 02/11, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Thanh Hoá
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hoá, đêm ngày 01/11 và gần sáng ngày 02/11, bộ phận không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Thanh Hoá.
Hơn 1.000 runners đăng ký dự tranh Thanh Hóa Marathon 2024
Sau khi chính thức mở cổng đăng ký, Giải Thanh Hóa Marathon 2024 đã nhận được sự quan tâm của hàng nghìn chân chạy trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành bạn. Hiện các Runners đang tích cực tập luyện để tham dự các nội dung gồm: 5km, 10km, 21km và 42 km của Giải Thanh Hoá Marathon 2024.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.