Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở
Trong những năm gần đây, cùng với việc tập trung thực hiện mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm về dịch vụ y tế kỹ thuật cao của khu vực Bắc Trung Bộ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Thanh Hóa cũng luôn dành sự quan tâm đầu tư, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn diện cho mọi người dân.
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 25 Bệnh viện đa khoa tuyến huyện, 27 Trung tâm y tế tuyến huyện và 559 Trạm y tế cấp xã. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Trong công tác phòng, chống dịch Covid -19, các trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là mắt xích quan trọng trong việc kiểm soát tình hình, ngăn chặn dịch bệnh.
Xác định vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành y tế trong tỉnh luôn quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị trong hệ thống.

Trạm y tế xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh so với hơn 1 năm trước đây đã được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, được bổ sung thêm nhân lực và các trang thiết bị kỹ thuật, ngày càng có nhiều người dân địa phương tin tưởng đến khám chữa bệnh tại đây. Anh Nguyễn Văn Đại, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Tôi điều trị đã được 2 ngày, bị đau rát họng, sốt cao và được chẩn đoán viêm họng cấp. Đội ngũ y bác sỹ ở đây rất nhiệt tình, cơ sở vật chất khang trang, tôi thấy rất phấn khởi. Tình hình sức khoẻ đỡ nhiều".
Bác sỹ đa khoa Nguyễn Hữu Võ, Trạm trưởng Trạm y tế xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh cũng cho biết: "Năm 2023, số lượng người dân đến khám tăng 130% so với năm 2022. Quí 1 năm 2024 cũng tăng lên 150% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân là do sự phân bổ, điều động về nhân lực, số lượng cán bộ trạm y tế Phượng Nghi được đầy đủ hơn, đặc biệt trạm y tế Phượng Nghi trong tháng 4 năm 2024 có 5 cán bộ và trong đó có 3 bác sĩ".

Huyện Như Thanh hiện có trên 70 cán bộ, y bác sỹ đang công tác tại 14 trạm y tế. Trong những năm qua, huyện luôn xác định, y tế cơ sở có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, việc phát triển mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp và hoạt động hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm rất lớn về chi phí, rút ngắn được chênh lệch về sức khỏe, tạo sự cân bằng trong hoạt động khám chữa bệnh. Cùng với việc chủ động học tập, nâng cao trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế đang công tác tại các trạm y tế trên địa bàn huyện luôn tận tâm, nỗ lực vượt khó để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chăm sức khỏe và phòng bệnh cho Nhân dân.
Ngoài ra, hiện nay, hầu hết các trạm y tế trên địa bàn huyện cũng đã được đầu tư xây dựng khang trang, được bổ sung đầy đủ nguồn nhân lực y tế đảm bảo khám chữa bệnh cho người dân. Bác sỹ đa khoa Phạm Văn Kế, Trạm trưởng Trạm y tế xã Mậu Lâm, huyện Như Thanh cho biết: "Trạm y tế Mậu Lâm hiện tại có 2 bác sĩ đa khoa, đặc biệt là quan tâm đến phòng chống các bệnh ban đầu cho bà con Nhân dân, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm".

Để thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngành Y tế Thanh Hoá đã chủ động tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng Y tế giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 701 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đến hết năm 2023, một số chỉ tiêu quan trọng của ngành đã tiệm cận với mục tiêu Nghị quyết như: số bác sỹ trên vạn dân, số giường bệnh trên vạn dân, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế… Ngành y tế và các địa phương cũng tập trung các nguồn lực, vận dụng các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh để đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, hướng tới sự hài lòng, tin cậy của người dân.
Bác sỹ đa khoa Lê Thị Quế, Trạm trưởng Trạm y tế thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân cho biết: "Được sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như Trung tâm y tế Như Xuân, trạm y tế thị trấn Yên Cát hiện nay về cơ sở vật chất cũng đã dần được hoàn thiện, nhà và trang thiết bị cũng tạm thời đầy đủ, đây cũng là điều kiện rất lớn cho anh chị em cán bộ tại trạm y tế, nhằm nâng cao việc chăm sóc ban đầu cho người dân. Về kết quả là chất lượng khám chữa bệnh và nhu cầu của người dân được quan tâm hơn, tập trung tin tưởng đến với trạm". Bác sỹ đa khoa Lê Viết Hùng, Trạm trưởng Trạm y tế xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân cũng cho biết: "Trước đây thì trạm xuống cấp lắm. Người dân không đến. Hiện nay trạm được dự án xây dựng mới và sửa chữa nên khang trang. Tạo điều kiện thuận lợi cho chăm sóc sức khoẻ Nhân dân của địa phương".

Trong những năm gần đây, thực hiện cơ chế tự chủ, cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các bệnh viện tuyến huyện trên địa bàn tỉnh đã tăng cường đầu tư nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị, đào tạo nhân lực, triển khai hàng loạt kỹ thuật mới, chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân.
Bác sĩ CKI Nguyễn Đức Hiệp, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân cho biết: "Hằng năm, chúng tôi sẽ cử 1 đến 2 cán bộ đi học sau đại học, cụ thể là học chuyên khoa I, đồng thời có học các lớp nâng cao về trình độ chuyên môn, chuyên sâu, và mời các bác sĩ đầu ngành ở các bệnh viện tỉnh, trung ương về để hợp tác triển khai một số kỹ thuật mới, mỗi khoa phòng triển khai từ 1 đến 2 kỹ thuật mới. Đầu năm 2024, chúng tôi đã triển khai được cắt amidan bằng dao điện plasma, phẫu thuật mở ổ bụng cắt tử cung toàn bộ, siêu âm tim".
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Y tế Thanh Hóa cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đến nay, tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ mới chỉ đạt 85,7%, trong khi mục tiêu đến năm 2025 là 95%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm Y tế mới chỉ đạt 91,2%, kế hoạch là 95%. Một số cơ sở y tế công lập, đặc biệt là bệnh viện đa khoa tuyến huyện còn khó khăn trong việc cân đối tài chính để đảm bảo chi thường xuyên và thực hiện cơ chế tự chủ; cơ chế đấu thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế còn nhiều vướng mắc; tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế vẫn xảy ra cục bộ ở một số thời điểm. Ngoài ra, chính sách, chế độ lương, đãi ngộ cho nhân lực y tế chưa thỏa đáng, chưa thu hút được cán bộ y tế có trình độ gắn bó lâu dài với y tế cơ sở...

Bác sỹ Chuyên khoa 1 Bùi Văn Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao đào tạo chuyên môn cho y tế cơ sở, thu hút các nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao quản lý y tế tại cơ sở, quản lý người dân tại gia đình theo xu hướng bác sỹ gia đình". Bác sỹ Chuyên khoa 2 Trịnh Việt Trung, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết: "Để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, ngành y tế Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch triển khai, theo đó tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, đồng thời tập trung phát triển hình thức bác sỹ gia đình, tăng cường năng lực cho nguồn nhân lực y tế cơ sở thực hiện các kỹ thuật mới".
Phát triển hệ thống y tế cơ sở không phải là việc riêng của ngành Y tế, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Mới đây, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 25 ngày 25/10/2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở; trong đó đã xác định những định hướng ưu tiên mới về cam kết chính trị, chính sách và hành động liên ngành, bộ máy tổ chức, phương thức hoạt động, chiến lược đầu tư, chiến lược phát triển nhân lực. Chỉ thị số 25 được kỳ vọng sẽ mở ra tầm nhìn chiến lược cũng như tạo ra "nguồn năng lượng mới" nhằm củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Trên cơ sở đó, 19/1/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã ban hành Kế hoạch số 117 nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư. Trong đó yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân. Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế và đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động của y tế cơ sở. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; 100% dân số được quản lý sức khỏe, theo dõi sức khoẻ bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho toàn dân.

Đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân dịp nghỉ lễ
Năm nay, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) vào thứ Hai, sát ngày nghỉ cuối tuần. Do đó, người lao động được nghỉ 3 ngày liên tiếp. Trong những ngày nghỉ, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn đảm bảo thường trực 24/24 giờ, xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu; chăm sóc, điều trị bệnh nhân nội trú. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện vẫn duy trì hoạt động khám bệnh thông thường cho người dân.

Bộ Y tế yêu cầu hoàn thành hồ sơ bệnh án điện tử trong tháng 9/2025
Bộ Y tế vừa đưa ra kế hoạch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử trên toàn quốc và yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 9/2025.

Ung thư gan: Căn bệnh gây tử vong nhiều nhất tại Việt Nam
Tỷ lệ ung thư gan ở Việt Nam liên tục tăng trong nhiều năm qua. Ung thư gan trở thành bệnh ung thư đứng đầu về số ca mắc mới và tử vong ở Việt Nam, với gần 27.000 ca mắc mới mỗi năm, chiếm 14,5% tổng số ca ung thư và hơn 25.000 ca tử vong, chiếm 21% số ca tử vong do ung thư.

Bệnh Thalassemia - Những điều cần biết
Thalassemia là bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là bệnh di truyền, không chỉ gây ra nỗi đau dai dẳng cho bệnh nhân, tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh, mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng dân số, suy giảm sự phát triển giống nòi. Căn bệnh này tuy khó chữa, song có thể phòng tránh được khi người dân hiểu biết đầy đủ về bệnh, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam giảm nhiều lần
Trong những năm qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều Kế hoạch hành động, đề án về phòng bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe phụ nữ, bà mẹ, trẻ em và tổ chức triển khai hiệu quả với những kết quả ấn tượng trong mục tiêu giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

682.000 mũi vaccine phòng bệnh sởi đã được tiêm trong chiến dịch phòng chống bệnh sởi
Bộ Y tế cho biết, đến hết tháng 3, toàn quốc đã tiêm được 682.000 mũi vaccine phòng sởi trong đợt tiêm chiến dịch.

Từ ngày 01/6/2025, sẽ không cấp mới thẻ Bảo hiểm y tế giấy
Từ ngày 01/6/2025, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ chỉ cấp thẻ Bảo hiểm y tế phục vụ khám chữa bệnh bằng giấy cho những người không thể cài đặt ứng dụng VssID, VneID và không có Căn cước công dân có gắn chip.

Triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 từ ngày 15/4 đến 15/5 với chủ đề: “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”.

Khó khăn về cơ sở vật chất tại các cơ sở y tế
Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực khác nhau, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã được đầu tư mới hoặc nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở y tế gặp khó khăn về cơ sở vật chất, khiến việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân bị ảnh hưởng.

Phát hiện chất cấm trong 7 mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) công bố kết quả thử nghiệm 7 mẫu của một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe tăng cường sinh lí cho nam giới. Kết quả cho thấy các sản phẩm này chứa Sildenafil, Tadalafil, là các chất bị cấm dùng trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.