Những ca mổ đặc biệt giành giật sinh mệnh cho bệnh nhân... chưa chào đời
Can thiệp bào thai được ví như là ca mổ cấp cứu đặc biệt trong lĩnh vực sản khoa. Bởi lúc này, bệnh nhân là những thai nhi chỉ nặng vài lạng còn đang nằm trong tử cung của người mẹ.
Mọi thao tác của phẫu thuật viên đòi hỏi phải đạt độ chính xác cao nhất, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ thì thứ phải đánh đổi có thể chính là sinh mạng của thai nhi.
PV Dân trí đã cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, để có cái nhìn sâu hơn về kỹ thuật được xem là đỉnh cao của sản khoa này.
Cấp cứu cho những bệnh nhân chưa chào đời
Thai nhi phát triển khỏe mạnh ắt hẳn là niềm vui lớn của gia đình. Thế nhưng với những em bé không may có kết quả khám sàng lọc bất thường, có cách nào để sửa chữa những khiếm khuyết bẩm sinh này hay không, thưa bác sĩ?
Với sự phát triển của khoa học, hiện nay đã có rất nhiều kỹ thuật để can thiệp sau khi chẩn đoán thai nhi mắc các bất thường. Một tỷ lệ không nhỏ các trường hợp thai bị bất thường bẩm sinh có thể phát triển bình thường nếu được can thiệp kịp thời.
Tùy từng loại bệnh lý mà các bác sĩ có các chỉ định can thiệp khác nhau. Có những trường hợp các can thiệp điều trị sẽ được thực hiện sau khi bé được sinh ra. Tuy nhiên, cũng có những bệnh lý không thể chờ đợi, cần can thiệp ngay trong giai đoạn bào thai, do thai nhi có thể tử vong ngay trong bụng mẹ hoặc bị những di chứng nặng nề, tàn phế sau sinh.
"Một sai sót nhỏ có thể xô đổ mọi thành quả"
Sửa chữa những khiếm khuyết khi thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ có gì đặc biệt và khó khăn hơn so với khi đứa bé đã chào đời, thưa bác sĩ?
Xin nhấn mạnh rằng, can thiệp bào thai là kỹ thuật phẫu thuật khó nhất trong sản khoa. Kỹ thuật này được thực hiện khi thai nhi ở giai đoạn rất nhỏ, từ 17 – 26 tuần. Do đó, can thiệp bào thai đòi hỏi những dụng cụ phẫu thuật hết sức tinh vi và độ chính xác rất cao. Các bác sĩ thực hiện can thiệp bào thai cũng cần có tay nghề rất chắc chắn, nắm bắt được kỹ thuật.
“Sai một ly, đi một dặm” có lẽ là câu thành ngữ rất đúng để mô tả về độ khó của kỹ thuật này. Ranh giới can thiệp rất mong manh, nên chỉ một sai sót nhỏ đã có thể xô đổ mọi thành quả. Mỗi ca mổ đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì của các bác sĩ. Chính vì vậy, phải mất nhiều giờ đồng hồ tập trung cao độ mới có thể hoàn thành một ca can thiệp bào thai.
Khó khăn tiếp theo chính là tính cấp cứu của kỹ thuật này rất cao. Một số bệnh lý chỉ cần chúng ta chần chừ thêm 1 đêm, thì thai nhi đã chuyển sang tình trạng xấu hơn rất nhiều. Có trường hợp truyền máu song thai, một thai nhi bị thai kia truyền quá nhiều máu dẫn đến phù và có thể tổn thương não nếu không được can thiệp kịp thời. Hoặc khi thai nhi bị tràn dịch màng phổi, đòi hỏi bác sĩ phải thực hiện đặt dẫn lưu ngay để đảm bảo cho phổi của thai nhi có thể phát triển và hoàn thiện.
Một điểm đặc biệt khác của can thiệp bào thai là kết thúc ca mổ không đồng nghĩa với việc thử thách đã khép lại. Giai đoạn chăm sóc hậu phẫu cũng đặc biệt quan trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tôi còn nhớ có không ít lần sau khi mổ xong, chưa kịp về đến nhà thì thai nhi diễn biến sang trạng thái khác phải can thiệp ngay. Cũng có những trường hợp đáng tiếc là sau khi can thiệp xong, sản phụ xuất hiện cơn co thắt đẩy thai nhi ra ngoài, cả ê kíp lại cần hội chẩn và đưa ra các điều trị kịp thời để giữ thai nhi trong tử cung người mẹ.
Như ông đã nói, can thiệp bào thai là kỹ thuật khó nhất trong sản khoa. Vậy đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện được bao nhiêu ca mổ loại này?
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện công đầu tiên của cả nước thực hiện can thiệp bào thai. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện được khoảng 50 ca mổ, chủ yếu là các trường hợp thai nhi mắc hội chứng truyền máu song thai và dải xơ buồng ối.
Thời gian gần đây, chúng tôi đang can thiệp thêm những ca bị hết ối. Trước đây, khi sản phụ bị hết ối thì thai nhi chắc chắn sẽ chết, phải bỏ thai. Tuy nhiên, nhờ có kỹ thuật can thiệp bào thai thì chúng ta có thể mang đến cơ hội sống cho trẻ.
Cuộc chạy đua cứu sản phụ và thai nhi
Vậy trong những những ca mổ này, trường hợp nào để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất?
Trường hợp đặc biệt nhất và cũng là thử thách lớn nhất với chúng tôi có lẽ là sản phụ T.V.A ở Phú Thọ, bị vỡ tử cung khi mang thai ở tuần thứ 25. Đây là một trường hợp hy hữu không chỉ ở Việt Nam, mà cả trên thế giới.
Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa tối cấp, có thể gây tử vong cho người mẹ. Có thể nói, thời điểm đó, cả ê-kíp đã phải bước vào một cuộc chạy đua thực sự để cứu lấy sản phụ và thai nhi.
Chúng tôi theo sát tình trạng của sản phụ 24/24h và giành giật từng chút một. Chúng tôi truyền ối, dùng các thuốc giảm cơn co tử cung. Cứ như vậy kéo dài hàng tháng trời để giữ cho đứa bé phát triển trong bụng từ 600g lên đến 1,5kg. Thời điểm này, đứa bé đủ trưởng thành để có thể nuôi được ở trong lồng ấp, mới tiến hành mổ lấy thai.
"Có những đứa trẻ là cơ hội duy nhất của một gia đình"
Mỗi một ca mổ can thiệp bào thai là một cuộc đua đầy khó khăn, vậy ắt hẳn cảm xúc mang lại khi “về đích” cũng sẽ rất đặc biệt?
Có những đứa trẻ là cơ hội duy nhất của một gia đình. Như những trường hợp vỡ tử cung thì gần như người vợ không thể có thai được nữa. Hoặc những người chữa vô sinh mãi đến khi lớn tuổi mới có con, thì đó cũng gần như là cơ hội cuối cùng.
Bảo vệ thành công cơ hội này, và thắp lại niềm hy vọng cho họ, đó là niềm vui đặc biệt của những bác sĩ sản khoa như chúng tôi.
Bên cạnh những thành công đã đạt được trong việc tiếp cận kỹ thuật can thiệp bào thai, liệu bác sĩ có còn những trăn trở?
Ở giai đoạn tiếp cận bước đầu này, vẫn còn nhiều kỹ thuật khó trong can thiệp bào thai mà chúng ta vẫn chưa làm chủ được. Như ở các nước tiên tiến, các bác sĩ đã có thể dùng kỹ thuật này để can thiệp vào não, phổi, tim, thận.
Chúng tôi chỉ là những người mở đường, còn để thực hiện những can thiệp sâu hơn, thì cần có cả sự phối hợp của những chuyên khoa khác.
Hàng năm, ở Việt Nam phải có đến hàng ngàn ca cần can thiệp bào thai. Nếu được phát hiện sớm, được can thiệp đúng thời điểm thì chúng ta có thể cứu rất nhiều trẻ em khỏi kết cục phải chết trong tử cung hoặc sinh ra không lành lặn.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Minh Nhật/ Dân trí
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đảm bảo khám chữa bệnh an toàn trong và sau mưa bão
Trước diễn biến phức tạp và mức độ rủi ro cao của bão số 3, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã chủ động triển khai đồng bộ các phương án ứng phó, vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh, vừa duy trì hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh và cấp cứu.

Bộ Y tế ban hành tài liệu hướng dẫn quốc gia về dịch vụ chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh
Bộ Y tế vừa ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh”. Theo Bộ Y tế, những giờ đầu đời của trẻ sơ sinh là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng từ môi trường trong tử cung sang môi trường ngoài tử cung. Khoảng 2/3 số ca tử vong sơ sinh xảy ra trong ba ngày đầu sau sinh, nhiều trường hợp có thể phòng ngừa được bằng các can thiệp đơn giản. Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm là một gói các can thiệp dựa trên bằng chứng được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nhằm cải thiện tử vong sơ sinh.

Bộ Y tế yêu cầu trực cấp cứu 24/24h trong bão số 3
Trước tình trạng cơn bão số 3 có thể ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam (dự báo từ đêm ngày 21/7), với vùng ảnh hưởng từ Quảng Ninh đến Nghệ An, Bộ Y tế vừa ban hành công điện chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị y tế trực thuộc khu vực miền Bắc, miền Trung chủ động triển khai công tác ứng phó.

Bộ Y tế phải hoàn thành kết nối dữ liệu bệnh viện với VNeID trước 31/8
Trong kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Ban Chỉ đạo Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, Bộ Y tế được giao một loạt nhiệm vụ trọng tâm cần hoàn thành trước ngày 31/8/2025, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong ngành y tế.

Bệnh viện Đa khoa Quan Hóa gặp nhiều khó khăn
Những năm qua, bệnh viện Đa khoa Quan Hóa đối mặt với rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực, ảnh hưởng đến chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Thanh Hoá: Vẫn thiếu bác sĩ tại các trạm y tế
Tỉnh Thanh Hóa hiện có 547 trạm y tế. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất, là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và kiểm soát bệnh tật. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trạm y tế đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và thiếu bác sĩ, khiến hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân bị hạn chế.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh nguyên liệu làm thuốc
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, thời gian gần đây, tình trạng kinh doanh, sản xuất một số loại sản phẩm liên quan đến sức khoẻ con người không đúng quy định của pháp luật đã được các cơ quan chức năng phát hiện. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh nguyên liệu làm thuốc trên địa bàn và chỉ đạo các cơ sở bán buôn nguyên liệu làm thuốc báo cáo, sử dụng nguyên liệu theo quy định pháp luật.

Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế với hộ cận nghèo ở các xã nghèo
Theo Nghị định 188/2025 vừa được Chính phủ ban hành, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các xã nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền.

Tiếp nhận 1.300 đơn vị máu tại ngày hội "Giọt hồng Xứ Thanh"
Sáng 18/7, tại Trung tâm hội nghị 25B, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thanh Hóa tổ chức Ngày hội hiến máu "Giọt hồng Xứ Thanh". Đây là một trong những hoạt động thuộc chương trình "Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt" lần thứ XIII được tổ chức tại Thanh Hóa.

Quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Chính phủ ban hành Nghị định số 207 ngày 15/7/2025 quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2025.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.