ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Những cống hiến của Hồ Chí Minh với tư cách là người sáng lập, tổ chức, chỉ đạo xây dựng và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam cũng như với tư cách một người trực tiếp viết báo trong gần nửa thế kỷ là rất to lớn. Di sản báo chí mà Người để lại cho đời sau là di sản của cách mạng Việt Nam, di sản của văn hóa Việt Nam.

19/06/2023 09:18

Nắm vững lý luận và thực tiễn cách mạng, vận dụng đúng thời cơ, ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu – Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra tờ báo Thanh niên – cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo Thanh niên ra đời đã mở ra một dòng báo chí mới ở nước ta: Báo chí cách mạng Việt Nam. Là đội quân đi đầu trong công tác chính trị - tư tưởng, với chức năng tuyên truyền, cổ động, tổ chức nhân dân đứng lên làm cách mạng vì độc lập, tự do, gắn liền độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, báo chí cách mạng đã trở thành một vũ khí cách mạng vô cùng lợi hại.

Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 1.

Tờ báo Thanh niên – cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên – tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu – Trung Quốc - Ảnh tư liệuba

Tiếp bước báo Thanh niên , nhiều tờ báo cách mạng khác ra đời và hoạt động theo cùng một chí hướng. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thành đã lập được danh mục (chưa đầy đủ) báo chí cách mạng Việt Nam ra đời từ sau tờ Thanh niên đến tháng 8/1945, gồm 256 tên báo. Đặc biệt nở rộ là thời kỳ sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2/1930) đến tháng 5/1936 (121 tên báo). Ngay trong những năm tháng khó khăn nhất sau khi bùng nổ Chiến tranh thế giới thứ hai, là thời kỳ thực dân Pháp nhân cơ hội xiết chặt hơn nữa guồng máy đàn áp ở Đông Dương, cho đến tháng 8/1945, vẫn có 55 báo và tạp chí cách mạng ra đời. Trong số đó có những tờ báo do các nhà lãnh đạo của Đảng trực tiếp phụ trách, đã có tác động rất mạnh mẽ đến phong trào thời tiền khởi nghĩa, như Việt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942), Cờ giải phóng (1942).

Cách mạng Tháng Tám thành công, các báo Cứu quốc, Cờ giải phóng… tiếp tục xuất bản ở thủ đô Hà Nội với thể tài phong phú, hình thức đẹp và địa bàn phát hành rộng rãi hơn. Nhiều tên báo mới ra đời ở Thủ đô và một số thành phố lớn. Chỉ năm ngày sau Lễ Tuyên ngôn độc lập (2/9/1945), theo quyết định của Trung ương và sự chỉ đạo trực tiếp của Bác Hồ, Đài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945) và ít ngày sau đó là Việt Nam thông tấn xã thành lập (15/9/1945), với quy mô và nhiệm vụ của những cơ quan thông tin đại chúng quốc gia.

Trên lãnh thổ Việt Nam "sự thật đã thành một nước tự do, độc lập", báo chí cách mạng xuất bản công khai, hợp pháp, được nhân dân cả nước nồng nhiệt chờ đón, tác động sâu sắc và có ảnh hưởng ngày càng lớn đối với công luận. Báo chí cách mạng do báo Thanh niên mở đường, dần dần tiến lên trở thành dòng chủ lưu trong nền báo chí nước nhà.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, báo chí cách mạng có bị thu hẹp ở Trung ương song ngược lại, được mở rộng trên nhiều địa bàn trong cả nước. Ngoài những báo chí là cơ quan Trung ương xuất bản và lưu hành chủ yếu ở Việt Bắc, các liên khu III, IV, V, Đông Bắc, các khu tả ngạn sông Hồng, vùng cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đều có báo chí. Một số nơi như Nam Trung Bộ và Nam Bộ thành lập được đài phát thanh. Năm 1950, Hội Nhà báo Việt Nam ra đời ở Việt Bắc. Có được những thành quả ấy là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong những ngày kháng chiến gian khổ cũng như trong xây dựng hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo, xây dựng báo chí, đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm báo. Người khen ngợi, biểu dương những nhà báo có việc làm tốt, có tác phẩm hay cũng như phê bình, uốn nắn những thiếu sót, bất cập của báo chí. Người luôn tự nhận mình là người "có duyên nợ đối với báo chí" . Hai kỳ Đại hội toàn quốc của Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành năm 1959 và 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều đến thăm và có những lời chỉ bảo sâu sắc, ân cần.

Hồ Chí Minh - Người hoạt động báo chí suốt đời không mệt mỏi

Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 2.

Bất kỳ hoạt động ở đâu, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến báo chí - Ảnh tư liệu

Là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm xây dựng, chỉ đạo báo chí, dành cho báo chí nhiều ưu ái, Người còn trực tiếp viết báo. Hồ Chí Minh là người hoạt động báo chí suốt đời không mệt mỏi . Ngay cả trong thời gian giữ trọng trách lãnh đạo đất nước, nhiệm vụ nặng nề và thời gian eo hẹp, Bác Hồ vẫn viết báo đều đặn. Riêng báo Nhân dân , từ khi báo này ra số đầu tiên (năm 1951) cho đến khi Người đi xa (năm 1969), đã đăng khoảng 1.200 bài báo của Bác, trung bình mỗi năm, Người viết 60-70 bài. Trong nửa thế kỷ, tính từ ngày đăng bài báo đầu tiên cho đến khi qua đời, Bác Hồ đã viết không dưới 2.000 bài báo.

Các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài, khi nhìn lại sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhất trí: "Sau chiến tranh thế giới, Nguyễn Ái Quốc là nhà báo viết nhiều nhất tố cáo chế độ thực dân, bênh vực mạnh nhất quyền của các dân tộc bị áp bức giành lại nhân phẩm và tự do, hoạt động, tổ chức nhiều nhất để tập hợp, ở Paris, ở Quảng Châu, các dân tộc Á – Phi vừa mới bị (Tổng thống Mỹ) Wilson và bè lũ lừa gạt một lần nữa ở Versailles [1] . "Người là nhà báo với ý nghĩa chân chính nhất của nghề báo. Không chú ý đến tên tuổi và sự nghiệp riêng, mà chỉ quan tâm tới đích thiêng liêng và đem ngòi bút phục vụ cách mạng" [2] . "Nguyễn Ái Quốc là nhà báo Việt Nam có sự đào luyện công phu nhất, và thực tế là có thành tích cao nhất trong nghề báo chí Việt Nam. Một nhà báo quốc tế viết tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc. Một nhà báo mà những bài viết ra mẫu mực về ngôn ngữ, hùng hồn về lý luận và thức tỉnh lòng người về kết quả. Một nhà báo mà những bài viết ra thu hút sự chú ý của mọi người, bao giờ cũng mới, bao giờ cũng sát với nhu cầu trước mắt và hấp dẫn người xem" [3] . "Ngày nay đọc lại những bài của ông (đăng trên báo Pháp) vẫn thấy vô cùng hứng thú… Văn phong của Nguyễn là văn phong của một nhà luận chiến tài ba" [4] , v.v…

Tư duy báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ nhận thức sâu sắc về vai trò của báo chí trong sự nghiệp đấu tranh cải tạo và xây dựng xã hội , mà trọng tâm đối với nhân dân Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX là đập tan xiềng xích áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do cho đất nước. Vì vậy, bất kỳ hoạt động ở đâu, Người đều quan tâm trước hết việc sáng lập báo chí và tự mình trực tiếp tham gia công việc báo chí. Sau khi đến Pháp được vài năm, Người đã là cộng tác viên của một số tờ báo lớn như L'Humanité (Nhân Đạo), LaVie Ouvrìere (Đời sống Thợ thuyền), Le Populaire (Người Bình dân)… Người tham gia sáng lập báo Le Paria và chuẩn bị cho ra mắt Việt Nam hồn . Sang Nga, Người viết cho báo chí Xô viết và báo chí của Quốc tế Cộng sản. Về Trung Quốc, Người cộng tác với báo Cứu vong Nhật báo (tiếng Trung Quốc), Canton Gazette (Báo Quảng Châu – tiếng Anh), Hãng Thông tấn Liên Xô Rosto và sáng lập báo Thanh niên . Đến Thái Lan, Người cho ra mắt kiều bào các tờ Thân Ái, Đồng Thanh . Trở về với đất nước, Người xuất bản báo Việt Nam Độc lập … Vừa giành lại được độc lập, Người cho thành lập Đài phát thanh quốc gia và Hãng thông tấn quốc gia…

Tư duy báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất quán với quan điểm của Người về văn hóa: Văn hóa là một mặt trận, một mặt trận cơ bản của xã hội . Người chỉ rõ trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có bốn vấn đề cần phải chú ý đến, phải coi là quan trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hóa, vừa là một phương tiện thể hiện văn hóa và thực thi chính sách văn hóa. Báo chí là đội quân đi đầu trong công tác tư tưởng văn hóa. Nhà báo là chiến sĩ. Cây bút, trang giấy là vũ khí. Bài báo là tờ hịch cách mạng . Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, báo chí cách mạng đều giữ nguyên vẹn vai trò và vị trí xung kích của nó. Xã hội phát triển, khoa học và công nghệ càng cao thì vai trò báo chí càng tiếp tục tăng lên chứ không hề suy giảm.

Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng . Đó là cốt lõi, là vấn đề cần quan tâm trước hết. Trong thư gửi lớp học viết báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng (1948), Người chỉ rõ: "Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng tới mục đích chung. Mục đích là kháng chiến và kiến quốc".

Bác Hồ nhắc nhở những người làm báo phải luôn tâm niệm điều trên. Nói chuyện tại Đại hội toàn quốc lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Người đi thẳng vào vấn đề chính yếu: "Chúng ta hãy đặt câu hỏi: Báo chí phục vụ ai?" [5] . Và Người trả lời luôn: "Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hòa bình thế giới" [6] . Đến Đại hội tiếp sau của Hội, Bác Hồ một lần nữa lại nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng" .

Hồ Chí Minh luôn đấu tranh cho tự do báo chí

Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 3.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và đồng chí Trường Chinh chụp ảnh lưu niệm với nhóm phóng viên thông tấn, báo chí phục vụ Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960) - Ảnh tư liệu

Người coi tự do báo chí là quyền cơ bản của dân tộc, của con người. Từ những bài báo đầu tiên viết bằng tiếng Pháp, Người đã kiên trì đấu tranh đòi quyền tự do báo chí, đòi chủ nghĩa thực dân bỏ lệ kiểm duyệt, đòi các nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam phải thi hành đúng Luật báo chí đã được Nghị viện Pháp thông qua năm 1881, để người Việt Nam được đứng tên xuất bản báo chí.

Người quả quyết: "Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi và cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý " [7] . Trong tư duy báo chí của Bác Hồ, quyền tự do báo chí không chỉ là quyền của những người làm báo hay của những người có ý định làm báo, mà báo chí phải là một kênh quan trọng, một diễn đàn mở ra cho mọi người thực hiện quyền tự do tư tưởng, cùng nhau tìm ra chân lý để phục tùng chân lý. Tư duy báo chí của Hồ Chí Minh ngày nay được pháp điển hóa trong Luật Báo chí bằng cụm từ báo chí là diễn đàn của nhân dân.

Hồ Chí Minh luôn nêu cao vai trò và sức mạnh của báo chí trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… của đất nước. Báo chí là phương tiện, là vũ khí của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, dân chủ, công bằng, văn minh. Báo chí nếu làm tốt, được nhân dân chấp nhận, thì có thể có uy quyền và sức mạnh lớn. Nhưng đó là quyền lực do nhân dân ủy thác, đó là quyền lực của nhân dân. Hồ Chí Minh coi trọng và đề cao vai trò của báo chí. Người cho rằng "làm báo là quan trọng và vẻ vang", "nhà báo là chiến sĩ", nhưng Người thường nhấn mạnh nhiều hơn đến trách nhiệm của báo chí.

Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 4.

PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương

Để thể hiện đầy đủ sức mạnh của mình, báo chí phải có tính chiến đấu cao, có tính khuynh hướng rõ rệt, luôn luôn hướng về mục tiêu kiên định – mục tiêu ấy cũng chính là cái đích mà sự nghiệp cách mạng của nhân dân đang hướng tới. Do bản chất và chức năng của nó, báo chí cách mạng luôn luôn giữ vị trí tiên phong, giương cao ngọn cờ đi trước mở đường trong việc truyền bá những tư tưởng và tri thức tiến bộ. Bài báo là tờ hịch cách mạng để tuyên truyền, động viên, tổ chức quần chúng đấu tranh; phải phát huy sức sáng tạo của quần chúng, phát hiện, biểu dương, giới thiệu những gương tốt để mọi người noi theo; đồng thời chỉ ra và phê phán để khắc phục, ngăn ngừa những cái xấu.

Một vấn đề được Hồ Chí Minh quan tâm là mục đích và đối tượng của báo chí. Người nói với học viên lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng về đối tượng của tờ báo phải là đại đa số dân chúng. Một từ báo không được đại đa số ham chuộng thì không xứng đáng là một tờ báo. Thăm Đại hội nhà báo (năm 1959), Người căn dặn: "Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân… cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu " [8] : người làm báo chớ nên nghĩ đến chuyện "viết bài cho oai", viết "để lưu danh thiên cổ". Tại Đại hội tiếp sau của Hội nhà báo (1962), Người lại ân cần dặn: "Mỗi khi viết một bài báo, tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì?".

Đạo đức báo chí, trong tư duy báo chí của Hồ Chí Minh, thể hiện trước hết ở tinh thần nhà báo là chiến sĩ. Người làm báo phải tự coi mình là chiến sĩ cách mạng, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp của nhân dân, vì độc lập, tự do cho chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: "Những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì mọi việc khác mới đúng được". [9]

Để làm tốt vai trò chiến sĩ của mình, người làm báo phải đấu tranh khắc phục chủ nghĩa cá nhân. Phải quan niệm "viết cũng như mọi việc khác"; làm báo là làm công tác cách mạng chứ không phải là việc gì ghê gớm lắm; viết báo không nhằm mục đích lưu danh mình lại nghìn đời về sau.

Đạo đức báo chí đòi hỏi người làm báo phải "gần gũi quần chúng", "đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động" để viết cho thiết thực; khắc phục thói ba hoa, hình thức, bệnh sính dùng chữ nước ngoài. Nhà báo phải trung thực. Bác Hồ luôn đòi hỏi các nhà báo phải coi trọng tính chân thực của tác phẩm. Người nhiều lần nhắc nhở các nhà báo có dịp đi theo phục vụ công tác của Người phải "thận trọng" đến từng chi tiết, từng số liệu trích dẫn trong bài. Phải giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ Việt Nam, "thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc".

Đặc biệt nhà báo phải "luôn luôn cố gắng học hỏi, luôn luôn cần tiến bộ", "phải học tập không ngừng và phải luôn luôn khiêm tốn". Nhà báo "phải có chí, chớ giấu dốt", "không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học, thì nhất định học được" . Đồng thời "phải có ý chí tự cường, tự lập, gặp khó khăn thì phải đánh thắng khó khăn, chứ không chịu thua khó khăn; phải vượt khó khăn, làm tròn nhiệm vụ" . Đó là con đường đúng đắn nhất để nhà báo "nâng cao trình độ văn hóa, đi sâu vào nghiệp vụ", không ngừng tích lũy kiến thức và vốn sống, tạo nền tảng và tư chất văn hóa sâu rộng cho nghề báo, làm cho nhà báo đồng thời là nhà văn hóa, thật sự là nhà văn hóa.

Hồ Chí Minh - Nhà báo, nhà văn hóa lớn

Những cống hiến vô giá của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam - Ảnh 5.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam (8/9/1962) - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Hồ Chí Minh thực hiện các tác phẩm báo chí cũng như văn học của mình một cách xuất sắc. Người tạo được phong cách riêng – phong cách Hồ Chí Minh, ổn định mà biến hóa với những sắc thái văn chương, những nghệ thuật tu từ và kỹ năng nghề nghiệp hết sức đa dạng, luôn luôn thay đổi phù hợp với bối cảnh, chủ đề tác phẩm và đối tượng người đọc mà tác giả luôn hướng tới. Dường như mỗi lần cầm bút, Người đều nhìn rõ người đọc hiển hiện trước mắt mình – không phải là "độc giả" chung chung như một khái niệm trừu tượng – mà là người đọc cụ thể, những con người bằng xương bằng thịt… Bác Hồ viết cho những người đó. Người trò chuyện với những con người ấy. Người cố viết sao cho những con người cụ thể ấy thấm thía những ý mà Người định diễn tả và thông cảm với tình cảm mãnh liệt của Người.

Chúng ta đều biết, trong kháng chiến chống Pháp và cả sau khi đã về thủ đô Hà Nội, mỗi lần viết xong một bài báo, Bác Hồ thường mang ra đọc cho một vài đồng chí phục vụ gần gũi Người nghe trước. Phần lớn họ là những người lao động bình thường, học vấn không cao. Chỗ nào họ cảm thấy khó hiểu, sửa lại ngay. Thế nhưng những bài chính luận, những tiểu phẩm Người viết bằng tiếng nước ngoài cho những tờ báo lớn lại là những tác phẩm mẫu mực cả về nội dung và ngôn ngữ, cho đến nay vẫn làm kinh ngạc nhiều nhà văn, nhà báo lỗi lạc.

Nhận xét khái quát văn phong của Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh viết: "Cách nói và cách viết của Hồ Chủ tịch có những nét rất độc đáo: nội dung khẳng khái, thấm thía, đi sâu vào tình cảm con người, chinh phục cả trái tim và khối óc của người ta; hình ảnh sinh động, giản dị, dễ hiểu, giàu tính dân tộc và tính nhân dân".

Là một người viết báo, viết văn từng trải, Hồ Chí Minh mỗi lần cầm bút, luôn ý thức mình viết cho ai. Trước khi viết, Người luôn cân nhắc từng lời, từng chữ, từng dấu chấm câu. Người nói với các nhà báo: "Địch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí nước ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết".

Hồ Chí Minh luôn khuyên các nhà báo "báo chí phải có tính quần chúng", phải "viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc" . Song, những lời dạy bảo đó tuyệt nhiên không nên được hiểu là Bác Hồ chấp nhận sự giản lược về nội dung hay dung thứ xu hướng dung tục, dễ dãi trong hình thức. Người dạy các nhà báo: "Phải viết cho văn chương… Người đọc thấy hay, thấy văn chương thì mới đọc" .

Nhìn về mọi mặt, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động báo chí mẫu mực. Người không chỉ có công sáng lập và chỉ đạo xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam mà còn là một nhà báo trực tiếp cầm bút tài năng xuất chúng, để lại cho đời sau một khối lượng tác phẩm đồ sộ và đa dạng. Hồ Chí Minh là một nhà báo mẫu mực, một tấm gương sáng, trở thành niềm tự hào của nền báo chí Việt Nam ngày nay và mãi mãi mai sau.

PGS.TS Đào Duy Quát

Nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương


[1] Bùi Đức Tinh: Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết thơ mới, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1992

[2] Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam 1925-1945, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994

[3] Hồng Chương: Tìm hiểu lịch sử báo chí Việt Nam, Nxb. Sách giáo khoa Mác – Lênin, Hà Nội, 1987

[4] Vương Hồng Sến: Sài Gòn năm xưa, Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1968

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.12, tr.166

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.12, tr.166

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.10, tr.378

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.12, tr.167

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t.12, tr.166

https://baochinhphu.vn/nhung-cong-hien-vo-gia-cua-lanh-tu-nguyen-ai-quoc-ho-chi-minh-voi-bao-chi-cach-mang-viet-nam-102230619084505028.htm

Nguồn: baochinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng chúc Tết các nhà giáo, huấn luyện viên, vận động viên tiêu biểu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng chúc Tết các nhà giáo, huấn luyện viên, vận động viên tiêu biểu

19:54 , 22/01/2025

Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025,ngày 22/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng và đoàn công tác đã thăm, chúc Tết các nhà giáo, huấn luyện viên, vận động viên tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa.

Dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Lê Lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các anh hùng liệt sĩ

Dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Lê Lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các anh hùng liệt sĩ

19:48 , 22/01/2025

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chuẩn bị đón tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng ngày 22/1, đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn, đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Lê Lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các Mẹ Việt Nam anh hùng và các Anh hùng liệt sỹ.

Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm

Quyết liệt chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm

18:05 , 22/01/2025

Vào thời điểm này, tội phạm buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ gia tăng, với nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi. Để bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán, Công an tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt ra quân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần bình ổn thị trường hàng hoá, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng vui xuân, đón Tết an toàn.

Vựa cá chép đỏ Thanh Hóa nhộn nhịp trong dịp Tết Ông Công Ông Táo

Vựa cá chép đỏ Thanh Hóa nhộn nhịp trong dịp Tết Ông Công Ông Táo

18:04 , 22/01/2025

Hàng năm, cứ vào dịp 23 tháng Chạp, các khu phố Tân Cổ, Bái Trúc, Tân Hậu, thuộc thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa lại nhộn nhịp cảnh mua bán cá chép - loại cá được dân gian quan niệm là "phương tiện" để ông Công, ông Táo chầu trời.

"Tết sum vầy - xuân ơn Đảng" ở thành phố Sầm Sơn

"Tết sum vầy - xuân ơn Đảng" ở thành phố Sầm Sơn

18:02 , 22/01/2025

Chiều ngày 21/1, Liên đoàn Lao động thành phố Sầm Sơn đã tổ chức chương trình "Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng" năm 2025 và công bố Quyết định thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá xã Đại Hùng, thành phố Sầm Sơn.

Vĩnh Lộc tổ chức Lễ thượng nêu và trao giải Cuộc thi video ảnh "Rực rỡ cố đô"

Vĩnh Lộc tổ chức Lễ thượng nêu và trao giải Cuộc thi video ảnh "Rực rỡ cố đô"

16:49 , 22/01/2025

Chiều ngày 21/1, tại Trung tâm Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc đã diễn ra lễ thượng nêu - thả cá ông Công và trao giải Cuộc thi video ảnh mùa hè Di sản Thành Nhà Hồ với chủ đề: "Rực rỡ cố đô".

Trao quà và kinh phí đỡ đầu cho trẻ mồ côi khó khăn huyện Ngọc Lặc

Trao quà và kinh phí đỡ đầu cho trẻ mồ côi khó khăn huyện Ngọc Lặc

16:10 , 22/01/2025

Nhân dịp đón Xuân Ất Tỵ, chiều ngày 21/1, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phối hợp với Công ty Cổ phần Dạ Lan tổ chức chương trình "Tết sum vầy - kết nối yêu thương" cho trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Ngọc Lặc.

Trao 85 suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Bá Thước

Trao 85 suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Bá Thước

15:28 , 22/01/2025

Hội Chữ thập đỏ tỉnh vừa phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Bá Thước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tổ chức Chương trình "Tết Nhân ái", trao 85 suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Cốc, xã Thiết Ống và thị trấn Cành Nàng.

Thạch Thành: Bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Thạch Thành: Bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

14:05 , 22/01/2025

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Thạch Thành vừa phối hợp với xã Thành Trực tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở.

Chuyển đổi số có thể giúp du lịch Việt Nam tăng trưởng hai chữ số

Chuyển đổi số có thể giúp du lịch Việt Nam tăng trưởng hai chữ số

11:05 , 22/01/2025

Dựa trên tài nguyên, con người và văn hóa Việt Nam kết hợp với chuyển đổi số, ngành du lịch hoàn toàn đủ khả năng đạt tăng trưởng hai chữ số trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.