tin ảnh

Những người nặng lòng với sắc màu thổ cẩm

Trước kia, trong các ngôi nhà sàn của người Thái, người Mường luôn có những khung cửi ngày đêm lách cách thoi đưa. Âm thanh ấy từng bị mai một trong xã hội hiện đại và được hồi sinh bởi những người phụ nữ tài hoa, nặng lòng với nét đẹp truyền thống dân tộc. Mỗi tấm thổ cẩm đa dạng màu sắc, hoa văn, toát lên vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng… Là biểu tượng nét đẹp tâm hồn, nhân cách của người tạo ra nó. Đó là tình yêu lao động, nết chịu thương chịu khó của những phụ nữ dân tộc thiểu số vùng cao.

Bá Phượng – Xuân Quang – Văn Tráng

31/07/2023 16:13

Dù đã bước vào tuổi "xế chiều", thế nhưng, đôi tay của bà Lò Thị Dân vẫn còn linh hoạt, thoăn thoắt xe những sợi chỉ màu lên khung cửi… Ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, bà Dân được xem như là "thầy", là "người truyền lửa", truyền nghề dệt vải thổ cẩm cho con cháu. Những tấm vải thổ cẩm là thước đo độ tài hoa, lành nghề của mỗi nghệ nhân. Chúng phải vuông vức, vừa cân đối về màu sắc, vừa hài hòa về bố cục hoa văn, bền đẹp với thời gian. Tài năng và kinh nghiệm của bà Dân được hun đúc qua hàng chục năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Những người nặng lòng với sắc màu thổ cẩm - Ảnh 2.

Bà Lò Thị Dân, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, Thanh Hoá bên khung dệt thổ cẩm.

Bà Lò Thị Dân, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, Thanh Hoá cho biết: "Từ 14 tuổi trở lên là trẻ em gái có thể học thêu dệt. Truyền thống của dân tộc Thái là việc hiếu, việc hỉ đều phải dùng đến các đồ dùng có vải thổ cẩm. Trước đây, chỉ làm ra để phục vụ gia đình, bây giờ, có chợ Phố Đoàn chúng tôi mang xuống đó bán. Con cháu về chỗ tôi lấy đi bán. Các cháu cũng chăm học lắm. Khi huyện Bá Thước xây dựng các khu du lịch thì chúng tôi hầu như không phải đem đi bán mà khách hàng đến tận nhà tham quan và mua. Đến nay, chúng tôi rất vui vì sản phẩm bán rất tốt, có tiền chi tiêu trong gia đình.

Bà Lò Thị Dân là một trong số ít những phụ nữ trung niên và cao tuổi còn nắm rõ quy trình thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái. Trước đây, nghề thêu, dệt thổ cẩm của bản Thái không có bất cứ một lớp học bài bản, chuyên nghiệp nào mà chỉ nhờ các bà, các mẹ truyền dạy cho lớp trẻ. Theo cách này, nghề dệt thổ cẩm được duy trì từ đời này sang đời khác nhưng vẫn giữ được nét tinh tế, mộc mạc và hồn cốt của nó. Để dệt được những tấm vải thổ cẩm hoàn mỹ, đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn. Sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm truyền thống được làm hết sức tỉ mỉ, thủ công với những công cụ thô sơ, phù hợp với đức tính kiên trì, nhẫn nại phụ nữ.  Do đó, trong quan niệm dân gian của người Thái, người phụ nữ được nhìn nhận, đánh giá phẩm chất của qua sản phẩm thổ cẩm mà họ thêu dệt, còn với đàn ông thì qua sản phẩm đan lát.

Những người nặng lòng với sắc màu thổ cẩm - Ảnh 3.

Bà Lò Thị Dân, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, Thanh Hoá cho biết: "Trước kia, chúng tôi chỉ làm các sản phẩm mẫu truyền thống, bây giờ có thêm nhiều mẫu mã mới. Có khi, chúng tôi tự thiết kế các mẫu, hoa văn mới để đa dạng hoá sản phẩm. Tuy nhiên, những hoa văn, màu sắc, đồ hoạ truyền thống như: con chim, con rồng, con hổ, ngôi nhà… vẫn là phổ biến. Chính vì vậy, khách hàng họ thích lắm. Thấy được ý nghĩa và giá trị của thổ cẩm truyền thống mà con cháu theo tôi học ngày càng đông. Ở bản này, hầu như nhà nào cũng đã khôi phục được khung dệt; phụ nữ, trẻ em gái bắt đầu quay lại với nghề dệt"

Cũng xuất phát từ niềm đam mê và tự hào về truyền thống của dân tộc mình, chị Hà Thị Khoanh ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước đã quyết tâm kế tục, tiếp thu và phát triển nghề dệt thổ cẩm. Cũng giống như các trẻ em gái ở những bản Thái khác, từ nhỏ, chị Khoanh đã biết đến nghề thêu dệt thổ cẩm. Tuy nhiên, khi lớn lên, cuộc sống có nhiều đổi thay, vải công nghiệp và sản phẩm thời trang may sẵn mang đến sự tiện dụng, đã xâm lấn sản phẩm thổ cẩm. Chị Khoanh không còn môi trường để học tập và hoàn thiện kỹ năng thêu dệt như thế hệ bà, mẹ của mình. May mắn thay, mấy năm trở lại đây, nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cũng như khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, sản phẩm thổ cẩm dần khẳng định lại vị trí của mình. Không chỉ phục vụ đời sống, thổ cẩm còn trở thành sản phẩm thương mại. Bởi vậy, chị Khoanh có cơ hội quay trở lại với nghề truyền thống của dân tộc mình.

Chị Hà Thị Khoanh, thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, Thanh Hoá chia sẻ: "Lúc đầu học thêu dệt cũng khó. Sau học theo mẹ, theo bà cũng dần thành thạo. Tôi học từ lúc 14 tuổi, nay đã 38 tuổi rồi. Khâu khó nhất trong việc dệt là lúc lên khuôn thêu hoa văn lên vải. Việc se sợi như thế này thì chỉ cần nhìn mẹ, các chị, các bà làm là mình làm theo thôi. Nói là khó thì cũng không khó, dễ thì cũng không phải dễ, nếu ai chăm chú học, đam mê thì sẽ học được rất nhanh".

Đặc điểm của nghề thêu, dệt vải thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái là bà con tự làm tất cả, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, dệt vải, nhuộm màu, nhuộm chỉ, thêu may thành sản phẩm cuối cùng. Đây là một quy trình khép kín, cho thấy tập quán tự cung, tự cấp của đồng bào Thái. Cho nên, những năm trước đây, ở vùng cao Thanh Hoá, nghề trồng dâu, nuôi tằm khá phổ biến. Bà con cũng tự sáng tạo cách nhuộm màu rất tự nhiên cho vải thổ cẩm từ các loài cây rừng, qua tài năng pha trộn của người phụ nữ Thái mà tạo nên những màu sắc độc đáo khác nhau. Những tấm vải dệt lên có thể may thành váy, áo, khăn piêu, túi xách, chiếc gối xinh xắn, tấm chăn ấm áp, tấm nệm êm ái…

Những người nặng lòng với sắc màu thổ cẩm - Ảnh 5.

Hoa văn trên vải thổ cẩm thường theo mô tip tượng trưng, cách điệu từ các sự vật, hiện tượng trong thiên nhiên và đời sống sinh hoạt thường ngày như: bông hoa, chiếc lá, mặt trời, những loài vật như chim, bướm, hươu, nai, rồng, hổ… Những hoa văn, họa tiết này được kết hợp một cách khéo léo, cân đối và mang đặc trưng tính cách, tư duy thẩm mỹ và tài nghệ của từng người tạo ra nó. Hoa văn trên thổ cẩm diễn tả những tình cảm, suy nghĩ của con người về cuộc sống xã hội và tự nhiên, có thể thoải mái sáng tạo chứ không sao chép nguyên mẫu. Các họa tiết trên thổ cẩm Thái thường đối xứng với nhau, phản ánh quan niệm về sự cân đối, hòa hợp của thiên nhiên và cuộc sống, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật… Có tới hơn 30 loại hoa văn, họa tiết được thể hiện sống động trên thổ cẩm, phù hợp với các loại sản phẩm khác nhau.  

Ngắm nhìn từng sản phẩm thổ cẩm truyền thống, chúng ta mới thấy được sự tài hoa của những người phụ nữ vùng cao. Họ miệt mài dệt nên những sắc màu mang đặc trưng hồn cốt của dân tộc mình. Những người nỗ lực rèn luyện để trở nên "lành nghề" như chị Khoanh, bà Dân thực sự rất đáng trân trọng. Bởi lẽ, từ lúc trồng dâu nuôi tằm để chuốt từng sợi tơ, nhuộm màu đến khi dệt, thêu để hình thành một sản phẩm, phải trải qua rất nhiều công đoạn, mất nhiều công sức và thời gian. Có lẽ vậy, mà người Thái có câu "Úp bàn tay thành hình muôn sắc. Ngửa bàn tay thành hoa muôn màu"; hay "Em se sợi thành vóc hoa dâu/ Em dệt cửi thành gấm vân chéo/ Em dệt tơ thành đóa hoa vàng/ Người các bản, các phường muốn khóc/ Đều ước ao được em thêu khăn"Đó là những lời miêu tả và tôn vinh những người phụ nữ đang ngày đêm làm đẹp cho đời bằng những tấm vải thổ cẩm.

Những người nặng lòng với sắc màu thổ cẩm - Ảnh 6.

Với suy nghĩ gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống của cha ông và tạo ra việc làm, thu nhập cho bản thân và chị em phụ nữ quê mình, bà Hà Thị Dung, ở phố Đoàn, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước đã kết nối với chị em phụ nữ thôn Lặn Ngoài để khôi phục nghề dệt thổ cẩm; nhờ đó mà tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Bà Dung cũng mở một xưởng sản xuất với hơn 40 khung dệt, thêu may các sản phẩm từ vải thổ cẩm. Hiện nay, xưởng dệt của bà đang làm ra khoảng 20 loại sản phẩm thủ công như: chăn, gối, nệm ngồi, đệm nằm, túi xách và trang phục của các dân tộc Thái, Mường, Khơ Mú, Thổ. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh miền núi phía Bắc. Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, sản phẩm của bà Dung thu hút được rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm. Có nhiều thời điểm trong năm, đặc biệt là mùa du lịch, cơ sở sản xuất thổ cẩm của bà Hà Thị Dung còn không đủ hàng để bán.

Những người nặng lòng với sắc màu thổ cẩm - Ảnh 7.

Bà Hà Thị Bàng, thôn Báng, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá chia sẻ: "Tôi đến đây tìm mua bộ váy áo truyền thống của dân tộc Thái. Nói chung, ở đây, sản phẩm màu sắc, hoa văn rất đẹp. Tôi rất thích và sẽ quay lại mua nữa".

Bà Hà Thị Dung, Phố Đoàn, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Nghề dệt thổ cẩm này trước đây sắp mai một, nhiều người không còn biết đến thổ cẩm nữa điều đó làm cho tôi rất trăn trở. Thứ nhất, từ nghề dệt truyền thống này tôi mong muốn có thể đem thu nhập cho bà con, đặc biệt là chị em phụ nữ nghèo. Thứ hai, tôi muốn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc".

Giờ đây, trên các bản làng vùng cao xứ Thanh đã và đang có hàng trăm phụ nữ vẫn ngày đêm cần mẫn làm nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Họ đều có mong muốn chung là gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình trong đời sống hiện đại. Họ chính là những người góp phần tích cực nhất trong việc  bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nguồn: Chuyên mục Sắc màu văn hóa các dân tộc xứ Thanh, 7/2023

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận