Phải xác định được quyết tâm và trách nhiệm chính trị rất cao trong thực hiện chính sách dân tộc
(Chinhphu.vn) - Đối với chính sách, công tác dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu: "Chúng ta cần phải xác định quyết tâm và trách nhiệm chính trị rất cao. Đường lối, cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) là rất nhiều, nguồn lực đầu tư cũng rất lớn và nhiều mà chúng ta không làm gì được cho bà con là một sự thiếu sót; tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm của chúng ta phải cao hơn nữa, phải thấy được sự nghèo khổ, lạc hậu của đồng bào là nỗi đau của chúng ta. Chúng ta không chuyên tâm, không hết mình thì trách nhiệm của chúng ta là không đầy đủ".

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Sáng nay (30/12), Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 53 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Vùng đồng bào DTTS và MN có nhiều chuyển biến
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc có vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc của nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời từng nhấn mạnh: "Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội". Lời dạy của Bác luôn luôn là kim chỉ nam để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước từ trước đến nay và là động lực mạnh mẽ của tiến trình phát triển đất nước, đặc biệt là phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.
Vui mừng nhận thấy vùng đồng bào DTTS và MN không ngừng có những chuyển biến tích cực về kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng-an ninh, đời sống đồng bào ngày càng được nâng lên..., Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định: "Bức tranh chung vùng đồng bào DTTS và MN có nhiều chuyển biến, sáng sủa hẳn lên; bà con tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương sáng vươn lên trong làm ăn kinh tế từ tiềm năng, thế mạnh của địa phương; nhiều chủ trương, quyết sách đối với vùng được triển khai quyết liệt và mang lại hiệu quả thiết thực".
Những điểm sáng nổi bật có thể kể đến là, tăng trưởng kinh tế của vùng năm 2024 cao hơn bình quân chung của cả nước, ví dụ vùng Tây Bắc đạt khoảng 8%; Tây Nguyên đạt khoảng 7,5%; Tây Nam Bộ đạt khoảng hơn 7%... Trong điều kiện tự nhiên khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt; điểm xuất phát thấp..., mức tăng trưởng như vậy là rất đáng mừng, tạo đà và nền tảng cho những bứt phá, phát triển tiếp theo trong thời gian tới và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Trong phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN, ngày càng xuất hiệu nhiều mô hình phát triển tích cực, trong đó có hơn 340 mô hình hỗ trợ phát triển theo chuỗi; hơn 2.000 mô hình hỗ trợ phát triển cộng đồng; miền núi đang ngày càng trở nên hấp dẫn các nhà đầu tư, du khách, người dân địa phương có nguồn thu rất lớn từ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

Sáng 30/12, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Bên cạnh đó, các công trình thiết yếu vùng đồng bào DTTS và MN được hoàn thiện, hiện 99,3% đường giao thông đến cấp xã; 92% trường lớp học được kiên cố hóa; tỉ lệ người dân được tiếp cận và sử dụng nước sạch lớn; 99% số hộ dân tộc miền núi được sử dụng điện lưới quốc gia; giáo dục và đào tạo có bước tiến lớn; giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào tiếp tục được phát huy; công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân tộc và miền núi cũng còn những tồn tại, hạn chế cần tập trung xử lý, giải quyết, trong đó nổi lên là điều kiện, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của vùng còn khó khăn, lạc hậu; tỉ lệ hộ nghèo còn lớn, cần có những giải pháp triệt để hơn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn kém và hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, tỉ lệ đạt được thấp; đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dân tộc nhiều nơi còn yếu, nhất là về năng lực, trình độ tổ chức và triển khai thực hiện nhiệm vụ;…
Đề cập tới các nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu: "Chúng ta cần phải xác định quyết tâm và trách nhiệm chính trị rất cao. Đường lối, cơ chế, chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và MN rất nhiều, nguồn lực đầu tư cũng rất lớn và nhiều mà chúng ta không làm gì được cho bà con là một sự thiếu sót. Tinh thần nhiệt tình, trách nhiệm của chúng ta phải cao hơn nữa, phải thấy được sự nghèo khổ, lạc hậu của đồng bào là nỗi đau của chúng ta".

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối tới 53 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Cần sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương
Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành chức năng, các địa phương tiếp tục bám sát và triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách lớn có liên quan đến công tác dân tộc. Năm 2025 phấn đấu phải làm xong được nhà cho người nghèo bằng mọi sự nỗ lực và cố gắng; đồng thời năm 2025 phải tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn I và chuẩn bị chu đáo cho giai đoạn II của Chương trình, dứt khoát không để nhiệm vụ nào giai đoạn I của Chương trình còn nợ đọng.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, thời gian tới, một phần chức năng nhiệm vụ của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và một phần chức năng nhiệm vụ của Bộ Nội vụ là mảng tôn giáo sẽ sáp nhập vào Ủy ban Dân tộc. Dự kiến sẽ thành lập Bộ Dân tộc-Tôn giáo, tích hợp chức năng nhiệm vụ về chính sách dân tộc và miền núi, chính sách tôn giáo và chính sách liên quan đến giảm nghèo.
Trên tinh thần bộ máy mới tinh gọn và hiệu quả hơn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, bộ máy mới, bộ mới sau sắp xếp phải sẵn sàng đón nhận các nhiệm vụ mới. Việc này có điểm thuận nhưng có điểm vất vả hơn do khối lượng công việc nhiều hơn và cũng sẽ có những biến động nhất định trong quá trình sắp xếp.
Bộ mới chỉ đạo triển khai thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng, đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và MN và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; 2 chương trình này có rất nhiều hợp phần liên quan và liên kết hữu cơ với nhau vì mục tiêu chung đều là nâng cao đời sống người dân, bảo đảm các điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt cho người dân.
Khi hình thành bộ mới, cần tổ chức Hội nghị tích hợp các nội dung chung của 2 chương trình này, trong đó phải xác định rõ yêu cầu về chuẩn bị cho nội hàm giai đoạn tới như thế nào của cả 2 chương trình, bảo đảm thực chất, hiệu quả, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào.

Báo cáo tổng kết được trình bày tại Hội nghị của Ủy ban Dân tộc khẳng định, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và MN - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng
Một nhiệm vụ lớn nữa được Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu là phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công các công trình hạ tầng và giải ngân đầu tư công các công trình trọng điểm vùng đồng bào DTTS và MN.
Tích cực, chủ động tham mưu xây dựng các chương trình, đề án, chính sách dân tộc; hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Coi công tác dân tộc miền núi không chỉ là trách nhiệm của Ủy bản Dân tộc mà là trách nhiệm cần chung tay của các cấp, các ngành, địa phương trong hỗ trợ, chăm lo phát triển vùng vùng đồng bào DTTS và MN.
Cùng với việc triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách hiện có, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS trong xây dựng đời sống văn hóa mới, thực hiện nếp sống văn minh, tích cực tham các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống, thu nhập.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng mong muốn các cơ quan chức năng, các điạ phương tổng hợp, nhân rộng các mô hình hay, kinh nghiệm tốt đã được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh trong phát triển kinh tế-xã hội đồng bào DTTS ra các địa phương, địa bàn khác của vùng để cùng học tập, ứng dụng, áp dụng và phát huy.
Báo cáo tổng kết được trình bày tại Hội nghị của Ủy ban Dân tộc khẳng định, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS và MN.
Đặc biệt trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo cụ thể, sát sao việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình MTQG DTTS và MN, đến nay các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đã cơ bản được giải quyết, tạo thuận lợi cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.
Việc thực hiện các đề án, chính sách, nhiệm vụ trong kế hoạch công tác năm 2024 đạt mục tiêu đề ra . Công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển đổi số và phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS được tăng cường; hợp tác quốc tế về công tác dân tộc tiếp tục được đẩy mạnh. Việc rà soát, kiện toàn, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp được chú trọng, năng lực đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên.
Các ban, bộ, ngành Trung ương đã tích cực, chủ động với trách nhiệm cao nhất cùng vào cuộc chỉ đạo điều hành thực hiện công tác dân tộc và phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng DTTS và MN đã bám sát và quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, chỉ đạo tổ chức triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn, nhất là Chương trình MTQG DTTS và MN, bước đầu đạt được kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy dự lễ khởi công xây dựng nhà ở tại huyện Quảng Xương
Chiều ngày 12/5, đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cùng lãnh đạo huyện Quảng Xương đã dự lễ khởi công và trao biển ủng hộ 80 triệu đồng làm nhà ở cho 2 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương.

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 12/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Hội nghị lần thứ 43 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX
Ngày 12/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; hội nghị lần thứ 43 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã được tổ chức để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền.

Gắn KPI công chức với lương thưởng, hết thời biên chế ngồi chắc, không ra
Để nền hành chính công không còn trì trệ và thu hút người tài, KPI sẽ là công cụ hữu dụng để đánh giá công chức, xóa bỏ tư duy biên chế suốt đời.

Đề xuất giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội đề xuất sửa đổi 20 điều có nội dung liên quan đến giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử; trong đó, đối với khoảng thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử tới ngày bầu cử rút ngắn từ 70 ngày xuống còn 42 ngày.

Tuần làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp
Hôm nay (12/5), Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (từ ngày 12-17/5), với trọng tâm là công tác lập hiến, lập pháp.

Phiên họp thứ Tư Ban Chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát
Sáng 11/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chủ trì Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo. Cùng dự và chủ trì hội nghị có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương. Phiên họp được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trên toàn quốc. Dự phiên họp tại điểm cầu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực và thành viên Ban chỉ đạo tỉnh; lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan.

Đại hội Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương lần thứ X
Sáng ngày 10/5, Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương đã tổ chức Đại hội lần thứ X nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thảo luận tại tổ về các dự án Luật
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15, chiều ngày 10/5, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã tham gia thảo luận ở tổ về các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa thăm cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Trường Sa, Nhà giàn DK I
Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), 50 năm ngày giải phóng Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2025) và 70 năm ngày thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955 – 7/5/2025), từ ngày 4 đến 10/5, Đoàn công tác số 18 do Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức, gồm 180 đại biểu các địa phương: Lâm Đồng, Thanh Hóa, Quảng Trị, Hà Giang, Agribank Việt Nam và đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, các cơ quan thông tấn báo chí... đã đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) và Nhà giàn DK I trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Tham gia đoàn công tác về phía tỉnh Thanh Hóa, có đồng chí Nguyễn Ngọc Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các ban, ngành, cơ quan cấp tỉnh và lãnh đạo một số huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.