Phấn đấu đưa Thường Xuân thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025, trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh
Sáng ngày 6/3, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã thăm và làm việc tại huyện Thường Xuân, kiểm tra tình hình, kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; kết quả thực hiện thông báo Kết luận số 67 của Văn phòng Tỉnh ủy về ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với huyện năm 2021. Tham gia đoàn công tác có các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy: Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo một số ngành cấp tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.
Trước khi làm việc với cán bộ chủ chốt huyện Thường Xuân, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và đoàn công tác đã đi kiểm tra tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thi công dự án đường giao thông nối từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng. Tuyến đường có chiều dài 7,5km, điểm đầu tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân; điểm cuối tiếp giáp với đường từ xã Xuân Cao đi xã Luận Thành, huyện Thường Xuân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các địa phương tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Đối với huyện Thọ Xuân, cần khẩn trương hoàn thành đầu tư khu tái định cư để các hộ dân nhận đất, xây nhà, bàn giao mặt bằng để thi công dự án. Đối với huyện Thường Xuân, mặc dù đến nay công tác giải phóng mặt bằng đang rất thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra, song vẫn còn một số vị trí còn vướng, cần tiếp tục tập trung để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng; đồng thời chỉ đạo nhà thầu tích cực triển khai các mũi thi công, phấn đấu hoàn thành và đưa tuyến đường vào sử dụng trong tháng 5/2025, rút ngắn 2 tháng so với kế hoạch. Trò chuyện với các hộ dân xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân có đất đai, nhà cửa nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường đối với phát triển kinh tế -xã hội và đời sống dân sinh; mong muốn bà con đồng tình, ủng hộ, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; đồng thời khẳng định mọi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân sẽ được đảm bảo cao nhất trong khuôn khổ quy định của pháp luật.
Cũng trong chuyến công tác, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và đoàn công tác cũng đã đến thăm trang trại trồng bưởi ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, do anh Lê Xuân Hoằng từ Hà Nội về đầu tư. Bí thư tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao hiệu quả mô hình trồng bưởi theo phương pháp canh tác hữu cơ, thân thiện với môi trường, gắn với chế biến sâu, tạo thành các sản phẩm có giá trị cao từ bưởi. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành liên quan và chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư kho lạnh bảo quản sản phẩm; nghiên cứu nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để phát huy tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Báo cáo của huyện Thường Xuân và các ý kiến thảo luận tại buổi làm việc đã làm rõ những kết quả nổi bật mà huyện đạt được sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong số 27 chỉ tiêu chủ yếu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra, đến nay có 5 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 12 chỉ tiêu đạt trên 80%. Tuy nhiên, một chỉ tiêu rất quan trọng là tốc độ tăng giá trị sản xuất hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 mới chỉ đạt 4,41%, thấp xa so với kế hoạch. Bên cạnh đó, chỉ tiêu về thu nhập bình quân đầu người hiện đang thấp so với bình quân chung của tỉnh, thấp hơn nhiều huyện miền núi và khó có khả năng hoàn thành vào cuối nhiệm kỳ. Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, hiện các chỉ tiêu về trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đã tiệm cận so với kế hoạch. Chất lượng giáo dục đại trà của Thường Xuân hiện đang đứng thứ 5 trong 11 huyện miền núi của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thời gian gần đây đã có chuyển biến theo hướng tích cực.
Cùng với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, huyện Thường Xuân cũng đang tập trung thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy theo thông báo Kết luận số 67 của Văn phòng Tỉnh ủy. Trong đó, một số nội dung đã đạt kết quả tích cực như công tác quy hoạch, phát triển kinh tế lâm nghiệp, công tác xây dựng Đảng...
Các ý kiến thảo luận cũng phân tích, làm rõ những tiềm năng, thế mạnh của huyện Thường Xuân; chỉ ra những khó khăn, thách thức đang là rào cản đối với sự phát triển của huyện, gợi mở các giải pháp để khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng ghi nhận, biểu dương những kết quả mà huyện Thường Xuân đạt được sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ: trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, Thường Xuân vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, có mặt yếu kém, đó là: kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện; một số chỉ tiêu rất cơ bản đạt rất thấp so với kế hoạch. Hiện nay, Thường Xuân vẫn là một trong 74 huyện nghèo nhất cả nước. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết nối với doanh nghiệp để liên kết, sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân vẫn còn hạn chế; công tác xây dựng nông thôn mới hiệu quả chưa cao. Công tác chuẩn bị đầu tư còn tồn tại hạn chế, sai sót; tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công một số dự án trên địa bàn còn rất chậm. Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mặc dù được quan tâm nhưng hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được nhiều dự án lớn, có tính chất đột phá cho sự phát triển của huyện. Chất lượng văn hóa - xã hội chuyển biến chưa vững chắc; tỷ lệ hộ nghèo mặc dù có giảm nhưng vẫn còn ở mức khá cao, đời sống một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng dân tộc còn khó khăn. Trật tự an toàn xã hội có mặt còn diễn biến phức tạp. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu của cấp ủy đảng từ huyện đến cơ sở còn hạn chế; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ ở một số phòng ban và một số xã còn hạn chế, cá biệt có những cán bộ có biểu hiện né tránh, đùn đẩy, thiếu tâm huyến, trách nhiệm với công việc. Tư tưởng bảo thủ, ngại khó, trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa được khắc phục triệt để...
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng cho rằng: so với các huyện miền núi của tỉnh, mặc dù còn những khó khăn, bất lợi, song Thường Xuân cũng có những tiềm năng, lợi thế quan trọng. Nổi bật là diện tích tự nhiên lớn nhất toàn tỉnh, địa bàn rộng, có tiềm năng lớn về rừng. Về vị trí, huyện gần với Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, gần với cảng hàng không Thọ Xuân và cách thành phố Thanh Hóa không xa, có đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 47 đi qua. Bên cạnh đó, địa bàn huyện là vùng sinh thái rừng đầu nguồn, có tiềm năng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy lợi, thủy điện, du lịch, dịch vụ và công nghiệp. Ngoài ra, Thường Xuân còn là huyện giàu truyền thống lịch sử, có nhiều giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc Thái, Mường, Kinh…
Để phát huy tốt những tiềm năng, thế mạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phải thật sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, cụ thể hơn; phải nghiên cứu, đánh giá kỹ các tiềm năng, thế mạnh, những yếu tố thuận lợi, cũng như những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn của huyện trong quá trình phát triển; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển và các giải pháp phù hợp để phát triển nhanh và bền vững, đưa huyện Thường Xuân thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025, trở thành huyện khá trong khu vực miền núi của tỉnh.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Thường Xuân cần tập trung thực hiện cho được 4 khâu đột phá: một là đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng cụm công nghiệp và hạ tầng giao thông, ưu tiên đầu tư các tuyến giao thông đối ngoại để tăng tính kết nối giữa Thường Xuân với các huyện lân cận trong tỉnh, khu vực miền núi Tây Bắc tỉnh Nghệ An và tỉnh Hủa Phăn, Lào. Thứ 2 là đột phá về thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp và du lịch, lựa chọn các dự án công nghiệp phù hợp, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Thứ 3 là phải tạo được đột phá trong tư tưởng và nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khắc phục cho được tư tưởng "Trông chờ, ỷ lại, thụ động, quen chịu khổ, không chịu khó, cam chịu đói nghèo", chuyển thành "năng động, cần cù, chịu khó để thoát nghèo"; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, chuyển hóa truyền thống cách mạng, văn hóa lịch sử lâu đời, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc thành nguồn lực, động lực để phát triển. Thứ tư là đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; phải quyết tâm, quyết liệt, sâu sát trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đeo bám công việc đến cùng và làm việc gì dứt điểm việc đó, mang lại sản phẩm, hiệu quả đích thực.
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng yêu cầu huyện Thường Xuân gìn giữ, chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong Nhân dân. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, các ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Tập trung rà soát, đánh giá khách quan, chính xác, trung thực, đúng quy định toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ, các chương trình trọng tâm, khâu đột phá Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 20. Trên cơ sở đó, đối với những chỉ tiêu đã đạt, phải phấn đấu đạt cao hơn; những chỉ tiêu đạt thấp, khả năng khó hoàn thành cần phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp cụ thể, phân công tập thể và cá nhân phụ trách, xác định rõ thời gian thực hiện và hoàn thành để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quy hoạch; nhằm khai thác tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa lý của huyện để mở ra không gian phát triển mới; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý quy hoạch và đầu tư hạ tầng theo quy hoạch đã được duyệt.
Trên lĩnh vực kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Thường Xuân phải luôn coi phát triển nông nghiệp là nền tảng, là điều kiện quan trọng để phát triển bền vững. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, phải xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành nghề có thế mạnh của huyện. Phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Chủ động các phương án bảo đảm quốc phòng, an ninh, không để xảy ra bị động, bất ngờ.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh yêu cầu: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và từng đồng chí cán bộ chủ chốt của huyện phải sâu sát cơ sở, biết dựa vào dân, lắng nghe Nhân dân; nêu cao hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, luôn trăn trở tìm ra giải pháp để xây dựng, phát triển huyện. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính năng động của bộ máy chính quyền. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý huyện Thường Xuân cần tích cực chuẩn bị các điều kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 21, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025
Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025. Mục tiêu của Kế hoạch là thúc đẩy phát triển kinh tế số nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế tại huyện Hậu Lộc
Tiếp tục chương trình giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về Bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2023, chiều 22/11, Đoàn Giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã có buổi làm việc tại huyện Hậu Lộc.
Phiên họp thường kỳ Ủy ban Nhân dân tỉnh tháng 11/2024
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thường kỳ tháng 11, sáng 22/11, các thành viên UBND tỉnh nghe và thảo luận đối với báo cáo dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn; chi ngân sách địa phương năm 2025; báo cáo phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương năm 2025; và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì phiên họp.
Ngày 22/11: Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, ngày 22/11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá đã thảo luận tại tổ về một số dự án Luật được trình tại kỳ họp.
Phát triển Đảng viên tại Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá
Là Đảng bộ lớn trong ngành y tế, thời gian qua, Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm chỉ đạo các chi bộ trực thuộc chú trọng công tác phát triển đảng viên. Qua đó đã góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Cụm thi đua số 1 tổng kết công tác Dân vận và Mặt trận Tổ quốc năm 2024
Chiều ngày 21/11, tại thị xã Bỉm Sơn, Cụm thi đua số 1 Ban Dân vận Tỉnh ủy - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác Dân vận và hoạt động Mặt trận Tổ quốc năm 2024.
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
Theo chương trình Kỳ họp thứ tám, sáng 22/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra: Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Hà Trung tổng kết đợt thi đua cao điểm 45 ngày đêm giải phóng mặt bằng
Sáng 21/11, huyện Hà Trung đã tổ chức hội nghị tổng kết tháng cao điểm về vệ sinh môi trường và đợt thi đua cao điểm 45 ngày đêm thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện năm 2024.
Bế giảng lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Xương
Huyện ủy Quảng Xương phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Xương, nhiệm kỳ 2025-2030.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.