ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Phát triển các mô hình trồng và chế biến dược liệu giá trị cao

(TTV) - Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng các loại dược liệu để chăm sóc, bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh gia tăng mạnh mẽ. Nắm được thực tế này, nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh đã kế thừa các thành tựu nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để sản xuất và chế biến dược liệu với quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

23/04/2022 21:26

 

Hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo đang được sử dụng khá phổ biến để nâng cao sức khỏe và thể trạng con người. Có 2 loại đông trùng hạ thảo đang được sử dụng, đó là sản phẩm tự nhiên và sản phẩm nuôi cấy, trong đó đông trùng hạ thảo nuôi trồng là dòng sản phẩm chủ lực trên thị trường, bởi nó vừa đáp ứng được yêu cầu về thành phần dược chất vừa có giá thành hợp lý so với đại đa số người tiêu dùng. Vì vậy một số tổ chức và cá nhân trong tỉnh đã nghiên cứu, sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Cách đây gần 10 năm, mặc dù đã có công việc ổn định tại Hà Nội, nhưng cựu cử nhân khoa Đông Phương học, trường đại học Khoa học và nhân văn Hà Nội Nguyễn Hoài Châu vẫn chọn trở về quê hương Liên Lộc, Hậu Lộc để lập nghiệp. Trên diện tích hơn 3 ha đất được giao, anh đã tập trung nuôi trồng các loại cây con đặc sản, tuy nhiên hiệu quả không cao. Đầu năm 2021, anh quyết định chuyển hướng sang sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Anh dành nhiều thời gian nghiên cứu, học hỏi quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo ở nhiều cơ sở trong và ngoài tỉnh; đồng thời gặp gỡ, trao đổi kỹ thuật với các giáo sư hàng đầu của Viện Công nghệ Sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Sau khi nghiên cứu và mời chuyên gia tư vấn, anh Nguyễn Hoài Châu đã đầu tư 2,6 tỷ đồng xây dựng cơ sở, mua sắm máy móc và thiết bị hiện đại, bắt tay vào nhân nuôi đông trùng hạ thảo mang thương hiệu Sukha. Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo đòi hỏi quy trình rất nghiêm ngặt; chất lượng sản phẩm cao hay thấp phụ thuộc vào các yếu tố như: nguồn giống quý hiếm, công nghệ nuôi cấy an toàn và chuyên nghiệp, nguồn nguyên liệu hữu cơ tự nhiên, trong đó đặc biệt quan trọng là môi trường sản xuất. Trên diện tích nhà xưởng gần 300m2, anh Nguyễn Hoài Châu đã đầu tư bài bản, với quy trình khép kín, từ phòng vô trùng nuôi cấy giống, đến nơi trồng, chế biến nấm… Ngoài ra, anh còn lắp đặt hệ thống đèn led và máy điều hòa để chủ động cung cấp ánh sáng và nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của nấm đông trùng hạ thảo.

Việc nuôi cấy đông trùng hạ thảo trải qua khá nhiều công đoạn. Để có một sản phẩm đạt chất lượng, đơn vị đã lựa chọn nguồn giống tốt, nguồn nguyên liệu hữu cơ và thực hiện kỹ thuật nuôi cấy, chăm sóc nghiêm ngặt trong môi trường sạch sẽ, vệ sinh. Công đoạn đầu tiên đặc biệt quan trọng, quyết định chất lượng của đông trùng hạ thảo là xử lý cơ chất ban đầu hay còn gọi là tạo giá thể. Các kĩ thuật viên đã sử dụng gạo lứt, bột nhộng, khoai tây và các loại vitamin, pha trộn theo tỷ lệ nhất định rồi xay nhuyễn, cho vào các hộp, đưa đi hấp ở nhiệt độ 121 độ C trong thời gian 60 phút, để tạo giá thể nuôi cấy đồng trùng hạ thảo.

Sau khi hấp và làm mát, các hộp chứa giá thể sẽ được cấy giống nấm đông trùng hạ thảo. Ban đầu, cơ sở Sukha phải mua giống với giá tương đối đắt, sau quá trình nghiên cứu, đơn vị đã chủ động sản xuất và nuôi cấy thành công giống. Giống đông trùng hạ thảo được cho vào lọ sành có chứa dung dịch cơ chất lỏng, đưa vào máy lắc liên tục trong vòng 1 tuần để giống sinh khối cho đều rồi mới cho cấy vào giá thể. Các hộp giá thể sau khi được cấy giống trong phòng vô trùng sẽ đưa vào phòng nuôi tối khoảng 6 -7 ngày, rồi đưa lên phòng nuôi sáng để chiếu ánh sáng, tạo quả thể. Một vòng đời của nấm khoảng trên dưới 50 ngày thì sẽ thu hoạch sản phẩm tươi. Có 3 yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của nấm đó là nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng. Nhiệt độ phòng nuôi nấm đông trùng hạ thảo thường xuyên duy trì ở mức 19 - 20 độ C, độ ẩm 75 – 80%, tỷ lệ chiếu sáng là 16 giờ/ngày được duy trì cho đến khi thu hoạch.         

Sau quá trình dày công nghiên cứu và chuyển giao khoa học từ Viện công nghệ sinh học lâm nghiệp - Trường đại học Lâm nghiệp Việt Nam, Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo Sukha đã làm chủ quy trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo, cho ra sản phẩm  có hàm lượng dược chất và giá trị dinh dưỡng cao. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Cơ sở Sukha sản xuất 500 – 1000 phôi nấm đông trùng hạ thảo tươi; ngoài ra còn sản xuất thành công dòng sản phẩm nuôi trên kén tằm sống có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao cấp 3 lần so với sản phẩm nuôi trên giá thể thông thường. Để làm phong phú sản phẩm, đáp ứng được thị hiếu đa dạng của khách hàng, ngoài đông trùng hạ thảo tươi, Cơ sở Sukha đã mua máy sấy thăng hoa để chế biến sản phẩm dạng khô, cao đông trùng hạ thảo và rượu đông trùng hạ thảo.

Các sản phẩm đông trùng hạ thảo với tên thương mại SUKHA đã được thị trường tiếp nhận với giá rẻ hơn nhiều so với nhập khẩu nước ngoài và một số nơi trong nước. Với giá bán 100.000 đồng/hộp tươi, 350.000 đồng/hộp khô 12,5g, sau khi trừ chi phí, đơn vị có khoảng 30% lợi nhuận và tiếp tục quay vòng tái đầu tư. Hiện cơ sở sản xuất  đông trùng hạ thảo Su kha đang tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động với mức lương khoảng 6 triệu đồng/tháng. Dự kiến trong năm nay,  đơn vị sẽ xây dựng thêm một cơ sở sản xuất khoảng 1000m2 để có đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường và hoàn thành thủ tục hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP cho đông trùng hạ thảo thương hiệu SaKha.

Nấm đông trùng hạ thảo cũng là một trong những sản phẩm chủ lực mà Viện nông nghiệp Thanh Hóa kế thừa các thành tựu nghiên cứu để sản xuất thương mại. Hiện nay, trung bình mỗi năm, Viện nông nghiệp Thanh Hóa sản xuất và cung ứng ra thị trường hơn 5000 hộp nấm đông trùng hạ thảo tươi. Ngoài nấm đông trùng hạ thảo, Viện nông nghiệp Thanh Hóa cũng đang tham gia nghiên cứu, sản xuất và chế biến nhiều loại dược liệu quý như lan gấm hay còn gọi là lan kim tuyến và nấm linh chi.

Lan gấm có tên khoa học là Anoectochilus formosaunus hayata, là một dòng lan quý có giá trị dược liệu cao. Y học hiện đại đã chứng minh nhiều tác dụng quý của lan gấm như làm giảm đường huyết, điều trị ung thư, lao phổi, ho do phế nhiệt, phong thấp, đau nhức khớp xương, chấn thương, viêm dạ dày mãn tính và có tính kháng khuẩn cao.

Lan gấm được phân bố trong các khu rừng già nhiệt đới của nước ta, tuy nhiên việc khai thác bừa bãi đã khiến loại dược liệu quý này bị suy giảm nghiêm trọng. Nguồn gien lan gấm này được Viện nông nghiệp Thanh Hóa kế thừa từ các chương trình dự án bảo tồn nguồn gien quý của tỉnh từ năm 2001. Đến nay, sau quá trình dài nghiên cứu và thử nghiệm, Viện nông nghiệp Thanh Hóa đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ sản xuất giống lan gấm. Trong phòng thí nghiệm, giống lan gấm được tách mô tế bào, nuôi cấy đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn mới cung cấp ra thị trường.

Hiện nay, trung bình mỗi năm, Viện nông nghiệp Thanh Hóa sản xuất hơn 1 triệu cây giống và cung cấp hàng nghìn cây giống cho một số trang trại và khu du lịch sinh thái để trồng thử nghiệm, với giá bán  trung bình mỗi cây giống 2000 đồng. Trên thị trường hiện nay, mỗi một kg lan gấm tươi có giá bán hơn 3 triệu đồng, vì vậy tiềm năng để các tổ chức, cá nhân trong tinh trồng lan gấm thương phẩm rất lớn.

Nấm Linh Chi cũng là sản phẩm chủ lực của Viện nông nghiệp Thanh Hóa. Theo đó, loại giống được Viện nông nghiệp Thanh Hóa lựa chọn là nấm Linh Chi đỏ, được cấy chuyền ra giống cấp I và cấp II trong phòng nuôi cấy mô tế bào. Quy trình nhân giống được tuân thủ nghiêm ngặt, với sự hỗ trợ của các trang thiết bị chuyên môn. Giống nấm Linh Chi đỏ sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào có ưu điểm vượt trội về khả năng sinh trưởng, phát triển, kháng sâu bệnh và giá trị dược liệu của sản phẩm được bảo tồn.

Khi nuôi trồng, Viện nông nghiệp Thanh Hóa đã áp dụng đúng các quy trình, phương pháp kỹ thuật. Trong quá trình ươm cây và nuôi trồng, nhiệt độ mỗi giai đoạn luôn được đảm bảo, độ ẩm không khí đạt từ 80% - 90%, ánh sáng khuếch tán và kín gió. Đặc biệt, từ khi nấm lên đến lúc thu hoạch, ngoài việc duy trì độ ẩm trong phòng thì phải tưới phun sương nhẹ trực tiếp trên bề mặt túi. Trung bình mỗi năm, Viện nông nghiệp Thanh Hóa nuôi trồng 5000 bịch nấm Linh Chi, cho thu hoạch 2,7 tấn nấm tươi, sản lượng nấm khô đạt trên 670 kg. Với giá thị trường trung bình từ 600 đến 700 nghìn/kg nấm khô, giá trị thu được từ việc sản xuất nấm Linh Chi đỏ là tương đối cao. Qua nhiều vụ trồng nấm Linh Chi đỏ cho thấy, đây là loại dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao. Từ nguồn giống và sự chuyển giao kỹ thuật của Viện nông nghiệp Thanh Hóa, người dân hoàn toàn có thể áp dụng, xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình.

Để nâng cao giá trị và đa dạng hóa các sản phẩm dược liệu, ngoài việc nghiên cứu nhân giống lan gấm, sản xuất thương phẩm nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, Viện nông nghiệp Thanh Hóa cũng đã nghiên cứu và sản xuất thành công rượu linh chi, rượu đông trùng hạ thảo để cung cấp ra thị trường. Hiện nay, trung bình mỗi năm Viện nông nghiệp Thanh Hóa sản xuất và tiêu thụ được gần 7000 chai rượu linh chi và rượu đông trùng hạ thảo.

Trong thời gian tới, trên cơ sở kế thừa kết quả nghiên cứu khoa học các nguồn gien quý đang được lưu giữ, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa sẽ tiếp tục cung cấp giống và chuyển giao công nghệ trồng các loại dược liệu như lan gấm, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo. Đơn vị cũng sẽ tập trung xây dựng và triển khai các đề tài, dự án sản xuất rượu lan gấm, trà túi lọc lan gấm để cung ứng cho thị trường trong nước cũng như hướng tới xuất khẩu. Dự kiến, nếu thành công, trung bình mỗi năm Viện nông nghiệp sẽ sản xuất 80 kg trà túi lọc lan gấm và 1000 lít rượu lan gấm.

Thanh Hóa được xem là 1 trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của cả nước. Tận dụng thế mạnh về tài nguyên đất đai và khí hậu, trong những năm gần đây, nhiều loại dược liệu đã được đưa vào trồng với diện tích lớn. Ngoài các loại dược liệu bản địa, một số đơn vị cũng đã trồng thử nghiệm thành công một số loại dược liệu từ các vùng khác có giá trị kinh tế cao. Năm 2021, HTX Nông Dược liệu Lương Sơn, huyện Thường Xuân đã dựa vào thế mạnh đất vườn đồi ở địa phương để trồng thử nghiệm 2 ha cây sachi, đây là loại cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao đang được trồng nhiều ở các tỉnh phía Bắc. Đến nay cây sachi đã cho thu hoạch vụ thứ 2, đạt 3,5 tấn hạt và 9 tạ lá.

HTX Nông Dược liệu Lương Sơn đã liên kết với công ty cổ phần thương mại Châu Anh tại Hà Nội để tinh chế các sản phẩm từ sachi như: trà túi lọc sachi, tinh dầu sachi, dầu sachi, hạt sachi rang mộc. Ngoài ra, để đa dạng hóa sản phẩm, đơn vị đã phát triển mô hình 100 m2 nấm vân chi với năng suất đạt 450 kg nấm tươi mỗi năm. HTX nông dược liệu Lương Sơn đã đưa sản phẩm rượu Vân Chi Sơn, nấm Vân Chi khô nguyên khối ra thị trường, dự kiến sẽ xây dựng thương hiệu sản phẩm Ocop cho dòng sản phẩm chủ lực này, đồng thời tiến hành trồng 10 ha sachi, 5 ha kim ngân. Hiện nay, doanh thu từ cây sachi của HTX đạt 350 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 lao động với mức thu nhập trung bình từ 5-6 triệu đồng 1 người 1 năm.

Việc phát triển mạnh mẽ các mô hình trồng và chế biến dược liệu không chỉ phát huy được tiềm năng về đất đai, khí hậu của tỉnh, mà còn tạo sự liên kết mạnh mẽ giữa 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông, từ đó góp phần đa dạng hóa các sản phẩm dược liệu, đồng thời từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả và chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu trong chăm sóc sức khỏe của nhân dân./.

Mai Ngọc- Linh Sơn- Lê Tâm/Phim Khoa giáo ngày 21.4


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Giá xăng dầu đồng loạt giảm, RON 95 mất mốc 25.000 đồng/lít

Giá xăng dầu đồng loạt giảm, RON 95 mất mốc 25.000 đồng/lít

17:02 , 25/04/2024

Giá xăng trong nước hôm nay (25/4) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.

Thanh Hóa phấn đấu có thêm 15 sản phẩm OCOP 4 sao

Thanh Hóa phấn đấu có thêm 15 sản phẩm OCOP 4 sao

07:30 , 25/04/2024

Năm 2024, Thanh Hóa đặt mục tiêu có thêm 121 sản phẩm OCOP; trong đó có 15 sản phẩm đạt 4 sao. Đây được xem là nhiệm vụ quan trọng và cũng rất khó khăn do nhiều nội dung mới bổ sung của Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021- 2025. Vì thế, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh đang phối hợp cùng các địa phương, chủ thể đăng ký tập trung triển khai các nội dung tiêu chí, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Công khai lãi suất cho vay tăng cơ hội tiếp cận vốn cho người dân

Công khai lãi suất cho vay tăng cơ hội tiếp cận vốn cho người dân

07:29 , 25/04/2024

Từ đầu tháng 4/2024, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Việc công khai lãi suất sẽ giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận tín dụng để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Việt Nam là nền kinh tế hấp dẫn với nhà đầu tư

Việt Nam là nền kinh tế hấp dẫn với nhà đầu tư

07:19 , 25/04/2024

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ nền kinh tế đang tăng trưởng cao, ổn định, thị trường nội địa lớn và nguồn nhân lực trẻ, có trình độ học vấn.

Giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào  doanh nghiệp

Giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp

07:14 , 25/04/2024

Bộ Tài chính vừa có quyết định về Kế hoạch giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp năm 2024.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

07:00 , 25/04/2024

Trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa được ban hành mới đây, Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội.

Thanh Hóa có 164 mã số vùng trồng nội địa, xuất khẩu

Thanh Hóa có 164 mã số vùng trồng nội địa, xuất khẩu

22:44 , 24/04/2024

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã cấp 164 mã số vùng trồng cho các loại cây trồng, với tổng diện tích trên 1.510 ha.

Hơn 2.000 ha nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ

Hơn 2.000 ha nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ

22:41 , 24/04/2024

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000 ha nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ.

Hội viên nông dân tham gia xây dựng Nông thôn mới

Hội viên nông dân tham gia xây dựng Nông thôn mới

22:36 , 24/04/2024

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Thanh Hóa đã tích cực vận động cán bộ, hội viên nông dân phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, đóng góp vật chất, ngày công chung sức thực hiện các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới.

Di ương 800 triệu con tôm giống

Di ương 800 triệu con tôm giống

22:32 , 24/04/2024

4 tháng đầu năm 2024, các cơ sở kinh doanh tôm giống tại Thanh Hóa đã di ương 800 triệu con tôm giống các loại phục vụ người dân thả nuôi vụ xuân - hè, chủ yếu từ các tỉnh Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và có giấy kiểm dịch, chứng minh được xuất xứ nguồn gốc giống tôm.