Đường dây nóng: 0237 3721150

Phóng viên, cộng tác viên thường trú: Cần "Chọn mặt gửi vàng"

Cho đến nay, đáng tiếc là vẫn chưa có một số liệu khảo sát chính thức, đầy đủ, sát thực nào về đội ngũ những nhà báo ở xa tòa soạn, bao gồm những người được cấp thẻ và chưa được cấp thẻ hành nghề, thuộc mạng lưới các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, hiện đang hoạt động tại 64 tỉnh thành trong cả nước.

19/01/2016 08:25
Những bài học xương máu hay là sự lỏng lẻo trong công tác nhân sự
Sáng 22.10.2013, một trong những vấn đề được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin - Truyền thông lưu ý các thành viên dự cuộc giao ban có liên quan trực tiếp đến hoạt động của các phóng viên thường trú, cộng tác viên và văn phòng đại diện các cơ quan báo đài. Trước đó, ngày 27.9.2013, tại Thanh Hóa, đây là vấn đề được coi là một trong những nội dung chính trong chương trình làm việc của lãnh đạo Hội Nhà báo (HNB) Việt Nam với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, Thường trực HNB tỉnh và một số nhà báo ngay trước Hội nghị về công tác hội các tỉnh thành phía Bắc. Trước hội nghị mấy ngày, nhà báo Ngô Tiến Cảnh (HNB Quảng Ninh) điện thoại đến HNB Việt Nam thông báo có một nhà báo tên xưng tên là H., từ Hà Nội xuống, đang quát tháo anh em ở địa phương ầm ĩ… Mấy tháng trước nữa, khi phải ký quyết định kỷ luật cho thôi việc một phóng viên thường trú tại Khánh Hòa, Tổng biên tập Báo Người Cao Tuổi đã thốt lên ngậm ngùi: “Đây là một “bài học xương máu” trong công tác nhân sự và đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ phóng viên của báo mà chúng tôi rất thấm thía, đặc biệt trong trường hợp vi phạm cụ thể của một phóng viên thường trú!”.
Lâu nay, đã có rất nhiều những lưu ý, nhắc nhở, băn khoăn, lo lắng được đặt ra xung quanh vấn đề quản lý bộ phận những nhà báo, phóng viên thường trú và các cộng tác viên ở địa phương của các báo, đài - những nhà báo ở xa tòa soạn, tạm gọi như vậy, bởi những vụ việc sai phạm đã bị phát giác trong quá trình tác nghiệp và phi tác nghiệp của một bộ phận đó đang ngày càng đáng báo động. Có một thực tế là, nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là một số doanh nghiệp, rất “sợ” khi nhận được điện thoại, công văn hoặc lịch hẹn gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc… của “các nhà báo ngoại tỉnh” đó, mức “sợ” đương nhiên lớn hơn so với “báo nhà”! Không chỉ vì sợ những nhà báo đó sẽ “thiếu thông cảm, ít chia sẻ với khó khăn của địa phương”, mà còn sợ cả thái độ nghênh ngang, hống hách, “coi trời bằng vung” hoặc những hành vi nhũng nhiễu, quấy rầy của các vị này…
Tình trạng “phóng viên A, phóng viên B, trước đây ở địa phương đã có những vi phạm đạo đức, nghề nghiệp, bị báo địa phương kỷ luật, các đồng nghiệp tẩy chay, rồi một ngày đẹp trời “bỗng dưng trở thành phóng viên thường trú, đại diện của báo này báo nọ ở trung ương hoặc ngoại tỉnh”, cũng cắp cặp đi dự hội nghị, đường hoàng đòi hỏi quà cáp, tài liệu khi đến dự các cuộc họp lớn nhỏ trên địa bàn”, khiến không ít người thấy chướng mắt, khó chịu. Nhiều người làm báo ở Thanh Hóa, Nghệ An đều cho đây là vấn đề “phản cảm”, đáng suy nghĩ, đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh người làm báo chân chính.
Số nhà báo này, theo nhiều nguồn thông tin cho biết, có nhiều người không phải là phóng viên chính thức, mà chỉ là cộng tác viên, được cấp giấy giới thiệu để một mặt đi lấy tin viết bài, mặt khác (thậm chí là nhiệm vụ chính) là “làm kinh tế cho báo”, làm được đến đâu thì hưởng hoa hồng đến đó. Nguyên nhân trực tiếp là do một số báo có phóng viên, văn phòng thường trú các tỉnh nhưng chưa hoặc không quan tâm được đến lương thưởng, chế độ, quản lý thiếu chặt chẽ, gần như thả nổi anh em muốn làm gì thì làm. Nhưng còn có một nguyên nhân khác, liên quan đến vấn đề kinh tế báo chí, khá phổ biến trong giai đoạn khó khăn hiện nay, khi gánh nặng cơm áo của một số tờ báo đã được chia sẻ theo đầu người, trở thành áp lực nặng nề cho các cán bộ, phóng viên của họ, trong đó đương nhiên có cả bộ phận phóng viên thường trú. Được biết, có báo giao chỉ tiêu khai thác quảng cáo cho phóng viên của họ rất cao, từ 500-600 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/người… Thế nên, tỉnh này tỉnh nọ, đã từng phải có công văn về tận Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, về việc phóng viên thường trú của báo A, báo B về cơ sở nhũng nhiễu, đến doanh nghiệp trên địa bàn quấy rầy, thúc ép làm quảng cáo, dọa nạt nếu không làm quảng cáo thì sẽ viết bài về việc này việc kia sai phạm, khiến dư luận rất bức xúc.
Điều đáng lưu ý không kém là trong việc tuyên truyền phản ánh các vụ việc, sự kiện ở địa phương của các phóng viên này, còn có nhiều thông tin đăng tải chưa đúng, thiếu chính xác. Cũng có cả tình trạng đáng buồn, phản ánh sự xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp, là việc một số phóng viên báo ngoại tỉnh liên kết với nhau, “đánh hội đồng” những cơ sở, doanh nghiệp nào do “không biết điều”, “không chơi đẹp” với “anh em báo chí”! Nhà báo Lê Nam kể: “Có chủ tịch huyện phàn nàn: Một việc gì dù nhỏ, cũng có tới 9-10 phóng viên thường trú các báo xuống!”
Đồng chí Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa Mai Văn Ninh khi làm việc với lãnh đạo HNB Việt Nam cũng dành thời gian để nói về việc tỉnh đã tổ chức giao ban báo chí hàng tháng, thường xuyên họp báo để cung cấp thông tin, nhất là khi có những tình hình vụ việc nổi bật và công tác phát ngôn cũng đang dần đi vào nền nếp… Theo ông Ninh, “đa số anh em báo chí tốt”, nhưng với một số người “có những vấn đề, nếu được trao đổi thêm giữa các đồng nghiệp báo chí, sẽ được hiểu rõ hơn, thông tin sẽ chuẩn xác hơn. Những tin bài mà sau đó các báo phải nói đi nói lại cho rõ, tôi thấy là có vấn đề. Vì viết không chính xác mới phải đính chính!”.
Phó chủ tịch Thường trực HNB Nghệ An Nguyễn Quốc Hiếu nhận xét: “Trong 36 cơ quan báo chí có thường trú ở Nghệ An, chỉ có khoảng 15-17 báo hoạt động tuyên truyền nghiêm túc, hiệu quả. Còn lại chủ yếu làm phát hành, kinh tế báo chí. Có thể thấy rõ những nội dung tin bài của anh em này hướng tích cực không nhiều, chủ yếu là khai thác những tiêu cực và thông tin khá nhanh, dày, nhiều tờ cùng đồng loạt đưa tin với mục đích hù dọa cơ sở, ăn tiền. Nhiều cơ sở là nạn nhân của những “nhà báo” này, nhưng không muốn động vào vì sợ phức tạp thêm. Hàng tháng, tỉnh giao ban báo chí, biểu dương kịp thời những anh em thường trú nào tích cực, hiệu quả, khách quan trong tuyên truyền, thông tin cho tỉnh, đồng thời cũng nêu rõ những tờ báo nào hoạt động báo chí còn hạn chế, ít hoặc không có tin bài, ít đi giao ban. Nếu 6 tháng liền phóng viên thường trú không giao ban nắm tình hình ở tỉnh, tỉnh sẽ gửi công văn lên cơ quan báo chí của phóng viên đó đề nghị xem xét lại phóng viên của mình…”.
Vấn đề không phải là “ngăn sông cấm chợ”, mà là quản lý thế nào cho tốt
Coi đây là một trong những vấn đề công tác hội nổi cộm trên địa bàn tỉnh, nhà báo Phạm Minh Thiệu - Chủ tịch HNB Thanh Hóa đồng thời là Tổng biên tập Báo Thanh Hóa nói: “ Để xây dựng được một mái nhà chung cho anh em báo chí trên địa bàn tỉnh là việc không dễ. Điều đó sẽ hạn chế được phần nào việc thông tin cùng một sự việc nhưng mỗi báo đăng tải mỗi khác. Làm sao để có những quy định chặt chẽ hơn để quản lý đội ngũ phóng viên cũng như hệ thống văn phòng đại diện này. Việc này rất khó. Không phải là ngăn sông cấm chợ. Báo lớn, báo các ban ngành thì được, còn những báo nhỏ thuộc các cơ quan chủ quản địa phương cũng đặt thường trú, đại diện khắp nơi thì sao?
“Hiện có khoảng 5.000 người đang hoạt động báo chí chuyên nghiệp nhưng chưa được cấp thẻ hành nghề” - Cục trưởng Cục báo chí Hoàng Hữu Lượng cho biết. Về đội ngũ những nhà báo xa tòa soạn, đang “nằm vùng” tại các địa phương, ông Lượng nhận xét: “Chính vì quản lý chưa tốt, còn buông lỏng cho nên năm nay mới là năm đau xót nhất: có 6 trường hợp nhà báo đi tù thì có tới 4 trường hợp vì lý do… kinh tế báo chí!”. Liên quan đến vai trò của các cấp hội, ông Lượng hoan nghênh các sáng kiến thành lập Chi hội phóng viên thường trú (Hải Phòng), Chi hội cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn (Thanh Hóa) dù cho có một thực tế là “phóng viên thường trú viết không đúng, HNB cũng chưa bao giờ chủ động xử lý cho dù mình đã thành lập ra chi hội đó” và “lẽ ra Hội có thể làm trước cơ quan quản lý nhà nước trong việc thu hồi thẻ hội viên khi phóng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật!”.
Trưởng Văn phòng đại diện (VPĐD) Báo Đại Đoàn Kết, nhà báo Lê Nam, người được bầu là Thư ký chi hội báo chí Trung ương tại Thanh Hóa (thành lập tháng 04.2012) cho biết mới đây chi hội anh vừa kết nạp thêm 2 hội viên mới, tổng cộng 26 hội viên và “nhìn chung hoạt động tốt, theo đúng tôn chỉ mục đích quy định và quan điểm hoạt động báo chí trên địa bàn như phải có thẻ nhà báo, trưởng VPĐD hầu hết phải là đảng viên. Tuy nhiên tại Thanh Hóa hiện vẫn có nhiều phóng viên báo chí và VPĐD vẫn “hoạt động tự do, nằm ngoài sự quản lý của tỉnh và HNB”.
Là một địa bàn “nóng” được nhiều báo chí ở trung ương và các tỉnh bạn quan tâm, thể hiện ở số lượng văn phòng đại diện nhiều (36 văn phòng), lực lượng phóng viên thường trú đông đúc (tổng cộng thời điểm hiện tại là 102 người), nhằm thu hút tập hợp đội ngũ cầm bút không thuộc biên chế địa phương đó, HNB Nghệ An đã kiên trì “bám” điều lệ của HNB Việt Nam, nhiều lần có công văn đề nghị các cơ quan báo chí có phóng viên đặt tại địa bàn chuyển sinh hoạt cho anh em hội viên về tỉnh, đồng thời tiến hành vận động thành lập chi hội phóng viên thường trú, nhưng đến nay chi hội này vẫn chưa ra đời được, ngoài chi hội duy nhất của Thông tấn xã Việt Nam đã được thành lập khá lâu, nay thuộc HNB tỉnh. “Tâm lý chung của anh em là muốn hoạt động tự do, cho rằng vào chi hội ở địa phương sẽ bị quản lý, tác động, hạn chế việc làm nghề. Tuy nhiên, sau vụ nhà báo Võ Thanh Mai Báo Nông Nghiệp Việt Nam thường trú tại tỉnh bị hành hung thì nhiều anh em lại chủ động đề cập đến việc thành lập chi hội sớm, để khi có sự cố, hội có điều kiện can thiệp nhanh hơn và hiệu quả hơn.”- Phó chủ tịch thường trực HNB Nghệ An Nguyễn Quốc Hiếu chia sẻ.
Phải thừa nhận rằng, chuyện các nhà báo, phóng viên, cộng tác viên và các văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình của trung ương và địa phương đặt ở các tỉnh, thành trong cả nước được tuyển chọn, giao nhiệm vụ, tác nghiệp ra sao, cũng như hoạt động quản lý đội ngũ nhà báo này của các cơ quan có trách nhiệm, cho đến nay vẫn là “chuyện riêng” của từng tờ báo. Bằng chứng là, bên cạnh các “chiến công” mà các nhà báo này đem lại cho tòa soạn và bạn đọc của họ, thì có một bộ phận những phóng viên, cộng tác viên ở xa tòa soạn, đang lợi dụng nghề báo để kiếm chác, trục lợi, coi tấm thẻ nhà báo như một “tấm bùa” lợi hại để thực hiện cả những việc trái đạo lý và pháp luật, coi cây bút như một phương tiện để “đánh” người này, “diệt” người kia, bất chấp yêu cầu đầu tiên của làm nghề là khách quan, trung thực, không chú trọng đến yêu cầu quan trọng của nghề là vì lợi ích chung, vì những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống.
Vậy phải bắt đầu từ cơ quan quản lý báo chí hay cơ quan chủ quản? Không ai khác, trước hết cơ quan chủ quản của các văn phòng, phóng viên thường trú trên phải chịu trách nhiệm trước hết về những “đứa con” đang ở xa “tầm ngắm” của mình. Ít về cơ quan để họp hành, ít bị các tổ chức, đoàn thể của cơ quan giám sát, quản lý và tự do “tung tẩy” khi được cử đi “nằm vùng” ở tỉnh ngoài, một số phóng viên thường trú đã tự cho mình có quyền phán xét, “ăn to nói lớn” trên mặt báo. Dự các cuộc làm việc ở địa phương, một số phóng viên thường trú đại diện các báo tự thấy mình “ngang hàng” với các tổng biên tập báo địa phương, mặc dầu không ít người trong số họ chưa được cấp thẻ nhà báo, chưa phải đảng viên… Vì thế, ý kiến của nhà báo Nguyễn Quốc Hiếu cũng là điều mà bất cứ cơ quan báo chí nào cũng nên suy nghĩ một cách nghiêm túc: “Cơ quan báo chí muốn cử phóng viên thường trú, không thể cứ “ào ào”, tùy tiện như bấy lâu. Phải chọn lọc người thực sự tốt, “chọn mặt gửi vàng”, đáng tin cậy về đạo đức nghề nghiệp cũng như năng lực nghiệp vụ, có vậy mới giữ được uy thế cho báo và củng cố niềm tin cho bạn đọc ở địa phương…”.
Cuối tháng 10.2013 vừa rồi, trong cuộc giao ban báo chí của Ban-Bộ-Hội, nhân sai phạm nội dung trong bài viết ký tên phóng viên thường trú Duy Khang tại Sóc Trăng của Báo điện tử Vnexpress, nhà báo Nguyễn Thế Kỷ Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương một lần nữa nhấn mạnh việc tuyển chọn và sử dụng cộng tác viên, phóng viên thường trú quá dễ dãi của một số cơ quan báo chí, đồng thời yêu cầu các báo cần rút kinh nghiệm và sớm chấn chỉnh tình trạng trên.
Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, thiết nghĩ một cuộc tổng rà soát số phóng viên, cộng tác viên thường trú, văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí, để nắm được thực trạng trình độ, năng lực chuyên môn, đạo đức tư cách… của đội ngũ này, đã trở nên vô cùng cần thiết, nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động báo chí, góp phần làm trong sạch môi trường làm báo và thúc đẩy sự phát triển của báo chí nước nhà.
Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng (Bộ Thông tin & Truyền thông):
“Một số các nhà báo này chủ yếu là viết tin bài phản ánh những cái chưa tốt, tiêu cực của địa phương. Tỉnh người ta có hàng nghìn việc tốt cần biểu dương, có những anh phóng viên thường trú về đó 3-5 năm mà chưa có lấy một bài nào viết ghi nhận điều đó. Đó là chưa nói đến những chuyện không hay khác nữa. Nhưng các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cũng e dè, ngay cả Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo cũng ngại…!”.
Nhà báo Nguyễn Quốc Hiếu (HNB Nghệ An):
“Có tình trạng rất lộn xộn là cứ một phóng viên thường trú mang giấy giới thiệu là nhà báo về tỉnh, lại “hợp đồng” thêm mấy cộng tác viên không thẻ nữa… Thế là không thẻ, không chuyên môn, nghiệp vụ, cũng không viết tin bài gì, “hoạt động nghề nghiệp” chủ yếu là đi hù dọa chỗ này chỗ khác, để làm quảng cáo, làm kinh tế báo, kiếm tiền trục lợi…”.
Nhà báo Phạm Minh Thiệu (HNB Thanh Hóa):
“Một vài phóng viên thường trú, kể cả văn phòng đại diện các báo tại địa phương, không những chưa có sự lắng nghe, trao đổi các vấn đề nghiệp vụ với nhau trên tinh thần đồng nghiệp, hội viên mà còn có những biểu hiện không tốt về đạo đức nghề nghiệp. Họ “làm báo” theo cách của họ, dẫn đến có một tình trạng là một số cán bộ, doanh nghiệp, cứ có điện thoại gọi đến mà xưng là phóng viên thường trú báo này báo kia xin gặp là… cực chẳng đã phải đồng ý tiếp hoặc tìm cách tránh mặt!”.
Nhà báo Thanh Minh (HNB Quảng Trị):
“Khác với các địa phương khác nhiều bức xúc vì vấn đề phóng viên thường trú và văn phòng đại diện của các báo ngoại tỉnh, ở Quảng Trị tình hình rất đáng phấn khởi. Nhìn chung anh em báo chí về đây đều có năng lực chuyên môn khá, thông tin bài vở phong phú, kịp thời, hiệu quả, nhất là các sự kiện nổi bật, quan trọng của tỉnh. Số anh em thường trú khoảng 15 người, hầu hết tham gia đầy đủ các cuộc giao ban báo chí (2 tháng/lần), giúp cho việc cung cấp thông tin đầy đủ, định hướng tuyên truyền hiệu quả và giải quyết kịp thời những vướng mắc trong tác nghiệp… Vì thế 10 năm qua tỉnh chưa có một trường hợp phóng viên nào, kể cả phóng viên thường trú, vì vi phạm mà bị kỷ luật khiển trách trở lên. Cũng chưa xảy ra trường hợp nhà báo bị hành hung trên địa bàn tỉnh…”.
MỘC MIÊN
Theo nguoilambao.vn

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Việt Nam đặt mục tiêu phủ sóng 5G tới 90% dân số trong năm 2025

Việt Nam đặt mục tiêu phủ sóng 5G tới 90% dân số trong năm 2025

09:26 , 19/07/2025

Các doanh nghiệp viễn thông đang đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G toàn quốc, hướng tới mục tiêu phủ sóng tới 90% dân số ngay trong năm 2025.

Điểm chuẩn đại học 2025 có thể giảm từ 1 đến 3 điểm

Điểm chuẩn đại học 2025 có thể giảm từ 1 đến 3 điểm

09:17 , 19/07/2025

Dù có nhiều yếu tố mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2025, đa số chuyên gia giáo dục đều đồng tình rằng điểm chuẩn vào đại học sẽ giảm từ 1–3 điểm, tùy theo ngành và tổ hợp xét tuyển. Thí sinh cần bám sát phổ điểm và thông tin xét tuyển của từng trường để đưa ra chiến lược lựa chọn nguyện vọng hiệu quả.

Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế với hộ cận nghèo ở các xã nghèo

Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế với hộ cận nghèo ở các xã nghèo

09:09 , 19/07/2025

Theo Nghị định 188/2025 vừa được Chính phủ ban hành, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú trên địa bàn các xã nghèo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền.

Người đưa nước mắm truyền thống vươn ra thế giới

Người đưa nước mắm truyền thống vươn ra thế giới

09:06 , 19/07/2025

Sinh ra và lớn lên tại làng nghề làm nước mắm Khúc Phụ, với kinh nghiệm truyền thống kết hợp với tư duy kinh tế hiện đại, anh Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nước mắm Lê Gia, đưa sản phẩm ngày càng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ

08:55 , 19/07/2025

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 20.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp của tỉnh. Vận hành trong nền kinh tế số ngày càng phát triển, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang dần nhận thức rõ hơn về vai trò, tác dụng của chuyển đổi số, từ đó tăng cường ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu suất lao động.

Ngành ngân hàng cần 750.000 nhân lực công nghệ vào năm 2026

Ngành ngân hàng cần 750.000 nhân lực công nghệ vào năm 2026

08:52 , 19/07/2025

Trong xu thế công nghệ mới, các ngân hàng sẽ cần thêm rất nhiều nhân lực để phát triển các công nghệ chiến lược liên quan đến hoạt động của lĩnh vực tài chính, ngân hàng, như fintech, tài sản số, blockchain, AI.

Hơn 30% doanh nghiệp xuất khẩu dự báo tăng đơn hàng trong quý 3/2025

Hơn 30% doanh nghiệp xuất khẩu dự báo tăng đơn hàng trong quý 3/2025

08:49 , 19/07/2025

Bất chấp chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, kết quả khảo sát của Cục Thống kê cho thấy vẫn có 30,8% doanh nghiệp dự kiến tăng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong quý 3/2025; 51% doanh nghiệp dự báo đơn hàng ổn định.

Ngày 19/7, khu vực tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt

Ngày 19/7, khu vực tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt

08:44 , 19/07/2025

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hoá, ngày 19/7, khu vực tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt; nhiệt độ không khí cao nhất từ 36 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất từ 45 - 50%. Ngày 20/7 nắng nóng ở Thanh Hóa suy giảm.

Bão WIPHA trở thành cơn bão số 03 trong năm 2025

Bão WIPHA trở thành cơn bão số 03 trong năm 2025

08:20 , 19/07/2025

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hoá, bão WIPHA đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 03 trong năm 2025.

Đại hội Chi bộ Cơ quan Đảng uỷ xã Vĩnh Lộc nhiệm kỳ 2025 - 2030

Đại hội Chi bộ Cơ quan Đảng uỷ xã Vĩnh Lộc nhiệm kỳ 2025 - 2030

23:04 , 18/07/2025

Sáng 18/7, Chi bộ Cơ quan Đảng uỷ xã Vĩnh Lộc đã tổ chức Đại hội lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2025 – 2030.