Quốc hội thảo luận 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Ngày 30/10, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngày 30/10, là ngày làm việc đầu tiên trong tuần thứ hai của Kỳ họp thứ 6. Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở hội trường về 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Nội dung thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Các đại biểu sẽ xem video clip về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia nói trên và thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thành viên Chính phủ có liên quan sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Được biết, thành viên Chính phủ tham gia giải trình gồm Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Nội vụ; Y tế; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.
Lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ đồng thời với 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 47/2022/QH15 ngày 06/6/2022 về Chương trình giám sát năm 2023 và Nghị quyết số 52/2022/QH15 ngày 14/6/2022 của Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030", Đoàn giám sát đã hoàn thành nội dung, kế hoạch giám sát, bảo đảm theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Báo cáo giám sát đầy đủ của Đoàn Giám sát trình Quốc hội gồm 103 trang và Báo cáo tóm tắt 12 trang.
Đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là: các Chương trình mục tiêu), có phạm vi rộng, cùng với những yêu cầu đổi mới, Đoàn giám sát đã giải quyết nhiều nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn với cách tiếp cận và cách làm mới phù hợp.
Việc xác định nội dung trọng tâm là giám sát, đánh giá tiến trình chính sách và công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện là hướng đi đúng đắn, nhất là trong bối cảnh các Chương trình đang bị chậm tiến độ theo mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Đoàn giám sát đã tiến hành giám sát trực tiếp Chính phủ, 11 bộ, ngành và 15 tỉnh đại diện cho các vùng, miền và mức độ thụ hưởng các Chương trình.
Cả nước có 6.022/8.177 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Ngoài chính sách chung, Chương trình còn có 06 chuyên đề trọng tâm và thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố cả nước.
Kế thừa và phát huy kết quả các giai đoạn trước, phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước đã bám sát mục tiêu: "gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững".
Tổ chức bộ máy thực hiện Chương trình nông thôn mới được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn đảm bảo nguyên tắc và đúng theo quy định.
Tính đến 30/6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn một số bất cập, như: Hệ thống các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện của Trung ương và địa phương còn nhiều, ban hành chậm, chưa đồng bộ, còn có vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm, tỷ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 còn chậm so với yêu cầu, nhất là vốn sự nghiệp, đến 30/6/2023 mới giải ngân được 9,17% kế hoạch vốn của năm.
Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, chưa thực sự bền vững; một số địa phương thiếu quyết liệt và có dấu hiệu chững lại trong chỉ đạo thực hiện xây dựng nông thôn mới…
Nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện giảm nghèo
Về Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 24/2021/QH15, có tổng vốn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng. Chương trình gồm 07 dự án với 11 tiểu dự án, được thực hiện trên địa bàn cả nước.
Kết quả triển khai thực hiện Chương trình đã cơ bản bám sát mục tiêu "Thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững"; tuân thủ các nguyên tắc, giải pháp theo Nghị quyết 24. Nhiều địa phương có mô hình hay, cách làm sáng tạo đạt hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.
Đến tháng 9/2022, là Chương trình đầu tiên trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ở cấp Trung ương. Các địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản theo quy định.
Việc lập, giao kế hoạch vốn thực hiện Chương trình tuân thủ theo quy định pháp luật. Chương trình đã thực hiện cơ bản đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm theo Nghị quyết 24 đề ra.
Báo cáo giám sát đã nêu rõ tồn tại, hạn chế, đó là việc ban hành văn bản của Chương trình vẫn chậm so với quy định Nghị quyết 24. Một số văn bản đã ban hành có khó khăn vướng mắc, địa phương kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung.
Việc phân bổ ngân sách trung ương còn chậm; một số địa phương bố trí nguồn vốn đối ứng thấp; việc lồng ghép vốn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân vào công tác giảm nghèo còn chưa thực chất.
Tại các huyện nghèo mới chỉ quan tâm đánh giá việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, chưa đánh giá thực chất mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm. Kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm chưa thực sự phản ánh đầy đủ các tác động của Chương trình...
Khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải trong phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020, có kinh phí tối thiểu làm tròn là 137.664 tỷ đồng, gồm 10 dự án, 14 Tiểu dự án thực hiện trên địa bàn 49 tỉnh.
Kết quả đạt được: Quá trình triển khai thực hiện đã bám sát mục tiêu tổng quát của Chương trình là "Giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, sắp xếp ổn định dân cư, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, thu hẹp dần khoảng cách mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước...".
Chương trình thực hiện đã tích hợp trên 118 văn bản chính sách dân tộc ở giai đoạn trước, do đó bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún, dàn trải để tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết những vấn đề cấp thiết về kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đặc biệt khó khăn.
Đến tháng 6/2023, các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Chương trình cơ bản đã hoàn thành với khối lượng khá lớn, các bộ, ngành Trung ương đã ban hành khoảng 58 văn bản, ở mỗi địa phương ban hành từ 40-50 văn bản liên quan.
Vốn ngân sách Trung ương đã phân bổ hết cho các địa phương, đảm bảo theo quy định hiện hành. Mặc dù còn nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, nhưng theo Báo cáo của Chính phủ tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3.4%, đạt và vượt mục tiêu kế hoạch giao.
Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quản của Chương trình còn chậm; các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án còn chậm; chất lượng văn bản chưa cao, phải đính chính, sửa đổi, bổ sung sau khi ban hành.
Đến tháng 6/2023 vẫn còn 21 tỉnh chưa thành lập Tổ Công tác. Việc phân bổ vốn Trung ương chậm, dẫn đến đối tượng thực hiện của một số chính sách, ở một số địa phương có sự thay đổi, không còn phù hợp.
Nêu rõ tồn tại, vướng mắc, trách nhiệm và kiến nghị khắc phục
Đoàn giám sát đã phân tích 7 nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên trong đó, lần đầu tiên thực hiện cơ chế, quản lý, chỉ đạo chung 03 Chương trình mục tiêu quốc gia nên không tránh khỏi những khó khăn, lúng túng về chỉ đạo, tổ chức thực hiện; năng lực thực tiễn của một bộ phận cán bộ, công chức tham mưu, xây dựng văn bản, chính sách; việc phối hợp của một số cơ quan, Bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ; cách tiếp cận xây dựng các Chương trình chưa thực sự phù hợp, được thiết kế phức tạp gồm nhiều chính sách, dự án, tiểu dự án...
Đoàn giám sát nêu rõ các tồn tại, hạn chế, vướng mắc chung và của từng Chương trình như trên và trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Chương trình.
Đoàn giám sát đã đưa ra 04 bài học kinh nghiệm; đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, đối với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, đối với địa phương.
Trong đó, đối với Quốc hội, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội chỉ đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội theo chức năng nhiệm vụ tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia ở các cấp.
Cân đối, bố trí đủ ngân sách theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; cho phép kéo dài nguồn vốn được phân bổ năm 2023 chưa được giải ngân hết chuyển sang tiếp tục thực hiện đến 31/12/2024.
Giao Chính thực hiện Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, nội dung liên quan đến các Chương trình mục tiêu quốc gia và lĩnh vực dân tộc.
Trong đó tập trung vào việc thí điểm phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; đề xuất, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh một số mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung của các Chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, tránh lãng phí, tiêu cực.
Giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tiếp thu kiến nghị của Đoàn Giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất ban hành Nghị quyết theo quy trình rút gọn về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan: Chỉ đạo các bộ, ngành liên quan hoàn thành trong năm 2023 rà soát, sửa đổi, bổ sung những cơ chế, chính sách chưa phù hợp, khó thực hiện thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý sớm vốn tồn đọng do giải ngân chậm; có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các Chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi.
Tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Rà soát đánh giá, sửa đổi, bổ sung các chương trình, chính sách về hỗ trợ cho các xã diện đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, hộ nghèo, cận nghèo các đối tượng yếu thế ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số.
Hoàn thiện bộ máy, tổ chức quản lý thực hiện các Chương trình; Thiết lập hệ thống đánh giá, giám sát, báo cáo phù hợp; Chỉ đạo nghiên cứu, định hướng xây dựng nội dung, cơ cấu, chính sách đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phát huy vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào thi đua thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường giám sát và phản biện xã hội trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, chính quyền; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa, nội dung các Chương trình.
Tăng cường vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân; sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
https://baochinhphu.vn/quoc-hoi-thao-luan-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-102231030081628315.htm
Hà Trung tổng kết đợt thi đua cao điểm 45 ngày đêm giải phóng mặt bằng
Sáng 21/11, huyện Hà Trung đã tổ chức hội nghị tổng kết tháng cao điểm về vệ sinh môi trường và đợt thi đua cao điểm 45 ngày đêm thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện năm 2024.
Bế giảng lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Xương
Huyện ủy Quảng Xương phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Ban chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Xương, nhiệm kỳ 2025-2030.
Thành phố Thanh Hoá triển khai Nghị quyết về xây dựng “phường, xã không ma tuý”
Chiều ngày 21/11, Thành uỷ thành phố Thanh Hoá tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết của Ban Thường vụ thành uỷ và Kế hoạch hành động của UBND thành phố về xây dựng “phường, xã không ma tuý” trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2024 – 2025. Đồng chí Lê Anh Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Thanh Hoá dự và phát biểu chỉ đạo.
Quốc hội thảo luận về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng ngày 21/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Phiên họp thường kỳ Ủy ban Nhân dân tỉnh tháng 11
Chiều ngày 21/11, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ nghe dự thảo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2025 và một số nội dung quan trọng khác. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hoá lần thứ IV - năm 2024
Ngày 21/11, tại Trung tâm hội nghị 25B của tỉnh, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV - năm 2024 đã chính thức diễn ra. Dự Đại hội có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, cùng 246 đại biểu đại diện cho hơn 700 nghìn đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Vĩnh Lộc: Tập huấn công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp
Để chuẩn bị tốt công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025 – 2030, sáng ngày 21/11, Huyện ủy Vĩnh Lộc đã tổ chức lớp tập huấn và hướng dẫn về công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp.
Hoằng Hoá xây dựng “Xã, thị trấn, huyện không ma túy”
Sáng ngày 21/11, UBND huyện Hoằng Hóa đã tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai xây dựng “Xã, thị trấn, huyện không ma túy” giai đoạn 2024 – 2025.
Các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững
Ngày 21/11, tại Trung tâm hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV - năm 2024. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này.
Giao lưu "Những đóa hoa miền sơn cước"
Trước thềm Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV năm 2024, tối ngày 20/11, Đài PT&TH Thanh Hóa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp gặp gỡ, giao lưu điển hình tiến tiến các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh với chủ đề "Những đóa hoa miền sơn cước". Tới dự có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Thủy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành, MTTQ và đoàn thể cấp tỉnh; các đại biểu dự Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV, cùng đại diện lực lượng vũ trang, đoàn viên thanh niên, học sinh sinh viên trên địa bàn tỉnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.