Sự vận động và phát triển của báo chí hiện đại trong môi trường hội tụ truyền thông
Kỳ I: Hội tụ và những thách thức đối với nhà báo hiện đại
Bàn về vấn đề hội tụ và truyền thông mới
Hiện nay, khái niệm hội tụ truyền thông không còn xa lạ với giới báo chí, các nhà báo và nhà nghiên cứu báo chí truyền thông, tuy nhiên, vì quá trình hội tụ truyền thông vẫn đang ở những bước đi đầu tiên, nên các học giả trong và ngoài nước vẫn còn một số ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Dũng, hội tụ truyền thông là để chỉ sự tích hợp các phương tiện báo chí khác nhau vào trong một phương thức hoạt động (1). Như vậy, các phương tiện truyền thông truyền thống và mới sẽ tương tác và hỗ trợ cho nhau, mở ra kỷ nguyên mới của truyền thông đa phương tiện.
Xét từ giác độ kỹ thuật, sự tương tác, hội tụ giữa báo in và mạng Internet đã “sản sinh” ra báo mạng điện tử; sự hội tụ giữa truyền hình và Internet cho “ra đời” truyền hình giao thức (IPTV); và sự hội tụ giữa phát thanh và Internet tạo ra phát thanh trên mạng Internet (Podcasting).
Nếu nhìn rộng hơn, hội tụ truyền thông bao gồm sự kết hợp tất cả các phương tiện truyền thông, không chỉ về loại hình truyền thông, mà còn là sự hội tụ cả về chức năng, phương thức đưa tin, sở hữu nguồn tin, cơ cấu tổ chức của các cơ quan báo chí, truyền thông… Nói cách khác, hội tụ truyền thông là quá trình phát triển tiệm tiến từ thấp đến cao của báo chí hiện đại.
Sự tiến bộ của khoa học – kỹ thuật đã cung cấp cho ngành báo chí truyền thông hiện đại các công cụ và phương thức truyền thông tiên tiến vượt trội. So với các phương tiện truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông mới được truyền phát thông qua mạng Internet tạo ra một không gian rộng rãi hơn cho cuộc “cách mạng” của báo chí truyền thông hiện đại.
Thực tiễn cho thấy, hiện nay, tính năng hội tụ của các phương tiện truyền thông trên mạng Internet không ngừng nâng cao, cách thức, hình thức tiếp nhận và truyền phát thông tin ngày càng đa dạng và phong phú. Sự xuất hiện của thời đại 3G khiến báo chí mobile, online trên điện thoại di động, truyền hình mobile… đã thúc đẩy MP4, ipad, laptop, màn hình ngoài trời không dây… phát triển mạnh mẽ. Có thể thấy, mạng Internet và điện thoại di động đã làm thay đổi cuộc sống của con người, đồng thời cũng làm thay đổi “môi trường sinh thái” của các phương tiện truyền thông, khiến cách thức tổ chức của các phương tiện truyền thông mới và cũ có nhiều thay đổi. Sự thay đổi về hình thức và phương thức truyền thông mới khiến cách thức hợp nhất và tái tạo nội dung truyền thông ngày càng trở nên khó khăn hơn. Đặc biệt, các phương tiện truyền thông mới đã phá bỏ “biên giới cứng” về thời gian, không gian của các phương tiện truyền thông truyền thống vốn tồn tại đơn lẻ trước đây như báo in, phát thanh và truyền hình.
Do đó, trong môi trường hội tụ truyền thông, sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống luôn phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do sự tác động của các phương tiện truyền thông mới. Giáo sư Martin Emmer – Học viện Báo chí và Truyền thông thuộc Đại học Tự do (Đức) cho rằng: “Internet không chỉ là tác nhân tạo ra các phương tiện truyền thông mới, nó còn là cả một thế giới khác tồn tại bên cạnh thế giới thực, thông qua thế giới này, công chúng báo chí có thể tiến hành mọi hoạt động như bên ngoài đời sống thực”.(2)
Do vậy, làm thế nào để định vị chính xác về nội dung, lựa chọn thích hợp các phương tiện truyền thông để truyền tải thông tin, kiểm soát và quản lý một cách hiệu quả quy trình truyền thông đã trở thành bài toán khó mà các phương tiện thuyền thông đang đi tìm lời giải.
Thực tiễn chỉ đường cho lý luận, thực tiễn ngày càng phong phú khiến nội hàm của lý luận cũng phát triển theo, và truyền thông hội tụ không nằm ngoài quy luật phát triển đó. Với truyền thông hội tụ, chúng ta có thể thấy xuất hiện nhiều kênh truyền hình, nhưng vẫn có thêm các trang web và blog và phóng viên của báo in xuất hiện trên truyền hình và tạo blog trên mạng.
Sự ra đời nhàbáo “đa kỹ năng”
Những năm qua, các mạng xã hội như Facebook, Twitter… ồ ạt ra đời và phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, đem lại cho cộng đồng cư dân mạng một không gian giao lưu tự do, rộng rãi hơn, đồng thời cũng tạo ra cách thức và “công cụ” mới để các cơ quan báo chí hội tụ thực hiện nhiệm vụ truyền thông của mình. Hiện nay, tại Mỹ, một số cơ quan báo chí truyền thông đã thiết lập các vị trí chuyên biệt chuyên quản lý mạng xã hội; các học viện, trường đại học báo chí lớn đã chủ động xây dựng một số môn học tương ứng để đào tạo sinh viên có thể thông qua truyền thông xã hội sản xuất và đưa tin bài, giúp họ thích nghi với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới.
Sự chuyển đổi từ kỷ nguyên in ấn sang thời đại số khiến hoạt động cạnh tranh của báo chí truyền thông không chỉ bó hẹp trong phạm vi thu thập và đưa tin, mà còn thông qua việc hợp nhất các sản phẩm truyền thông để nâng cao chất lượng và giá trị thông tin, từ đó tạo ra sản phẩm truyền thông mới, hình thành các chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị trong các cơ quan báo chí – truyền thông. Nếu xét từ ý nghĩa đó, trình độ và kỹ năng tác nghiệp hiện nay của nhà báo đang trở nên lạc hậu, đòi hỏi nhà báo phải “đa kỹ năng”, hiểu về truyền thông, biết lập kế hoạch, viết, biên tập tốt, quay phim và chụp ảnh giỏi… Mặt khác, nhà báo “đa kỹ năng” cần phải hiểu công chúng và kiểm chứng thông tin từ truyền thông xã hội. Một trong những sợi chỉ quan trọng kết nối giữa nhà báo với công chúng là có thể thu thập được rất nhiều kiến thức và giá trị từ công chúng và công chúng luôn sẵn sàng chia sẻ những giá trị đó. Một ví dụ điển hình là ngày 26/12/2010, một cơn bão tuyết xảy ra ở Thành phố New York (Mỹ) khiến toàn thành phố gần như bị tê liệt hoàn toàn. Ba sân bay chính, một ga tàu hỏa, và một số tuyến tàu điện ngầm của thành phố phải đóng cửa, phương tiện cấp cứu như xe cứu thương, xe tải chữa cháy không thể di chuyển. (3)
Trong khi đó, ông Michael R. Bloomberg – thị trưởng thành phố New York lại thông báo rằng, tất cả các đường phố đã được khơi thông. Tuy nhiên, bản đồ do Đài phát thanh địa phương WNYC cung cấp cho thấy rằng, các con đường vẫn bị chôn vùi trong tuyết. Với cách làm mới, WNYC đã mời thính giả tường thuật những khu vực mà đường phố vẫn chưa được dọn tuyết, cản trở xe hơi, ngăn cản xe buýt và các phương tiện cấp cứu đến với người dân. Để gửi bài tường thuật về sự kiện này, người dân chỉ cần gửi tin nhắn từ bất kỳ điện thoại di động nào. Mỗi bài tường thuật được gắn với một bản đồ Google, đăng trên website của đài phát thanh WNYC.
Ngay sau đó, WNYC Radio đã lập bản đồ hiển thị các khu vực đã được làm sạch tuyết. Nhờ vào các bản đồ đã đăng và các bài tường thuật từ các thính giả, WNYC Radio có thể chỉ ra rằng, chính quyền địa phương đã không làm những gì mình hứa, và tiếng nói của người dân đã được lắng nghe. Các xe dọn tuyết đã được gửi đến, và đường phố đã được dọn sạch tuyết. Qua cách thức đưa tin của WNYC, có thể thấy, công chúng là người trực tiếp giúp các nhà báo đưa tin khách quan và nhanh nhất; nhà báo cần phải suy nghĩ sáng tạo để có thể sử sụng nguồn tin do công chúng cung cấp hiệu quả; vai trò của truyền thông xã hội khá quan trọng khi nhà báo đưa tin về thiên tai, hoặc khủng hoảng.
“ Khi nghe những người giống với hoàn cảnh của mình phát biểu,điều này thực sự khuyến khích những người khác gửi các câu chuyện vàđóng góp tin tức của mình”. Jim Colgan, nhà sản xuất tin tức trướcđây của WNYC chia sẻ.
Vấn đề đặt ra cho các nhà báo hiện nay
Thứ nhất, nhà báo cần thu hút sự hợp tác và cùng tham gia của công chúng. Trong thực tế, quy trình truyền thông truyền thống diễn ra như sau: sự kiện được nhà báo truyền tải tới công chúng thông qua các phương tiện truyền thông. Trong quá trình truyền thông đó, nhà báo đóng vai trò là người chủ động tích cực, còn công chúng thường ở vị trí bị động hơn. Tuy nhiên, trong môi trường truyền thông mới, quy trình truyền thông đơn nhất đã thay đổi, ranh giới giữa nhà báo và công chúng dần bị xóa nhòa, công chúng ngày càng chủ động và tích cực hơn, khiến chủ thể của truyền thông được chuyển từ sự “lũng đoạn độc quyền” của phóng viên chuyên nghiệp thành phóng viên và công chúng cùng chia sẻ, mô hình truyền thông được chuyển từ (đơn nhất) một chiều sang truyền thông tương tác (đa chiều). Sự nhất thể hóa giữa người truyền thông và công chúng đã trở thành nét đặc trưng chủ yếu của mô hình truyền thông mới trong kỷ nguyên truyền thông hội tụ.
Ví dụ, các cuộc tấn công tại Mumbai (Ấn Độ) tháng 11/2008 đã tạo ra một “cơn bão” tin tức được cập nhật trực tiếp từ người dân, làm tăng lượng truy cập và thông tin trên các trang mạng xã hội Twitter và Flickr. Một bản đồ Google map về các địa điểm bị tấn công nhanh chóng được thiết lập. Một bài viết dài về các cuộc tấn công nhanh chóng xuất hiện trên trang Wikipedia (trang bách khoa toàn thư mở do độc giả đóng góp) chưa đầy một tiếng đồng hồ sau cuộc tấn công.” (4)
Qua đó, có thể thấy, công chúng là đối tác quan trọng của nhà báo. Vì vậy, để có thể sử dụng những thông tin thật sự hữu từ công chúng, các trang tin trên mạng cần mời gọi và tôn trọng sự đóng góp nội dung từ phía công chúng. Nếu không, công chúng sẽ dễ dàng đi sang các trang web khác – nơi họ có thể tương tác, để lại ý kiến của mình, vì biết rằng ý kiến đó sẽ có người đọc hoặc nghe. Ngoài ra, khả năng tư duy của phóng viên còn được thể hiện thông qua các sản phẩm báo chí hội tụ, phương tiện truyền thông hợp nhất, thu hút lượng công chúng lớn cho cơ quan báo chí của mình.
Thứ hai, nhà báo cần biết tổng hợp và chắt lọc thông tin. Trong môi trường truyền thông hội tụ, sự đa dạng hóa của các loại hình truyền thông đã đem lại cho con người nguồn thông tin đa dạng và phong phú, tuy nhiên sự hỗn tạp và thiếu trật tự của thông tin đã khiến công chúng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn những thông tin hữu ích, thậm chí là bị “quấy rối” trước tình trạng “bùng nổ thông tin”. Với sự đa dạng của các phương tiện truyền thông cũng khiến tần suất tiếp xúc với các phương tiện truyền thông của công chúng tăng mạnh, ảnh hưởng đến cuộc sống của con người, khiến mọi mặt trong đời sống đều mang dấu ấn của truyền thông. Đặc biệt, trong trong thời đại Web2.0, công chúng có thể tự cung cấp nội dung thông tin, đồng thời thông qua các kênh truyền thông tiến hành các hoạt động giao lưu và xã hội hóa truyền thông.
Trong xã hội hiện đại, sự ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông càng ngày càng lớn, khả năng phân biệt tính chính xác của công chúng đối với thông tin lại không cao, vai trò “gác cổng” của báo chí không được phát huy tốt, không khu biệt được một cách hiệu quả đối với thông tin, thậm chí xuất hiện các luồng tin lá cải, sai sự thật, câu khách rẻ tiền. Trên mạng Internet, hiện tượng này càng nghiêm trọng hơn, phá hoại “môi trường sinh thái” vốn có của mạng Internet, xâm phạm đến quyền được nắm bắt thông tin của công chúng.
Trong bối cảnh đó, vai trò của nhà báo trong quá trình tổng hợp và chắt lọc thông tin, đem đến cho công chúng những sản phẩm truyền thông chất lượng, giảm thiểu những khó khăn cho công chúng trong vấn đề tiếp nhận những thông tin hữu ích, làm tốt vài trò của “người gác cổng” là rất cần thiết.
Hiện nay, giá trị then chốt của nhà báo không chỉ đơn thuần là thu thập thông tin và đưa tin, mà trong mớ thông tin hỗn loạn, phức tạp như hiện nay cần phải biết chọn lọc hợp lý, tổng hợp, đánh giá những thông tin quan trọng có giá trị thực sự, tổ hợp và sắp xếp một cách logic các thông tin “hổ lốn” ấy, từ đó cung cấp những bài phân tích, bình luận có giá trị đối với công chúng, giúp họ hiểu và nắm một cách chân thực, hệ thống và sâu sắc hơn những sự kiện xảy ra trong xã hội.
Thứ ba,nhanh nhưng phải chính xác. Trong kỷ nguyên truyền thông hội tụ, mặc dù cách thức truyền thông luôn được đổi mới, nhưng “nội dung là số một” vẫn là yếu tố then chốt để các hãng truyền thông cạnh tranh với nhau và yêu cầu về chất lượng nội dung cũng cao hơn. Sự hội tụ về mặt kỹ thuật đã khiến tốc độ truyền phát thông tin tăng lên nhanh chóng, nhưng chất lượng nội dung không cao và xem nhẹ tính khách quan của báo chí; tin, bài thiếu chiều sâu, hiện tượng đồng nhất hóa (giống nhau) khá nghiêm trọng. Hiện tượng này được thể hiện ở sự trùng lặp và na ná trong các bản tin, góc độ tiếp cận không có điểm đột phá. Với một sự kiện, nhưng nhiều tờ báo cùng đăng tải trên trang chủ ở góc độ tiếp cận giống nhau. Đặc biệt, khi trong nước và quốc tế xảy ra sự kiện lớn, tình trạng “tông xe” này lại càng rõ nét, phần lớn đều dùng bài viết hoặc ảnh của hãng truyền thông lớn, nên nội dung gần như không có sự khác biệt nhiều.
Ngoài ra, tình trạng đồng nhất hóa còn được thể hiện ở sự trùng lặp trong phong cách biên tập, dàn trang, cách thức bố trí giao diện, chương trình truyền hình; trùng lặp trong việc xác định công chúng mục tiêu và thời gian ra báo…
Hiện nay, cuộc cạnh tranh giữa các phương tiện truyền thông ngày càng gay gắt, các hãng truyền thông lớn đều lấy việc đưa các bản tin độc quyền vào thời điểm sớm nhất làm tôn chỉ. Tuy nhiên, vì theo đuổi tính cấp thời và “độc quyền” thông tin, nhiều nhà báo gần như phải biên tập rất nhanh, và chú ý rất nhiều đến kỹ xảo làm “hot” bản tin để “câu” độc giả, khán giả. Hậu quả của việc theo đuổi tốc độ dẫn đến coi nhẹ tính khách quan của báo chí, đưa tin thiếu chiều sâu, nội dung hời hợt. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí vì lợi ích kinh tế nên tìm mọi cách để lấy lòng “thượng đế”, bằng các nội dung chương trình có khuynh hướng câu khách, kém chất lượng, rẻ tiền…
Thứ tư, nhà báo cần có tư duy đa phương tiện. Nhìn từ đời sống truyền thông hiện nay ở nước ta có thể thấy, hiện có không ít phóng viên báo in cảm thấy rất khó khăn khi sử dụng phương thức tác nghiệp bằng các phương tiện truyền thông mới trong đó có mobile, đơn giản vì họ quen lối viết cầu kỳ, chỉn chu, thậm chí có phần “công thức hóa”. Do đó, bên cạnh việc sở hữu một chiếc máy điện thoại thông minh kha khá, nhà báo cần phải có “tư duy mobile” khi tác nghiệp.
Hiện nay, nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới đều yêu cầu nhà báo cùng lúc phải cung cấp các nội dung cho nhiều loại hình truyền thông khác nhau, một phóng viên làm việc trong cơ quan truyền thông đa phương tiện, sau khi phỏng vấn một sự kiện, cần hoàn thành rất nhiều công việc như viết tin cho báo giấy, gửi sản phẩm cho truyền hình và phát thanh, thậm chí cả Internet bao gồm video, ảnh, bản tin viết cho điện thoại di động. Tuy nhiên, yêu cầu đối với nhà báo “đa kỹ năng” cần phải phải linh hoạt để vừa có thông tin, vừa có hình ảnh tĩnh và hình ảnh động, và điều quan trọng là luôn ý thức về việc gửi về tòa soạn một cách nhanh nhất. Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo điện tử Vietnamplus, làm báo trên điện thoại di động sẽ là xu hướng chủ đạo, vì thế việc tác nghiệp bằng mobile cũng sẽ trở nên phổ biến trong tương lai để phục vụ thể loại mobile news. Đây là một thể loại mới, có thể bổ sung cho báo in, phát thanh và truyền hình. Tuy nhiên, nhà báo cần chú ý đưa tin nhanh, nhưng phải phản ánh đầy đủ sự thật, bởi không phải cái gì nhanh cũng đúng.
Tóm lại, để thích ứng trong môi trường truyền thông mới, nhà báo “đa kỹ năng” ngoài việc nắm bắt các công nghệ làm báo truyền thống, phải biết xử lý ảnh và video, đặc biệt biết sử dụng mạng xã hội để tăng giá trị cho tờ báo điện tử của mình và coi công chúng là đối tác trong quá trình tác nghiệp.Tuy nhiên, nhà báo luôn phải tỉnh táo, biết kiểm chứng khi đọc thông tin trên mạng xã hội, hãy luôn nhớ và tìm trả lời các câu hỏi: Ai là nguồn tin? Có phải họ thực sự là người họ tự nhận? Nhà báo có thể chắc chắn rằng những người đó đang đứng ở địa điểm đó? Thông tin này có nhất quán với các báo khác không? Thông tin đó có vẻ đáng ngờ không?
PGS.TS. Nguyễn Thành Lợi/ Theo nguoilambao.vn
Kỳ II: Tòa soạn hội tụ – từ lý luận đến thực tiễn
(1)Báo chí – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, Tr 54, năm 2013
(2)Kỷ yếu Tọa đàm khoa học: “Sự thâm nhập của các PTTT mới vào Việt Nam và ứng xử của nhà báo trẻ”- Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Tr 1, năm 2013
(3)Nguồn:http://www.wnyc.org/crowdsourcing/winter-storm-photos/report/
(4)Nguồn: The Wall Street Journal, ngày 28/11/2008
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm

Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật
Sáng 25/4, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với Câu lạc bộ khối trường đào tạo Văn hóa - Nghệ thuật tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đào tạo văn hoá - nghệ thuật". Tiến sỹ Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, sáng kiến tỉnh dự và phát biểu tại hội thảo.

Công bố Quyết định nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn Quốc gia Xuân Liên
Chiều 25/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức công bố Quyết định nâng hạng Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên thành Vườn Quốc gia Xuân Liên. Tham dự có đồng chí Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm – Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các tổ chức Quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng Lễ Phật đản 2025
Nhân dịp Lễ Phật đản Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025, sáng 25/4, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, đã đến thăm, chúc mừng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tại Chùa Đại Bi, thành phố Thanh Hoá.

Bản tin An toàn giao thông 24h ngày 25/4/2025
Chương trình An toàn giao thông 24h của Đài PT&TH Thanh Hóa có những nội dung chính sau: Không để xảy ra phức tạp về an ninh, trật tự dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5; Bố trí 10 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phục vụ đi lại dịp 30/4; Tái diễn tình trạng xe khách dừng đỗ không đúng nơi quy định.

Lãnh đạo tỉnh gặp mặt và chúc mừng Lễ Phật đản 2025
Chiều 25/4, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức gặp mặt các chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hoá nhân dịp lễ Phật đản Phật lịch 2569 – Dương lịch 2025.

Quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước 31/10/2025
Chiều 25/4, Ban chỉ đạo cấp tỉnh thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá trong 2 năm 2024 - 2025 đã tổ chức giao ban, đánh giá tiến độ thực hiện cuộc vận động, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Các đồng chí: Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo; Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, Phó trưởng Ban chỉ đạo; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Kỳ họp thứ 28, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
Sáng 25/4, dưới sự chủ trì của đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa và các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Kỳ họp thứ 28, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được tổ chức để thảo luận, thông qua Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh và một số nội dung quan trọng khác.

Bản tin Văn hóa ngày 25/4/2025
Mời quý vị và các bạn theo dõi Bản tin Văn hóa của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa.

Chủ động phương án đảm bảo an ninh trật tự tại Lễ hội biển Sầm Sơn 2025
Vào tối ngày 26/4, lễ hội biển Sầm Sơn 2025 với chủ đề "Sầm Sơn – Khát vọng tỏa sáng" sẽ được tổ chức, dự kiến sẽ có hàng nghìn người tham dự. Đến thời điểm này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã triển khai lực lượng, thực hiện phương án đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau sự kiện, quyết tâm không để xảy ra các tình huống đột xuất, bất ngờ.

Khan hiếm nguồn cung đá vật liệu xây dựng thông thường
Báo cáo của Hiệp hội Đá Thanh Hoá cho biết: trong quý I/2025, nhu cầu đá vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, gấp khoảng ba lần so với cùng kỳ. Điều này đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.