Tài xế công nghệ 9X ở Hà Nội hiến máu và tiểu cầu 100 lần trong 8 năm
Suốt 8 năm, từ lúc còn là sinh viên năm nhất đến nay, anh Thanh vẫn đều đặn duy trì hoạt động hiến máu và tiểu cầu, đóng góp chút sức lực của mình để giúp thêm nhiều bệnh nhân có hy vọng sống.
Chàng trai 26 tuổi hiến máu và tiểu cầu hơn 100 lần trong 8 năm
Vài ngày nay, trang facebook cá nhân của chàng trai Nguyễn Văn Thanh (SN 1996, hiện sống ở huyện Mê Linh, Hà Nội) liên tục nhận được hàng loạt thông báo và tin nhắn từ người quen lẫn người lạ.
Theo đó, bức ảnh chụp Thanh thành công hiến tiểu cầu lần thứ 100 được fanpage của Viện Huyết học - Truyền máu TƯ đăng tải nhanh chóng gây "sốt" trên nhiều diễn đàn.
"Mình rất bất ngờ và xúc động khi biết hành động đẹp của bản thân đã tạo hiệu ứng tích cực đối với cộng đồng mạng cũng như truyền cảm hứng cho nhiều người", Thanh nói.
![]() |
Chia sẻ với PV Dân trí, Thanh cho biết đã tham gia hiến máu từ năm 2014. Thời điểm đó, Thanh mới ra Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ thi Đại học. Những lần đứng chờ xe bus ở điểm dừng trường Đại học Thương Mại, 9X thường bắt gặp các chuyến xe hiến máu di động, xung quanh có nhiều tình nguyện viên và sinh viên.
"Lúc đừng chờ xe, mình được lắng nghe những lời tư vấn từ các anh chị sinh viên rằng hiến máu là hoạt động ý nghĩa, có thể mang lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân nên mình quyết định tham gia. Lần đầu hiến máu, nhận phần quà là gấu bông, mình thấy rất vui và hạnh phúc", chàng trai trẻ nhớ lại.
Sau lần đó, chàng sinh viên năm nhất bắt đầu "bén duyên" với hoạt động hiến máu và trở thành "vị khách" thường xuyên có mặt tại Viện Huyết học - Truyền máu TƯ. 9X mong sao có thể giúp thêm nhiều bệnh nhân có cơ hội duy trì và kéo dài sự sống.
Có đợt, ở bệnh viện, nhu cầu về tiểu cầu cao nhưng ít người biết và tham gia nên khi được tư vấn, Thanh quyết định thử sức. Chàng trai quê Mê Linh cũng mạnh dạn tham gia cả hai cách thức vì thời gian hiến máu toàn phần phải cách nhau khoảng 3 tháng, còn hiến tiểu cầu chỉ cần sau 21 ngày.
Mỗi năm, Thanh có thể hiến máu toàn phần tối đa 4 lần và hiến tiểu cầu 14 - 15 lần. Đầu tháng 6 vừa qua, chàng trai nhóm máu B này đã vượt cột mốc 100 lần hiến tiểu cầu và máu khiến không ít người phải ngưỡng mộ.
Trung bình cứ 3 tuần, Thanh lại tới viện một lần để kiểm tra và hiến tiểu cầu hoặc máu. Chàng trai trẻ tiếc nuối quãng thời gian phải mổ tay và giai đoạn giãn cách xã hội năm 2021 vì dịch Covid-19 khiến bản thân không thể tham gia hoạt động ý nghĩa này.
Thời gian đầu hiến máu và tiểu cầu, Thanh nhận tiền hỗ trợ để có thêm khoản nhỏ dành dụm chi tiêu cho cuộc sống sinh viên. Sau này, 9X chuyển sang nhận các phần quà như gấu bông hoặc phiếu khám sức khỏe. Anh cũng chia sẻ gấu bông cho các em, các cháu trong nhà, chỉ giữ lại một phần làm kỷ niệm.
Thanh thừa nhận, bản thân nhiều lần hiến máu và tiểu cầu nhưng bố mẹ không hay biết. Thậm chí, thời gian đầu mới lập gia đình, vợ anh cũng có chút hoài nghi vì thấy chồng thường xuyên đi hiến máu.
"Biết vợ thắc mắc nhưng mình không giải thích nhiều, chỉ cười cho qua và thỉnh thoảng chia sẻ những bài viết về các bệnh nhân đang ngày đêm chờ tiếp tế máu để duy trì sự sống. Lâu dần, vợ cũng thấu hiểu cho hành động của mình", chàng trai 26 tuổi tâm sự.
Ăn uống khoa học, tập luyện điều độ để giúp được nhiều bệnh nhân
Có lần, sau khi hiến tiểu cầu về, cảm thấy còn khỏe, Thanh tham gia đá bóng cùng bạn bè. Chỉ khoảng 10 phút sau, anh thấy xuất hiện tình trạng choáng váng, hoa mắt, mệt mỏi. Từ đó, anh chú ý lời căn dặn của bác sĩ, phải tập trung nghỉ ngơi, ngủ sớm, tránh hoạt động nặng và dừng các tập luyện thể thao trong 2-3 ngày sau khi hiến máu hoặc tiểu cầu.
Để có thể lực và sức khỏe tốt đảm bảo cho việc hiến máu, tiểu cầu, chàng trai Hà Nội duy trì thói quen tập luyện thể thao lành mạnh và ăn uống khoa học hàng ngày. Trước những đợt dự định hiến máu và tiểu cầu, chàng trai trẻ không sử dụng rượu bia, nước có ga hay chất kích thích.
"Có những lần mình đến bệnh viện nhưng không được hiến vì huyết tương đục, không lấy được tiểu cầu nên thấy rất hụt hẫng. Sau đó, mình được các bác sĩ tư vấn nên hạn chế các loại đồ ăn nhiều chất đạm như thịt, trứng, sữa, cá,... và phải uống nhiều nước trước khi hiến máu hoặc tiểu cầu", 9X kể.
Cảm phục hành động của Thanh, vợ anh là chị Nguyễn Thị Nhật Lệ (26 tuổi) cũng thường xuyên động viên chồng cố gắng giữ gìn sức khỏe. Mỗi lần chồng đi hiến tiểu cầu hoặc máu, chị ở nhà lại chuẩn bị một số món ngon, đầy đủ dinh dưỡng để "bồi bổ" cho anh.
Với những đóng góp của bản thân, Thanh nhiều lần được mời tham dự lễ tri ân những người hiến tiểu cầu và máu. Góp mặt tại sự kiện, lắng nghe những người bệnh chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động, chàng trai trẻ tự nhủ bản thân phải tiếp tục và làm tốt hơn nữa công việc tình nguyện này.
"Khi tới hiến máu tại Viện Huyết học và Truyền máu TƯ, mình gặp rất nhiều bệnh nhi và bệnh nhân lớn tuổi đang từng ngày vượt qua cơn đau để chống chọi với các căn bệnh về máu. Sau những lần như vậy, mình càng mong muốn có thể làm điều gì đó để có thể níu giữ những tâm hồn đẹp ở lại với cuộc đời, giúp họ có cơ hội sống và thực hiện ước mơ, hoài bão", Thanh trải lòng.
Ngoài việc hiến tiểu cầu và máu, chàng trai 26 tuổi còn tham gia nhiều hoạt động tình nguyện như trao quà và quần áo cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ ở huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) hay các phong trào tình nguyện của đoàn thanh niên tại thôn, xã…
9X mong muốn sẽ có thêm nhiều người biết đến và tham gia vào công tác hiến tiểu cầu và máu để giúp các bệnh nhân vượt qua khó khăn, bệnh tật.
Theo Dân trí
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm

Độ tuổi mắc sởi đã có thay đổi sau khi kết thúc chiến dịch tiêm vaccine
Theo Bộ Y tế, độ tuổi mắc bệnh sởi đã bắt đầu có sự thay đổi theo nhóm tuổi sau thời điểm hạn kết thúc chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống bệnh sởi.

Chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể trong trường học
Mới đây, tại Trường Mầm non Định Tăng, huyện Yên Định, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Yên Định tổ chức diễn tập “Điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể trong trường học”. Đây là hoạt động ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng và tính chủ động, kịp thời trong công tác phòng, chống, xử lý ngộ độc thực phẩm cho đội ngũ nhân viên y tế và cán bộ, giáo viên các nhà trường.

Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ
Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ cán bộ, góp phần giữ gìn và phát huy nguồn lực cán bộ, đáp ứng yêu cầu về sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ trên cương vị công tác. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác này, ngay khi được tiếp nhận thêm nhiệm vụ mới từ Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, đồng thời triển khai các giải pháp để tiếp tục từng bước nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ.

Bộ Y tế công bố 4 loại thuốc giả mạo trong 21 sản phẩm tân dược giả bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cảnh báo về thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường. Trong số 21 sản phẩm bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ khi triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion.

Siết chặt kiểm soát lây nhiễm sởi
Tại Thanh Hóa, từ cuối tháng 3 đến nay, số ca mắc sởi đã gia tăng trở lại. Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã siết chặt các giải pháp kiểm soát lây nhiễm tại đơn vị.

Bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế không được tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế; các trường đại học, cao đẳng y dược trực thuộc Bộ Y tế; các hội, hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam về việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng.

Số ca mắc sởi gia tăng trở lại
Từ cuối tháng 3 đến nay, số ca mắc sởi tại Thanh Hóa có xu hướng tăng so với đầu năm. Ngành y tế khuyến cáo, nếu không đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì nguy cơ bùng phát dịch sởi là rất lớn.

Tiêm miễn phí vaccine phòng cúm cho thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và tri ân các anh hùng đã chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc, sáng ngày 17/4, Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Trung tâm tiêm chủng VNVC Thanh Hoá tiêm vaccine phòng cúm miễn phí cho 60 thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Bộ Y tế đề nghị xử lý người nổi tiếng quảng cáo sai quy định về thực phẩm chức năng
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Văn hóa cơ sở về việc phối hợp quản lý quảng cáo thực phẩm.

Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống cúm A (H5N1) và dịch bệnh mùa hè ở người
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá vừa có công văn gửi Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống cúm A (H5N1) và dịch bệnh mùa hè ở người.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.