Tạm ngưng tuyến tàu cao tốc Cần Thơ-Trần Đề vì ảnh hưởng đến cuộc sống của dân
Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ – Trần Đề khai thác từ năm 2019 làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân, gây sạt lở hai bên bờ sông Hậu.
26/08/2020 09:15
aA
aA
aA
Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề và ngược lại đi vào khai thác từ cuối năm 2019, mỗi ngày có một chuyến đi và về. Tuy nhiên chỉ sau thời gian hoạt động đã vấp phải sự phản ứng từ người dân sinh sống dọc theo bờ sông Hậu. Nguyên nhân là do tàu chạy gây sóng làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của bà con và là một trong những yếu tố gây sạt lở hai bên bờ.
Tàu cao tốc chạy tuyến Cần Thơ - Trần Đề - Côn Đảo.
Để chấn chỉnh, hiện nay Tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Trần Đề đã được yêu cầu tạm ngưng hoạt động và chỉ khai thác trở lại khi phía công ty quản lý tàu xây dựng phương án đảm bảo an toàn đời sống của người dân và không gây sạt lở.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Kế Sách, ấp An Tấn và An Công là hai ấp cù lao trên sông Hậu, thuộc địa bàn xã An Lạc Tây. Trong những năm qua, triều cường đã gây sạt lở nghiêm trọng các tuyến đê của 2 ấp này. Huyện Kế Sách đã bố trí nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư kè đá bảo vệ chân đê.
Tuy nhiên, từ khi tàu cao tốc Côn Đảo Express chạy tuyến Cần Thơ-Trần Đề-Côn Đảo bắt đầu hoạt động đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Cụ thể, đã làm sạt lở 37 đoạn chân đê với chiều dài ước tính khoảng 1.500 mét, làm xảy ra 34 vụ chìm xuồng, ghe, gây hư hỏng phương tiện; có 11 trường hợp hộ dân đánh bắt cá trên sông bị cuốn trôi mất lưới, ngư cụ.
Một số công trình do nhà nước đầu tư bằng kè rọ đá đã hư hỏng, có nguy cơ sạt lở; người dân phải tự gia cố đê bao để bảo vệ tài sản, một số hộ đã di dời nhà cửa và tài sản đến nơi an toàn; các ao cá tra gần đê đang trong tình trạng báo động. Ngoài ra, trên địa bàn xã đảo Phong Nẫm cũng ghi nhận nhiều tuyến đê bị sạt lở do hoạt động của tàu cao tốc Côn Đảo Express gây ra.
Ông Lê Văn Lừng, và Ông Lê Văn Chăn, cùng ngụ ấp An Tấn, xã An Lạc Tây, bức xúc cho biết: "Bây giờ chúng tôi đi đánh lưới cũng phải trông chừng, tới giờ tàu chạy qua thì phải chạy vào ở nhà, nếu tàu cao tốc chạy qua thì chúng tôi phải chạy xuồng ra ngoài, vì đậu dọc bờ sông sẽ bị sóng đánh chìm. Không chỉ ảnh hưởng tới hành nghề cá, mà tàu cao tốc còn là sạt lở bờ sông. Nếu cứ chạy thế này thì hết năm nay, toàn tuyến đê cồn này vỡ hết vì sóng đánh".
Người dân lo lắng, vào mùa mưa bão, nhất là những đợt triều cường sẽ dâng cao, thậm chí đạt đỉnh trong thời gian tới, nếu kết hợp sóng do tàu cao tốc gây ra thì nguy cơ gây vỡ đê dọc theo các bờ cồn, cù lao là rất lớn, khi đó, mức độ thiệt hại sẽ rất khó lường. Người dân mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm có biện pháp giải quyết để bà con yên tâm sản xuất, không phải lo lắng mỗi khi tàu cao tốc chạy qua như thời gian qua.
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Trang Trường Thanh, Phó Giám đốc sở Giao thông - Vận tải tỉnh Sóc Trăng cho biết, để giải quyết bức xúc của người dân về tình hình sạt lở bờ sông Hậu do tàu khách cao tốc tuyến Cần Thơ - Trần Đề gây ra, đầu tháng 8 vừa qua, sở đã tiến hành cuộc hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc.
Theo đó, Cuộc họp đã thống nhất tạm ngưng hoạt động tuyến Cần Thơ - Trần Đề kể từ ngày 4/8. Cuộc họp cũng đặt ra yêu cầu công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc trước khi tiếp tục hoạt động tuyến Cần Thơ - Trần Đề trở lại, phải xây dựng phương án hoạt động khắc phục ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tình hình sạt lở hai bên bờ sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, công ty chủ động tổ chức đoàn khảo sát thực tế cùng với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để thẩm định phương án hoạt động tàu tuyến Cần Thơ - Trần Đề.
Ông Thanh nhấn mạnh: "Hiện giờ, tàu đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 4/8. Công ty quản lý tàu sẽ xây dựng phương án, trong phương án đó sẽ đề cập tới vấn đề an toàn hai bên bờ để tính toán chạy với tốc độ nào cho phù hợp. Tàu sẽ xây dựng phương án, mời cơ quan, các đơn vị liên quan kể cả các địa phương mình cùng tham dự thẩm định phương án đó. Khi các đơn vị đồng ý sẽ được chạy".
Trước đó, qua khuyến cáo của các cơ quan chức năng, ngày 3/8, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc cũng đã ra thông báo về lịch tạm ngưng vận hành từ tuyến Cần Thơ - Trần Đề và ngược lại đến khi có thông báo mới. Đồng thời khẳng định, công ty cam kết sẽ tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn hàng hải.
Trong công văn gửi Sở Giao thông vận tải tỉnh Sóc Trăng vào ngày 11/8 vừa qua của Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ, Cục Hàng hải Việt Nam, về việc phối hợp quản lý hoạt động tuyến tàu cao tốc Cần Thơ - Côn Đảo của Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc, Cảng vụ Hàng hải Cần Thơ cũng yêu cầu trước khi cho tàu hoạt động trở lại tuyến Cần Thơ - Trần Đề, Công ty Cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc phải xây dựng phương án hoạt động và chủ động tổ chức đoàn khảo sát thực tế cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan để thẩm định phương án nhằm không ảnh hưởng tới đời sống của người dân hai bên bờ sông Hậu./.
Là nơi đầu tiên tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã được ví như “cánh tay nối dài” của chính quyền, đưa dịch vụ công đến gần dân nhất. Ghi nhận tại xã Quảng Bình, tỉnh Thanh Hóa.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định điều chỉnh lần thứ ba Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo tại các khu vực đặc biệt khó khăn, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Sáng 7/7, tại xã Tân Ninh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hoá đã công bố Quyết định thành lập Ban Quản lý Di tích lịch sử - Danh lam thắng cảnh quốc gia Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu.
Sáng 7/7, Bảo hiểm VietinBank Thanh Hóa đã tổ chức lễ chi trả quyền lợi bảo hiểm hơn 1,7 tỷ đồng cho hai khách hàng tham gia bảo hiểm khoản vay tại VietinBank.
Ngay sau khi đi vào hoạt động ổn định, xã Kim Tân xác định công tác phòng chống thiên tai lũ lụt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thanh Hóa hiện có 13 tuyến quốc lộ và hơn 70 tuyến tỉnh lộ. Đặc thù các tuyến đường vốn được nâng cấp từ đường tỉnh và liên huyện, mặt đường hẹp, công tác bảo vệ kết cấu công trình giao thông tại một số địa phương có tuyến đường đi qua vẫn chưa quan tâm đúng mức. Không những thế, thời tiết mưa bão đã làm ảnh hưởng lớn đến kết cấu công trình giao thông. Để khắc phục những tồn tại trên, Ban Quản lý bảo trì Công trình giao thông thuộc Sở Xây dựng Thanh Hóa đã nỗ lực làm tốt công tác bảo trì, bảo vệ kết cấu công trình giao thông trên tuyến, bảo đảm giao thông diễn ra thông suốt.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân xử lý xe điện không phép tại khu du lịch biển Hải Tiến (thuộc xã Hoằng Tiến). Tuy nhiên, đến nay các phương tiện này vẫn công khai hoạt động, thậm chí, ngày càng gia tăng về số lượng, hoạt động “nhộn nhạo” gây bức xúc cho người dân và khách du lịch.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Quyết định số 77 về phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý, bảo vệ, thực hiện biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi lấn chiếm đất dành cho đường sắt thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.