ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024

Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá vừa có Chỉ thị về Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024.

22/05/2024 11:28
Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự năm 2024 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Chỉ thị nêu rõ: Những năm gần đây, thiên tai, sự cố diễn biến bất thường, gây thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự chủ động của người dân, công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (TKCN và PTDS) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra từ năm 2020 trở lại đây được giảm thiểu, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS vẫn còn những hạn chế, đặc biệt khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp: công tác chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; phương châm “4 tại chỗ” chưa được quan tâm đầy đủ, có nơi còn hình thức; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của thiên tai; thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; vẫn còn tình trạng bất cẩn, chủ quan dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc về người trong thiên tai, sự cố; thiếu nguồn lực.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 09 trận thiên tai (01 đợt rét đậm, 03 trận dông, lốc kèm mưa đá, 02 đợt mưa lớn ngày và 3 đợt nắng nóng diện rộng) gây thiệt hại về tài sản và sản xuất cho các địa phương; dự báo tình hình thời tiết, thiên tai trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến rất phức tạp, bất thường và cực đoan. Để chủ động phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhân dân và Nhà nước, nhất là trong mùa mưa bão sắp đến, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chủ động chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS, trong đó xác định phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cấp bách, thường xuyên, liên tục; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, sự cố.

2. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, bảo vệ và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển.

3. Đẩy mạnh phòng ngừa thảm họa, thiên tai, sự cố; tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó thảm họa, thiên tai, sự cố theo kế hoạch, phương án, kịch bản đã xây dựng; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo các phương án đã được phê duyệt.

4. Nâng cao năng lực chỉ huy phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS; kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan chỉ huy phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS các cấp, đảm bảo đủ năng lực, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 

5. Nâng cao năng lực ứng phó thảm họa, thiên tai, sự cố; chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác ứng phó, trong đó xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công tác ứng phó thảm họa, thiên tai, sự cố là hoạt động quan trọng, là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang. 

6. Đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ".

7. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thảm họa, thiên tai, sự cố cho người dân; đa dạng hình thức truyền thông phù hợp từng đối tượng; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai TKCN và PTDS vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng.

8. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm đã được giao, nguồn lực từ ngân sách của đơn vị và các nguồn vốn hợp pháp khác cho công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS; có giải pháp huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn lực ngoài ngân sách để khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, sự cố.

9. Một số nhiệm vụ cụ thể của các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh và các địa phương:

9.1. Sở Nông nghiệp và PTNT (cơ quan thường trực về công tác phòng, chống thiên tai; kiêm nhiệm Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh);

- Tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ tình hình thiên tai, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh; tham mưu kịp thời, chính xác cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống thiên tai theo quy định.

- Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị liên quan: triển khai công tác phòng, chống thiên tai và các Kế hoạch, Đề án, văn bản chỉ đạo về phòng chống thiên tai đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, đê điều, chống úng, chống hạn, không để xảy ra sự cố công trình bất ngờ gây thiệt hại về tính mạng, tài sản và sản xuất của Nhân dân; công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động nghề cá trên biển, hướng dẫn tàu cá neo đậu, tránh trú bão tại các khu tránh trú bão trên địa bàn tỉnh; chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để chủ động thích ứng, giảm thiệt hại do thiên tai; gắn xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai với xây dựng nông thôn mới bền vững.

- Chủ trì, phối hợp với Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện và giải pháp khắc phục.

9.2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (các cơ quan thường trực về công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự; kiêm nhiệm Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh).

a) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức thường trực, theo dõi chặt chẽ tình hình thảm họa, thiên tai, sự cố; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; tham mưu kịp thời, chính xác cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan: tổ chức rà soát, cập nhật hệ thống Kế hoạch ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN; hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị đứng chân trên địa bàn, sẵn sàng về lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó thảm họa, thiên tai, sự cố trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn chuyên trách, kiêm nhiệm; tăng cường công tác huấn luyện, đào tạo, diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ kết hợp diễn tập phòng thủ dân sự tại huyện Thiệu Hóa và diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn tại thành phố Thanh Hóa năm 2024.

- Tăng cường đầu tư hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khi xảy ra tình huống thảm họa, thiên tai, sự cố phức tạp trên biển, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm tìm kiếm cứu nạn kịp thời.

b) Công an tỉnh

- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác ứng phó sự cố cháy lớn nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

- Rà soát phương án bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là trong tình huống thảm họa, thiên tai, sự cố lớn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, cứu trợ nhân dân, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thảm họa, thiên tai, sự cố.

- Tập trung nâng cao năng lực cho lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; chỉ đạo, hướng dẫn tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư.

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự.

c) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chỉ đạo thực hiện tốt công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển và khu vực biên giới.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương ven biển và các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền; kiên quyết không để phương tiện ra khơi khi chưa đủ điều kiện an toàn theo quy định; chỉ đạo các đài canh thường xuyên duy trì thông tin hai chiều giữa bờ với tàu thuyền hoạt động trên biển; thông báo, kêu gọi và nắm bắt tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh.

9.3. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ" để sẵn sàng triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa thuộc phạm vi quản lý khi xảy ra thảm họa, thiên tai, sự cố; phối hợp, hướng dẫn các địa phương, đơn vị liên quan triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường sắt, đường hàng không, đường hàng hải và đường bộ ngoài phạm vi quản lý.

9.4. Sở Công Thương

- Chỉ đạo kiểm tra công tác bảo đảm an toàn các công trình thuộc lĩnh vực quản lý trước, trong mùa mưa lũ, đặc biệt là hồ đập thủy điện, hầm lò, khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản, hệ thống điện; chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy định về vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và hạ du.

- Chỉ đạo dự trữ hàng hóa thiết yếu, nhất là tại khu vực thường xuyên xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ, bình ổn giá khi thảm họa, thiên tai, sự cố xảy ra.

9.5. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan chỉ đạo tăng cường kiểm tra, quản lý cấp phép, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển, tránh gây sạt lở, tăng rủi ro thiên tai; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, thiết bị để sẵn sàng tham gia công tác xử lý môi trường sau thảm họa, thiên tai, sự cố.

9.6. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, rà soát công tác quản lý đô thị và hoạt động xây dựng để hạn chế xảy ra sự cố; sớm khắc phục tình trạng ngập úng tại các đô thị, khu dân cư khi có mưa lớn.

9.7. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS cho các cấp chính quyền và người dân; kiên cố hóa hệ thống thông tin liên lạc tại các khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra thiên tai, sự cố; ưu tiên đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới.

9.8. Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở y tế, bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng các cấp chủ động bố trí đủ cơ số thuốc, dụng cụ y tế dự phòng, lực lượng, phương tiện để cơ động cấp cứu, vận chuyển, điều trị người bị nạn khi xảy ra thảm họa, thiên tai, sự cố. Phối hợp với các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương tổ chức các đội cấp cứu để sẵn sàng làm nhiệm vụ; hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường và tham gia phòng, chống dịch bệnh sau thảm họa, thiên tai, sự cố.

9.9. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo chức năng nhiệm vụ được giao, tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí, cân đối vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm và ngân sách tỉnh cho hoạt động phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS; đặc biệt hỗ trợ kịp thời khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, xử lý khẩn cấp sự cố công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, di dời dân cư khẩn cấp vùng thiên tai.

9.10. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, Báo Thanh Hóa phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS; phổ biến kiến thức, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thảm họa, thiên tai, sự cố cho Nhân dân.

9.11. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tổ chức quan trắc, tính toán, dự báo, cảnh báo và cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến của thời tiết, thiên tai để các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai.

9.12. Các sở, ban, ngành, đơn vị khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS theo quy định, đảm bảo an toàn cho lực lượng và công trình thuộc quản lý của đơn vị mình; đồng thời sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS.

9.13. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các nội dung tại Thông báo số 79/TB-UBND ngày 02/5/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Tập trung rà soát toàn bộ các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, khu vực ven biển để điều chỉnh, cập nhật, hoàn thiện các phương án ứng phó thiên tai, đặc biệt là phương án sơ tán/di dời dân đảm bảo khả thi, phù hợp thực tế, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người do chủ quan.

- Tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, chống úng, chống hạn; quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng bãi sông, lòng sông, các hoạt động khai thác khoáng sản, thanh thải vật cản bảo đảm không gian thoát lũ của các tuyến sông. Triển khai thực hiện tốt việc phát quang cây cối, rào dậu trên đê và nạo vét, thanh thải vật cản trên các kênh tiêu, trục tiêu.

- Kiểm tra công tác bảo đảm an toàn tại các công trường đang xây dựng, nhất là các công trình xây dựng ở khu dân cư, bãi sông, ven sông, suối, kênh rạch, sườn dốc; đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ. Về lâu dài, phải kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng nhà cửa, công trình ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, sườn dốc, đảm bảo không làm gia tăng rủi ro thiên tai.

- Đối với các địa phương ven biển cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng ngập mặn hiện có; quản lý chặt chẽ tàu thuyền nghề cá, nhất là các bè mảng khi có bão, áp thấp nhiệt đới; nâng cao mức độ an toàn và bảo đảm thông tin liên lạc cho tàu thuyền hoạt động trên biển, đặc biệt là các tàu đánh bắt xa bờ. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT trong việc kêu gọi, hướng dẫn tránh trú, kiểm đếm, sắp xếp neo đậu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các các chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng ngừa các tai nạn, sự cố, nhất là cháy nổ, đuối nước, không để xảy ra các thiệt hại đáng tiếc về người.

- Chủ động bố trí ngân sách địa phương, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống thiên tai, TKCN và PTDS, trong đó chú trọng đầu tư cho phòng ngừa.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng phó cho Nhân dân đối với thảm họa, thiên tai, sự cố; tích cực vận động, kêu gọi quyên góp, ủng hộ, trợ giúp đồng bào bị ảnh hưởng do thảm họa, thiên tai, sự cố gây ra.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện.

Nguồn: Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng

Cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng

09:48 , 22/12/2024

Mặc dù lực lượng công an liên tục triển khai các phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn; thế nhưng, tình trạng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng liên tục có các phương thức, thủ đoạn mới vô cùng tinh vi; thậm chí là có những vụ việc mang tính chất lừa đảo xuyên quốc gia trên không gian mạng, gây thiệt hại lớn về tài sản cho các bị hại.

Huyện Nga Sơn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

Huyện Nga Sơn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

08:57 , 22/12/2024

Thời điểm này không khí chuẩn bị đón Noel ở các xứ đạo của huyện Nga Sơn đã rất rộn ràng. Cùng với đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách còn khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện cũng đang tích cực hoàn thiện nhà để đón năm mới trong những ngôi nhà của Chỉ thị 22.

Cổng thông tin điện tử cho hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế online

Cổng thông tin điện tử cho hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế online

08:30 , 22/12/2024

Tổng cục Thuế vừa chính thức công bố Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Vai trò của bộ đội cụ Hồ trong xây dựng nông thôn mới ở Như Thanh

Vai trò của bộ đội cụ Hồ trong xây dựng nông thôn mới ở Như Thanh

08:30 , 22/12/2024

Với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Như Thanh, cuộc sống đã đổi thay nhờ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, một phần nhờ sự chung sức, đồng lòng của những anh “Bộ đội cụ Hồ”.

Hành động cho tăng trưởng xanh bền vững

Hành động cho tăng trưởng xanh bền vững

08:00 , 22/12/2024

Mới đây, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn đã phối hợp với Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Sagri của Nhật Bản đã công bố hợp tác triển khai dự án Giảm phát thải Carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Sự kiện không chỉ đánh dấu bước tiến của doanh nghiệp trong định hướng phát triển xanh mà còn là dự án tiên phong thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động nông thôn

Phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động nông thôn

07:52 , 22/12/2024

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 125 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 85 làng nghề truyền thống và 40 làng nghề mới, tạo việc làm cho gần 60.000 lao động.

Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8, di chuyển theo hướng Đông Bắc

Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8, di chuyển theo hướng Đông Bắc

07:15 , 22/12/2024

Hồi 07 giờ ngày 22/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 6,0 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam của khu vực Nam Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39- 49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Đông Bắc, tốc độ khoảng 10km/h.

Giải bóng chuyền nam chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Giải bóng chuyền nam chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

23:08 , 21/12/2024

Sáng ngày 21/12, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hoằng Hoá đã tổ chức giải bóng chuyền chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Đại hội Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Thanh Hóa

Đại hội Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Thanh Hóa

20:34 , 21/12/2024

Sáng ngày 21/12, Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2024-2029. Nhiệm kỳ qua, Chi hội đã có nhiều hoạt động sôi nổi, góp phần tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh và quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh.

Điểm tựa vững vàng nơi biên cương

Điểm tựa vững vàng nơi biên cương

20:30 , 21/12/2024

Phát huy truyền thống "đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân", những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa luôn coi "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", tích cực tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" ở khu vực biên giới.