ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

THÁI ĐỘ VÀ NHU CẦU CỦA KHÁN GIẢ TRUYỀN HÌNH TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA HỘI TỤ

Truyền hình ngày hôm nay khác với truyền hình của thế kỷ XX, và truyền hình tương lai cũng sẽ khác với truyền hình hôm nay. Chúng ta đang ở trong giai đoạn giao thời, khi mà các đài truyền hình vẫn đang còn quyền lực quyết định cho khán giả xem cái gì, xem khi nào và xem như thế nào, để chuẩn bị bước vào một thời kỳ mà khán giả mới là người giữ quyền kiểm soát. Khán giả muốn

18/09/2014 10:30
1. Văn hóa hội tụ và truyền hình
Xu hướng văn hóa hội tụ đã bắt đầu từ giữa thập niên 1990nhưng khái niệm “văn hóa hội tụ” được Henry Jenkins nhắc tới đầu tiên vào năm 2006 trong tác phẩmConvergence Culture: Where Old and New Media Collide(Văn hóa hội tụ: Nơi đụng độ của truyền thông cũ và truyền thông mới) khi ông nghiên cứu làm cách nào mà công chúng truyền thông ngày nay có thể tự mình khai thác và kết nối nhiều nguồn nội dung với nhau. Với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và viễn thông, các hình thức truyền thông cũ và mới va chạm, kết hợp, tương thích và bổ sung cho nhau, đem đến cho công chúng truyền thông nhiều cơ hội để lựa chọn cách thức, không gian và thời điểm hưởng thụ một nội dung truyền thông nào đó trên nhiều thiết bị khác nhau. Mặt khác công chúng còn có thể cùng một lúc hưởng thụ nhiều nội dung truyền thông khác nhau ở cùng trên một thiết bị. Theo Jenkins, “Văn hóa hội tụ là nơi đụng độ của truyền thông cũ và mới, nơi công chúng và các công ty truyền thông gặp nhau, nơi quyền lực của nhà sản xuất truyền thông và sức mạnh của người hưởng thụ truyền thông tương tác với nhau theo những cách không thể đoán trước” [2; tr. 270].
Khi phân tích các yếu tố công nghệ, kinh tế và văn hóa đương đại, Jenkins [2] cho rằng có 5 quá trình hội tụ tạo nên văn hóa hội tụ:
- Hội tụ công nghệ: Các hình thức công nghệ của truyền thông cũ được chuyển đổi sang các hình thức kỹ thuật số. Trường hợp xem truyền hình qua điện thoại thông minh là một ví dụ của hội tụ công nghệ. Điều này cũng cho thấy truyền thông mới không hẳn là mới (vì nội dung truyền thông không có gì khác biệt đáng kể), còn truyền thông cũ lại được phát triển nhờ công nghệ (vẫn là truyền hình nhưng được xem trên máy tính bảng, màn hình điện thoại thông minh…).
- Hội tụ kinh tế: Đây chính là sự liên hệ của các công ty với các lĩnh vực truyền thông và giải trí khác nhau. Ngày càng xuất hiện nhiều công ty như tập đoàn Time Warner lấn sân sang nhiều ngành khác nhau như âm nhạc, điện ảnh, xuất bản, truyền hình, game, trang web… tạo điều kiện cho một nội dung nào đó xuất hiện trong tất cả các hình thức truyền thông và giải trí.
- Hội tụ xã hội: Chỉ trường hợp một cá nhân công chúng nào đó cùng sử dụng nhiều phương tiện truyền thông cùng một lúc trên cùng một thiết bị và gần như đang tiếp cận với toàn xã hội (nghe nhạc, tra cứu tài liệu, trò chuyện qua mạng xã hội và soạn thảo văn bản trên cùng một máy tính).
- Hội tụ toàn cầu: Truyền thông được toàn cầu hóa và mọi người có thể chia sẻ các thông điệp trải rộng khắp thế giới qua Internet.
- Hội tụ văn hóa: Công chúng truyền thông được tạo cơ hội để cùng biên tập, chú giải và tạo ra nội dung truyền thông qua các mạng xã hội.
Vào thời điểm hiện nay, kỷ nguyên của công nghệ số, truyền hình đã được coi là một phương tiện truyền thông cũ và cũng phải chịu sự ảnh hưởng của 5 hình thức hội tụ kể trên để tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau tùy theo sự sử dụng và tham dự của công chúng.
2. Văn hóa hội tụ và ứng xử của khán giả truyền hình
Mô hình hội tụ thường thấy nhất cho tới nay trong truyền hình là người xem chú ý vào một màn hình chính TV. Các màn hình phụ như máy tính bảng hay điện thoại di động đóng vai trò trợ giúp cho quá trình xem truyền hình. Nghiên cứu vào tháng 02.2013 của Công ty tư vấn hàng đầu thế giới Accenture về thói quen xem truyền hình của khán giả Mỹ cho thấy 62% số người được hỏi thừa nhận vừa xem TV vừa sử dụng máy tính, 41% thường xuyên cầm điện thoại để nhắn tin hoặc tra cứu[1]. Tuy nhiên sự hội tụ theo kiểu thụ hưởng cùng lúc với nhiều thiết bị đang bắt đầu trở nên lạc hậu với kiểu hội tụ trên một thiết bị đa chức năng (ví dụ như điện thoại thông minh có thể thực hiện các chức năng chơi game, nghe nhạc, xem phim trực tuyến, xem truyền hình, soạn thảo văn bản, nhận file...). Kiểu hội tụ mới nhất này đã đưa công chúng từ vị trí chủ động tương đối đến chủ động gần như hoàn toàn trước “thế giới nội dung”.
Đi đôi với sự phát triển của các mạng Internet không dây, việc hưởng thụ truyền thông theo kiểu hội tụ ngày nay mang tính tương tác rất cao. Với sự tiến bộ của công nghệ đa nền tảng (multi-platform), các nội dung từ nhiều nguồn truyền thông khác nhau được trình bày cùng một lúc trên màn hình nhiều ô. Sự đột phá của màn hình đa chức năng (Smart TV hay Connected TV) sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của truyền hình từ khâu sản xuất nội dung đến tiếp thị, kinh doanh và truyền dẫn, đem lại sự tương tác xã hội mạnh mẽ hơn nhiều, làm cho người xem ngày càng muốn tham gia vào quá trình của truyền thông.
Một số khán giả hiện nay đã có thể sử dụng máy thu hình có màn hình đa chức năng để truy cập toàn bộ “thế giới nội dung” với độ tương tác hoàn chỉnh nhất qua Internet kèm theo catalogue nội dung đầy đủ và với sự trợ giúp của một thiết bị cầm tay gọn nhẹ. Thiết bị này có thiết kế giống như điện thoại thông minh hoặc là một phiên bản remote cải tiến cho đơn giản hơn và nhiều tính cảm ứng hơn. Chiếc remote và cuốn TV Guide (lịch phát sóng của các kênh truyền hình) sẽ thuộc về dĩ vãng. Thay vào đó thiết bị thông minh này sẽ “đọc” thói quen và “gu” thưởng thức của khán giả để tự thiết kế ra lịch xem các chương trình gợi ý cho khán giả. Với một bộ giải mã HD, một đầu thu kèm thư viện dữ liệu cùng đường truyền Internet theo yêu cầu, một khán giả có thể bỏ một ngày cuối tuần để theo dõi cả một bộ phim truyền hình nhiều tập (vốn đã được phát từng tập hàng ngày trước đó) mà họ chưa có thời gian xem và coi như đã thiết kế một buổi tiệc cho riêng mình (binge whatching).
Một hình thức khác của hội tụ công nghệ là “nội dung di động” (mobile content) với công nghệ đa màn hình (multi-screen). Từ một nội dung phát ra từ một nguồn phát (thí dụ một kênh truyền hình nào đó), các loại màn hình khác nhau từ màn hình TV, điện thoại thông minh, laptop, máy tính bảng... đều có thể tương thích với chuẩn kỹ thuật của tín hiệu nguồn. Khi giá thành của màn hình ngày càng rẻ, nhu cầu theo dõi nội dung một cách linh hoạt sẽ tăng theo cấp số nhân. Thông qua những chiếc điện thoại thông minh đóng vai trò như những nơ-ron thần kinh, nội dung có thể theo người xem từ thiết bị này sang thiết bị khác, địa điểm này sang địa điểm khác.
Công nghệ “điện toán đám mây” đã và đang thúc đẩy sự phát triển của việc chuyển các nội dung video và lưu trữ một nguồn dữ liệu khổng lồ trên Internet, tạo điều kiện cho việc hình thành một lớp khán giả mới. Trong những thập niên qua, quyền lực của việc hưởng thụ truyền hình đã được trao vào tay những ai nắm giữ chiếc remote. Sau đó, vào cuối thế kỷ thứ XX, các công nghệ số giúp khán giả có thể chọn thời điểm thích hợp để xem chương trình yêu thích. Nhưng người xem bây giờ còn muốn được riêng tư hóa những dịch vụ mà họ mua thông qua công cụ tìm kiếm, gợi ý xem, các đặc điểm xã hội đang tích hợp ngày càng mạnh trong truyền thông. Các “phần mềm gợi ý” được riêng tư hóa thông qua việc thống kê những chương trình khán giả thường xem và sau đó sẽ hiển thị trên màn hình thiết bị để “đề nghị” các chương trình mới cho người xem chỉ bằng một cái chạm tay cảm ứng.
Khán giả bây giờ cũng chính là nhà phân phối nội dung. Các thành viên mạng xã hội có trung bình 3,2 triệu người bạn thường xuyên post các đoạn video lên mạng ít nhất mỗi ngày một lần, 40% khán giả đã từng post video qua mạng xã hội và phân nửa số người tham gia trả lời quan tâm đến việc giới thiệu video cho những người khác [4]. Đây không phải kiểm soát nội dung mà là sản xuất ra nội dung. Trong lĩnh vực truyền thông đã xuất hiện thuật ngữ “người tiêu dùng - nhà sản xuất” (the prosumer[2]) để chỉ những người nghiệp dư có tài sử dụng những công nghệ tinh vi nhưng vừa tầm cho mọi người để tạo ra những bản tin hoặc những đoạn video mang tính hướng dẫn. Bất cứ người đi “phượt” nào cũng có thể sắm một camera HD khoảng vài trăm USD để quay những hình ảnh chất lượng cao, sau đó dựng lại bằng phần mềm trên laptop và dễ dàng chia sẻ qua mạng. Trang Youtube trung bình mỗi tháng có 800 triệu người truy cập. Đa số họ chỉ vào xem là chính nhưng số lượng người post những nội dung do chính họ hay những người quen của họ làm ra ngày càng nhiều. Khả năng của các “prosumer” ngày càng được nâng cao và cách làm này ngày càng phổ biến để có thể nghiêm túc nói rằng những sản phẩm nội dung “nghiệp dư” hoàn toàn có thể cạnh tranh với các chương trình truyền hình được sản xuất chuyên nghiệp như phóng sự hoặc các chương trình truyền hình thực tế dạng khám phá.
Trong những hoàn cảnh đặc biệt, một khán giả được trang bị hệ thống thiết bị và phần mềm mạnh có thể trở thành một nhà sản xuất nội dung cung cấp nhiều thông tin hơn bất cứ một hãng truyền hình nào. Ví dụ điển hình của cách làm báo phi truyền thống này là một sự kiện đã phát huy tác dụng trong siêu bão Sandy tàn phá miền Đông nước Mỹ vào năm 2012. Những hình ảnh sống động của những nhà báo nghiệp dư và 5 nhà báo chuyên nghiệp của “Time” được biên tập và gởi bằng điện thoại di động qua mạng xã hội Instagram cho cả thế giới theo dõi từng giây tình hình cơn bão đã làm dấy lên nhiều tranh luận. Nhưng dù sao đây cũng là một minh chứng tuyệt vời cho sự tồn tại của cái gọi là we-media (truyền thông phổ cập) hay citizen-journalism (báo chí công dân) trong thời đại kỹ thuật số mà truyền hình chính thống không thể coi nhẹ.
Với tất cả những khả năng hội tụ của công nghệ kể trên, nếu quan sát một cách tổng quát chúng ta có thể thấy truyền hình truyền thống dường như đứng trước một nguy cơ sụp đổ như báo giấy đang đối mặt trên khắp thế giới. Thế nhưng theo câu chuyện “Tái Ông mất ngựa” với triết lý “trong cái không may luôn tồn tại điều may mắn” thì truyền hình vẫn còn cơ hội tỏa sáng. Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào khán giả, người quyết định tương lai của truyền hình.
3.Thách thức của truyền hình trong tương lai từ nhu cầu của khán giả
Lịch sử của truyền hình đã chứng kiến sự thay đổi vai trò của khán giả một cách ngoạn mục. Từ vị trí người hưởng thụ bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào nhà cung cấp nội dung truyền hình (provider) từ giờ phát sóng đến chương trình phát sóng, khán giả từ thập niên 1960 đã bắt đầu có thêm lựa chọn khi truyền hình phát triển thêm nhiều thể loại và nhiều kênh phát sóng. Sự phát triển của công nghệ vào đầu thập niên 1990 đã trao thêm quyền chủ động cho khán giả khi họ có thể quyết định thời điểm theo dõi chương trình phù hợp với điều kiện làm việc và nghỉ ngơi của mình. Thời đại kỹ thuật số ngày nay lại dường như đang mở ra cho khán giả một thứ quyền lực vô hạn để họ có thể quyết định theo dõi nội dung truyền hình yêu thích của mình vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và bằng bất cứ phương tiện nào nhờ vào sự hội tụ công nghệ trên truyền hình cũng như trên các phương tiện truyền thông mới.
Phân tích mới nhất của công ty ComScore[3] về sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số trong năm 2013 cho thấy Việt Nam là nước có số lượng người sử dụng Internet vào mục đích cao nhất Đông Nam Á với 16 triệu khán giả, tăng 2 triệu người so với năm 2012. Ngoài ra tỷ lệ 27,3% người sử dụng Internet ở Việt Nam thường xuyên truy cập phim, ảnh, video clip và chia sẻ qua mạng với trung bình 15,5 phút/ngày (cao nhất Đông Nam Á) so với con số 33,5% và 13 phút của thế giới cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của văn hóa hội tụ đối với Việt Nam đang có chiều hướng tăng đáng kể[4].
Từ câu “Give them what they want when, where and how they want it” khá phổ biến hiện nay trong giới truyền thông thế giới, có thể thấy thông điệp gởi tới cho truyền hình là phải cho khán giả xem thứ mà họ muốn xem bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và bất cứ bằng phương tiện gì. Khi công nghệ đã trao quyền cho khán giả về thời gian, nơi chốn và cách thức theo dõi truyền hình (bằng thiết bị nào) thì điều duy nhất còn lại khiến khán giả vẫn còn phải háo hức, đợi chờ, hy vọng (và dĩ nhiên cũng sẽ có thất vọng)... chính là “cái gì”, nghĩa là yếu tố nội dung của truyền hình. Dù công nghệ có phát triển đến mức nào thì khán giả chỉ có tối đa 24 giờ trong ngày để xem truyền hình, một khoảng không gian hữu hạn để di chuyển trong cuộc đời và một số lượng thiết bị có thể đếm được để xem truyền hình, nhưng nội dung luôn là vô hạn trong sản xuất và hưởng thụ sản phẩm truyền hình.
Nội dung là cái còn lại của truyền hình khi đã mất hết các ưu thế về tay các phương tiện truyền thông mới, nhưng cũng chính nội dung là cái khán giả vẫn luôn thấy thiếu khi đã có tất cả các quyền lực do công nghệ đem lại[5]. Nhu cầu và thái độ của khán giả đối với nội dung của sản phẩm truyền hình có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của truyền hình trong tương lai vì điều đó quyết định mục tiêu sản xuất nội dung, cách thức phân phối nội dung của công nghiệp truyền hình.
Theo nghiên cứu của Denis McQuail [3, tr.125],nhu cầu của khán giả đối với nội dung truyền hình rất phong phú và đa dạng, nhưng tựu trung được phân thành 4 nhóm chính: nhu cầu thông tin, nhu cầu tự khẳng định bản thân, nhu cầu chia sẻ và nhu cầu giải trí. Những nhóm nhu cầu này cũng khá tương đồng với 4 tầng trên của tháp nhu cầu Maslow[6] khi đề cập đến những nhu cầu về mặt tinh thần của con người (an toàn, giao tiếp xã hội, được tôn trọng và tự khẳng định bản thân). Điều này cho thấy nội dung truyền hình sẽ luôn luôn cần thiết đối với công chúng chừng nào nó còn đáp ứng được các nhu cầu căn bản về tinh thần. Từ những nhóm nhu cầu này, theo thời gian và không gian sẽ phát sinh vô vàn những kiểu loại nhu cầu khác nhau, đem lại nhiều cơ hội cho việc sản xuất nội dung truyền hình. Vấn đề còn lại của truyền hình là ai đáp ứng được nhu cầu của khán giả người đó sẽ tồn tại trong thị trường truyền thông với các phương tiện mới và cũ đan xen thật năng động nhưng cũng thật khốc liệt.
Thay lời kết
Với xu hướng hội tụ đa dạng, khán giả truyền hình đang có quyền lực và sẽ có quyền lực hơn trong tương lai. Tuy nhiên quyền lực này chỉ tồn tại khi khán giả nhận ra và sử dụng nó với tư cách vừa là người thụ hưởng vừa là một công dân chân chính, một sự tham dự đầy đủ vào nền văn hóa. Quyền lực này cũng đòi hỏi truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông khác phải tự làm mới mình thường xuyên và tích cực để đáp ứng nhu cầu và thái độ hưởng thụ của công chúng khán giả. Và chính vì thế việc quản lý, sản xuất và phân phối sản phẩm truyền hình sẽ không còn theo những lối mòn xưa cũ mà phải cập nhật với mức độ hội tụ của truyền thông và sự phổ biến của tri thức cộng đồng (Collective Intelligience). Thế giới ngày nay không còn là thế giới của nửa đầu thế kỷ XX với quan điểm ngán ngại và e sợ truyền thông, cũng không phải là thế giới của những người luôn chủ động bắt truyền thông phải phục vụ mình. Thế giới của văn hóa hội tụ ngày nay một mặt luôn coi trọng sự chủ động của công chúng, nhưng bên cạnh đó cũng phải bắt đầu chú ý đến việc “giáo dục truyền thông” để tạo ra một lớp công chúng vừa có “quyền lực” vừa biết “ứng xử” với truyền thông, một cách tương tác hiệu quả trong môi trường văn hóa. Truyền hình Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới và cần xây dưng chiến lược phát triển trong tương lai nếu không muốn đánh mất vị thế của mình cũng như truyền thống “ứng xử” của khán giả Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. ComScore, SEA Digital Future in Focus 2013
2. Jenkins, H. (2006),Convergence Culture: Where Old and New Media Collide,New York University Press, New York and London.
3. McQuail, D. ( 2005),McQuail’s Mass Communication Theory, Sage,London.
4.Murdoch, R., Tuma,Youssef D.and Vernocchi, M.,The eyes have it.Guess who controls the future of TV,The online Accenture Outlook Journal. No. 1, 2013
5. Toffler, A. (1980),The Third Wave,Bantam Books, New York – Toronto – London – Sydney – Auckland.
-----------------------------
(*)Trưởng Ban Chương trình Đài Truyền hình TP.HCM – HTV.
Tác phẩmConvergence Culture: Where Old and New Media Collide(Văn hóa hội tụ: Nơi đụng độ của truyền thông cũ và truyền thông mới) của Henry Jenkins
[2] Thuật ngữ ghép giữa từproducer và consumerdo nhà tương lai học Alvin Toffler sử dụng đầu tiên trong tác phẩm “Làn sóng thứ ba” (1980) để chỉ dự đoán về một lớp người tiêu dùng có thể góp phần gợi ý cho nhà sản xuất làm ra những sản phẩm cho thị hiếu của riêng họ. Trong tác phẩm này, thuật ngữ prosumer xuất hiện lần đầu ở trang 11 trong tổng số 35 lần xuất hiện
[3] Comscore là công ty phân tích dữ liệu truyền thông kỹ thuật số hàng đầu của Mỹ.
[4] Nguồn: SEA Digital Future in Focus 2013 – Bản quyền của ComScore
[5] Mượn ý câu nói nổi tiếng của chính khách, nhà nghiên cứu văn học sử người Pháp Edouald Herriot (1872-1957): “La culture, c’est ce qui reste quand on a tout oublié, c’est ce qui manque quand on a tout appris”.
[6] Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham (Harold) Maslow (1908-1970), người sáng lập ngành Tâm lý học nhân văn (Humanistic Psychology) và là tác giả của “tháp nhu cầu” được ứng dụng rộng rãi trong quản trị học.

TRƯƠNG VĂN MINH(*)
Theo nguoilambao.vn

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Đề xuất phân tách làn xe cơ giới và xe thô sơ trên quốc lộ

Đề xuất phân tách làn xe cơ giới và xe thô sơ trên quốc lộ

09:50 , 10/05/2025

Tại Hội nghị giao ban công tác tháng 4 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5/2025 của ngành Xây dựng tổ chức vào chiều qua, (8/5), Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đề xuất Bộ Xây dựng nghiên cứu, báo cáo Chính Phủ xem xét chỉ đạo Bộ, Ngành có liên quan tách làn xe cơ giới và thô sơ trên quốc lộ nhằm ngăn ngừa nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Đảm bảo an toàn thực phẩm - Nâng tầm du lịch biển Thanh Hóa

Đảm bảo an toàn thực phẩm - Nâng tầm du lịch biển Thanh Hóa

09:37 , 10/05/2025

Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang được chính quyền và các đơn vị kinh doanh tại các khu du lịch biển Thanh Hóa quan tâm. Qua đó, góp phần tạo nên uy tín, thương hiệu của du lịch biển xứ Thanh.

Tàu Bắc - Nam sẽ tăng chuyến trong dịp hè 2025

Tàu Bắc - Nam sẽ tăng chuyến trong dịp hè 2025

09:32 , 10/05/2025

Để đáp ứng nhu cầu của hành khách, Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết sẽ tổ chức chạy thêm tàu trên tuyến Bắc - Nam với nhiều chương trình giảm giá.

Trang bị kỹ năng sống an toàn cho trẻ mầm non

Trang bị kỹ năng sống an toàn cho trẻ mầm non

09:30 , 10/05/2025

Lứa tuổi mầm non là giai đoạn đầu đời quan trọng, cũng là lúc các trẻ bắt đầu tiếp xúc với thế giới xung quanh. Những bài học thiết thực và sinh động về kỹ năng an toàn đang được lồng ghép vào các hoạt động dạy học tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giúp trẻ biết cách bảo vệ bản thân và phòng tránh được các tình huống nguy hiểm.

Nghiên cứu bỏ hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học đối với học sinh

Nghiên cứu bỏ hình thức kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học đối với học sinh

09:22 , 10/05/2025

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh nhằm bảo đảm yêu cầu phù hợp với các loại hình cấp học, lứa tuổi học sinh.

Việt Nam đang trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch thế giới

Việt Nam đang trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch thế giới

09:19 , 10/05/2025

Từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,67 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2024. Việt Nam đang trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch thế giới, được du khách quốc tế yêu thích và lựa chọn.

Đa dạng sản phẩm OCOP phục vụ mùa du lịch

Đa dạng sản phẩm OCOP phục vụ mùa du lịch

09:09 , 10/05/2025

Với hơn 600 sản phẩm ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, sản phẩm Ocop đang được nhiều khách du lịch lựa chọn làm quà cho mỗi chuyến đi. Vì vậy, để phục vụ mùa du lịch năm nay, các chủ thể Ocop trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung sản xuất hàng hóa để cung ứng cho thị trường.

Nhiều giải pháp để thị trường chứng khoán sớm được nâng hạng

Nhiều giải pháp để thị trường chứng khoán sớm được nâng hạng

09:01 , 10/05/2025

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai các giải pháp tối ưu để gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam, tăng cường sự ủng hộ của họ đối với việc nâng hạng thị trường.

Cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục thặng dư

Cán cân thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục thặng dư

08:58 , 10/05/2025

Số liệu của Cục Thống kê - Bộ Tài chính cho thấy, trong 4 tháng năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt trên 276 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là kết quả phản ánh sự hồi phục tích cực và bền vững của hoạt động thương mại quốc tế, trong bối cảnh nhiều thị trường lớn có dấu hiệu tăng trưởng trở lại.

4 tháng năm 2025, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 944 nghìn tỷ đồng

4 tháng năm 2025, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 944 nghìn tỷ đồng

08:55 , 10/05/2025

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong 4 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48 % dự toán năm và tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số khoản thu chính như thu nội địa ước đạt 168 nghìn tỷ đồng.