Thanh Hóa - hậu phương kiểu mẫu trong kháng chiến chống Pháp
Thanh Hóa là vùng đất phên dậu của nhiều cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, một hậu phương kiểu mẫu trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ - cuộc đấu trí, đấu lực giữa ta và Pháp để quyết định cục diện của cuộc kháng chiến sau 9 năm trường kỳ, Thanh Hóa đã đóng góp một phần công sức rất lớn. Năm 1957, lần thứ hai vào thăm Thanh Hóa, Bác Hồ từng khen ngợi: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.
Điện Biên Phủ - điểm hẹn của lịch sử, nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược, cuộc đấu trí đấu lực giữa ta và Pháp để quyết định cục diện của cuộc kháng chiến sau 9 năm trường kỳ. 70 năm sau ngày chiến thắng, hoa ban nở trắng rừng. Rất đông du khách đã đến thăm di tích Hầm Tướng Đờ Cát - Sở chỉ huy của Pháp để cùng nhớ về thời khắc lịch sử: chiều mùa hè 7/5/1954.
Có được niềm vinh dự ấy là bởi Thanh Hóa đã không phụ sự kỳ vọng của Trung ương Đảng và Bác Hồ đã gửi gắm từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
Chuyến kinh lý Bác Hồ vào thăm vào Thanh Hóa mùa xuân năm 1947 là một sự kiện đặc biệt. Khi ấy là tròn 2 tháng Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, việc nước còn ngổn ngang, bao nỗi bộn bề. Nhưng bằng sự mẫn cảm chính trị đặc biệt, Người đã nhìn thấy vai trò đặc biệt của vùng Thanh - Nghệ Tĩnh, nhất là Thanh Hóa.
Phó Giao sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Long, Nguyên Viện phó Viện lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: "Ngay từ tháng 2/ 1947, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Mặc dù ở Thanh Hóa nhưng Người gửi thông điệp tới quân và dân 2 tỉnh Nghệ Tĩnh về xây dựng hậu phương kiểu mẫu, kiểu mẫu cả về quân sự, chính trị, kiểu mẫu cả về phát triển kinh tế - xã hội. Người đã nhìn thấy vai trò to lớn, vị trí chiến lược đặc biệt của cả hậu phương Thanh - Nghệ đối với cuộc kháng chiến".
Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa và Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Thanh Hóa, là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật trong những lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa. Lần đầu tiên về xứ Thanh, tại Rừng Thông ( nay thuộc thị trấn huyện Đông Sơn), Người nói chuyện với nhân sĩ, trí thức và cán bộ của tỉnh, căn dặn Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, động viên, cổ vũ Nhân dân Thanh Hóa hăng hái tăng gia sản xuất, tiết kiệm để đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến. Đặc biệt, Người nói về kháng chiến: "Pháp có xe tăng, đại bác thì ta phá đường. Pháp có máy bay thì ta đào hầm. Pháp muốn đánh chớp nhoáng thì ta kéo dài. Nhất định ta thắng". Đường lối kháng chiến trường kỳ, gian khổ nhưng nhất định thắng lợi đã được Người chỉ ra rất rõ từ năm 1947.
Thanh Hóa vốn là một tỉnh đất rộng người đông, tài nguyên phong phú. Lịch sử của nước Việt đã ghi bao chiến tích lẫy lừng của minh quân và hào kiệt xứ này. Thời điểm Bác Hồ về thăm lần đầu tiên, Thanh Hóa đang là vùng đất tự do, nằm trong chiến khu 4. Do vậy, từ truyền thống lịch sử hào hùng ông cha dựng nước, đến những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, xã hội, Thanh Hóa hoàn toàn có thể thực hiện tốt sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Bác Hồ đã tin tưởng giao phó.
Đại tá, Tiến sỹ Vũ Tang Bồng, Nguyên Trưởng phòng Lịch sử kỹ thuật hậu cần quân sự, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
Đáp lại niềm tin và kỳ vọng lớn lao ấy, Thanh Hóa nhanh chóng tổ chức bộ máy kháng chiến, xây dựng hậu phương kháng chiến một cách hiệu quả. Tại Đại hội đại biểu lần thứ nhất, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã đề ra chủ trương chiến lược: "Xây dựng Thanh Hóa thành hậu phương vững mạnh của cuộc kháng chiến, cung cấp sức người, sức của cho chiến trường; tổ chức chiến đấu tại chỗ, bảo vệ hậu phương trong mọi tình huống". Nhất quán, đồng lòng với chủ trương ấy, người người, nhà nhà hi sinh lợi ích cá nhân, dòng họ, thực hiện triệt để tiêu thổ kháng chiến; tăng gia sản xuất, phát triển mạnh phong trào bình dân học vụ. Cùng với đó là công tác xây dựng nếp sống mới, khắc phục các biểu hiện tả khuynh trong phong trào xóa bỏ hủ tục lạc hậu của tỉnh Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp.
Là hậu phương đi đầu ủng hộ kháng chiến, năm 1949, Nhân dân Thanh Hóa đã bán gần 8000 tấn thóc và đóng góp hàng ngàn tấn để cấp dưỡng cho bộ đội địa phương. Tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen Nhân dân Thanh Hóa có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giúp đỡ bộ đội, dân quân.
Dẫu ngổn ngang bao việc của kháng chiến, kiến quốc, nhất là năm 1951 - 1952, thực dân Pháp tăng cường bao vây kinh tế hậu phương Thanh Hóa, nhưng người dân trong tỉnh vẫn hăng hái tăng gia sản xuất, xây dựng làng kiểu mẫu, huyện kiểu mẫu.
Bài viết "Một làng tiến đến kiểu mẫu" đăng trên báo Cứu quốc năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu một làng ở Thọ Xuân với những câu thơ khen ngợi như sau: "Một mùa gặt bằng hai mùa/ Dân no, nước mạnh tha hồ đánh Tây".
Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, từ năm 1951 - 1953, quân và dân Thanh Hóa liên tiếp bổ sung lực lượng phục vụ 5 chiến dịch lớn: Trung Du, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào. Đặc biệt trong chiến dịch Thượng Lào, Thanh Hóa đảm bảo 76% nhu cầu chiến dịch.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, vừa làm tròn nhiệm vụ là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của, tại quê nhà, quân và dân Thanh Hóa còn can trường chiến đấu tổng hơn 1.400 trận đánh lớn nhỏ, để bảo vệ hậu phương trong mọi tình huống. Từ đồng bằng, ven biển đến vùng thượng du, đâu đâu cũng phát huy tinh thần xung kích cả làng kháng chiến. Những trận đánh ở Phú Lệ - Quan Hóa, Cổ Lũng, Bá Thước (1948); Nga Sơn - Sầm Sơn (1950); Sầm Sơn - Tĩnh Gia (1953)… đều là những chiến công của lực lượng du kích địa phương, góp phần làm chùn bước quân thù.
Cao điểm năm 1953 - 1954, khi Na - va mở cuộc "hành binh bồ nông" đánh vào vùng biển Thanh Hóa, quân và dân các huyện ven biển đã tổ chức nhiều trận tập kích, để vừa chiến đấu giữ hậu phương đồng thời huy động cao nhất đóng góp ủng hộ cho tiền tuyến.
Trong trận chống càn những ngày cuối tháng 3 năm 1953, ông Hoàng Văn Doa ở xã Nga Điền, huyện Nga Sơn là du kích của làng Chính Đại. Bằng tinh thần quả cảm, sự mưu trí sáng tạo, ông Doa cùng du kích địa phương lợi dụng địa hình hang núi ven sông chặn đứng bước hành quân của địch. Trận chống càn này, lực lượng vũ trang Nga Sơn và dân quân du kích làng Chính Đại đã được Bộ tư lệnh quân khu IV tuyên dương và tặng bằng khen.
Ông Hoàng Văn Doa, Xã Nga Điền, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa
Cuối năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng thông qua quyết tâm mở chiến dịch Điện Biên Phủ và cũng bắt đầu huy động lực lượng dồn sức cho chiến dịch lịch sử này. Thực hiện chủ trương của trên, Đảng bộ Thanh Hóa đã chỉ đạo các Đảng bộ, chính quyền địa phương bổ sung nhiều đơn vị ra chiến trường. Khi ấy, ông Trịnh Khắc Thuần thực hiện nhiệm vụ trinh sát ở Đại đoàn 304.
Với quyết tâm huy động cao nhất sức người sức của cho tiền tuyến, Thanh Hóa đã thành lập Hội đồng cung cấp và nhanh chóng triển khai việc huy động lương thực, hàng hóa thiết yếu vận chuyển về kho Cẩm Thủy và Kho Lược, cũng như xây dựng hệ thống kho trạm trên tuyến đường vận tải tiền phương, huy động thanh niên xung phong sửa đường, bắc cầu cho bộ đội, dân công ra tiền tuyến. Thanh Hóa khi ấy hừng hực một khí thế tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì chiến thắng, sẵn sàng đóng góp sức người sức của, và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đợt 1, vượt chỉ tiêu kế hoạch 150%.
Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ chuyển sang giai đoạn cuối, lúc này dân công Thanh Hóa đã chiếm hơn 80% trên toàn mặt trận (hơn 120 ngàn người). Trước nhiệm vụ Trung ương giao cung cấp 4000 tấn gạo, Đảng bộ Thanh Hóa đã động viên Nhân dân quyên góp đến hạt gạo cuối cùng.
Xã Vạn Thiện khi ấy, dù mất mùa đói kém liên miên từ những năm 1952 - 1953 do Pháp ném bom phá đập Bái Thượng, nhưng đó là những năm chứng kiến nghĩa tình quân dân cá nước ở vùng quê nghèo chiêm trũng này. Toàn xã có hơn 70% gia đình cho bộ đội mượn nhà khi đóng quân tại đây. Đại Đồng xưa - Vạn Thiện ngày nay - còn là nơi nuôi quân, sửa chữa vũ khí, bổ sung quân trang, quân dụng trước khi ra trận. Gia đình ông Đồng Khắc Tích khi đó đã dùng ngôi nhà 3 gian của mình để làm nơi tập kết lương thực, thực phẩm. Nhà có con trâu, con nghé là gia tài lớn nhất, cũng tự nguyện bán lấy tiền ủng hộ bộ đội. Dẫu gia cảnh túng thiếu, nhưng vẫn sẵn sàng chắt chiu, nhường cơm sẻ áo, hướng về tiền tuyến.
Ông Đồng Khắc Tích, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống cho biết: "Lúc bấy giờ, ngoài việc làm kho, cán bộ đến vận động, kêu gọi bà con ủng hộ bộ đội, có cái gì ủng hộ cái đó. Nhà tôi bán một con trâu và một con nghé, ủng hộ cả cho chiến trường".
Vụ hè năm 1954, cấp trên giao 28.000 tấn thóc, Thanh Hóa huy động gần 35.000 tấn, huy động hàng vạn dân công, mọi phương tiện vận chuyển lương thực cung cấp cho chiến trường. Đoàn quân vận tải khổng lồ đã vượt đèo cao, vực thẳm, bí mật đưa hàng tới đích. Trong điều kiện đường sá từ Thanh Hóa ra mặt trận Điện Biên khá xa xôi, từ 500 đến 700 km, mà phần lớn đều là đường mới mở, nhiều đoạn khúc khuỷu, ngoài dân công gánh bộ, việc vận chuyển bằng xe đạp thồ là hữu hiệu hơn cả.
Ông Trần Khôi ở thành phố Thanh Hóa năm nay đã 98 tuổi. Khi ấy ông là chính trị viên đại đội xe thồ C101 của thị xã Thanh Hóa. Đầu tháng 2 năm 1954, đại đội xe đạp thồ của thị xã được lệnh xuất phát, sau khi nhận gạo ở Thọ Xuân, bắt đầu chặng hành trình qua Vạn Mai lên Quan Hóa, Bá Thước, dọc Suối Rút đến ngã ba Cò Nòi và Sơn La là điểm tập kết cuối. Khi chiến trường bước vào giai đoạn ác liệt cũng là lúc nhu cầu và áp lực nguồn cung lương thực tăng lên. Ông Khôi và đồng đội đã có rất nhiều sáng kiến để tăng năng suất chở hàng từ 50 kg lên đến vài trăm kg/ 1 xe.
Tròn 70 năm sau trận chiến, rất nhiều du khách Pháp đã đến thăm Bảo tàng Điện Biên và nhiều bảo tàng trên khắp đất nước Việt Nam. Song có lẽ phải mất rất lâu họ mới hiểu rằng: Việt Nam chiến thắng quân đội viễn chinh Pháp ở "pháo đài bất khả xâm phạm" như Điện Biên Phủ không chỉ bởi con người, vũ khí thô sơ, mà chính là bởi ý chí kiên cường bất khuất của một dân tộc, quyết hy sinh tính mạng, của cải, thậm chí là tín ngưỡng thường có của người Việt để đổi lấy một đức tin duy nhất: đức tin của lòng yêu nước, đức tin của tinh thần quyết chiến, chiến thắng.
Đúng là, tướng Na - va bị đánh bại không phải bởi các phương tiện chiến tranh, mà là do trí thông minh và ý chí quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam. Hình ảnh những đoàn xe thồ, dân công gánh bộ vượt hơn 500 km từ Miền Tây Thanh Hóa phục vụ chiến trường đã trở thành biểu tượng đẹp nhất của lòng yêu nước lúc bấy giờ.
Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thanh Hóa được nhận hai cờ "Thi đua phục vụ tiền tuyến khá nhất" của Bác Hồ tặng. Thanh Hóa cũng được tuyên dương 5 anh hùng quân đội, 2 anh hùng nông nghiệp, 2 chiến sĩ thi đua toàn quốc, 3 chiến sĩ công nông binh toàn quốc. Và còn biết bao người đã nằm lại nơi chiến trường, hi sinh anh dũng trên đường hành quân ra trận.
Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò là một hậu phương kiểu mẫu, đóng góp rất lớn cho tiền tuyến. Có thời điểm Thanh Hóa đáp ứng hơn 70% nhu cầu vật chất cho chiến dịch. Cao điểm, dân công Thanh Hóa chiếm gần 70% với số lượng 180.000 người; đóng góp lương thực chiếm gần 40% cho mặt trận.
9 năm kháng chiến trường kỳ, Thanh Hóa với tinh thần "dốc bồ thổ thúng" huy động cao nhất, nhanh nhất, sớm nhất, tất cả vì tiền tuyến, cho tiền tuyến, không phụ tin yêu và kỳ vọng của Trung ương Đảng và Bác Hồ.
Năm 1957, lần thứ hai vào thăm Thanh Hóa, Bác Hồ đã khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Người Thanh Hóa can trường, nghị lực, và cũng vô cùng chịu thương chịu khó. Phát huy tinh thần hậu phương kiểu mẫu trong kháng chiến, ngày hôm nay, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân các dân tộc trong tỉnh nguyện đoàn kết chung sức chung lòng, xắn tay áo làm, trước mắt xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Tổ quốc, lâu dài tiếp tục làm nên những "thắng lợi mới" trong sự nghiệp xây dựng phát triển quê hương. Thanh Hóa đang từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương trở thành một tỉnh kiểu mẫu, như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng tin tưởng, dặn dò trong chuyến kinh lý đầu tiên vào thăm Thanh Hóa năm 1947.
Huyện Nga Sơn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo
Thời điểm này không khí chuẩn bị đón Noel ở các xứ đạo của huyện Nga Sơn đã rất rộn ràng. Cùng với đó, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách còn khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà ở trên địa bàn huyện cũng đang tích cực hoàn thiện nhà để đón năm mới trong những ngôi nhà của Chỉ thị 22.
Cổng thông tin điện tử cho hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế online
Tổng cục Thuế vừa chính thức công bố Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
Vai trò của bộ đội cụ Hồ trong xây dựng nông thôn mới ở Như Thanh
Với đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Như Thanh, cuộc sống đã đổi thay nhờ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, một phần nhờ sự chung sức, đồng lòng của những anh “Bộ đội cụ Hồ”.
Hành động cho tăng trưởng xanh bền vững
Mới đây, Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn đã phối hợp với Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Sagri của Nhật Bản đã công bố hợp tác triển khai dự án Giảm phát thải Carbon vùng nguyên liệu mía Lam Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Sự kiện không chỉ đánh dấu bước tiến của doanh nghiệp trong định hướng phát triển xanh mà còn là dự án tiên phong thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, hướng tới tăng trưởng kinh tế xanh bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.
Phát triển nghề truyền thống, tạo việc làm cho lao động nông thôn
Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 125 làng nghề đang hoạt động, trong đó có 85 làng nghề truyền thống và 40 làng nghề mới, tạo việc làm cho gần 60.000 lao động.
Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8, di chuyển theo hướng Đông Bắc
Hồi 07 giờ ngày 22/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 6,0 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam của khu vực Nam Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39- 49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Đông Bắc, tốc độ khoảng 10km/h.
Giải bóng chuyền nam chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Sáng ngày 21/12, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hoằng Hoá đã tổ chức giải bóng chuyền chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Đại hội Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Thanh Hóa
Sáng ngày 21/12, Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2024-2029. Nhiệm kỳ qua, Chi hội đã có nhiều hoạt động sôi nổi, góp phần tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước, nhiệm vụ chính trị của tỉnh và quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh.
Điểm tựa vững vàng nơi biên cương
Phát huy truyền thống "đoàn kết, gắn bó mật thiết với Nhân dân", những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa luôn coi "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", tích cực tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" ở khu vực biên giới.
Công ty Điện lực Thanh Hóa tổ chức hiến máu tình nguyện hưởng ứng Tuần lễ hồng EVN lần thứ X
Nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam và "Tháng tri ân khách hàng" năm 2024, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện, hưởng ứng Tuần lễ hồng EVN lần thứ X do Tập đoàn Điện lực Việt Nam phát động.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.