ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Thanh Hóa nỗ lực, quyết tâm cùng các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị

Sáng 16-11, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Tại hội nghị, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đã phát biểu tham luận. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn tham luận quan trọng này.

16/11/2022 16:06

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tham luận.

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng!

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo chủ chốt Chủ trì Hội nghị!

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng!

Thưa các đại biểu tham dự Hội nghị!

Trước hết, thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, tôi nhất trí cao với đánh giá tình hình, các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết số 26 “về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, việc ban hành và triển khai quán triệt kịp thời, đồng bộ Nghị quyết số 26 thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với “khúc ruột” Miền Trung thân thương đầy nắng và gió, nơi có diện tích rộng lớn, trải dài, với “biển bạc, rừng vàng”, có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh biển, đảo của Tổ quốc.

Thanh Hóa nỗ lực, quyết tâm cùng các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh: TTXVN)

Kính thưa Hội nghị!

Bước vào thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Thanh Hóa là một trong những tỉnh nghèo, với điểm xuất phát thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp; song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa đã vươn lên trở thành tỉnh có quy mô kinh tế lớn nhất Vùng và nằm trong nhóm 10 tỉnh có quy mô GRDP lớn nhất cả nước.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2004-2021 đạt gần 10%/năm, cao hơn mục tiêu Nghị quyết số 39 và Kết luận số 25 của Bộ Chính trị đề ra; thu ngân sách nhà nước, giá trị xuất khẩu năm 2021 gấp 25 lần năm 2004; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 9% lên 36%; các hoạt động văn hóa - xã hội được chăm lo, đời sống Nhân dân được cải thiện; tốc độ giảm nghèo nhanh, từ 11,7% năm 2004 xuống còn 1,51% năm 2021 (theo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025). Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, phối hợp, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển, Thanh Hóa vẫn còn gặp phải những khó khăn, thách thức, đó là: Chất lượng tăng trưởng còn thấp; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, các hoạt động kinh tế chưa khai thác, phát huy tối đa được tiềm năng, lợi thế của tỉnh; liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng còn hạn chế; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực miền núi còn thiếu và yếu, hạ tầng đô thị, các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa bắt kịp với nhu cầu phát triển; năng suất lao động, mức độ đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện miền núi còn ở mức cao, có nơi rất cao…

Thanh Hóa nỗ lực, quyết tâm cùng các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị - Ảnh 3.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Kính thưa Hội nghị!

Trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, kết nối Vùng với vùng đồng bằng Sông Hồng, và các tỉnh vùng Tây Bắc. Nhằm thúc đẩy liên kết vùng, tạo sức lan tỏa tăng trưởng kinh tế, Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị đã xác định mục tiêu xây dựng Thanh Hóa đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hoá, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

Để sớm hiện thực hóa mục tiêu phát triển tại Nghị quyết số 58, góp phần cùng các tỉnh, thành phố trong vùng thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội và khác biệt của mình, trọng tâm là:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 11/2022. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, tập trung điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới đề án phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển không gian đã được phê duyệt; ưu tiên các nguồn lực để phát triển 03 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Nông nghiệp; Dịch vụ du lịch; 04 vùng kinh tế động lực, là Khu kinh tế Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa - thành phố Sầm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng và Bỉm Sơn - Thạch Thành; 05 vùng liên huyện và 06 hành lang kinh tế nhằm tạo ra không gian, dư địa mới cho tỉnh phát triển, đồng thời tạo thuận lợi để mở rộng liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh nội vùng và liên vùng.

Thứ hai, xây dựng Thanh Hóa trở thành trung tâm lớn của vùng và cả nước về công nghiệp chế biến, chế tạo; trọng tâm là đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn thành trung tâm năng lượng của cả nước với hạt nhân chính là các sản phẩm của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, các ngành công nghiệp năng lượng (gồm Nhiệt điện, điện gió và điện – khí LNG); thu hút đầu tư các dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, như: Điện tử viễn thông, công nghiệp dược phẩm, thiết bị y tế. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, như: Xi măng, thép; đẩy mạnh liên kết để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tạo dựng thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Thứ ba, với vị trí chiến lược, có Cảng nước sâu Nghi Sơn được quy hoạch là cảng đặc biệt (IA), Cảng hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, Thanh Hóa đang tập trung thu hút đầu tư để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trở thành trung tâm dịch vụ logistics lớn của vùng và cả nước; trọng tâm là xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, cảng nước sâu Nghi Sơn có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ vận tải biển và logistics đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực, có tính liên kết cao với các khu kinh tế, cảng biển khác trong vùng và cả nước; khai thác có hiệu quả Cảng hàng không Thọ Xuân gắn với KCN Lam Sơn - Sao Vàng, khuyến khích, tạo cơ chế hấp dẫn để các hãng hàng không nghiên cứu, mở các đường bay mới đến sân bay Thọ Xuân.

Thứ , xây dựng Thanh Hóa thành trọng điểm du lịch của vùng và cả nước với 3 trụ cột chính là du lịch biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, trọng tâm là xây dựng đô thị biển Sầm Sơn trở thành khu du lịch bốn mùa, trọng điểm của cả nước. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng du lịch quan trọng gắn với khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên du lịch như biển, rừng, di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh. Đẩy mạnh kết nối các tour, tuyến với các tỉnh trong vùng, hình thành các cụm tương hỗ (Cluster) về du lịch giữa các tỉnh trong tiểu vùng Bắc Trung Bộ và toàn vùng, gắn với khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương cho phát triển du lịch.

Thứ năm, là tỉnh có miền núi rộng, tỷ lệ lao động và dân số nông nghiệp, nông thôn còn lớn, Thanh Hóa tiếp tục coi trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để tạo nền tảng giữ vững ổn định, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, giữa đô thị và nông thôn. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với chế biến theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân.

Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế, hạ tầng khu kinh tế, các khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm của tỉnh; tiếp tục đầu tư các trục chính theo hướng Đông - Tây, Bắc - Nam kết nối liên hoàn với các tỉnh trong nội vùng, liên vùng và quốc tế. Quan tâm phát triển hạ tầng chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho một nền kinh tế hiện đại, hội nhập và phát triển.

Thứ bảy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống đô thị theo hướng xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, hướng tới nâng tầm chất lượng cuộc sống người dân. Tập trung rà soát, phủ kín các quy hoạch chi tiết, hoàn thiện các quy chế quản lý để nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch; thực hiện đồng bộ hóa giữa quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông và các loại quy hoạch hạ tầng khác; xây dựng hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh đầu tư các tuyến giao thông kết nối khu vực trung tâm với đô thị vệ tinh, kết nối các đô thị của tỉnh Thanh Hóa với các đô thị trong vùng.

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Bộ Chính trị, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các tỉnh, thành phố, tỉnh Thanh Hóa đề xuất với Trung ương, các địa phương trong vùng quan tâm lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ, đó là:

Một là, đề nghị Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến việc huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển, như: Khuyến khích đầu tư, khai thác tiềm năng đất đai, biển, đảo, khoáng sản… nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thông suốt; phân bổ, tăng chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp, khu công nghiệp, đô thị, chỉ tiêu chuyển đổi đất lúa để các địa phương đẩy nhanh quá trình phát triển; đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương để tạo sự chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện.

Hai là, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có bờ biển dài gần 1.800km với thềm lục địa rộng lớn, có tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, nền văn hóa đặc sắc… Để tạo động lực thúc đẩy liên kết – phát triển vùng, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của vùng cho phát triển, đề nghị Trung ương quan tâm sớm ban hành quy hoạch vùng liên tỉnh; đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết phát triển trong nội vùng, liên vùng để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, sớm cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra.

Ba là, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến giao thông theo trục Bắc - Nam như tuyến đường bộ ven biển, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; đề nghị Trung ương quan tâm ưu tiên nguồn lực mở rộng đường Hồ Chí Minh, phục vụ phát triển khu vực phía Tây, các huyện biên giới của các địa phương trong vùng do tuyến đường này được đầu tư đã lâu, đến nay đã quá chật hẹp; quan tâm đầu tư các trục giao thông theo hướng Đông - Tây, hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây để kết nối với các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên và giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trong tiểu vùng sông Mekong mở rộng nhằm sử dụng hiệu quả các cảng biển trong vùng, làm cửa ngõ “ra-vào” cho hàng xuất nhập khẩu từ Myanma, Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Bốn là, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có 05 địa phương[1] được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển; Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù; trong đó, Bộ Chính trị, Quốc hội đã xác định các mục tiêu, định hướng phát triển cụ thể nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế, cơ hội nổi trội của từng tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, có những nhiệm vụ nếu chỉ từng địa phương thực hiện thì hiệu quả không cao, cần có sự hợp tác liên kết trong vùng và từng tiểu vùng. Đề nghị Trung ương sớm bổ sung, hoàn thiện cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển giữa các tỉnh trong vùng. Tại hội nghị này, tỉnh Thanh Hóa rất mong nhận được sự phối hợp, liên kết, hợp tác phát triển của các tỉnh, thành phố trong vùng để cùng đưa vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển nhanh, bền vững.

Thanh Hóa nỗ lực, quyết tâm cùng các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26/NQ-TW của Bộ Chính trị - Ảnh 4.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng với. (Ảnh: TTXVN)

Kính thưa Hội nghị!

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự hỗ trợ tích cực của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương trong vùng, chúng tôi tin tưởng rằng Nghị quyết số 26 sẽ nhanh chóng được triển khai và đi vào cuộc sống; tạo động lực mới để các tỉnh, thành phố trong vùng chia sẻ cơ hội, đẩy mạnh hợp tác, liên kết, cùng nhau tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân, giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Xin kính chúc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn./.

[1] Thanh Hóa (58-NQ/TW; 37/2021/QH15); Nghệ An (26-NQ/TW; 36/2021/QH15); Thừa Thiên Huế (54-NQ/TW; 38/2021/QH15); Khánh Hòa (09-NQ/TW; 55/2022/QH15); Đà Nẵng (43-NQ/TW; 119/2020/QH14).



Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Toàn văn Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Toàn văn Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

11:40 , 21/10/2024

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp.

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

10:34 , 21/10/2024

Sáng 21/10, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

10:23 , 21/10/2024

Sáng 21/10, thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Toàn văn phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

10:15 , 21/10/2024

Sáng 21/10, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài phát biểu khai mạc. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng đối với các sĩ quan Quân đội và Công an

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trao quyết định thăng quân hàm Đại tướng, Thượng tướng đối với các sĩ quan Quân đội và Công an

08:30 , 21/10/2024

Chiều 20/10, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh đã trao quyết định thăng quân hàm từ Thượng tướng lên Đại tướng đối với đồng chí Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư năm 2024

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư năm 2024

08:11 , 21/10/2024

Tối 20/10, Lễ trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, năm 2024 đã diễn ra tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.

TRỰC TIẾP: Khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TRỰC TIẾP: Khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

07:50 , 21/10/2024

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào sáng mai (21/10) theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tập trung cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề KT-XH và một số vấn đề quan trọng khác.

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 khoá XIII

Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 10 khoá XIII

20:29 , 20/10/2024

Sáng ngày 20/10, tại thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong cả nước. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm dự và chỉ đạo hội nghị.

Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa kết thúc tốt đẹp chuyến làm việc tại NewZealand và Australia

Đoàn công tác tỉnh Thanh Hóa kết thúc tốt đẹp chuyến làm việc tại NewZealand và Australia

20:00 , 20/10/2024

Đoàn công tác của tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Trịnh Tuấn Sinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn đã kết thúc tốt đẹp chuyến làm việc tại NewZealand và Australia. Đây là hai đất nước có nền kinh tế - xã hội phát triển, có nhiều lĩnh vực thế mạnh mà Thanh Hóa đang quan tâm, hướng tới. Chính vì vậy, chuyến làm việc đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư của cả hai bên. Tổng hợp của phóng viên đi theo đoàn.

Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khoá XIII

Phát biểu kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10, khoá XIII

18:30 , 20/10/2024

Sáng 20/10, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Sau đây là toàn văn phát biểu kết luận Hội nghị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.