Thanh Hóa sau gần 1 năm thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 10
Năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 10. Nhờ chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và những điều kiện cần thiết nên hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đã thực hiện chương trình một cách hiệu quả.
Khác với quan điểm tích hợp ở bậc học tiểu học và THCS, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT được xây dựng theo hướng phân hóa và gắn với định hướng nghề nghiệp của học sinh. Theo đó, chương trình lớp 10 có các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, đó là: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Giáo dục của địa phương và Lịch sử. Ngoài ra, học sinh được tự chọn 4 môn trong tổng số 9 môn thuộc 3 nhóm: Khoa học Xã hội (Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Như vậy, ở chương trình mới, học sinh được lựa chọn môn học và không bắt buộc phải học hết tất cả các môn trong nhóm môn tự chọn. Cũng theo chương trình mới, ngoài sách giáo khoa, mỗi môn học: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật sẽ có một số chuyên đề học tập tạo thành cụm chuyên đề của môn học nhằm thực hiện yêu cầu phân hóa sâu, giúp học sinh tăng cường kiến thức và kỹ năng thực hành, vận dụng giải quyết những vấn đề của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ nhà giáo cũng như những điều kiện cần thiết, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu nhanh chóng bắt nhịp với chương trình mới.
Tại Trường THPT Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa, sau gần 1 năm triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 10, mọi hoạt động diễn ra tương đối tốt. Ngay sau khi Chương trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, giáo viên nhà trường đã nghiên cứu chương trình tổng thể và tham gia các hội thảo, lớp tập huấn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Nhà trường đã chủ động xây dựng chương trình giảng dạy đối với từng bộ môn và tổ hợp môn học lựa chọn; chuẩn bị cơ sở vật chất (hệ thống internet tốc độ cao, các phòng học đạt chuẩn, được trang bị ti vi, máy chiếu kết hợp máy tính kết nối internet...) để triển khai chương trình mới. Bên cạnh đó, trường Hàm Rồng cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến tới học sinh và cha mẹ học sinh về chương trình mới và dự kiến các tổ hợp môn học để học sinh và phụ huynh có lựa chọn phù hợp nhất.
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ban đầu đa số học sinh và phụ huynh đều rất bỡ ngỡ khi lựa chọn tổ hợp nên nhà trường, đặc biệt là các thầy cô chủ nhiệm đã định hướng tuyên truyền để phụ huynh và học sinh có sự lựa chọn phù hợp."
Đến nay sau gần một năm thực hiện chương trình phổ thông mới 2018 đối với lớp 10, mọi hoạt động tại trường THPT Hàm Rồng đều được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc và hiệu quả theo hướng dẫn, chỉ đạo của ngành. Đa số học sinh đều cho rằng nội dung các môn học có nhiều điểm mới, việc tiếp cận nội dung qua bài giảng của giáo viên tốt hơn, dễ hiểu. Việc được lựa chọn môn học yêu thích đã tạo cơ hội thuận lợi cho các em phát huy năng lực, sở trường.
Cùng chung đánh giá về những thay đổi tích cực, tại trường THPT Quảng Xương 2 (huyện Quảng Xương), đa số giáo viên đều nhận định: nếu như trước đây, giáo viên là người truyền thụ kiến thức, chủ yếu theo phương pháp giảng thì với chương trình mới, học sinh chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức, cùng trao đổi để giải quyết vấn đề, giáo viên là người định hướng, dẫn dắt nên học sinh có sự sáng tạo, tự tin hơn. Sách giáo khoa cũng thay đổi, có nhiều bài tập vận dụng thực tế giúp học sinh phát huy sự tìm tòi, khám phá sâu từng vấn đề.
Tại Trường THPT Như Thanh, để thực hiện tốt chương trình, nhà trường cũng đã chủ động xây dựng tổ hợp lựa chọn môn học từ các môn học và các chuyên đề học tập để học sinh lựa chọn theo học suốt 3 năm, bảo đảm vừa đáp ứng nhu cầu người học, vừa phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Trước yêu cầu của chương trình mới, không chỉ nhà trường mà bản thân mỗi giáo viên cũng đã có sự chủ động trong việc lập kế hoạch làm việc, đổi mới phương pháp dạy theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh; việc đổi mới là không dễ dàng, đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực, phấn đấu không ngừng. Mặc dù kiến thức ở một số bộ môn tương đối nặng. Tuy nhiên, cách tiếp cận mới sẽ khiến học sinh cảm thấy hào hứng hơn, các em sẽ chú tâm nhiều hơn với việc học và cảm thấy việc học sẽ không còn nặng nề nữa.
Mục tiêu cốt lõi của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực chung và sở trường đặc thù, phát huy tính tự chủ, sáng tạo của học sinh. Sau gần 1 năm thực hiện chương trình đã thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội và đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đối với lớp 10 vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần được các cấp, các ngành quan tâm.
Dù đã gần hết năm học 2022-2023 nhưng đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được cấp thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Trong điều kiện khó này, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tìm cách tháo gỡ tạm thời bằng cách tận dụng các trang thiết bị sẵn có của nhà trường; giáo viên cũng linh hoạt sử dụng tài liệu sưu tầm trên mạng Internet phục vụ tốt nhất cho công tác giảng dạy. Tuy nhiên, việc thiếu trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thiếu phòng học chức năng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của các nhà trường.
Việc cho phép học sinh được lựa chọn môn học theo sở trường và định hướng nghề nghiệp theo tổ hợp là bước cải cách giúp các em học sinh có sự phân hóa và hướng đi rõ ràng ngay từ đầu cấp học. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra cho các trường "bài toán" khó trong khâu tổ chức, sắp xếp giáo viên giảng dạy. Sự lựa chọn không cân đối giữa các nhóm môn học đã đến dẫn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, dẫn đến tình trạng giáo viên môn này quá tải về số tiết, giáo viên môn khác lại không bảo đảm số tiết theo quy định. Bên cạnh đó, trong nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật có hai môn học mới là Âm nhạc và Mỹ thuật, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì 100% các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều chưa có giáo viên chuyên trách cho 2 môn học này. Vì vậy, đối với những học sinh có nhu cầu học 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật, các nhà trường đã phải định hướng cho các em theo môn học khác. Việc chuyển khối, chuyển trường đối với học sinh nếu có nhu cầu cũng gặp nhiều trở ngại.
Thầy giáo Nguyễn Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương 2, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Lâu nay ở các trường THPT không xác định vị trí việc làm đối với giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật nên không thể đáp ứng được khi học sinh lựa chọn môn học này."
Cô giáo Trịnh Thị Hạnh, Giáo viên trường THPT Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa chia sẻ: "Nội dung giáo dục địa phương ở môn học Lịch sử cũng gặp nhiều khó khăn do hiện tại vẫn chưa có giáo trình giảng dạy, chưa có hướng dẫn cụ thể."
Việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10, hầu hết các nhà trường THPT trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, đáp ứng tốt nhất mục tiêu hướng nghiệp của chương trình và nhu cầu học tập của học sinh. Mặc dù vẫn còn những khó khăn, bất cập nhất định, song với sự kiên trì, vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, sự nỗ lực của các nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, tin rằng việc triển khai chương trình sẽ đạt mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho việc triển khai chương trình ở những năm học tiếp theo.
Hội khuyến học huyện Quảng Xương tổ chức Tết khuyến học Xuân Ất Tỵ 2025
Sáng ngày 19/1, Hội khuyến học huyện Quảng Xương đã tổ chức Tết khuyến học khuyến tài Xuân Ất Tỵ và vận động xây dựng Quỹ khuyến học năm 2025.
Sôi nổi Tết khuyến học Xuân Ất Tỵ tại huyện Thạch Thành
Sáng ngày 19/1, Hội Khuyến học huyện Thạch Thành đã tổ chức Tết Khuyến học xuân Ất Tỵ và phát động phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2025.
Những người thầy đặc biệt
Thông thường khi nhắc đến ngành học mầm non mọi người thường nghĩ ngay đến hình ảnh các cô giáo khéo léo, hát hay, múa dẻo. Thế nhưng, trên địa bàn huyện miền núi Như Xuân, tại các trường mầm non có rất nhiều thầy giáo đang đứng lớp, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy từng lời ca, điệu múa cho các em. Bằng tình yêu con trẻ, niềm đam mê với nghề, các thầy hàng ngày vẫn luôn nỗ lực để ươm trồng những mầm non.
Thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tập trung nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực giáo dục ngoài công lập trên địa bàn. Qua đó, góp phần vào việc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cho Thanh Hóa trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Học sinh Thanh Hóa sẽ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ ngày 22/1 dương lịch
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, học sinh và trẻ mầm non thuộc các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sẽ nghỉ Tết Nguyên đán từ thứ Tư, ngày 22/1/2025 dương lịch (tức ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn). Kỳ nghỉ kéo dài đến hết Chủ nhật ngày 2/2/2025 dương lịch (tức ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ) và trở lại học tập vào thứ Hai, ngày 3/2/2025 (mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Năm học 2024 – 2025, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục duy trì Top đầu cả nước về kết quả thi Học sinh giỏi Quốc gia THPT
Theo thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo: Trong kỳ thi chọn Học sinh giỏi Quốc gia THPT năm học 2024 – 2025, tỉnh Thanh Hóa có 77 học sinh đạt giải trong số 90 học sinh dự thi.
Huyện Hậu Lộc tổ chức Tết khuyến học Xuân Ất Tỵ 2025 và trao thưởng cho học sinh, giáo viên có thành tích cao trong học tập
Sáng 17/1, huyện Hậu Lộc đã tổ chức Tết Khuyến học Xuân Ất Tỵ 2025, tuyên dương, trao thưởng cho học sinh, giáo viên đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh năm học 2024 - 2025.
Trường Đại học Hồng Đức gặp mặt và tặng quà lưu học sinh Lào nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ
Chiều 16/1, Trường Đại học Hồng Đức đã tổ chức gặp mặt và tặng quà cho các lưu học sinh Lào nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Thăm, tặng quà lưu học sinh Lào nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ
Chiều ngày 16/1, lãnh đạo Hội hữu nghị Việt - Lào tỉnh Thanh Hóa đã đến thăm và tặng quà cho các lưu học sinh Lào đang học tập tại trường Đại học Hồng Đức, Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cao đẳng y Thanh Hóa nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giáo dục mầm non
Trước yêu cầu đổi mới hoạt động, nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã lựa chọn giải pháp số mang nhằm tối ưu chi phí, thời gian, nâng cao hiệu quả quản lý, hoạt động, tăng sự tương tác giữa phụ huynh - nhà trường.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.