"Thỏi nam châm" của du lịch miền Đông Bắc
Một vinh dự cũng là cơ hội lớn cho du lịch Cao Bằng nói riêng, du lịch Việt nói chung: Ngày 12/4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO. Bởi tại Việt Nam, trước đó mới chỉ có Cao nguyên đá Đồng Văn được nhận danh hiệu CVĐCTC và trên thế giới, chỉ có khoảng hơn 30 quốc gia có CVĐCTC.
Tổ hợp nhiều di sản văn hóa đa dạng
CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 300km với tổng diện tích hơn 3.275km2, nằm trên địa bàn của 9 huyện nơi địa đầu Tổ quốc, nơi sinh sống của hơn 250.000 người thuộc 9 dân tộc ít người. Nơi đây hội tụ rất nhiều danh lam thắng cảnh như Phia Oắc - Phia Ðén, quần thể Hồ Thang Hen, động Ngườm Ngao, Hang Kỳ Rằng, Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít… và nhất là thác Bản Giốc, một trong bốn thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất thế giới.
CVÐC bao phủ gần như hoàn toàn các vùng văn hóa đặc sắc của Cao Bằng với sáu huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa và một phần các huyện Hòa An, Nguyên Bình, Thạch An. Sự đa dạng về địa lý đã tạo nên bức tranh đặc sắc tổng hòa các giá trị văn hóa, con người của nhiều dân tộc anh em cư trú trên địa bàn gồm Tày, Nùng, Mông, Kinh, Dao, Sán Chay…
CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, được coi là một trong những khu vực ở Việt Nam được người tiền sử chiếm cư từ rất sớm, cố đô của một số triều đại phong kiến, và đặc biệt, là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện, đánh giá, đề xuất xếp hạng trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, với các dạng địa hình, cảnh quan đá vôi hết sức phong phú, đa dạng, như các tháp, nón, thung lũng, hang động, hệ thống hồ - sông - hang ngầm liên thông..., phản ánh một chu kỳ tiến hóa karst hoàn chỉnh ở vùng nhiệt đới. Thêm vào đó là rất nhiều kiểu loại di sản địa chất khác như các hóa thạch cổ sinh, ranh giới giữa các phân vị địa chất, đứt gãy, các loại hình khoáng sản..., tất cả cùng minh chứng cho lịch sử phát triển địa chất phức tạp, kéo dài đến hơn 500 triệu năm ở vùng đất này. Đây chính là những di sản địa chất đặc sắc và cũng là một trong những lý do căn bản để UNESCO quyết định lựa chọn CVĐC này.
Không chỉ các điều kiện địa chất, địa mạo độc đáo, CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng còn là một tổ hợp nhiều di sản văn hóa đa dạng. Ngoài ra, vùng đất này xưa kia là kinh đô của một số triều đại phong kiến. Ðặc biệt còn là cái nôi của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Bề dày văn hóa, lịch sử được thể hiện với hơn 215 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có các di tích quốc gia đặc biệt như: Pác Bó, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; rừng Trần Hưng Ðạo, nơi Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Vẻ đẹp của CVÐCTC thứ hai của Việt Nam còn ở những nét sinh hoạt văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc của những làng nghề truyền thống như làm hương, dệt thổ cẩm, rèn…
Điểm nhấn đặc biệt thu hút của du lịch Cao Bằng
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, việc công nhận của Hội đồng Chấp hành UNESCO với CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng có ý nghĩa rất lớn. Trên thế giới mới có hơn 100 địa điểm, hoặc địa phương, được UNESCO trao cho danh hiệu CVĐCTC. Ở khu vực Đông - Nam Á cho đến nay chỉ có hai nơi được công nhận gồm có ở Malaysia và ở Đồng Văn của Việt Nam. Được UNESCO công nhận đồng nghĩa với việc CVĐCTC UNESCO Non Nước Cao Bằng sẽ mang tầm vị thế khác trên bản đồ du lịch thế giới, có sức hút mạnh mẽ với du khách năm châu.

Là một tỉnh nằm ở phía đông bắc của Việt Nam, Cao Bằng có bề dày về lịch sử, văn hóa, cách mạng, và có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch. Vì thế, từ việc nhận thức rất rõ những lợi điểm lớn nếu được UNESCO công nhận, từ năm 2015, các cơ quan quản lý tại Cao Bằng đã phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia về UNESCO Việt Nam và Tiểu ban Kỹ thuật về CVĐCTC của UBQG (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) lên kế hoạch từng bước xây dựng CVĐC Non Nước Cao Bằng, mời các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng hồ sơ và kết nối với Mạng lưới CVÐCTC của UNESCO (GGN) để nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO. Đến tháng 11/2016, tất cả hồ sơ và ba tuyến du lịch trong công viên địa chất này cũng được hoàn thiện và đệ trình lên UNESCO. Đến tháng 7/2017, nhóm chuyên gia của UNESCO đã đến Cao Bằng để thẩm định.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết: Nhóm tư vấn đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Cao Bằng, cũng như hồ sơ đăng ký. Đến tháng 9/2017, trong khuôn khổ Hội nghị mạng lưới công viên địa chất châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức tại Trung Quốc, Hội đồng chuyên gia UNESCO đã chính thức thông qua hồ sơ CVĐC Non Nước để trở thành CVĐCTC. Tại Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 204 ở Paris, hồ sơ đã được Hội đồng Chấp hành thông qua và công nhận.
Với danh hiệu này, như chia sẻ của ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng: “CVĐCTC Non nước Cao Bằng sẽ là điểm nhấn mới trong bản đồ di sản, du lịch của Việt Nam, nhằm giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một mảnh đất tươi đẹp, giàu giá trị truyền thống ở địa đầu Tổ quốc. Ngoài mục tiêu giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa có giá trị, tỉnh Cao Bằng tập trung phát triển du lịch, đưa “ngành công nghiệp không khói” trở thành trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới”. Và CVĐCTC Non nước Cao Bằng - “thỏi nam châm” giàu sức hút của du lịch Cao Bằng - chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh miền đông bắc này.
Đến nay, tỉnh Cao Bằng đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào khai thác ba tuyến du lịch địa chất trong vùng CVĐCTC Cao Bằng theo sự tư vấn của chuyên gia UNESCO. Cụ thể gồm có: Tuyến du lịch phía tây “Khám phá Phia Oắc – vùng núi của những đổi thay” (huyện Nguyên Bình); Tuyến Cụm du lịch phía Bắc “Hành trình về nguồn cội” (gồm huyện Hòa An và Hà Quảng) và tuyến du lịch cụm phía Đông - “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ xở thần tiên” (gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang). Các tuyến du lịch với tổng cộng 43 điểm tham quan du lịch ngắm cảnh, 5 trung tâm thông tin, điểm trưng bày và tuyên truyền Công viên địa chất, 3 cụm tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa, phát triển 20 đối tác công viên địa chất, 21 bãi đỗ xe, dừng chân ngắm cảnh, 29 biển báo (SP) điểm công viên địa chất, 34 điểm thuyết minh (IP) tại điểm di sản, 9 biển cổng chào/quảng bá công viên địa chất (A/E). |
Thành Vinh – Đắc Nguyên – Trần Quốc/Công Luận
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm

Việt Nam đang trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch thế giới
Từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,67 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2024. Việt Nam đang trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch thế giới, được du khách quốc tế yêu thích và lựa chọn.

Đa dạng sản phẩm OCOP phục vụ mùa du lịch
Với hơn 600 sản phẩm ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, sản phẩm Ocop đang được nhiều khách du lịch lựa chọn làm quà cho mỗi chuyến đi. Vì vậy, để phục vụ mùa du lịch năm nay, các chủ thể Ocop trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung sản xuất hàng hóa để cung ứng cho thị trường.

Khu di tích lăng mộ vua Lê Dụ Tông – công trình kiến trúc tinh xảo
Dụ Tông Hòa Hoàng Đế là vị vua thứ 21 của vương triều Lê. Đời vua trị vì, đất nước tương đối thái bình, các hình phạt được giảm nhẹ, nhiều kỳ thi võ được tổ chức.

Việt Nam có mức tăng trưởng điểm đến cao thứ 7 toàn cầu
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, dữ liệu tổng hợp từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy, Việt Nam có mức tăng trưởng điểm đến cao thứ 7 toàn cầu.

Đề nghị tăng cường bảo vệ các lăng mộ vua chúa
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị tăng cường bảo vệ các khu lăng mộ vua chúa sau sự việc lăng một vua Lê Túc Tông bị xâm hại

Người phụ nữ giữ lửa văn hóa Thái ở vùng cao Thường Xuân
Tại bản Bèn, thôn Liên Sơn, xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân (Thanh Hóa), tiếng khung cửi rộn ràng trong một không gian nhỏ ấm áp, nơi những người phụ nữ Thái cần mẫn bên khung dệt, trao truyền từng nét hoa văn thổ cẩm, như kể lại câu chuyện bản làng bằng sắc màu những sợi chỉ. Đó là Tổ dệt thổ cẩm truyền thống mang tên “Táy Dó”, thành quả từ sự đồng lòng của cả cộng đồng, và đặc biệt là tâm huyết của người sáng lập. Đó là chị Vi Thị Luyến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Lẹ - người đã âm thầm “giữ lửa” cho nghề xưa giữa cuộc sống hiện đại.

Chốn thơ mộng giữa lòng Hao Hao
Nằm nép mình bên hồ Hao Hao rộng lớn, hiền hoà, quanh năm xanh biếc một màu, không bao giờ vơi cạn, khu du lịch sinh thái Hao Hao Green Pine Hill là một điểm đến mới tại thị xã Nghi Sơn.

Việt Nam có 2 địa điểm lọt danh sách điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2025
Theo Danh sách do Tạp chí Time Out của Anh vừa công bố, Việt Nam có hai điểm đến du lịch là Hà Giang và Hội An lọt vào top 44 điểm đến đẹp nhất thế giới năm 2025, được đánh giá bởi những du khách giàu kinh nghiệm.

Những người “giữ lửa” văn hóa dân tộc Dao
Giữa nhịp sống hiện đại, vẫn có những con người lặng lẽ, bền bỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ trang phục đến tiếng nói, chữ viết. Đó là cộng đồng người Dao tại huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Họ đang góp phần làm nên sức sống mãnh liệt của một nền văn hóa đang đứng trước không ít thử thách.

Cả nước đón 10,5 triệu lượt khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa) cho biết, trong 5 ngày nghỉ lễ từ ngày 30/4 đến ngày 4/5, ngành Du lịch cả nước ước phục vụ khoảng 10,5 triệu lượt khách, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó có khoảng 6,5 triệu lượt khách có lưu trú.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.