ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu: Vốc một nắm đất cũng gặp đá quý!

Một bản làng nghèo khó của xã Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An) bỗng chốc trở nên nổi tiếng, khiến hàng nghìn người dân và giang hồ tứ chiêng kéo đến tìm vận may. Ở xứ sở mà "cứ vốc 1 nắm đất lên là gặp đá quý" có những người bỗng dưng đổi đời sau 1 đêm nhưng cũng có ngày 75 người bỏ mạng ngay trên đồi.

10/10/2018 15:55

 

Khu vực đồi Tỷ thuộc bản Khoang (Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An), nơi được xem là có trữ lượng đá màu, trong đó chủ yếu là ruby, hồng ngọc rất lớn.
Khu vực đồi Tỷ thuộc bản Khoang (Châu Bình, Quỳ Châu, Nghệ An), nơi được xem là có trữ lượng đá màu, trong đó chủ yếu là ruby, hồng ngọc rất lớn.

“Mới cuối năm ngoái đây thôi, anh Hồ Văn Q. (xóm Quỳnh 1) đi kiếm củi ở khu vực Trại Bò, bị trượt ngã. Lúc bò dậy, thấy có 1 vật màu đỏ dính vào đế giày, cứ ngỡ là mảnh vỡ của đèn pha, cạy ra mới biết là 1 viên hồng ngọc, bán được 1,1 tỷ đồng. Người mua đá sau đó bán qua tay cho lái buôn được 5 tỷ đồng. Còn những viên đá màu bán dăm triệu thì người dân ở đây thỉnh thoảng vẫn nhặt được”, ông Lang Thanh Hoài -Trưởng Công an xã Châu Bình kể.

Câu chuyện của ông Hoài – thôi thúc chúng tôi “xâm nhập” vào lãnh địa đá đỏ một thời. Dường như, ước mơ tìm vận may đổi đời của người dân sống trên kho đá đỏ này vẫn chưa nguội hẳn, dù cơn sốt đá đỏ Quỳ Châu đã lùi xa hàng chục năm trời.

Bản Khoang (xã Châu Bình, Quỳ Châu) một buổi sáng tháng 10, nắng trải vàng ươm trên những cánh rừng xanh ngút mắt. Đường vào đồi Tỷ vắng lặng, toàn sống trâu. Đi qua một chiếc cổng sắt đã rỉ sét của Công ty kim loại màu, qua mấy dãy nhà cấp 4 xập xệ, vượt qua một chặng đường rừng, ông Lang Thanh Hoài chỉ tay vào mỏm đá trước mặt bảo: “Đây là đồi Tỷ. Đồi Tỷ là tên người ta đặt sau khi tìm được nhiều đá đỏ ở đây thôi. Tương tự, bên kia là đồi Triệu, cũng tìm thấy đá đỏ nhưng ít hơn bên này. Ở đồi Tỷ này nhiều người đã đổi đời sau một đêm nhưng cũng tầm 80 người bỏ mạng ở đây, vì đá đỏ cả”.

Thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp những lời rao bán đá đỏ Quỳ Châu ở trên mạng xã hội. Dù cơn sốt đá đỏ lùi xa ngót 20 năm trời nhưng thảng hoặc, một số người dân đi rừng vẫn nhặt được những viên đá lóng lánh, bán từ vài triệu cho đến hàng tỷ đồng (ảnh facebook).
Thỉnh thoảng người ta vẫn bắt gặp những lời rao bán đá đỏ Quỳ Châu ở trên mạng xã hội. Dù cơn sốt đá đỏ lùi xa ngót 20 năm trời nhưng thảng hoặc, một số người dân đi rừng vẫn nhặt được những viên đá lóng lánh, bán từ vài triệu cho đến hàng tỷ đồng (ảnh facebook).

Người dân bản Khoang cũng không hề biết mình đang sống trên một kho đá quý cho đến một ngày cuối năm 1990, họ thấy một toán người dân Hà Nam Ninh, nghe đâu là người nhà của một kỹ sư địa chất đi thăm dò khoáng sản – cần mẫn đào bới và mang lên cả vốc đá màu đỏ lóng lánh ở khu vực đồi Tỷ bây giờ.

Chả mấy chốc, thông tin về mỏ đá quý này loang ra, dân tứ xứ ùn ùn kéo đến đông nghìn nghịt cả bản. Người dân bản Khoang cũng hớt hải bỏ ruộng, bỏ vườn nhập cuộc, đi “đào lộc trời”. Những cái tên như đồi Tỷ (rất nhiều đá quý), đồi Triệu (có đá quý nhưng trữ lượng ít hơn), đồi Điên, hòn Mồ Côi… lần lượt được hình thành trong giới dân phu đá.

Những thông tin về người này, người kia đào được những viên đá đỏ (ruby hoặc hồng ngọc) bằng ngón tay, bán 600-700 triệu – một con số khủng khiếp vào thời điểm đó càng củng cố quyết tâm đi tìm vận may của hàng nghìn người.

Già trẻ, trai gái trong xã, ngoài huyện, nhiều nhất vẫn là người Hà Nam Ninh vào, ùn ùn kéo đến, thời điểm phải lên đến vài nghìn người có mặt ở đồi Tỷ, cùng với tay cuốc, tay xẻng. Họ lật tung từng mảng rừng, đào thành những chiếc hố sâu hoắm để tìm đá đỏ.

Ông Lương Văn Đại – Chủ tịch UBND xã Châu Bình kể: “Thời đó tôi đang là kế toán của HTX, cũng chưa từng biết viên đá đỏ tròn méo như thế nào, chỉ thấy đồi Tỷ, đồi Triệu đông đặc những người. Thời đó đá quý nhiều đến nỗi người ta đồn đại chỉ cần vục tay xuống, vốc 1 vốc đất lên, đãi là ra đá quý.

Người ta giành nhau từng khoảnh đất, xác định lãnh địa riêng, đào hầm tìm đá đỏ. Đào đất tìm đá đỏ chưa hết, người ta đóng đất thành từng bì, bán cho cánh phụ nữ, người già đãi tìm đá, một bì 500-600 nghìn đồng. Họ tìm được nhiều đá lắm, viên đẹp thì bán 600-700 triệu, viên nhỏ xíu cũng vài chục triệu bạc, bằng cả mấy năm làm lúa chứ ít gì. Có nhiều người đổi đời sau 1 đêm, xây được nhà tầng”.

Theo giới thiệu của ông Chủ tịch xã, chúng tôi gặp ông Kim Văn X., ông Lang T.S… - những người được cho là nhặt được đá đỏ và đổi đời, xây được nhà lầu. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối khéo. Không ai muốn nhắc tới câu chuyện đổi đời nhờ những viên đá lấp lánh gắn với ký ức đau thương, khổ cực ấy.

Giấc mơ đổi đời từ những viên đá lấp lánh trong lòng đất có ma lực khủng khiếp. Người ta bất chấp nguy hiểm để khoét rừng, đào rú, chui sâu vào đất để tìm đá đỏ. “Cứ chui vào hầm, một thì đổi đời, giàu có, hai thì bỏ mạng. Đá tìm được không biết là mấy nhưng người chết do sập hầm, do tranh giành lãnh địa, do cướp bóc thì đến gần cả trăm người”, ông Đại kể tiếp.

Ở nơi “hốt đất ra đá đỏ” này bắt đầu hình thành những băng nhóm xã hội, chia nhau cát cứ các khu vực được cho là nhiều đá quý với những Phong “trọc”, Tường “lợn”, Phương “tay trái”, Đường “mặt rộ”, Hà “lỳ”... Những cuộc thanh trừng, tranh giành lãnh đại, cướp bóc diễn ra ngay trên những miệng hầm. Tệ nạn ma túy, mại dâm, bất ổn về an ninh trật tự khiến khu vực này trở thành điểm nóng. Châu Bình thời điểm đó chỉ có màu đỏ của đá, màu đỏ của đất rừng bị xới tung và màu đỏ của máu!

Sự việc vượt quá tầm kiểm soát của Công an huyện Quỳ Châu. Tháng 7/1991, Công an tỉnh Nghệ An quyết định điều 2 đại đội cảnh sát cơ động với gần 150 cán bộ chiến sĩ, phối hợp với Công an huyện, công an xã, dân quân tự vệ có mặt, lập lại trật tự nơi đây. Một trạm cảnh sát kinh tế đặc biệt cũng được thành lập.

Cựu Thiếu tá Đặng Trọng Khánh – thời điểm đó là Trung úy, có mặt trong lực lượng của cảnh sát cơ động Công an tỉnh Nghệ An kể: “Thời đó người dân ùn ùn đi tìm đá đỏ mong đổi đời, người chen chúc, ùn tắc cả tuyến đường sắt Vinh – Nghĩa Đàn. Chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ khu vực có khoáng sản đá quý kéo dài từ xã Châu Hồng (Quỳ Hợp) lên Châu Bình (Quỳ Châu), đẩy đuổi, trục xuất người dân khai thác trái phép. Nhưng đẩy chỗ này thì họ tràn sang chỗ khác, đuổi ngày thì họ làm đêm, cả đồi Tỷ, đồi Triệu đêm xuống như một đại công trường, ánh đèn pin dày đặc như sao trên trời…".

Đến tháng 10/1992, tình hình mới được kiểm soát nhưng 1/3 quân số của cảnh sát cơ động vẫn phải để lại, cùng với lực lượng tại chỗ để tiếp tục ổn định an ninh trật tự khu vực. Tuy vậy, cơn sốt đá đỏ vẫn âm ỉ mảnh đất này cho đến cả chục năm sau...

Hoàng Lam/Dân trí


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thọ Xuân: tai nạn giao thông giảm sau 3 tháng kiểm soát người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy

Thọ Xuân: tai nạn giao thông giảm sau 3 tháng kiểm soát người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy

10:20 , 26/07/2024

Thực hiện cao điểm tổng kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện mô tô, xe máy, xe máy điện, lực lượng Cảnh sát giao thông huyện Thọ Xuân đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sau gần 3 tháng ra quân, ý thức tự giác chấp hành quy định của người dân được nâng cao. Tai nạn giao thông trên địa bàn giảm cả 3 tiêu chí.

Huyện Thọ Xuân: Trao gần 21 nghìn suất quà cho gia đình chính sách, người có công

Huyện Thọ Xuân: Trao gần 21 nghìn suất quà cho gia đình chính sách, người có công

09:10 , 26/07/2024

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), huyện Thọ Xuân đã thành lập các đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện.

Năm 2025, 100% hồ sơ thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân

Năm 2025, 100% hồ sơ thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân

09:02 , 26/07/2024

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ với nhiều nội dung quan trọng.

Xăng dầu là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Lào

Xăng dầu là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Lào

08:47 , 26/07/2024

6 tháng đầu năm 2024, xăng dầu là mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Lào với 42 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo thời tiết ngày 26/7: Thanh Hóa ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi

Dự báo thời tiết ngày 26/7: Thanh Hóa ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi

08:12 , 26/07/2024

Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, hôm nay (ngày 26/7), khu vực Thanh Hóa ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm mưa rào và giông vài nơi. Trong mưa giông có thể xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Sôi nổi các hoạt động “Mùa hè xanh” cấp tỉnh năm 2024

Sôi nổi các hoạt động “Mùa hè xanh” cấp tỉnh năm 2024

23:18 , 25/07/2024

Chiều ngày 24/7, tại xã Nam Xuân, huyện Quan Hoá, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Thanh Hoá đã tổ chức chương trình tình nguyện “Mùa hè xanh” cấp tỉnh năm 2024.

Nâng cao “sức đề kháng” cho thế hệ trẻ trước những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

Nâng cao “sức đề kháng” cho thế hệ trẻ trước những quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng

23:16 , 25/07/2024

Để thực hiện thành công âm mưu “diễn biến hòa bình”, một trong những đối tượng mà các thế lực thù địch thường xuyên nhắm đến là thế hệ trẻ, những người giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, việc nâng cao khả năng nhận diện cũng như “sức đề kháng” của thế hệ trẻ trước các quan điểm sai trái, thù địch có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay.

Trao 150 suất quà cho gia đình chính sách, người có công tại Hoằng Hóa

Trao 150 suất quà cho gia đình chính sách, người có công tại Hoằng Hóa

20:19 , 25/07/2024

Nhân dịp 77 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến đã tổ chức tri ân, trao quà cho các thương bệnh binh và gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Hoằng Hóa.

Thanh Hóa phấn đấu  hoàn thành mục tiêu Nông thôn mới năm 2024

Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nông thôn mới năm 2024

16:54 , 25/07/2024

6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã có thêm 4 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 13 xã Nông thôn mới nâng cao, 9 xã và 44 thôn, bản Nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện đã được hội đồng thẩm định Nông thôn mới Trung ương bỏ phiếu xét, công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.

Ngày 26/7, Thanh Hóa ngày nắng nóng, có nơi trên 36 độ C

Ngày 26/7, Thanh Hóa ngày nắng nóng, có nơi trên 36 độ C

15:47 , 25/07/2024

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hoá dự báo, ngày 26/7, khu vực vùng núi tỉnh Thanh Hóa ngày nắng nóng, với nhiệt độ không khí cao nhất ngày phổ biến từ 35 - 36 độ C, có nơi trên 36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất ngày từ 55 - 65%.