Đường dây nóng: 0237 3721150

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 21/CĐ-TTg ngày 4/3/2025 về việc điều hành đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường thế giới và trong nước.

05/03/2025 10:10

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Ngoại giao, Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam; Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo- Ảnh 1.

Trước tác động của diễn biến cung cầu thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2025 có xu hướng suy giảm do giá xuất khẩu liên tục giảm.

Công điện nêu: Trong những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo luôn duy trì phát triển ổn định và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2025, thương mại lúa gạo toàn cầu diễn biến phức tạp, nguồn cung thế giới trở nên dư thừa. Nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi trong thời gian ngắn hạn, các thị trường nhập khẩu lớn đang thận trọng trong dự trữ và thu mua gạo. Trước tác động của diễn biến cung cầu thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2025 có xu hướng suy giảm do giá xuất khẩu liên tục giảm. Trong nước, hiện nay các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang thu hoạch rộ lúa vụ Đông Xuân nên có hiện tượng giá thu mua lúa giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2024.

Để đảm bảo việc điều hành cân đối cung cầu lúa gạo trong nước và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, tranh thủ cơ hội xuất khẩu và đảm bảo hài hòa lợi ích cho người sản xuất và các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo theo dõi sát sao, cập nhật kịp thời các biến động về chính sách, các diễn biến thị trường của các quốc gia xuất khẩu, nhập khẩu để chủ động tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, tập trung chỉ đạo, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường  

a) Chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sản xuất đảm bảo sản lượng và diện tích theo kế hoạch đã đặt ra, trước mắt tập trung sản xuất, thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đúng thời vụ; theo dõi sát sao lịch thời vụ và tình hình hạn mặn nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất lúa;

b) Tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", đặc biệt đẩy mạnh nhân rộng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải để giảm chi phí sản xuất và tăng giá bán cho nông dân;

c) Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới, nhất là sự điều chỉnh chính sách tại các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan…; nắm bắt nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường còn nhiều dư địa như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Phi cung cấp, cập nhật thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có những điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp với diễn biến thị trường;

d) Về dài hạn, tập trung nghiên cứu, cải thiện cơ cấu sản xuất và chất lượng sản phẩm, tập trung vào các giống lúa có chất lượng và giá trị cao, các giống lúa đặc sản; ứng dụng công nghệ hiện đại, đầu tư nghiên cứu và nhân giống, phát triển các giống lúa có khả năng chịu hạn, chịu mặn, kháng sâu bệnh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai; tăng cường chế biến sâu tạo ra các sản phẩm có giá trị, sản phẩm đặc sản, hữu cơ; tiếp tục tham mưu trình Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án "Phát triển hệ thống logistics nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030" nhằm nâng cao khả năng lưu chứa, dự trữ, bảo quản hiện đại, góp phần đảm bảo chất lượng gạo phục vụ xuất khẩu vào các thời điểm thị trường thế giới nhu cầu nhập khẩu và giá thành cao; Nghiên cứu, tham mưu xây dựng và phát triển các thương hiệu gạo bền vững và thân thiện môi trường;

đ) Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội có đầy đủ thông tin, nắm rõ tình hình, kế hoạch sản xuất và thị trường tiêu thụ.

2. Bộ trưởng Bộ Công Thương

a) Tiếp tục chủ trì, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện "Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030" và các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại các Chỉ thị, Công điện về thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo;

b) Chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện việc thu mua, xuất nhập khẩu lúa gạo góp phần làm lành mạnh thị trường đặc biệt là khả năng dự trữ bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP;

c) Chủ trì tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn, thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa với các phân khúc sản phẩm của Việt Nam, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc (gạo chất lượng cao, gạo thơm đặc sản giá trị cao như ST24, ST25), Trung Đông, Châu Phi, ASEAN (gạo trắng) thông qua các hiệp định thương mại tự do hoặc các thỏa thuận song phương đã ký kết nhằm đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào các quốc gia nhập khẩu truyền thống; cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các doanh nghiệp các thời điểm tập trung xuất khẩu có lợi về giá và tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế;

d) Tăng cường các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ gạo trong nước; quan tâm các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia về đào tạo, tập huấn phát triển sản phẩm, thiết kế bao bì nhằm đa dạng hóa các sản phẩm từ gạo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;

đ) Tổng kết, đánh giá và rà soát, đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP toàn diện trong Quý II năm 2025, trong đó nghiên cứu đề xuất bổ sung các tiêu chí, điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh, xuất, nhập khẩu gạo, theo hướng ưu tiên, ưu đãi đối với các đơn vị có chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm có hệ thống kho chứa, logistics đồng bộ, hiện đại nhằm khắc phục tình trạng thương lái thu mua ép giá nông dân. Đề xuất xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ tín nhiệm đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu gạo hướng tới giảm đầu mối và minh bạch thông tin;

3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Chỉ đạo nghiên cứu, tính toán mở rộng hạn ngạch, thời hạn cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực, có hệ thống kho chứa để mua gạo tạm trữ trong giai đoạn thị trường có biến động và giá mua thấp;

b) Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua và xuất khẩu lúa gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; hỗ trợ nông dân tái vụ; đơn giản hóa thủ tục xét duyệt cấp tín dụng, bao gồm các điều kiện về hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng thu mua lúa, tài sản bảo đảm...

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính

a) Chỉ đạo, tạo điều kiện hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo;

b) Tạo cơ chế thông quan nhanh gọn, thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động xuất nhập khẩu gạo để tạo sự minh bạch và công bằng cho thị trường;

c) Chủ động xây dựng kế hoạch mua dự trữ gạo quốc gia năm 2025 để triển khai kịp thời khi có biến động bất lợi về giá lúa gạo.

5. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

a) Tăng cường nắm bắt, phổ biến thông tin về nhu cầu, thị hiếu và các quy định thị trường cũng như chính sách ngoại giao kinh tế để thông tin tới các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng lúa gạo;

b) Chủ trì nghiên cứu chính sách của các nước đối với thực phẩm, nông sản xuất nhập khẩu; tham mưu các giải pháp, hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm tăng cường và tạo điều kiện cho xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam sang thị trường quốc tế.

6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Chỉ đạo quyết liệt triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030"; tổ chức sản xuất lúa gạo đảm bảo sản lượng và diện tích theo kế hoạch đã phê duyệt; theo dõi sát sao lịch thời vụ theo từng mùa vụ; chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình thu mua lúa gạo để kịp thời có giải pháp xử lý và cung cấp thông tin kịp thời cho các Bộ, ngành liên quan phục vụ công tác điều hành sản xuất và xuất khẩu. Tuyên truyền, vận động bà con nông dân yên tâm tiếp tục sản xuất vụ Hè Thu theo kế hoạch, để đảm bảo ổn định sản lượng theo kế hoạch;

b) Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình mua bán của các doanh nghiệp đầu mối, thương lái, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để ép giá, trục lợi; cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp;

c) Nghiên cứu, tổ chức sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường; trên cơ sở kế hoạch chung của Bộ, ngành trong điều hành sản xuất, các địa phương chủ động điều chỉnh cơ cấu mùa vụ theo đặc thù của địa phương bảo đảm thuận lợi cho sản xuất và hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu;

d) Có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thu mua, vận chuyển lúa, gạo về kho chứa của các doanh nghiệp;

đ) Sử dụng hiệu quả nguồn vốn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định số 112/2024/NĐ-CP nhất là hỗ trợ cải thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, mở rộng diện tích sản xuất.

7. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.

a) Chủ động tìm kiếm thị trường, nhất là các bạn hàng truyền thống với các Hiệp hội; tăng cường các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ để khắc phục tình trạng ép giá cho nông dân;

b) Tích cực mua tạm trữ lúa cho bà con nông dân và đăng ký, cung cấp thông tin về khả năng tạm trữ với Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ;

c) Tăng cường cập nhật, theo dõi, dự báo, cung cấp thông tin diễn biến tình hình sản xuất và thị trường lúa gạo trong nước và thế giới; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội tích cực tham gia vào triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030";

d) Huy động, khuyến khích các thành viên tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ lúa gạo và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống logistics nông sản gắn với vùng nguyên liệu.

8. Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện Công điện này; Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Cung cấp miễn phí bản đồ hành chính chi tiết 34 tỉnh, thành mới trên môi trường mạng

Cung cấp miễn phí bản đồ hành chính chi tiết 34 tỉnh, thành mới trên môi trường mạng

08:30 , 14/06/2025

Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã hoàn thành việc xây dựng Bản đồ hành chính trực tuyến, cập nhật 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Khơi thông tín dụng góp phần tăng trưởng kinh tế

Khơi thông tín dụng góp phần tăng trưởng kinh tế

18:00 , 13/06/2025

Tính đến đầu tháng 6, dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt trên 237 nghìn tỷ đồng, tăng trên 7% so với cuối năm 2024 và cao hơn mức tăng chung toàn quốc. Thanh Hoá cũng là tỉnh có dư nợ tín dụng cao nhất, chiếm tỷ trọng 39,9% toàn khu vực 7, bao gồm 4 tỉnh: Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam và Nam Định.

Hỗ trợ phần mềm hóa đơn cho hộ kinh doanh

Hỗ trợ phần mềm hóa đơn cho hộ kinh doanh

16:11 , 13/06/2025

Cục Thuế vừa có văn bản đề nghị các tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử thiết kế các phần mềm kế toán, hóa đơn dễ sử dụng, có các gói hỗ trợ phù hợp cho các hộ kinh doanh. Đặc biệt bố trí nhân sự hỗ trợ trực tuyến hoặc trực tiếp hộ kinh doanh trong tháng 6 và tháng 7

Bản tin Tài chính - Thị trường 13/6/2025

Bản tin Tài chính - Thị trường 13/6/2025

15:06 , 13/06/2025

Bản tin Tài chính - Thị trường 13/6/2025 có những thông tin đáng chú ý sau: - Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về việc tăng cường các giải pháp quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng. - Truy xuất nguồn gốc hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng - Khơi thông dòng chảy tín dụng góp phần tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa - Thị trường hàng điện lạnh bắt đầu sôi động

Nhân rộng điển hình hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Nhân rộng điển hình hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

14:56 , 12/06/2025

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, nhiều hộ nông dân trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã ứng dụng khoa học, kỹ thuật đầu tư sản xuất, kinh doanh đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng tiền lãi mỗi năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các hộ còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.

Công ty CP Nghệ Việt liên kết với nông dân sản xuất cây sả chanh

Công ty CP Nghệ Việt liên kết với nông dân sản xuất cây sả chanh

14:49 , 12/06/2025

Thực hiện dự án Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chế biến và tiêu thụ cây sả, năm 2022, Công ty CP Nghệ Việt đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn xã Thạch Quảng và các xã lân cận trồng 45 ha cây sả chanh, đồng thời tiêu thụ sản phẩm cho bà con, bước đầu đã đem lại hiệu quả cao.

Xuất khẩu dệt may 5 tháng trên 17 tỷ USD

Xuất khẩu dệt may 5 tháng trên 17 tỷ USD

06:41 , 12/06/2025

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2025, ngành dệt may đã xuất khẩu trên 17 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024.

Chế biến 170.000 tấn hải sản/năm

Chế biến 170.000 tấn hải sản/năm

06:31 , 12/06/2025

Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 22 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh thủy sản với tổng công suất 170.000 tấn nguyên liệu/năm, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Liên kết với nông dân sản xuất cây sả chanh

Liên kết với nông dân sản xuất cây sả chanh

06:06 , 12/06/2025

Với mục tiêu ứng dụng thành công tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển một số loại cây lấy tinh dầu nhằm tạo nguồn tinh dầu phục vụ thị trường xuất khẩu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2016 - 2025, Công ty Cổ phần Nghệ Việt, Nông trường Thạch Quảng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã liên kết với người dân trồng, chế biến và tiêu thụ cây sả chanh, bước đầu đã đem lại hiệu quả cao.

Hội nghị đầu bờ mô hình sản xuất lúa hữu cơ

Hội nghị đầu bờ mô hình sản xuất lúa hữu cơ

23:05 , 11/06/2025

UBND huyện Vĩnh Lộc phối hợp với Công ty Cổ phần ECO NUTRIENTS Miền Trung vừa tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ xuân 2025 tại xã Vĩnh Phúc.