ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại COP26

Chiều 14/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

14/07/2023 16:36
Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại COP26 - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại COP26 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự phiên họp có các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Ủy viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo.

Ngay sau Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam. Sau 3 phiên họp từ khi thành lập, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo, các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan đã tích cực, trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công.

Phiên họp thứ 4 nhằm đánh giá tình hình và kết quả triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành, cơ quan; đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới.

Tại phiên họp, Ban Thư ký triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã ra mắt. Trưởng Ban Thư ký là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, trong khi Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong điều kiện một nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi. Việt Nam là nước có nhiều điều kiện thuận lợi để chuyển đổi xanh, phù hợp với xu thế của thời đại, nhất là tiềm năng nắng, gió để phát triển năng lượng tái tạo.

Mặt khác, thời gian qua, tình hình trong nước, quốc tế tiếp tục có rất nhiều thay đổi, như các nước châu Âu đặt ra các tiêu chuẩn sản xuất xanh với hàng nhập khẩu. Do đó, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu là yêu cầu, đòi hỏi khách quan với Việt Nam để có thể kết hợp, phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Nhấn mạnh yêu cầu triển khai công việc một cách quyết liệt, thực chất, dứt điểm, không hình thức, mang lại hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, những kết quả bước đầu, làm rõ những thuận lợi, khó khăn; cho ý kiến về Đề án triển khai JETP; cho ý kiến về một số đề án quan trọng như việc thực hiện cam kết chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và việc triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Kế hoạch giảm phát thải trong ngành giao thông vận tải...; xác định những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm 2023 và định hướng nhiệm vụ cho năm 2024; thảo luận các vấn đề liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ được phân công cho các bộ, ngành, cơ quan, các thành viên Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại COP26 - Ảnh 2.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình hình triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, trong năm 2022, dưới sự chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã họp chính thức 3 phiên và một số cuộc họp đột xuất khác để thảo luận, thống nhất và cho ý kiến về những vấn đề lớn như: Xây dựng, ban hành đề án, chiến lược, kế hoạch hành động triển khai kết quả Hội nghị COP26; rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu; rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng; đàm phán và thông qua JETP; giảm phát thải khí nhà kính, khí metan trong các ngành, lĩnh vực; hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; tiếp tục tham gia và thực hiện các sáng kiến, thỏa thuận quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế carbon thấp.

Đến nay, các bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động, như: Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan ngành giao thông vận tải; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2022 phù hợp với các cam kết của Việt Nam tại COP26 để gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu...

Bộ trưởng các bộ liên quan đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch hành động của ngành với những chỉ tiêu cụ thể triển khai cam kết tại COP26 (Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).

Lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành đã làm việc với lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và các định chế tài chính quốc tế nhằm thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải carbon thấp. Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ngành đã ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện cam kết COP26 với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Môi trường Nhật Bản, Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Liên minh Năng lượng vì hành tinh và con người (GEAPP); Cơ quan Dịch vụ dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS) cùng Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP); các ngân hàng: Citi Bank, HSBC, Standard Chatered, BIDV, Ngân hàng Hàng hải Việt Nam để triển khai các cam kết tại COP26. Các cơ quan cũng đã làm việc với Liên minh Tài chính Glasgow (GFANZ) và các định chế tài chính trong và ngoài nước về đánh giá các giải pháp nhằm huy động tài chính, nguồn lực của khối tư nhân tham gia triển khai cam kết tại COP26.

Việt Nam đã tham gia Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 do Nhật Bản khởi xướng nhằm thúc đẩy giảm phát thải carbon và hợp tác chuyển dịch năng lượng, trong đó việc loại bỏ năng lượng hóa thạch, bổ sung năng lượng tái tạo được thực hiện một cách hợp lý với ưu tiên cao.

Các địa phương đã tổ chức triển khai, quán triệt về các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thông qua thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tuyên truyền các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn năng lượng xanh; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính; giao khu vực biển để phát triển các dự án điện gió.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bước đầu đã nghiên cứu và giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch, xây dựng kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính. Các tập đoàn viễn thông như VNPT, MobiFone đã đồng hành cùng các bộ, ngành, các doanh nghiệp chuyển đổi số tạo đòn bẩy cho phát triển kinh tế. Một số tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0. Thúc đẩy chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để trở thành động lực dẫn dắt, tạo tác động lan tỏa trong những ngành, lĩnh vực then chốt, nhất là trong phát triển kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, chuyển đổi số, đầu tư chip bán dẫn, hydrogen…

Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo vệ tầng ozon và bảo vệ môi trường là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các hoạt động giảm phát thải, thúc đẩy phân loại xanh trên phạm vi cả nước thực hiện cam kết tại COP26. Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định trách nhiệm phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính đối với 1.912 cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 trở lên nhằm góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại COP26 - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo dự và phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để triển khai JETP

Đáng chú ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Đề án triển khai JETP. Đề án xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu (đến năm 2030 và những năm sau năm 2030), bao gồm 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm để các bộ, ngành, địa phương thực hiện: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi năng lượng; (2) Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; (3) Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; (4) Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (5) Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng lưới điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; (6) Chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí nhà kính của ngành giao thông vận tải; (7) Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; (8) Bảo đảm công bằng trong chuyển đổi năng lượng; (9) Truyền thông, nâng cao nhận thức; (10) Thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển đổi năng lượng công bằng. Đề án cũng phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP.

JETP được Việt Nam và các nước trong, ngoài G7 được thông qua và công bố ngày 14/12/2022 tại Vương quốc Bỉ. Thông qua JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện chính sách, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ tài chính cho chuyển đổi năng lượng công bằng; thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cấp hạ tầng lưới điện; phát triển các kỹ năng và năng lực cần thiết đối với chuyển đổi công bằng thông qua giáo dục và đào tạo nghề; tăng cường tham gia của khu vực tư nhân; phát triển trung tâm năng lượng tái tạo và hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; thúc đẩy lưu trữ, cất trữ và sử dụng carbon, sản xuất thiết bị và pin lưu trữ năng lượng, sản xuất hydrogen xanh, phát triển điện gió ngoài khơi.

Gói tài chính JETP bao gồm: Hỗ trợ không hoàn lại; hỗ trợ kỹ thuật; các khoản vay mà các nước, các ngân hàng phát triển đa phương, các quỹ hỗ trợ Việt Nam (bao gồm các điều khoản về lãi suất, điều kiện để vay và giải ngân...); các khoản tín dụng các ngân hàng, tổ chức tín dụng quốc tế trong Liên minh Tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ); các khoản đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Mức cam kết ban đầu là 15,5 tỷ USD trong 3-5 năm tới bên cạnh các nguồn hỗ trợ tài chính hiện có.

Nguồn: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-ban-chi-dao-quoc-gia-thuc-hien-cam-ket-tai-cop26-102230714145320098.htm


Nguồn: baochinhphu.vn

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Thanh Hóa quyết tâm trở thành tỉnh "giàu có" xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến

Thanh Hóa quyết tâm trở thành tỉnh "giàu có" xứng đáng với niềm tin yêu, kỳ vọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính mến

19:56 , 22/07/2024

Trái tim "nóng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, Người học trò xuất sắc, gương mẫu, trung thành, tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta và Nhân dân ta, nhà lý luận sâu sắc, nhà văn hoá lớn của dân tộc ta, đã vĩnh viễn ngừng đập. Đây là mất mát to lớn không gì bù đắp nổi đối với Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta, Nhân dân ta và bạn bè quốc tế; để lại niềm thương xót khôn nguôi trong cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả

Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hiệu quả

19:56 , 22/07/2024

Chiều ngày 22/7, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06 tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, đánh giá tình hình, kết quả triển khai công tác chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm thăm, tặng qùa các gia đình chính sách

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm thăm, tặng qùa các gia đình chính sách

19:47 , 22/07/2024

Sáng ngày 22/7, đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu, đã đến dâng hoa, dâng hương tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Ngọc Lặc; thăm và tặng quà gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện.

Chủ động ứng phó với cơn bão số 02 và mưa lũ

Chủ động ứng phó với cơn bão số 02 và mưa lũ

11:25 , 22/07/2024

Từ trưa ngày 22/7, cơn bão số 02 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ, gây gió mạnh, sóng lớn trên biển và mưa lớn tại các địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là khu vực phía Đông Bắc Bộ trong những ngày tới.

Nhiều đơn vị treo cờ rủ sớm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Nhiều đơn vị treo cờ rủ sớm tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

20:35 , 21/07/2024

Theo thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Thời gian Quốc tang diễn ra trong 2 ngày 25 và 26/7. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã treo cờ rủ sớm để tỏ lòng thành kính tiếc thương đồng chí Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng Nhân dân Thanh Hóa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lòng Nhân dân Thanh Hóa

20:11 , 21/07/2024

Những ngày qua, cùng với Nhân dân cả nước, cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp Nhân dân Thanh Hóa bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người cộng sản kiên trung, suốt đời cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn đó là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng và lý tưởng sống cao đẹp về phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, đạo đức và nhân cách của đồng chí đã lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ

20:06 , 21/07/2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 21/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó bão số 2 và mưa lũ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát huy lợi thế, tiềm năng để Thanh Hóa trở thành "tỉnh kiểu mẫu"

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phát huy lợi thế, tiềm năng để Thanh Hóa trở thành "tỉnh kiểu mẫu"

19:46 , 21/07/2024

Cách đây 4 năm, ngày 17/7/2020, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Thanh Hóa, chính thức thống nhất ban hành Nghị quyết số 58 về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đường cho Thanh Hóa phát triển mạnh mẽ hơn.

Quảng Xương tổng kết phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu"

Quảng Xương tổng kết phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu"

23:01 , 20/07/2024

Hội Cựu chiến binh huyện Quảng Xương vừa tổng kết phong trào thi đua "Cựu chiến binh gương mẫu" giai đoạn 2019 – 2024.

Tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp Nhân dân Thanh Hoá

Tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng bộ, Chính quyền và các tầng lớp Nhân dân Thanh Hoá

20:55 , 20/07/2024

Vào hồi 13 giờ 38 phút ngày 19 tháng 7 năm 2024 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần. Một trái tim lớn đã ngừng đập, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sĩ cả nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo lỗi lạc, có tâm, có tầm của Đảng, trọn đời vì nước, vì dân. Trong những năm giữ cương vị Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, người luôn hết lòng vì nước, vì dân. Thanh Hoá là một trong những địa phương vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 2 lần về thăm và đặc biệt, Nghị quyết 58 về xây dựng phát triển tỉnh Thanh Hoá đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành là sự quan tâm đặc biệt của Bộ chính trị và cá nhân Tổng Bí thư với vùng đất nằm ở đầu dải đất miền Trung với nhiều tiềm năng và cơ hội để cất cánh.